Sự xuất hiện và dung mạo của nhân vật nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 49 - 50)

Chương 1 KHÁI LƯỢC VỀ THI PHÁP TỰ SỰ VÀ VĂN HÓA TÀ Y NÙNG

2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện

2.1.3.1. Sự xuất hiện và dung mạo của nhân vật nữ

Những người phụ nữ trong truyện cổ Tày - Nùng là những người phụ nữ có dung mạo xinh đẹp tuyệt trần khiến nhiều chàng trai để ý và muốn chiếm được. Họ thường xuất thân trong những gia đình danh giá, giàu có như là con của phú ông, vua quan hay con của các nhân vật thần tiên như Long Vương.

Nếu là nhân vật phàm trần, họ xuất hiện từ từ qua lời giới thiệu của người kể. Nếu là nhân vật nữ thần tiên, sự xuất hiện của họ thường là "bất thình lình", "bỗng", "thoắt một cái". Trong truyện Tài Xì Phoòng, sự xuất hiện của cô con gái Long Vương khi nhìn thấy chàng Tài Xì Phoòng ngồi khóc ở bờ sông vì đã cứu cá chép (chính là lốt của cô): "bỗng một con nước tự nhiên phun lên giữa dòng, rồi một cô gái mặc áo hoa đủ năm màu : xanh, đỏ, trắng, tím, vàng hiện lên giữa con nước. Cô con gái mặt ngọc, da ngà...". Các nhân vật nữ trong truyện cổ tích ít khi được miêu tả kỹ lưỡng, chủ yếu họ chỉ được miêu tả qua những cụm từ quen thuộc như "vô cùng xinh đẹp", "xinh đẹp tuyệt trần". "mặt ngà da ngọc"... một cách ước lệ song lại làm người đọc cảm thấy hài lòng, kích thích trí tưởng tượng của mỗi người. Có lẽ bởi có sắc đẹp như vậy nên nhiều nhân vật có xuất thân là thần tiên thường chọn ẩn trong lốt những con vật hoang dã, xấu xí như con cá, con rắn hoa mai, con bướm, con sâu.... Một phần họ "cải trang" để tránh nguy hiểm. Một phần chính là để thử lòng những chàng trai tốt bụng, tạo ra bước ngoặt cho truyện cũng chính là cho cuộc đời chàng trai. Bởi xinh đẹp tuyệt trần nên khi đã trút lốt thì ngay lập tức khiến các chàng trai đối diện say mê.

Sự xuất hiện của nhân vật nữ trong truyện cổ tích có ý nghĩa: Một là giúp đỡ cho nhân vật nam chính hoàn thành sứ mệnh truyền tải mơ ước của nhân dân như đổi đời từ nghèo sang giàu có, đưa người chồng từ địa vị thấp hèn lên địa vị cao sang. Nhân vật nữ này thường có xuất thân là thần tiên mang lốt con vật hoặc là con gái của những kẻ giàu có thuộc tầng lớp trên như cô út, cô ba. Hai là trực tiếp thể hiện mơ ước đó của nhân dân. Những nhân vật nữ này cũng có xuất thân từ thế giới thần tiên hoặc là người phụ nữ mạnh mẽ thông minh. Họ trực tiếp đấu tranh chống lại thế lực đối địch như phú hộ, vua quan - những kẻ có ý muốn phá vỡ hạnh phúc của họ - bằng chính phép màu hoặc tài năng, trí tuệ của mình. Song dù xuất hiện với ý nghĩa như thế nào, nhân vật nữ trong truyện cổ tích đều muốn đem đến cho người đọc, người nghe ánh sáng lấp lánh của niềm tin, khát vọng về một xã hội công bằng, hạnh phúc. Bởi mang chức năng truyền tải khát vọng, mơ ước của quần chúng nên nhân vật nữ thường có dung mạo, phẩm chất và tài năng hơn người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 49 - 50)