Vai trò của ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 117 - 125)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN ÁN

3.1. Ngôn ngữ đối thoại

3.1.3. Vai trò của ngôn ngữ đối thoại

Đối thoại là hình thức ngôn ngữ đặc trưng và có vai trò quan trọng trong tác phẩm tự sự. Bên cạnh việc bộc lộ những đặc điểm riêng trong ngôn ngữ kể chuyện của các nhà văn, ngôn ngữ đối thoại còn bộc lộ vai trò của nó trong ngôn ngữ kể chuyện nói chung.

3.1.3.1. Giá trị miêu tả hiện thực

Những phân tích ở trên của luận án đã cho thấy ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm tự sự dù ít nhiều có sự cách điệu so với ngôn ngữ đời sống, được nhà văn sáng tạo nhằm mục đích thể hiện ý đồ nghệ thuật nhưng nó mang bản chất của ngôn ngữ đời sống. Ngôn ngữ đối thoại chính là lời ăn tiếng nói của con người ngoài cuộc đời đi vào văn chương nên nó giúp tác phẩm văn chương trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, làm cho bức tranh hiện thực cuộc sống hiện lên trong tác phẩm trở nên sinh động, đa sắc màu.

Việc xen vào câu chuyện các cuộc đối thoại giữa các nhân vật luôn khiến cho người đọc có cảm giác đó là những cuộc đối thoại có thật, những câu chuyện có thật, như thể nó đã diễn ra ở đâu đó mà nhà văn chỉ là người chứng kiến và kể lại. Về mặt lí luận, tính chân thật là một yêu cầu cũng là một yếu tố tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm văn học. Khi đọc một tác phẩm văn chương, người đọc càng tin câu

chuyện là có thật thì họ càng thích thú, càng tò mò, càng muốn khám phá. Vì vậy, chính ngôn ngữ đối thoại trong các tác phẩm HTPP của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã góp phần tái hiện hiện thực, tạo ra tính chân thực và sức hấp dẫn cho tác phẩm.

3.1.3.2. Giá trị sáng tạo nghệ thuật

a) Góp phần tạo ra tính cách, số phận nhân vật

Phương diện bộc lộ một cách trực tiếp nhất, rõ nét và tinh tế nhất về nhân vật là ngôn ngữ cá nhân mà trước hết là ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Mỗi nhân vật có một tính cách, số phận, cuộc đời riêng và bằng việc dàn dựng đối thoại, sử dụng ngôn ngữ có tính đặc thù cho từng kiểu nhân vật nhà văn giúp nhân vật thể hiện mình, khiến nhân vật vừa mang những nét chung xã hội vừa không thể lẫn lộn với các nhân vật khác. Chẳng hạn, lời đối thoại của nhân vật nhà tư sản trong Răng con chó của nhà tư sản của Nguyễn Công Hoan đã thể hiện bản chất giai cấp độc ác, coi thường tính mạng con người:

Vd76: “- À mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày cái chết tươi, rồiông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!” [2, tr.185].

Trong trích dẫn dưới đây, lời thoại là ngôn ngữ của chị nông dân thấp cổ bé họng nói với quan trên một cách nhún nhường, lễ phép:

Vd77: "- Lạy thầy, nhà con thì chưa cất cơn, mấy lại sợ thầy mắng chửi, nên không dám đến kêu. Lạy thầy, quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà con đi xem đá bóng vội" [2, tr.255].

Bản chất hèn mạt, bỉ ổi của bọn quan lại, tầng lớp trên của xã hội được thể hiện rõ qua hành động ngôn ngữ trong màn đối thoại giữa quan ông và quan bà trong

Đàn bà là giống yếu của Nguyễn Công Hoan. Sau những ngày tháng mặn nồng, quan bà vốn có gốc gác là một con điếm đã giở thói ngoại tình. Quan ông tình cờ bắt được nhưng trái với suy nghĩ thông thường của mọi người, quan ông chịu lép vế:

Vd78:"- Có khẽ chứ không? (1) (hành động đề nghị)

- Việc gì phải nói khẽ? Người ta chỉ nói khẽ những điều nói dối, những câu ân ái thôi. Chứ những lời nói thực, phũ phàng, thì việc gì phải nói khẽ. (2) (hành động bác bỏ)

- Nhưng bọn người nhà nó biết thì sao? (3) (hành động hỏi)

- Thì nó sẽ bảo ông là thằng mù, thằng ngốc. (4) (trần thuật khẳng định)

