CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN ÁN
1.2. Cơ sở lý luận và một số khái niệm quan yếu
1.2.2. Ngôn ngữ kể chuyện
Theo quan niệm của chúng tôi, ngôn ngữ kể chuyện tồn tại dưới hai hình thức là ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.
1.2.2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện (narrator)
Ngôn ngữ người kể chuyện là ngôn ngữ mà người kể chuyện sử dụng để kể, miêu tả nhằm tái hiện bức tranh hiện thực đời sống và bày tỏ quan điểm, tư tưởng, tình cảm của nhà văn về cuộc đời. Ngôn ngữ kể, miêu tả và cách xây dựng kết cấu tác phẩm là những yếu tố quan trọng bộc lộ phong cách nghệ thuật của nhà văn. Để làm sáng rõ về ngôn ngữ người kể chuyện luận án đi sâu vào một số khái niệm sau đây:
a) Người kể chuyện
Theo Todorov "không thể có trần thuật thiếu người kể chuyện. Người kể chuyện không nói như các nhân vật khác mà là kể chuyện" [Dẫn theo33, tr.116], "người kể chuyện là nhân tố chủ động trong việc kiến tạo thế giới hư cấu. Chính người kể chuyện là hiện thân của những khuynh hướng mang tính xét đoán và đánh giá" [Dẫn theo33, tr.196].
Genette cho rằng văn bản tự sự phải có ba yếu tố người kể, hành động tự sự và sự kiện được kể ra. Ông phân biệt người kể chuyện với người tiêu điểm hóa và cho rằng người trần thuật là chủ thể trần thuật và cũng là sản phẩm của sự hư cấu "bản thân người trần thuật là một vai hư cấu" [Dẫn theo19, tr.45].
Lê Bá Hán trong Từ điển thuật ngữ văn học đã ghi nhận vai trò của người kể chuyện "Hình tượng người kể chuyện đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lí, nghề nghiệp hay lập trường xã hội cho cái nhìn tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều phối cảnh". [28, tr.154].
Có thể nói người kể chuyện là chủ thể của hành động kể chuyện, có vai trò như một người chứng kiến, trình bày và sáng tạo trong câu chuyện. Người kể chuyện có thể là chính tác giả nhưng cũng có thể là một vai do tác giả hư cấu giúp tác giả kể lại câu chuyện của mình.
b) Các hình thức biểu hiện của người kể chuyện
G.Genette đưa ra bốn kiểu kể chuyện tương ứng với bốn kiểu người kể chuyện. Cụ thể là:
Dựa vào điểm nhìn nghệ thuật tác giả phân biệt thành hai loại người kể chuyện là người kể chuyện bên trong (intradiegetic narrator) và người kể chuyện bên ngoài (extradiegetic narrator). Theo ông, kiểu người kể chuyện bên trong tương đối rõ ràng. Người kể chuyện đơn giản là những nhân vật trong truyện, có thể tham gia hoặc không tham gia vào hành động truyện. Người kể chuyện bên ngoài lại khó xác định hơn rất nhiều, bởi khi đó người kể chuyện hàm ẩn, không xuất hiện trong truyện kể.
Dựa trên mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện, Genette phân biệt hai kiểu người kể chuyện là người kể chuyện đồng câu chuyện và người kể chuyện dị
câu chuyện. Để hiểu rõ hai khái niệm này Genette gắn người kể chuyện với ngôi/nhân xưng trong kể chuyện. Trong đó, người kể chuyện đồng câu chuyện là kiểu người kể chuyện là nhân vật xuất hiện trong tác phẩm nên kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Người kể chuyện dị câu chuyện là kiểu người kể chuyện ở ngoài câu chuyện, không phải là nhân vật trong truyện và thường kể chuyện ở ngôi thứ ba [19, tr.46].
