Phẩm chất và tài năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 50 - 53)

Chương 1 KHÁI LƯỢC VỀ THI PHÁP TỰ SỰ VÀ VĂN HÓA TÀ Y NÙNG

2.13.2. Phẩm chất và tài năng

Nổi bật lên trong tính cách của người phụ nữ trong truyện cổ tích Tày - Nùng là lòng chung thủy. Có thể nhận thấy, xã hội Tày - Nùng là xã hội trọng niềm tin, chữ tín và nghĩa thủy chung. Nàng Tô Thị vì nhớ thương người chồng - cũng chính là anh trai của nàng - bế con lên núi ngóng trông, thời gian, sương gió và nỗi cô đơn, đau khổ đã biến hai mẹ con nàng thành đá.

Tình yêu của nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn lại mãi với thời gian (Đá trông

chồng). Nàng Dụ trong truyện Chuyện chàng mồ côi cũng là đại diện cho

người vợ thủy chung, thương chồng trong xã hội người Tày - Nùng. Mặc dù chàng Mồ Côi sau khi có cuộc sống sung túc trở nên thay đổi, chàng chơi bời, lêu lổng nhưng nàng vẫn hết mực thương chồng, khuyên bảo chồng. Khi người chồng đã cạn tình, cạn nghĩa, nàng vừa rơi nước mắt thổi điệu chia ly

vừa trở về trời. Chàng mồ côi nghe tiếng sáo não nề, buồn tủi sực tỉnh nhưng đã muộn, chàng vĩnh viễn mất đi người vợ thủy chung. Hoặc như cô út trong

truyện Chàng mồ côi và cô út, mặc dù chàng trai Mồ Côi nghèo khó, dung

mạo không ra người nhưng cô út luôn dành cho chàng tình cảm son sắt trước sau như một. Khi chàng trai còn là người "mất tai, mất tóc", cô út không xa lánh như hai cô chị mà luôn gần gũi, truyện trò. Sau khi vắng nhà ba tháng, lúc trở về, thấy chàng trai khôi ngô, tuấn tú chăn trâu cho nhà mình, cô út không vì thế mà nảy sinh tình cảm khác, cô vẫn tìm kiếm và mong chờ chàng Mồ Côi. Nhờ vậy, Mồ Côi mới biết được tình cảm thủy chung đó và ngỏ lời muốn kết duyên cùng cô, sống cuộc sống hạnh phúc. Không chỉ những người vợ tiên, những người vợ đời thường của các nhân vật trong truyện cổ tích Tày - Nùng cũng luôn là những người phụ nữ đức hạnh, yêu chồng, yêu gia đình

dù người chồng đó có ra sao: xấu xí hay ngốc nghếch (Chàng ngốc đi học).

Họ còn là những người phụ nữ nhân hậu. Có thể xuất thân ở địa vị cao, gia cảnh giàu có, chưa bao giờ chịu khổ sở nhưng họ có sự đồng cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh như chàng mồ côi, chàng trai nghèo khổ, hoặc với những con vật tầm thường. Họ sẵn sàng từ bỏ sự sung sướng, gấm vóc lụa là, cuộc sống ăn ngon mặc đẹp để về chịu chung cảnh nghèo khó với chồng.

Công chúa ba trong Cóc con Lệnh Trừ , biết chồng mình là cóc nhưng có

những phẩm chất phi thường nên vẫn quyết định lấy chàng khiến vua cha nổi

giận lôi đình " rút kiếm toan chém công chúa Ba". Hoặc như truyện Chàng

Sìng Xa: Sìng Xa là một chàng trai nghèo khó đến mức không có quần áo,

phải đi nhặt phân để bán kiếm sống. Chàng được cô gái con nhà phú ông thương tình đắp cho chiếc áo trong một đêm ngủ nhờ hiên nhà phú ông. Phú ông cho rằng chàng ăn cắp, đòi đánh và chém đầu chàng. A Súng - tên cô con gái - bèn đưa chàng bỏ trốn và nên vợ chồng với chàng. Hoặc như truyện

Công chúa và chàng dê rừng: Công chúa hàng ngày đi chăn dê được chàng

trai - khi đó đội lốt dê giúp đỡ nên đã mến con dê. Một lần, nàng nhìn thấy chàng thoát khỏi bộ da dê thành chàng trai trắng đẹp, nàng xé bỏ bộ da dê đó và hai người nên duyên vợ chồng. Nhờ tấm lòng nhân hậu - nét đẹp luôn có trong tâm hồn mỗi người phụ nữ mà họ đã giúp đỡ cho những chàng trai nghèo khó, xấu xí trở nên sung túc và hạnh phúc.

Trong truyện cổ Tày - Nùng có nhiều truyện ca ngợi sự thông minh, tài

trí của người phụ nữ. Tiêu biểu đó là các truyện: Chuyện chàng gánh củi

Thàng Cao Chúa, Chuyện chàng Sìng Xa, Chàng ngốc đi học, Lão Pản, Tài Xì Phoòng... Những người phụ nữa đó bằng trí thông minh, gan dạ của mình đã

đứng lên đối đầu với thế lực đối lập để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đó là những tên vua quan, cường hào, phú ông tham lam, dâm ô. Vợ Thàng Cao Chúa, sau khi đã dùng mưu khiến lão vua đổi vợ và gia tài của hắn cho Thàng Cao Chúa đã lừa lão đến tòa lâu đài của hai vợ chồng và làm tòa lâu đài sụp xuống, dìm lão xuống biển nước. Hay như trong truyện Lão Pản. Lão Pản già rồi nhưng còn hám sắc. Lão định lừa cho anh chồng đi vắng để tòm tem chị vợ. Hai vợ chồng bèn lập mưu cho lão vào tủ và khóa lại mang đến nhà bắt vợ

lão mua một nghìn lạng bạc. Trong Nàng công chúa ba và ông vua độc ác:

Nghe lời thầy tiên tri, biết trong vùng có cô gái vô cùng thông minh, vua liền cưới cho hoàng tử út để dễ bề hãm hại. Khi đất nước có nạn yêu tinh ăn thịt người. Công chúa ba nhờ thông minh, chính trực nên đã cứu được đất nước. Vua sợ công chúa cướp ngôi như lời tiên tri nên hộc máu chết tươi. Công chúa ba được tôn làm vua. Ở đây, công chúa ba, cũng như những người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh chống lại thế lực thù địch, tiêu biểu cho hình mẫu nhân vật phụ nữ có chức năng như nam giới, làm những việc của nam giới.

Nhân vật nữ trong tác phẩm văn học dân gian có phẩm chất đạo đức cao đẹp, tài năng và trí tuệ hơn người đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người phụ nữ cổ truyền trong xã hội Tày - Nùng. Họ là những người phụ nữ hết lòng hi sinh vì chồng con, là người giữ lửa trong gia đình và truyền lửa trong cộng đồng tộc người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 50 - 53)