- Nỡ nào bà để chúng nó chửi tôi? (5) (hành động hỏi, phủ định)

- Tại ai? Ai giở mặt trước?" (6) (hỏi vặn, bác bỏ) [2, tr.104] Vd79: "- Ông đã biết lỗi rồi chứ? (1)(hành động hỏi, khẳng định)

- Vâng, thì biết lỗi. (2)

- Chưa xong: ông phải chuộc lỗi mới được. Lấp mồm tôi ông phải kiếm cái nút. (3) (yêu cầu)

- Bằng gì nào! Bằng giấy “đỉnh” nhé? (4) (đề nghị)

- Không thèm? (5) (bác bỏ)

- Bằng kim cương nhé? (6) (đề nghị)

- Tôi thừa rồi. (7) (bác bỏ)

- Bằng ngọc thạch nhé? (8) (đề nghị)

- Tôi chẳng thiếu! (9) (bác bỏ)

- Thế biết bằng gì bây gìờ? (10) (hỏi)

- Ông không đoán ra à? Ông không nhớ chủ nhật trước, đi chơi Hà Nội, tôi trỏ cho ông cái ô-tô “Fo” mà chê: “Vợ chồng lão phủ xoàng lắm” đấy à? Ấy, nút mồm đấy! (11) (trần thuật)

- Chết chửa? Bà điên rồi sao? Mong những cái ấy đào đâu ra? (12) (hỏi, bác bỏ)

- Đào trong ruột những thằng dân của ông, chứ còn ở đâu nữa? Ông quên rằng ô-tô của bọn các ông chẳng phải chạy bằng ét-xăng, mà chạy bằng mồ hôi nước mắt của dân đen à. Ông ngu lắm, hèn lắm? (13)

- Chả hèn lại thua?" (thừa nhận) (14) [2,tr.104,105]

Các lời thoại và hành động ngôn ngữ nêu trên đã bộc lộ bản chất của quan ông và quan bà một cách rõ nét. Quan bà dù đã có địa vị cao trong xã hội nhưng vẫn mang bản chất của một gái điếm trải đời, lọc lõi và trơ trẽn. Tội ngoại tình của bà ta bỗng trở thành lợi thế uy hiếp quan ông. Bà nắm lấy điểm yếu của quan ông, bác bỏ hết các đề nghị và lí lẽ của quan ông thể hiện ở (1), (6) trong Vd 78 và (5), (7), (9) ở Vd79. Thậm chí bà ta còn yêu cầu quan ông mua cho một chiếc xe sang đi hóng gió ở (11) trong Vd79. Bản chất hèn hạ của quan ông thể hiện rõ qua các hành động đề

nghị ở (1) trong Vd78, ở (4), (6), (8) trong Vd79; hành động thừa nhận biết lỗi, thừa nhận mình hèn ở (2), (14).

Trong các tác phẩm của Nam Cao, đối thoại cũng thể hiện rõ bản chất xã hội và cá tính nhân vật. Chẳng hạn, giọng hăm dọa, du côn, cùng hơn cả cùng của nhân vật Chí Phèo khi hắn dọa đốt quán để đòi mua chịu rượu được gợi ra từ cách xưng hô là ông (vị thế cao)- mày (vị thế thấp), từ ngôn từ khẩu ngữ như Cái giống nhà mày, không ưa nhẹ, quỵt" đã cho thấy sự lưu manh, côn đồ của một thằng có độc một nghề rạch mặt ăn vạ:

Vd80:"Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không? Ông không thiếu tiền! Ông còn gửi đằng cụ bá, chiều này ông đi lấy về ông trả". [1, tr.148]

Bên cạnh đó có kiểu ngôn ngữ của người trí thức có đam mê, hoài bão; luôn băn khoăn đi tìm lẽ sống; có tình thương yêu con người, đồng loại; luôn muốn vượt lên cái nhỏ nhen để sống có ích có nghĩa như Hộ trong Đời thừa,Điền trong Giăng sáng, Điền trong Nước mắt, các nhân vật trí thức trong Nhỏ nhen... Để nhấn mạnh đam mê, hoài bão của nhân vật Hộ trong nghề văn, nhà văn Nam Cao đã dựng đoạn thoại thể hiện một cảm xúc mạnh mẽ, một giọng điệu đầy hào hứng khi Hộ nói về văn chương bằng nhiều câu cảm thán; nhiều câu hỏi có ý nghĩa khẳng định...

Vd81: "- Cuốn "Ðường về" chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người ta dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm! Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!" [1, tr.133].

