Về phương pháp miêu tả

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 78 - 85)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN ÁN

2.3. Ngôn ngữ miêu tả

2.3.1. Về phương pháp miêu tả

2.3.1.1. Phương pháp miêu tả của Nguyễn Công Hoan

- Miêu tả theo điểm nhìn ngoài: Nguyễn Công Hoan thường miêu tả theo điểm nhìn ngoài nên không chỉ các hình ảnh thiên nhiên mà ngay cả các nhân vật cũng chủ yếu được miêu tả bằng thị giác. Nhân vật của ông ít có chiều sâu nội tâm,

thường chỉ được miêu tả qua ngoại hình, hành động nhưng lại hiện lên với những nét bản chất nhất.

Ngoại hình của nhân vật huyện Hinh trong Đồng hào có ma được miêu tả từ cái nhìn bên ngoài nhưng bộc lộ rõ bản chất bên trong:

Vd34: “Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi có thằng dân nào vô ý buột miệng nói ra một câu sáo rằng nhờ bóng quan lớn là ông tưởng ngay nó xỏ ông. Tức thì mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp”. [2, tr.115].

Hành động của nhân vật huyện Hinh cũng được nhà văn miêu tả bằng thị giác. Con mẹ Nuôi tìm mãi đồng hào còn lại mà không thấy đâu nên nghĩ rằng đồng hào có ma. Nhưng không phải đồng hào có ma mà huyện Hinh khi thấy đồng hào lăn đến chân đã thản nhiên dậm chân lên. Rồi khi con mẹ Nuôi đi khỏi, hắn mới “đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giày ra một tí” và“vẫn tự nhiên như không”, “cúi xuống, thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giày bám vào, rồi bỏ tọt vào túi”.Chuỗi hành động này đã tố cáo một cách đanh thép bản chất tham lam, thói ăn bẩn của bọn quan lại trong xã hội đương thời.

Một ví dụ điển hình khác trong việc miêu tả hành động từ bên ngoài nhưng thể hiện được bản chất bên trong của nhân vật là đoạn văn sau đây trong Cụ Chánh Bá mất giày:

Vd35: "Đôi giày của cụ thật mới, bóng nhoáng, kiểu Gia Định, và đế cờ- lếp,

được để cẩn thận bên gậm sập. Cụ hiểu ý, liếc mắt nhìn nhà chủ. nhưng cụ lại thấy nhà chủ cũng nhìn trộm cụ, thì cụ lại phải soi đóm xuống lần nữa, và làm như ngạc nhiên, không hiểu, nên nói:

- Ớ! Không phải...

Nhà chủ, trống ngực thình thình, vội vàng đáp để đánh trống lấp: - Dạ! Bẩm phải .

Thế rồi cụ làm như vô tâm, và hay tin người, cụ vươn vai, ngáp, rồi cót két đôi giày mới, đi về, lấy làm vừa lòng lắm..." [2, tr.98]

Được sự đồng ý của chủ, thằng đầy tớ ném giày cũ của cụ xuống ao và nói với gia chủ cụ Chánh bị mất giày khiến gia chủ sợ hãi mua giày đền cho cụ. Mặc dù thừa biết đôi giày mới không phải của mình nhưng cụ vẫn nhận về. Để trò lừa bịp,

chiếm đoạt diễn ra suôn sẻ, không bị phát giác, cụ cố ở lại đến cuối cùng "liếc mắt" "châm đóm nhìn lần nữa" vờ vịt ngạc nhiên để xem thái độ gia chủ. Nếu lúc này gia chủ biết rõ sự việc chắc cụ sẽ chối bay chối biến nhưng gia chủ lại sợ hãi. Thế là cụ vừa "vươn vai, ngáp" vừa nhận đôi giày một cách "vô tâm". Những hành động, việc làm được quan sát từ bên ngoài nhưng đã bộc lộ rõ bản chất gian ngoan của nhân vật cụ Chánh Bá.