Ngoài sự phân loại của Gennete, dựa trên mối quan hệ giữa người kể chuyện với diễn ngôn truyện kể thể hiện qua hình thức ngôn ngữ có thể phân loại thành hai kiểu người kể chuyện: Người kể chuyện tường minh và người kể chuyện hàm ẩn. Trong đó, người kể chuyện tường minh còn gọi là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, xuất hiện trực tiếp bằng các hình thức của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: “tôi”, “chúng tôi”... Người kể chuyện thuộc vào thế giới của nhân vật được miêu tả cùng tham gia vào hoạt động trong câu chuyện. Người kể chuyện có thể kể về mình hay người khác. Người kể chuyện hàm ẩn không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm, không thuộc về thế giới của truyện kể mà chỉ đứng ngoài quan sát và kể lại câu chuyện của các nhân vật. Người kể chuyện hàm ẩn có ba kiểu. Kiểu thứ nhất người kể chuyện biết hết, đứng trên nhân vật để kể, bình luận, lí giải. Kiểu thứ hai người kể chuyện khách quan chỉ kể cái mà mình quan sát thấy, cảm nhận từ bên ngoài được mà không biết gì thế giới bên trong nhân vật. Kiểu thứ ba người kể chuyện hóa thân thành nhân vật và kể chuyện từ điểm nhìn của nhân vật [76, tr.83].
Dựa trên mối quan hệ với độc giả Booth lại chia thành người kể chuyện tin cậy và người kể chuyện không đáng tin cậy. Trong đó người kể chuyện đáng tin cậy khi anh ta nói và hành động phù hợp với chuẩn mực của tác phẩm. Người kể chuyện không tin cậy không phải nói dối nhưng anh ta có khả năng đánh lừa, lời nói của anh ta bao giờ cũng hòa hợp với chuẩn mực của cuốn sách nhưng thực ra thì không phải thế [76, tr.84].
c) Chức năng của ngôn ngữ người kể chuyện
Từ điển thuật ngữ văn học khẳng định "Tự sự là phương thức tái hiện đời sống" mà trong đó "nhà văn kể lại, tả lại những gì xảy ra" [28, tr.264]. Như vậy dựa theo quan niệm này thì ngôn ngữ người kể chuyện có hai hình thức biểu hiện thể hiện chức năng của nó chính là ngôn ngữ kể và ngôn ngữ miêu tả.
* Ngôn ngữ kể và chức năng của ngôn ngữ kể
- Ngôn ngữ kể: chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc truyện kể. Nội hàm tự sự bao gồm tự (hành động kể) và sự (cái được kể). Nếu như hành động kể liên quan đến người kể chuyện thì cái được kể ở đây chính là sự kiện. Sự kiện được Lupasco định nghĩa như sau: "Sự kiện trong kinh nghiệm thường ngày cũng như trong văn học là cái xảy ra trong thực tiễn của ngày tháng, trong sự đều đặn và trong xác suất của chuỗi các việc - cái mà xảy ra một cách bất thường, hiếm hoi, không lường trước được" [Dẫn theo76, tr.86].
IU.M. Lotman cho rằng “Nền tảng làm nên khái niệm truyện kể là quan niệm về sự kiện” [51, tr.411]. Trong cuốn Cấu trúc văn bản nghệ thuật, ở chương Vấn đề truyện kể, ông xác định sự kiện bằng hai cách, qua hai định nghĩa:
Định nghĩa thứ nhất:“Trong văn bản, sự kiện là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của một trường nghĩa”[50, tr.414]. Ở định nghĩa này, sự kiện và tầm quan trọng của nó được xác định từ điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của tác giả và độc giả. Từ điểm nhìn ấy, sự kiện thuộc về thực tại của sự kể chuyện.
Định nghĩa thứ hai: “Sự kiện được xem là cái xẩy ra, mặc dù có thể không xẩy ra…, là sự vượt qua cái ranh giới bị cấm kị mà cấu trúc phi truyện kể đã xác lập” [50, tr. 417,420]. Ở đây, sự kiện được xác định từ điểm nhìn bên trong tức là từ điểm nhìn của nhân vật. Từ điểm nhìn ấy, sự kiện không thuộc thực tại của sự kể chuyện, mà thuộc thực tại của câu chuyện được kể.
Như vậy, sự kiện là một sự việc nào đó đã xảy ra nhưng không phải mọi việc xẩy ra đều trở thành sự kiện. Sự kiện là cái xảy ra bất thường phá vỡ chuỗi các việc đang diễn ra bình thường, đều đặn. Sự kiện có thể là hành động, lời nói bên ngoài hay suy nghĩ, tình cảm từ bên trong của các nhân vật được tái hiện chủ yếu nhờ ngôn ngữ tự sự. Ngôn ngữ giúp tái hiện sự kiện chính là ngôn ngữ kể.
