kiện xã hội và sự kiện tâm lí. Sự kiện tâm lí được xác định từ điểm nhìn bên trong. Sự kiện xã hội là sự kiện được xác định từ điểm nhìn bên ngoài.
Bảng 2.3: Các loại sự kiện trong tác phẩm Loại sự kiện Loại sự kiện
Tác giả
Tống số
Sự kiện xã hội Sự kiện tâm lí
SL Tỉ lệ % SL Tỉ lệ %
Nguyễn Công Hoan 83 79 95,1 4 4,9
Nam Cao 83 58 69,9 25 30,1
Kết quả thống kê cũng cho thấy tỉ lệ sự kiện xã hội trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan chiếm một tỉ lệ rất cao và tỉ lệ sự kiện tâm lí rất thấp. Kết quả này có sự liên quan mật thiết với điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn. Với thế mạnh kể chuyện từ điểm nhìn khách quan để phản ánh hiện thực đời sống nên sự kiện trong tác phẩm của ông thiên hẳn về các sự kiện xã hội. Chẳng hạn trong truyện ngắn Bạc đẻ, Nguyễn Công Hoan đã tạo chuỗi sự kiện như sau:
Sự kiện 1: Ba Tuần dẫn Cửu Ấu đến nhà ông Trưởng Sắc xin ở nhờ và Cửu Ấu tạo vỏ bọc giàu có.
Sự kiện 2: Cửu Ấu có nhiều hành động bí hiểm rồi tiết lộ hắn có thể làm cho bạc đẻ.
Sự kiện 3: Trưởng Sắc được Cửu Ấu làm cho số bạc của mình đẻ thêm lên rất nhiều nên giới thiệu cho nhiều người khác. Cửu Ấu hốt một mẻ bạc lớn của cả làng rồi bỏ trốn.
Sự kiện 4: Trưởng Sắc mất nhiều tiền lại bị oán nên tìm Ba Tuần hỏi tung tích Cửu Ấu thì được Ba Tuần mách muốn lấy lại bạc thì giới thiệu Cửu Ấu với một nhà giàu khác.
Tác phẩm dù được kể từ điểm nhìn toàn tri với người kể chuyện am tường nhưng các sự kiện chủ yếu được thuật lại từ bên ngoài qua hành động và đối thoại của các nhân vật. Các sự kiện được tạo nên bởi các nhân vật khác nhau nhưng có sự liên kết chặt chẽ. Sự kiện thứ nhất là hành động của Ba Tuần, sự kiện thứ hai là hành động của Cửu Ấu, sự kiện thứ ba được tạo nên bởi hành động của hai nhân vật Trưởng Sắc và Cửu Ấu, sự kiện thứ tư do Trưởng Sắc chủ động hành động. Các sự kiện là hoạt động của các nhân vật này đều thuộc kiểu sự kiện xã hội.
Trong các tác phẩm của Nam Cao sự kiện tâm lí chiếm 30,1%. Con số này đã thể hiện sự thâm nhập sâu của nhà văn vào thế giới bên trong của nhân vật. Các sự kiện được bộc lộ từ tâm lí bên trong của nhân vật, gắn với những tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của nhân vật về bức tranh đời sống. Dẫn chứng điển hình cho chuỗi sự kiện tâm lí trong truyện ngắn Nam Cao là truyện ngắn Điếu văn:
Sự kiện 1: Nhân vật xưng "tôi" đau khổ khi nghe tin người bạn của mình là anh Phúc mất.
Sự kiện 2: "Tôi" hồi tưởng về thời gian gắn bó của mình với anh Phúc khi hai người còn nhỏ ở nhà bà bác.
Sự kiện 3: "Tôi" nghĩ về việc anh Phúc lấy vợ và cho đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết quá sớm của anh.
Sự kiện 4: Tôi thương xót anh Phúc và tin tưởng các con anh Phúc sẽ có tương lai tươi sáng hơn nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.
Như vậy, trong truyện ngắn này nhà văn Nam Cao đã để cho nhân vật tự kể chuyện theo tình cảm, hồi tưởng và suy nghĩ của mình. Diễn biến của câu truyện này chủ yếu dựa vào điểm nhìn bên trong. Các sự kiện trong tác phẩm chỉ được bộc lộ qua tâm lí chủ thể là nhân vật xưng "tôi".
Các sự kiện trong tác phẩm tự sự thường gắn kết với nhau để tạo nên tác phẩm có tính chỉnh thể. Diễn biến của các sự kiện trong tác phẩm thường được kể theo trình tự thời gian hoặc kể theo diễn biến tâm lí. Kết quả thống kê diễn biến của sự kiện trong một số tác phẩm HTPP của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao như sau: