Công thức miêu tả nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 73 - 75)

Chương 3 KỸ THUẬT KỂ TRONG TRUYỆN CỔ TÀY – NÙNG

3.1. Công thức truyện kể

3.1.3.1. Công thức miêu tả nhân vật

Công thức trong miêu tả chung cho nhân vật truyện cổ như chúng tôi đã có dịp bàn đến trong quá trình phân tích nghệ thuật xây dựng các loại hình nhân vật ở chương 2. Trong chương này, chúng tôi xin trình bày một cách khái lược lại công thức miêu tả ấy.

Có thể nhận thấy rằng, nhân vật trong truyện cổ được miêu tả ở dạng khái quát cao, theo những công thức cố định. Công thức đó luôn là: đặc điểm hình dáng + đặc điểm tính cách/phẩm chất. Trong đó, đặc điểm tính cách/phẩm chất chiếm ưu thế. Mỗi loại nhân vật trong truyện cổ Tày - Nùng

nói riêng và truyện cổ nói chung đều có những cách miêu tả đặc điểm khác nhau:

Hình thức đặc trưng của kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích là kì dị, xấu xí, đầy khiếm khuyết. Song đến phần cuối của truyện, hình thức của họ dưới phép màu thần kỳ hoặc do nỗ lực cải tạo không ngừng trở nên đẹp đẽ, hoàn mĩ. Phẩm chất của họ trong giai đoạn này cũng cân xứng với

ngoại hình hoàn mĩ ấy của họ. Trong truyện Chàng mồ côi và cô út (Tày),

nhân vật chính là chàng trai mồ côi có ngoại hình vô cùng xấu xí, chàng xấu xí đến mức các cô con gái của ông cụ - người đã cứu được chàng - không muốn cho chàng ở trong nhà: "Thấy bố dắt về một chàng trai không ra hình người "mặt mũi gớm ghiếc, đầu không còn sợi tóc, da dẻ sần sùi, hai vành tai sứt lở, áo quần rách nát", các cô con gái, trừ cô út, đều tránh xa. Họ nói với bố đuổi ngay Mồ côi ra khỏi nhà". Nhưng sau ba tháng không gặp, khi gặp lại, cô út không nhận ra chàng nữa bởi chàng đã trở thành "một chàng trai mặt mày sáng sủa, da dẻ hồng hào, đầu tóc gọn ghẽ". Nhờ phẩm chất chân thật, chăm chỉ cùng ngoại hình như vậy, chàng đã trở thành rể của phú ông, sống hạnh phúc bên cô út.

Đối với nhân vật nữ, công thức miêu tả đặc điểm ngoại hình luôn là: "xinh đẹp tuyệt trần" hoặc "mặt ngọc, da ngà". Như trong truyện Tài Xì Phoòng, nhân vật nữ là một cô gái "mặc áo hoa đủ năm màu: xanh, đỏ, trắng, tím, vàng hiện lên giữa con nước. Cô con gái mặt ngọc, da ngà, từ từ tiến đến trước mặt chàng, cúi đầu chào". Đây là cách miêu tả hoàn toàn khái quát, không trọng chi tiết mà để cho người đọc, người nghe tự hình dung, tưởng tượng theo chuẩn thẩm mỹ của riêng mình.

Ngược lại với nhân vật phản diện, đối với nhân vật phản diện, công thức miêu tả không chú trọng đặc điểm ngoại hình mà chủ yếu là miêu tả tính

cách cộng với sự giàu có. Ví như trong truyện Vàng giả, vàng thật (Tày):

"Nhà phú ông này vốn là nhà giầu có nhất vùng. Phú ông có bao nhiêu của giấu của chìm không ai biết. Người ta chỉ biết lão có một trăm con trâu, một trăm con bò, một trăm đám ruộng, gà vịt ngan ngỗng không thể đếm được. Đồ dùng thức đựng của lão hàng ngày đều là những loại bằng đồng bằng sứ. Nhưng đặc biệt lão có hai chậu vàng nổi tiếng, nhà lão có tới chục đầy tớ và người làm công." Thường trong công thức miêu tả đặc điểm nhân vật phản diện này ngầm cho phép dự báo về sự nảy sinh xung đột giữa nhân vật phản diện và chính diện làm nên biến cố của câu chuyện.

Như vậy, qua từng công thức miêu tả, tùy từng đối tượng cụ thể, truyện cổ không chỉ cho thấy quan niệm thẩm mỹ của nhân dân lao động về cái đẹp hình thể và cái đẹp tâm hồn mà qua đó còn ngụ ý khen, chê về phẩm chất nhân vật đồng thời ngầm dự báo những xung đột trong cốt truyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 73 - 75)