- Chức năng của ngôn ngữ kể:
+ Chức năng biểu đạt sự kiện: G. Genette đã nêu khái niệm tự sự như sau: “Tự sự là trình bày một sự kiện hay một chuỗi sự kiện có thực hay hư cấu, bằng phương tiện ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ tự sự”. [21, tr.41]. Như thế, Gennete đã thừa nhận sự kiện là nền tảng của tự sự, kể chuyện chính là sự trình bày sự kiện.
Sự kiện luôn diễn ra trong một không gian, thời gian, hoàn cảnh và gắn với nhân vật cụ thể. Bởi vậy thông qua lời kể bức tranh đời sống và con người hiện ra trước mắt người đọc, giúp nhà văn bày tỏ chủ quan về cuộc đời. Ngôn ngữ kể vì thế có vai trò giúp người tiếp nhận nhận thức về hiện thực đời sống và con người một cách sâu sắc.
+ Chức năng xây dựng cấu trúc truyện kể: Trong công trình Giao tiếp của diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Diệp Quang Ban đã nêu khái niệm về truyện kể "truyện kể là chuỗi các sự kiện tiếp nối trong thời gian được tích hợp trong một hành động tổng thể gồm có bắt đầu, phần giữa và phần kết thúc, có đề tài, được diễn đạt bằng các câu (các vị từ) chuyển đổi và qua đó mà rút ra nhận định về luân lí"[6, tr.480]. Với khái niệm này, Diệp Quang Ban đã khẳng định truyện kể không chỉ là chuỗi các sự kiện mà còn là quá trình sắp xếp, hợp nhất các sự kiện thành một chỉnh thể thống nhất.
Trong truyện kể chuỗi các sự kiện có thể được sắp xếp, hợp nhất theo nhiều cách thức khác nhau. Việc sắp xếp, hợp nhất chuỗi sự kiện chịu sự chi phối của hình tượng người kể chuyện và điểm nhìn nghệ thuật. Trong đó, sự gắn kết của các sự kiện trong truyện kể được hình thành từ ba con đường: quan hệ không gian, quan hệ thời gian, quan hệ logic. Từ những con đường này mới hình thành các hình thức kết cấu tác phẩm như kết cấu thời gian, kết cấu tâm lý, kết cấu vòng tròn...
* Ngôn ngữ miêu tả và chức năng của ngôn ngữ miêu tả
- Ngôn ngữ miêu tả: Ngôn ngữ kể chuyện bao gồm cả ngôn ngữ miêu tả vì miêu tả cũng là lời của người kể chuyện. Nếu trung tâm của ngôn ngữ kể là sự kiện thì trung tâm của ngôn ngữ miêu tả là sự tình. Theo Bùi Minh Toán thì "Thông tin miêu tả là nội dung về sự vật, sự việc, hiện tượng... (gọi chung là sự tình) mà văn bản đề cập đến" [78, tr.67].
Diệp Quang Ban cho rằng miêu tả là một "kiểu trình bày những phương diện khác nhau mà nhờ chúng người ta có thể nhận ra một vật, và kiểu trình bày đó giúp hiểu được vật ít ra là một phần nào đó" [6, tr.484]. Ông xác định bốn thao tác lớn trong miêu tả là trả lời cho các câu hỏi: Miêu tả cái gì? Miêu tả phương diện nào của sự vật? Miêu tả như thế nào cho thích hợp? Cần chi tiết hóa đến mức nào là đủ?
Miêu tả không chỉ có ý nghĩa tái hiện những gì quan sát được mà khi miêu tả các nhà văn còn có thể sáng tạo. Nhà văn có thể hình dung, tưởng tượng để miêu tả cảnh vật hay con người khác đi so với hiện thực. Nhà văn cũng có thể miêu tả trong trạng thái tĩnh lặng, bất biến hay miêu tả trong sự thay đổi; miêu tả từ nhiều vị trí, chỗ đứng khác nhau để đối tượng được miêu tả từ nhiều góc nhìn, chiều kích khác nhau.
- Chức năng của ngôn ngữ miêu tả:
+ Chức năng tái tạo hiện thực đời sống: Miêu tả rất phong phú về đối tượng và cách thức. Đối tượng của miêu tả là thế giới tự nhiên và đời sống con người với thời gian, không gian, sự vật, hiện tượng, con người... Cách thức miêu tả thường gắn với đối tượng miêu tả. Chẳng hạn, miêu tả thiên nhiên thì gắn với màu sắc, âm thanh, hình ảnh...; miêu tả con người thì tả ngoại hình, tính cách, hành động, tâm trạng... Miêu tả phải làm cho đối tượng được miêu tả hiện lên trong tác phẩm như nó vốn có trong hiện thực đời sống, khiến nó hiện lên trước mắt người đọc một cách chân thực và sinh động nhất. Với chức năng tái tạo hiện thực đời sống ngôn ngữ miêu tả đã khiến tự sự trở nên gần gũi hơn với các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Ngoài ra, ngôn ngữ miêu tả trong tự sự còn có thể khám phá nhân vật ở tầng sâu về tư tưởng, tình cảm, nhận thức, triết lí, phản ánh những mâu thuẫn bên trong con người... Điều đó khiến tự sự vượt xa so với các lĩnh vực nghệ thuật khác, giúp chúng ta lí giải một thực tế nhiều người cảm nhận được là vì sao đọc truyện thường thấy hay hơn xem phim, diễn kịch...
Thông qua sự tái tạo hiện thực đời sống, ngôn ngữ miêu tả thường ngầm chứa trong nó những tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
+ Chức năng tham gia vào sự phát triển của mạch truyện: Ngôn ngữ miêu tả là những phân đoạn xen vào ngôn ngữ kể. Trong lúc kể sự kiện nhà văn dừng lại để miêu tả không gian, thời gian, sự vật, hiện tượng, nhân vật... đang hiện diện trong sự kiện. Miêu tả xét cho cùng là sự chi tiết hóa, mở rộng cho lời kể làm lời kể trở nên phong phú, hấp dẫn. Mặt khác, miêu tả luôn diễn ra trong không gian, thời gian và thường tuân theo trình tự của không gian, thời gian. Vì vậy, miêu tả có vai trò trong việc tạo ra mạch ngầm liên kết của tác phẩm.
+ Chức năng thẩm mĩ: Những đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự luôn hướng tới các giá trị thẩm mĩ. Ngôn ngữ miêu tả tự nó sẽ bộc lộ ra quan niệm về cái đẹp, thậm
chí ngay cả khi miêu tả cái xấu. Từ đó, nó góp phần tạo nên những rung động, hình thành quan niệm thẩm mĩ cho bạn đọc và trang trí cho tác phẩm khiến tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với người đọc.
1.2.2.2. Ngôn ngữ nhân vật
Bên cạnh ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật cũng là một thành phần quan trọng trong tác phẩm tự sự. Để phân tích đặc điểm ngôn ngữ nhân vật bao gồm ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm chúng tôi dựa vào lí thuyết hội thoại và các khái niệm liên quan.
a) Nhân vật
Trong giao tiếp, nhân vật giao tiếp là người tham gia vào cuộc thoại, phát ngôn và tiếp nhận lời thoại dựa trên những đặc điểm xã hội riêng về giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, văn hóa, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc riêng...
Trong tự sự, nhân vật là "con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học", "là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người thật trong cuộc sống", "là người dẫn dắt người đọc vào các thế giới khác nhau của đời sống" và góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người" [28, tr.162-163]. Lại Nguyên Ân còn bổ sung "Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gắn cho những đặc điểm như con người" [2, tr.249].
Nhân vật trong tác phẩm tự sự chính là con người được nhà văn kể và miêu tả trong tác phẩm. Qua nhân vật, nhà văn dẫn dắt người đọc vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, chuyển tải đến người đọc những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm, bộc lộ. Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm qua ngoại hình, hành động, lời nói, ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc... Dựa trên sự chú trọng của nhà văn trong việc kể và miêu tả các đặc điểm của nhân vật có thể phân loại nhân vật thành các kiểu nhân vật khác nhau như: nhân vật tính cách, nhân vật số phận, nhân vật tư tưởng...
b) Ngôn ngữ nhân vật và chức năng của ngôn ngữ nhân vật
- Ngôn ngữ nhân vật: Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ nhân vật là "lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch" [28, tr.147].
Ngôn ngữ nhân vật là sự thể hiện của nhân vật từ góc độ lời nói. Thông qua sự lựa chọn của nhà văn, ngôn ngữ nhân vật thể hiện rõ đặc điểm của nhân vật đó.
- Chức năng của ngôn ngữ nhân vật:
+ Chức năng thể hiện tính cách, cá tính nhân vật: T. Todorov khẳng định "Mọi truyện kể đều là sự miêu tả các tính cách" [80, tr.40]. Nhân vật phải mang