Chương 1 KHÁI LƯỢC VỀ THI PHÁP TỰ SỰ VÀ VĂN HÓA TÀ Y NÙNG
2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện
2.1.1.3. Sự trút lốt của nhân vật
Hầu hết các nhân vật trong kiểu truyện người mang lốt đều trút lốt vật để mang hình dạng con người, nhưng thời điểm trút lốt của mỗi nhân vật mang lốt vật diễn ra không giống nhau. Có nhân vật trút lốt trước khi kết hôn, có nhân vật lại trút lốt sau khi kết hôn song số lượng nhân vật trút lốt trước khi kết hôn chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối. Có thể thấy: Hôn nhân là một trong
những mốc quan trọng trong cuộc đời của nhân vật mang lốt, nó có ý nghĩa của sự quyết định số phận nhân vật đổi đời hay không có sự đổi đời.
Cách thức trút lốt của các nhân vật chủ yếu là nhân vật tự chui ra khỏi
lốt như nhân vật nàng Dụ trong Chuyện chàng mồ côi (Nùng), Cóc con Lệnh
Trừ (Tày), Chuyện nàng công chúa và chàng "dê" rừng (Tày)... Dù mang
những lốt khác nhau song sau khi trút lốt, các nhân vật đều có chung một hình hài đó là những con người bình thường, đẹp đẽ, hoàn mĩ. Điều đó chính là phần thưởng kỳ diệu mà các tác giả dân gian ban tặng cho những con người bất hạnh, thiệt thòi trong xã hội. Việc làm này phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân lao động khi xây dựng hình tượng nhân vật người mang lốt vật.
Đa số các nhân vật mang lốt vật đều có sự đổi đời hạnh phúc sau khi trút lốt vật. Chúng tôi gọi là kiểu kết thúc số phận có hậu. Có thể thấy kết thúc có hậu là kiểu kết thúc đặc trưng của kiểu truyện người mang lốt. Hầu hết các nhân vật mang lốt sau khi vượt qua thử thách khó khăn trong cuộc đời đều được trút bỏ lốt vật, mang hình dạng con người đẹp đẽ, hoàn thiện và sống hạnh phúc với ân nhân hoặc với nàng công chúa, cô út, cô ba...
Việc sáng tạo nên các hình tượng nhân vật mang lốt này đã giúp quần chúng lao động giải tỏa ẩn ức về mơ ước công bằng, đổi đời. Họ đã làm thay số phận của hàng loạt con người vốn bị xã hội hắt hỉu, sống cô đơn, nghèo khổ bằng trí tưởng tượng, lòng nhân đạo. Các nhân vật đội lốt vì vậy cũng phản ánh những nét đẹp về tài năng, phẩm chất chung của cộng đồng người lao
động. Ở kiểu kết thúc như trong các truyện Cóc con Lệnh Trừ, Nàng công
chúa và chàng dê rừng (Tày)... chất lạc quan tràn đầy trong các câu chuyện.
Ví như trong Nàng công chúa và "chàng" dê rừng có anh chàng Dàng mồ côi
cả cha lẫn mẹ, anh phải làm lụng nên trở nên xấu xí. Nhờ lòng tốt gáng giúp củi mà anh được một tiên ông sửa mặt cho trở nên vô cùng đẹp đẽ. Nhưng vì
da anh vẫn đen nên anh phải chui vào bộ lông của một con dê ẩn nấp trong hang gần cung vua. Công chúa hàng ngày đi chăn dê được anh giúp đỡ đã mến con dê. Một lần, nàng nhìn thấy chàng thoát khỏi bộ da dê thành chàng trai trắng đẹp, nàng xé bỏ bộ da dê và hai người sống với nhau hạnh phúc. Hay
trong truyện Cóc con Lệnh Trừ: "Lệnh Trừ lên làm vua, tôn công chúa Ba lên
làm hoàng hậu. Lệnh Trừ lên ngôi giữa muôn tiếng reo mừng của bách quan", còn tên vua tham lam, thất tín trở thành con cóc... Đây là sự thanh lọc và đồng thời cũng là sự hồi tưởng cái tiêu chuẩn lí tưởng mà con người mơ ước nhưng chưa có được, còn phải đấu tranh để vươn tới nữa, như nhân vật truyện cổ tích vẫn làm. Chúng ta dường như trong một khoảnh khắc của diễn xướng, nhân dân đã thoát khỏi sự nghèo nàn, tối tăm của cuộc sống hằng ngày để vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, ấm no, một xã hội công bằng.