- Miêu tả bạch miêu: Ngôn ngữ miêu tả trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan đơn giản, dễ hiểu và có tính tường minh. Các nhà văn xưa nay thường mượn việc miêu tả để thể hiện tâm trạng hay ẩn ý nào đó nhưng ngôn ngữ miêu tả Nguyễn Công Hoan chỉ có tính hiển ngôn. Thiên nhiên trong các tác phẩm của ông chỉ là khung cảnh diễn ra câu chuyện được miêu tả với các hình ảnh, màu sắc, đường nét cụ thể (xem Vd46 mục 2.3.2.1). Hành động, lời nói, việc làm của nhân vật cũng được ông miêu tả một cách thuận tiện cho việc hình dung, tiếp nhận của người đọc về nhân vật. Chẳng hạn, trong Thằng điên Nguyễn Công Hoan đã miêu tả về sự ngáo ngơ của anh nông dân khi đi xem cảnh phố xá:

Vd36: "Đi hết phố này đến phố khác, nhà nào anh cũng ngắm, cũng nhận kĩ lắm. Vì không mấy khi lên tỉnh, lại được rảnh rang nên anh cũng chẳng chịu lỡ dịp mà chẳng đi cho khắp. Anh dừng chân trước hiệu cân gạo. Anh dừng chân trước hiệu ô tô. Anh xem cái cột đong dầu ét-xăng, chiếc vàng, chiếc đỏ. Rồi anh phố Bờ Sông. Anh thấy một nhà có hàng rào sắt. Nhân có bóng cây anh đứng nghỉ" [2, tr.220].

Hình ảnh anh nông dân với hành động ngó chỗ nọ, ngắm chỗ kia một cách háo hức, tò mò được nhà văn miêu tả đúng với tâm lí thông thường của một người nhà quê ra tỉnh, phù hợp và cụ thể hóa tính cách thật thà, chất phác, lương thiện của nhân vật trong truyện kể.

- Miêu tả theo cách thức thống nhất: Nhà văn miêu tả lặp đi lặp lại một kiểu hành động, miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật thống nhất từ trước đến sau để thể hiện những nét tính cách bản chất nhất và miêu tả trên nguyên tắc không thay đổi. Phương pháp miêu tả của Nguyễn Công Hoan đã góp phần tạo nên kiểu nhân vật tính cách và kiểu nhân vật bất biến. Kiểu nhân vật bất biến là biểu hiện phù hợp của cách kể nội dung, kể có tính luận đề. Điều đó khiến việc tiếp nhận tác phẩm trở nên dễ dàng nhưng không gây bất ngờ cho người đọc.

2.3.1.2. Phương pháp miêu tả của Nam Cao

- Miêu tả theo điểm nhìn trong: Hướng vào thế giới tinh thần của con người, Nam Cao không miêu tả khách quan bằng thị giác với những quan sát thông thường mà miêu tả từ điểm nhìn bên trong. Miêu tả qua tâm lí nên sự miêu tả thường mang đậm màu sắc chủ quan. Bởi vậy vẫn là một đối tượng miêu tả nhưng với điểm nhìn tâm lí khác nhau dẫn đến hành ảnh được miêu tả khác nhau. Chẳng hạn vẫn là miêu tả ánh trăng nhưng trong Đời thừa ánh trăng được miêu tả qua sự mơ mộng, khao khát của một văn sĩ lãng mạn là hiện thân của cái đẹp khó nắm bắt, là "cái liềm vàng giữa đống sao", "cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời", "cái vú mộng tròn đầy", "như cô gái non vừa mới có nhân tình" khiến những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy:

Vd37: "Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Trăng, ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mon man! Điền không ân hận chút nào".[1, tr.152]

Vd38: "Trên kia, giăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa mới có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt trên lá những bước chân vũ nữ. Những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy".[1, tr.155]

Trong Chí Phèo cũng có những đoạn miêu tả ánh trăng để dẫn vào mối tình Chí Phèo - Thị Nở. Ánh trăng được miêu tả vẫn mang đậm dấu ấn của văn chương lãng mạn với ngôn ngữ tinh tế, kiểu cách và giàu hình ảnh, cảm xúc. Tuy nhiên, ánh trăng ở đây được miêu tả qua cảm nhận của một kẻ người ngợm, nửa người nửa vật và đang say với những nét thực hơn như "vành vạnh", "chảy trên đường" và "xanh rời rợi" trên những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong, đành đạch như là hứng tình:

