Giọng điệu ca ngợi, tự hào

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 83 - 85)

Chương 3 KỸ THUẬT KỂ TRONG TRUYỆN CỔ TÀY – NÙNG

3.2. Giọng điệu

3.2.2. Giọng điệu ca ngợi, tự hào

Một giọng điệu cũng thường thấy nữa trong truyện cổ Tày - Nùng cũng như truyện cổ nhiều dân tộc trên thế giới là giọng điệu ca ngợi, tự hào. Giọng điệu này thường dùng cho những truyện kể về người anh hùng, những nhân vật có đóng góp to lớn cho nhân dân.

Trong xã hội ngày xưa, người anh hùng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng. Có thể nói, họ là hình tượng tiêu biểu cho tính cách cộng đồng và là người biến mơ ước cộng đồng thành hiện thực. Những người anh hùng thường có xuất thân gần gũi với nhân dân, mang những đức tính của nhân dân như: tốt bụng, chăm chỉ, thông minh, cương trực.... Nhờ có trí thông minh, sự cương trực, nhân hậu cùng với sự giúp đỡ của thần tiên, họ đã thực hiện được những nhiệm vụ to lớn mang lại công bằng, ấm no cho cộng đồng

của mình. Chàng Quan Triều trong truyện Chàng Quan Triều vốn là một

người nông dân bình thường tốt bụng và chăm chỉ. Nhờ có áo thần giúp anh có thể "tàng hình" nên không chỉ giúp người dân không còn phải đóng thuế vô lí mà con giúp vua diệt giặc, cứu nước: "Nói xong chàng mặc áo thần vào rồi đi thẳng sang dinh trại giặc sục sạo khắp nơi. Bọn lính đông như kiến cỏ nhưng không một ai nhìn thấy chàng. Giữa lúc tên tướng giặc đang hung hăng thúc quân tiến đánh thì Quan Triều giật phắt thanh kiếm, thét lên một câu, chém đứt đôi người nó chết không kịp ngáp. Quân giặc mất tướng xôn xao như ong vỡ tổ, chúng giẫm đạp lên nhau, chạy trốn cả về biên ải, không một

đứa nào dám ngoái cổ lại. Thừa thắng Quan Triều quay về trại, dẫn quân sĩ đuổi theo, tiêu diệt". Hình ảnh chàng Quan Triều của dân tộc Tày - Nùng thật giống với hình ảnh những anh hùng trong truyện cổ tích Việt. Đó là Thánh Gióng, là Thạch Sanh... Họ được sinh ra từ làng quê, bản mường. Lớn lên, họ mang sức mình ra cứu làng, cứu bản, cứu nước, trở thành những người anh hùng sáng mãi trong lòng biết bao thế hệ.

Đâu chỉ những người cầm gươm ra trận mới được ngợi ca. Chàng nho sĩ, chàng mồ côi có cống hiến cho cộng đồng cũng luôn được kể với giọng

điệu tự hào, ngợi ca không kém. Trong truyện Mồ Côi xử kiện của người Tày,

giọng điệu đó bộc lộ rất rõ ràng: "Ngày xưa một viên quan trấn nọ thấy Mồ Côi thông minh, hoạt bát, liền đưa chàng về hầu điếu đóm. Trong những buổi xử kiện viên quan đều cho Mồ Côi đi theo. Vì vậy dần dần Mô Côi cũng biết cách xử kiện. Nhiều buổi, say rượu hoặc mỏi mệt, quan cũng cho phép Mô Côi thay mình hòa giải những vụ xích mích nho nhỏ. Chàng thường nghe ngóng cẩn thận, nói năng hòa nhã. Và nhờ thông minh, chàng phân xử đâu ra đấy nên đã nhiều lần làm cho cả nguyên lẫn bị hài lòng. Vì thế quan lại càng tin dùng. Còn dân mỗi lần phải đưa nhau lên cửa quan, thường muốn được Mô Côi xét xử" (Mồ côi xử kiện). Nhân vật Mồ Côi trong truyện trên tuy xuất thân không phải là quan nhưng lại được tin dùng hơn quan. Đó mới chính là vị quan mong muốn trong lòng dân. Truyện cổ đã dựng nên Mồ Côi để phản ánh giấc mơ của mình về một trật tự xã hội mới công bằng hơn. Có thể thấy rằng, những người được dân tin, dân ngợi ca trong truyện cổ hay ngoài đời thực đều là những anh hùng, những người kiệt xuất, những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng. Và lịch sử cũng như văn hóa, văn học đã chứng minh được: Người dân đã tin tưởng, đã ngợi ca, coi là niềm tự hào của cộng đồng thì không bao giờ sai.

Không chỉ có những người anh hùng như chàng Quan Triều của người Tày mà những người hiếu thảo, tốt bụng cũng luôn được truyện cổ Tày - Nùng

yêu mến, ca ngợi. Đó là hai mẹ con bà góa trong Pế Giải Mả của người Tày,

nhờ lòng tốt cứu giúp người ăn xin mà được cứu thoát khỏi trận đại hồng thủy, vẫn còn lưu sự tích cùng non nước Ba Bể đến tận ngày nay. Đó là một anh mồ côi tên Hò Kính Thán được nhận nuôi đã báo đáp cha mẹ nuôi của mình hết

sức tử tế được người đời ca tụng. Đó là chàng Lìong trong truyện Đôi bạn của

người Nùng hết lòng với bạn, giúp bạn từ người ham chơi lười làm trở thành kẻ chí thú làm ăn... Rất nhiều những tấm gương tốt trong cuộc sống đã được người Tày, người Nùng đưa vào truyện cổ. Và từ truyện cổ, qua những đêm trăng được kể bên bờ suối, bên hiên nhà bằng lời ngợi ca, đầy tự hào, những tấm gương nhân hậu, quả cảm đó đã có tác động sâu sắc đến tâm hồn người nghe, xây đắp nên một văn hóa Tày - Nùng trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, sống nhân nghĩa, chan hòa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)