Khi đam mê, hoài bão bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì xuống sát đất, người trí thức rơi vào bi kịch đau đớn, bế tắc đã thốt ra những lời cay độc với vợ con.

Nhưng ngay cả những lúc say rượu, bức xúc nhất ngôn từ của Hộ vẫn là ngôn từ của người trí thức. Hộ vẫn xưng tôi, gọi con là con bé, gọi vợ là mình. Lời nguyền rủa chỉ mang tính chất nói xa, nói gần qua việc sử dụng các đại từ chung như mấy đứa kia, chúng nó...

Vd82:"Ngày mai... mình có biết không?... Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này... Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào, kể cả con bé Thảo là con ngoan nhất... Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy... cũng đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như nhện ôm khư khư bọc trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi!". [1, tr.127].

Trong Nhỏ nhen người trí thức bị giằng xé giữa lẽ sống cao cả và sự nhỏ nhen. Họ ý thức được giá trị của nhân cách, tỏ ra kiêu hãnh về điều đó nhưng họ không thoát khỏi những suy nghĩ, hành động của một con người bình thường, thậm chí nhiều khi tầm thường. Điều đó được nhà văn khai thác sâu sắc qua biện pháp nghệ thuật đối lập trong lời thoại:

Vd83: "- Nhỏ nhen lắm, nhỏ nhen đến nỗi nói ra không ai tin là có. Nhưng nó rành rành ra đấy, vẫn tự phụ là những kẻ khinh đồng tiền, thế mà có những lúc như lúc này... Tôi có thể đoán mà không sợ sai lắm, bây giờ đây, trong bụng anh nào chẳng hơi lo rằng mình sẽ phải bỏ tiền ra mà trả cho bữa ăn, và thầm mong cho người khác đứng lên trả trước. Để mình có thể hỏi vờ vịt: "Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế... Ừ, thế trả đi" [1, tr.265-266]

Nhìn chung, trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao ngôn ngữ đối thoại có khả năng thể hiện con người một cách sống động. Với ngôn ngữ đối thoại, thế giới nhân vật của Nguyễn Công Hoan, xuất hiện với đủ loại người, kiểu người trong xã hội với đủ cách nói, giọng nói ... khiến cho người đọc bật lên những tiếng cười sảng khoái. Nhân vật của Nam Cao lại chủ yếu gồm hai kiểu nhân vật trí thức và nông dân. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật đã góp phần làm hiện lên chân dung người trí thức cũng như chân dung người nông dân trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Ngôn ngữ nhân vật còn có vai trò thực hiện chức năng liên cá nhân. Theo quan niệm của ngữ dụng học, nghĩa liên cá nhân là nghĩa xác lập mối quan hệ giữa người nói và người nghe và nghĩa toát ra từ ngữ cảnh. Thông qua lời thoại giao tiếp giữa các nhân vật, ta không chỉ thấy đặc điểm tâm lý, tính cách, trình độ... của nhân vật mà còn có thể thấy được mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong các cuộc thoại cách xưng hô, giọng điệu, cách sử dụng ngôn ngữ sẽ cho thấy vai đối thoại trên, vai dưới; mối quan hệ thân hữu; thái độ, tình cảm... giữa các nhân vật. Các cuộc thoại gắn kết các nhân vật, để các nhân vật bộc lộ mình trong các mối quan hệ đó. Cũng từ lời thoại và mối quan hệ của các nhân vật mà nhà văn tạo ra sự liên kết chặt chẽ cho tác phẩm và bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình một cách gián tiếp, khách quan.

Chẳng hạn thông qua đối thoại của Nguyệt với các nhân vật Phong, Bắc bằng cách xưng hô anh, tôi, mợ cùng với nội dung của lời thoại trong truyện ngắn Oẳn tà rroằn của Nguyễn Công Hoan thì dù nhà văn không hề thuyết minh điều gì về mối quan hệ giữa các nhân vật nhưng người đọc cũng hiểu rõ mối quan hệ và tình cảnh éo le. Đối thoại giữa Nguyệt và Phong ở Vd69 thể hiện mối quan hệ ràng buộc vì cái thai của cặp nhân tình. Các hành động ngôn ngữ đặc biệt là hành động yêu cầu ở (1) thể hiện rõ Nguyệt đòi hỏi Phong phải chịu trách nhiệm. Đối thoại của Nguyệt với Bắc vẫn là chuyện cái thai và trách nhiệm:

Vd84: "- Chết chửa! Thế mợ định uống thuốc thôi thai thật đấy à?(hành động hỏi)