Vd39: "Nhưng mà mặt trăng lên, mặt trăng rằm vành vạnh. Và ánh trăng chảy trên đường trắng tinh".[1, tr.52]

Vd40: "Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình".[1, tr.54]

Ánh trăng trong đoạn văn sau đây lại được miêu tả qua tâm lí của nhân vật thị Nở. Với người đàn bà vừa xấu, vừa dở hơi và có tật dễ buồn ngủ thì trăng dù có

"sáng hơn", "bao nhiêu gợn vàng" nhưng vẫn không phải là hiện thân của cái đẹp mà chỉ làm mỏi mắt và buồn ngủ:

Vd41: "Nhưng chiều hôm ấy, trăng lại sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Những vàng ấy rung rinh mới trông thì đẹp, nhưng trông lâu mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu".[1, tr.56]

Đặc biệt, trong Điếu văn nhà văn Nam Cao có đoạn miêu tả bức tranh cảnh vật qua sự cảm nhận của anh Phúc trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Cảnh vật được miêu tả qua tâm lí của một con người sắp phải chết trong khi vẫn khát khao được sống, thấy mình còn bao nhiêu việc dang dở cần phải làm. Với một người vẫn muốn sống mà phải chết thì cuộc đời kia đẹp đẽ biết bao, phải chết thì đáng tiếc và chua chát biết bao:

Vd42: "Bên ngoài trời rất đẹp. Nắng tưng bừng. Một đàn sẻ chí choé cãi nhau như một lũ trẻ con tập làm người lớn: chúng xỉa xói, chúng chanh chua, chúng cướp lời nhau một cách vui vẻ và ầm ỹ. Chim đực, chim cái gọi nhau. Những con chim non cũng đua đòi. Một con ve lanh lảnh này trả lời con ve lanh lảnh khác. Ôi chao! Đời vui quá! Muôn loài sống mạnh mẽ và sung sướng. Không gian là một đám hội xôn xao và rực rỡ".[1, tr.89]

Dấu ấn của của phương pháp miêu tả theo điểm nhìn trong, miêu tả bằng tâm lý không chỉ thể hiện ở chỗ Nam Cao ít miêu tả hành động mà chủ yếu miêu tả nội tâm; ít tái hiện sự kiện mà thấy sự kiện qua tâm lí của nhân vật mà còn thể hiện ở cách miêu tả ấn tượng. Chẳng hạn, trong Điếu văn nhân vật là người kể chuyện xưng "tôi" hầu như không hành động mà chỉ suy tư; những sự kiện trong cuộc đời của anh Phúc chỉ được tái hiện qua dòng suy nghĩ miên man của người kể chuyện xưng "tôi". Trong Đời thừa nhà văn không miêu tả trực tiếp cái khổ của Hộ, của Từ mà chỉ miêu tả ấn tượng của họ trước cái khổ. Trong Cái mặt không chơi được cũng không miêu tả cái mặt xấu xí hay dị dạng thế nào mà chỉ biết cái mặt ấy khiến người khác không muốn chơi, không muốn làm thân....

Miêu tả theo điểm nhìn trong nên nhà văn Nam Cao tuân theo quy luật của cảm xúc, không ngại nói ra những suy nghĩ, cảm xúc mà người ta thường muốn giấu đi.Trong Cái mặt không chơi được nhân vật "tôi" không ngại kể chuyện mình

năm lần bảy lượt bị các cô gái từ chối. Trong Nhỏ nhen nhà văn để cho nhân vật Du miêu tả lại hành động ăn cắp hai quyển sách của mình. Trong Một chuyện xú vơ nia

nhân vật Hàn buồn nôn khi chứng kiến cảnh những người đàn bà từ già tới trẻ ăn bún, ăn bánh đúc một cách thô tục ngoài chợ. Bởi vậy, khi biết chuyện người hắn yêu bán chiếc khăn hắn tặng để lấy tiền ăn bánh đúc thì tình yêu của hắn phút chốc tan tành. Tuân theo quy luật của cảm xúc nên truyện kể của Nam Cao trở nên chân thật và sâu sắc.