Chính với phần thưởng cuối cùng này đã làm cho nhân vật người mang lốt vật càng trở nên hoàn hảo, ước mơ công lí dân gian cũng được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc tác giả dân gian để cho nhân vật người mang lốt vật trở thành Vua, quan cũng phản ánh bế tắc về nhận thức và lí tưởng thực tại của nhân dân. Điều đó là do hạn chế về mặt nhận thức của người dân trong mối quan hệ giai cấp. Trong xã hội cũ, hoàn cảnh sống và khả năng không cho phép nhân dân được thực hiện công lí của mình. Họ chỉ còn cách để nhân vật từ bỏ địa vị thấp hèn của mình khi mang lốt vật để bước vào đẳng cấp cao hơn, trở thành nhân vật đế vương hay ra làm quan, cũng có khi là người giàu có. Song, chính cái kết thúc có hậu này đã phản ánh ước mơ về sự công bằng xã hội thể hiện tính chất dân chủ của thể loại truyện cổ tích, bên cạnh đó nó còn góp phần càng tăng thêm sự tươi sáng cho giấc mơ về công lí và hạnh phúc của nhân dân, đặt nền tảng cho những cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp thống trị sau này.
Bên cạnh kiểu nhân vật người mang lốt vật trong các câu chuyện cổ tích Tày - Nùng kết thúc có hậu thì cũng có nhân vật mang lốt lại có kết thúc không được như mong đợi, tức là kết thúc không có hậu hay còn gọi là kết thúc bi kịch. Những nhân vật mang lốt vật dù có phẩm chất đạo đức cao đẹp, dù đã làm việc rấy chăm chỉ, sống rất tốt, hi sinh tất cả vì chồng, con nhưng lại bị chồng phản bội, đối sử tệ bạc và mãi mãi trở về kiếp sống con vật hoặc
không bao giờ trở lại trần thế nữa. Đó là nàng Dụ trong truyện Chuyện chàng
mồ côi (Nùng): Có chàng mồ côi đi chăn bò thuê, cứu được một con bướm
xinh đẹp. Bướm hóa thân thành cô gái tuyệt trần tên là Dụ. Lấy Dụ về, chàng trở nên giàu có nhưng sinh ra lười biếng, lêu lổng. Dụ tìm đủ cách khuyên can chồng. Vì không khuyên được chàng, Dụ từ biệt chàng về trời bằng một điệu khèn lá buồn bã. Của cải cũng theo nàng về trời. Chàng trở lại nghèo khổ như xưa.
Hoặc những nhân vật đội lốt không được sống hạnh phúc bên chồng bởi
thế lực thống trị. Đó là truyện Tài Xì Phoòng: Tên chủ cũ Núng Cún mời
chàng Tài Xì Phoòng uống rượu và vu cho tội sàm sỡ vợ hắn. Hắn đòi lôi chàng đi kiện nếu chàng không đổi vợ và gia tài cho hắn. Nghe lời công chúa (nhân vật đội lốt - con gái Long Vương), chàng đã đổi được gia tài lão chủ và 3 vợ đẹp. Sau khi đổi, công chúa biến mất, lão chủ tham lam bị cuốn trôi. Tài Xì Phoòng mặc dù được giàu có và có 3 vợ người trần nhưng suốt cuộc đời không gặp lại được người vợ tiên mà chàng thương yêu nữa.
Hoặc như truyện Chàng gánh củi Thàng Cao Chúa: Chàng mồ côi gánh
củi tên là Thàng Cao Chúa đã cứu một con rắn hoa mai - con gái Long Vương. Rắn hóa thành cô gái đẹp và cùng chàng nên duyên chồng vợ. Họ sống giàu có và hạnh phúc. Một tên vua muốn cướp nàng về làm vợ. Nàng đã dùng mưu
lừa lão vua đến tòa lâu đài và làm tòa lâu đài sụp xuống, dìm lão xuống biển nước nhưng nàng cũng biến mất và không trở lại đoàn tụ với chồng nữa.
Qua những câu chuyện có kết thúc không có hậu như trên, đã phản ánh một bước phát triển của kiểu truyện người mang lốt, cho ta thấy rõ hơn số phận của nhân vật tài năng nhưng nhỏ bé trong xã hội cũ. Muốn có được hạnh phúc, họ đã phải đánh đổi điều mà họ luôn mong muốn có được. Đó là hạnh phúc.
Tuy vậy, kết thúc không có hậu đối với nhân vật đội lốt lại luôn đi cùng một cái kết có hậu khác: tiêu diệt hoặc phải trừng trị những mầm mống gây ra tội ác. Những kẻ về bản chất nhan hiểm, xấu xa, bội bạc đều bị trừng phạt quay về sống kiếp nghèo khổ, cô đơn đến suốt đời hoặc phải trả giá bằng tính mạng, tài sản. Với đòn trừng phạt cuối cùng, truyện cổ tích người mang lốt vật dạng này vang lên khúc ca chiến thắng của công lí, đạo đức, phẩm chất, tài năng. Và sau kết thúc ấy, xã hội trong tưởng tượng của con người sẽ không còn tội ác, bất công mà thay vào đó là một xã hội thanh bình, hạnh phúc yên vui. Nó cũng đã phản ánh triết lí nhân sinh “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” “ có thưởng có phạt” và lý tưởng xã hội về sự công bằng. Chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề này kỹ hơn trong chương 3 của luận văn.