- Cậu tính tôi mới có mười tám tuổi đầu, chồng con chưa có, mà chửa hoang, thì còn xấu gì bằng!(hành động tường thuật)

- Chà, việc gì mà xấu, sự xấu tốt đối với phong trào dư luận xã hội như làn khói trước ngọn gió to, chỉ đánh loáng là không ai trông thấy nữa. Thế thì dư luận có gì là đáng sợ? Vả lại tôi hiếm hoi, lấy nhà tôi ngót hai mươi năm giời, con cái chưa có, thì mợ cứ yên lòng, sau khi ở nhà hộ sinh ra, tôi sẽ thu xếp để mợ với tôi ăn đời ở kiếp.

- Tôi cám ơn cậu! Cậu hơn tôi bốn chục tuổi đầu, tôi mà lấy cậu thì người ta cho là bố lấy con. Vả vợ cả cậu như con sư tử cái, lẽ nào lại để yên cho cậu thương tôi. Cậu cứ mặc tôi, để tôi tự xử, cậu không cần nghĩ đến. Bao nhiêu việc, tôi đã định sẵn, tôi đành uống thuốc để giữ cho vuông tròn tiếng tăm. Vả tôi là con nhà thi

lễ, mơn mởn đào tơ, làm gì không lấy được chồng ông nọ ông kia, can chi vội vàng mà vơ quàng vơ xiên vội. (hành động cảm ơn, từ chối)

- Mợ nói thế, tôi đau lòng quá. Mợ phải hiểu cho rằng cái thai trong bụng mợ là đứa con sau này của đôi ta.(hành động thuyết phục)

- Nếu cậu có thương con cậu, thì mai, tôi xin gửi lại giao trả cậu. - Chết nỗi! Tôi xin mợ".[2, tr.173,174]

Qua các cuộc thoại liên tục, các mối quan hệ phức tạp, nhập nhằng khiến nhân vật Nguyệt càng ngày càng lộ rõ lối sống phóng đãng để cuối cùng dẫn đến kết cục khiến người đọc đều ngỡ ngàng, cười ra nước mắt. Với kết cục bi hài ấy, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bộc lộ sự châm biếm, mỉa mai một xã hội thối nát, suy thoái về đạo đức và đầy những trò lừa lọc và gian trá.

Truyện ngắn Nước mắt của Nam Cao là một trong những truyện sử dụng nhiều ngôn ngữ đối thoại. Cuộc đối thoại của Điền với vợ đã giúp người đọc hiểu nhiều hơn về bi kịch của người trí thức trong xã hội đương thời. Bi kịch tha hóa do cơm áo gạo tiền. Nhà văn không cần phải phát biểu trực tiếp ý đồ nghệ thuật ấy của mình mà giúp người đọc tự nhận thấy qua lời thoại của các nhân vật. Cái khổ đã biến Điền đã biến trở thành con người tàn nhẫn, vô cảm sẵn sàng giẫm đạp lên người khác kể cả những người thân yêu nhất. Không chỉ quắc mắt, muốn nhảy lại mà bóp cổ vợ mà trong lời thoại của mình, Điền gọi con là mày và liên tục nguyền rủa con là chết đi:

Vd85: "Điền muốn nhảy lại vợ mà bóp cổ. Con vợ thật là khốn nạn! Sau một ngày hắn đã phải chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ, đấy là những lời thở ra để đón hắn! Hắn quắc mắt lên và nghiến răng:

- Im ngay, câm cái mồm!

- Câm... câm cái gì? Mình trông con kia kìa! Mặt nó sưng lên bằng cái lệnh, chẳng còn thấy mắt, và mụn thì đầy lên kia

Thị nói như gào. Điền đưa mắt nhìn con gái. Mặt nó sưng to thật. Hắn nghẹn ngào trong cổ không nói được. Vợ hắn càng gào mãi lên:

- Tiếc tiền! Tiếc tiền!... Nó chết rồi để tiền đấy mà tiêu.

Điền tức sùi bọt mép. Mắt hắn tóe ra lửa. Hắn giơ một bàn tay run run, đánh nhịp cho lời nói bực dọc thành tàn nhẫn:

- Cho nó chết! Cho nó chết!... Sống làm gì nữa! Nay ốm mai đau thì chết cũng phải! ...Sống lắm cũng chỉ khổ và làm người ta khổ thôi, được gì? Chết đi! Mày chết đi!...".[2, tr.329-330].

c) Hình thành phong cách tác giả

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 117 - 125)