- Miêu tả ngoại hình nhân vật tỉ mỉ, chi tiết: ý thức được vai trò của việc miêu tả ngoại hình nhân vật, Nam Cao thường miêu tả ngoại hình nhân vật một cách khá tỉ mỉ, chi tiết. Ngoại hình của các nhân vật nhất là người nông dân được miêu tả hiện lên một cách rõ nét, giúp người đọc có thể liên tưởng, tưởng tượng một cách sống động. Chẳng hạn, trong Chí Phèo ngoại hình của thị Nở và Chí Phèo đều được miêu tả rất chi tiết, trong Nghèo ngoại hình anh đĩ Chuột là nạn nhân thê thảm của cái nghèo, cái đói được miêu tả từ gương mặt, mái tóc, hai con mắt, chiếc răng dài mà thưa đến giọng nói yếu ớt...:

Vd43: "Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cho cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại" [1, tr.246].

- Miêu tả trong sự thay đổi: Cùng với lối kể viết nội dung, ngôn ngữ miêu tả nhân vật của nhà văn Nam Cao không chỉ thể hiện kiểu con người kiếm tìm luôn băn khoăn đi tìm chính mình mà còn xây dựng kiểu nhân vật biến đổi. Cũng có một số nhân vật trong các tác phẩm HTPP của Nam Cao thuộc kiểu nhân vật bất biến như các nhân vật dì Hảo, Lão Hạc... trong các tác phẩm cùng tên (Dì Hảo, Lão Hạc)

nhưng đáng chú ý hơn là kiểu nhân vật biến đổi như các nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo), Hộ (Đời thừa ), Điền (Giăng sáng), người đàn bà (Sao lại thế này)...Các nhân vật được miêu tả theo đúng quy luật của cuộc sống là sự vật luôn vận động, thay đổi và phát triển không ngừng. Trong đó, môi trường sống là yếu tố tác động mạnh dẫn đến sự thay đổi của của con người.

Chẳng hạn, trong Sao lại thế này nhà văn Nam Cao đã miêu tả hình ảnh người đàn bà thay đổi từ ngoại hình đến hành động, tính cách. Trước đây, khi còn là vợ Hiệp chị ta là một cô gái nhà quê xấu xí, bẩn thỉu và đầy tính xấu:

Vd44: "Khi người ta ra tỉnh học từ thủa chửa lên mười, thì làm thế nào mà thích được một cô vợ đặc nhà quê, quần nái áo nâu, đi chân không, da xám nắng và bàn tay đen thui? Vợ Hiệp lại cứng như một cái đanh, bẩn thỉu và cục mịch. Hắn sợ thị đến nỗi nghỉ hè cũng không dám về quê. Mỗi lần, vì một sự bắt buộc gì phải về nhà, hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh búng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, mà cắm cúi mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét! Đã vậy, mà lại còn mất nết, tuy mẹ hắn cố tình giấu giếm, nhưng hắn cũng biết rằng vợ mình rất hư. Bởi vì bà mẹ chỉ giấu con, chứ không giấu người ngoài. Cả làng chẳng ai còn không biết con dâu bà đủ mọi tật: đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng. Mà ăn vụng như thế nào? Thị bốc trộm gạo sống cho vào túi để ăn dần. Thị hớt cơm chó thật nhiều rồi bớt lại, giấu đi, để ăn cơm với cả nhà rồi lại lấy ra ăn. Thậm chí đến đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng vài bát ngay ở ngoài chuồng lợn mới được" [1, tr.352].

Khi trở thành bà chủ, dù vẫn được nhìn qua con mắt của Hiệp nhưng hình ảnh nhân vật đã thay đổi từ ngoại hình, hành động đều trở nên đẹp, nhã nhặn và có phẩm giá:

Vd45: "Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo (1). Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào (2). Mỗi sáng bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm (3). Và mỗi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy (4). Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về những cảnh đẹp ở vùng này, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả….Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm (5).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 78 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)