Tình thái trong ngôn ngữ kể chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 41 - 50)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN ÁN

1.2. Cơ sở lý luận và một số khái niệm quan yếu

1.2.3. Tình thái trong ngôn ngữ kể chuyện

Tình thái là một phạm trù ngôn ngữ cơ bản và các nhà ngôn ngữ học đều thống nhất nó là hiện tượng ngữ nghĩa, chức năng rộng lớn, đa dạng và phức tạp. Nghiên cứu tình thái và vai trò của nó trong ngôn ngữ kể chuyện là một hướng nghiên cứu tuy không dễ dàng nhưng rất cần thiết.

1.2.3.1. Khái niệm tình thái

Tình thái trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới như N.Chomsky, John Lyons, Frank Palmer, M.V. Liapon ... John Lyons cho rằng tình thái là "thái độ của người nói với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay hay tình trạng mà mệnh đề đó miêu tả". Frank Palmer nhận thấy nghĩa tình thái không chỉ là thái độ mà còn là ý kiến của người nói "là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói ra [Dẫn theo 22, tr. 258]. Liapon khi viết về tình thái thì cho rằng “Tình thái là phạm trù ngữ nghĩa chức năng thể hiện các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn với thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau đối với điều được thông báo. [Dẫn theo 35, tr. 85].

Ở Việt Nam có rất nhiều nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về nghĩa tình thái như Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Bùi Minh Toán, Cao Xuân Hạo, Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Đông, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thiện Giáp, Đào Thanh Lan... Trong đó, Cao Xuân Hạo đã khái quát “Nội dung của bất kỳ một lời phát ngôn nào cũng chứa đựng một tình thái” [32, tr. 51].

Tác giả Hoàng Tuệ đưa ra quan điểm tình thái là một khái niệm trong sự phân tích ngữ nghĩa và khẳng định "tình thái là một khái niệm trong sự phân tích theo cách nhìn tìm đến thái độ của người nói trong hoạt động phát ngôn”. [83, tr. 136]

Nguyễn Văn Hiệp nêu rõ trong mệnh đề gồm có ngôn liệu và tình thái. Theo ông, tình thái có vai trò định tính cho thông tin miêu tả: "Ngôn liệu thực chất là

thông tin miêu tả ở dạng tiềm năng, còn tình thái là phần định tính cho thông tin miêu tả ấy” [35, tr. 85].

Ngôn ngữ kể chuyện cũng mang thông tin tình thái. Trong Ngôn ngữ với văn chương, Bùi Minh Toán đã khẳng định "Trong nội dung của văn bản có hai thành phần cơ bản: thông tin miêu tả và thông tin tình thái", và "Nội dung tình thái bao gồm nhiều phương diện phức tạp như sự nhìn nhận, đánh giá của nguồn phát khi tạo lập văn bản" [78, tr. 67].

Về vai trò của các yếu tố biểu thị tình thái trong cấu trúc câu tiếng Việt quan điểm của các nhà Việt ngữ học chưa có sự thống nhất. Một số tác giả không coi các yếu tố tình thái là một thành phần câu. Nhưng có một số đã xác định thành phần câu cho một số biểu thức biểu thị tình thái. Chẳng hạn, Cao Xuân Hạo đã xác định tình thái nằm trong cấu trúc Đề - thuyết, Nguyễn Kim Thản gọi đó là thành phần hoán ngữ, Diệp Quang Ban gọi là phụ ngữ câu...

1.2.3.2. Phân loại tình thái

Đối với các nhà nghiên cứu logic học như M.V. Liapon thì tình thái gồm hai loại là tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Trong đó:

- Tình thái khách quan có tính tất yếu trong các phát ngôn được thể hiện trong sự liên quan mật thiết giữa nội dung của phát ngôn với hiện thực khách quan, trong đó người nói chỉ trình bày lại hiện thực khách quan theo các phán đoán đúng/sai, hiện thực/phi hiện thực, khả năng hiện thực/khả năng phi hiện thực, tất yếu hiện thực/tất yếu phi hiện thực. Trong tình thái khách quan các yếu tố chủ quan cũng như vai trò của người nói không được xem xét đến.

- Tình thái chủ quan có tính không bắt buộc trong phát ngôn, được thể hiện trong mối quan hệ giữa người nói với nội dung của phát ngôn. Trong tình thái chủ quan, vai trò của người nói được đặc biệt nhấn mạnh. Người nói có thể thể hiện chủ quan trong một phạm vi rất rộng như thái độ, ý chí, đánh giá, thể hiện mục đích, tình cảm... Vì thế tình thái chủ quan phong phú hơn nhiều so với tình thái khách quan.

John Lyons nêu ra ba loại ý nghĩa tình thái: Tình thái tất yếu và khả năng (bắt nguồn từ sự phân chia của các nhà logic), tình thái nhận thức (liên quan đến tính thực tế, tính hiện thực), tình thái đạo nghĩa (gắn với một lĩnh vực của lôgic tình thái, đó là lôgic về nghĩa vụ và cho phép).

Tình thái khách quan chỉ trình bày lại hiện thực một cách khách quan như nó vốn có nên nó chỉ thu hút được sự quan tâm của các nhà logic học. Trong khi đó các nhà ngôn ngữ học chỉ quan tâm đến tình thái chủ quan vì tình thái chủ quan thể hiện được vai trò của người nói trong câu. Frank Palmer phân chia tình thái trong ngôn ngữ thành hai loại là tình thái nhận thức và tình thái trách nhiệm. Trong đó:

- Tình thái nhận thức thể hiện nhìn nhận, đánh giá của người nói về hiện thực. Tình thái nhận thức bao gồm tình thái thực hữu (người nói cho rằng sự việc được nói đến là hiện thực hay tất yếu), tình thái phản thực hữu (người nói cho rằng sự việc được nói đến là phi hiện thực hay tất yếu phi hiện thực) và tình thái không thực hữu (người nói cho rằng sự việc được nói đến có thể xảy ra trong một thế giới khả năng nào đó).

- Tình thái trách nhiệm là tình thái thể hiện sự áp đặt của người nói về mặt đạo đức, phong tục, tập quán... với sự phân chia thành các kiểu: bắt buộc/không bắt buộc, được phép/không được phép, cấm đoán/không cấm đoán...

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có nhiều cách phân loại khác nhau về tình thái. Điển hình là cách phân loại của Cao Xuân Hạo, Diệp Quang Ban, Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp...

Cao Xuân Hạo phân biệt tình thái của hành động phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn. Tình thái của hành động phát ngôn liên quan đến các loại câu như câu hỏi, câu trần thuật, câu cầu khiến và hành động ngôn từ. Tình thái trong lời phát ngôn gồm: Nhận định của người nói về chân trị của điều được truyền đạt trong câu (khẳng định, phủ nhận, ngờ vực, nêu rõ giới hạn và điều kiện của chân trị); Về tính khả năng hay tất yếu của điều đó (có thể hay không thể có, tất nhiên hay không tất nhiên, mức độ cao hay thấp của tính khả năng hay tính tất yếu); Cách đánh giá của người nói đối với sự tình được truyền đạt (đáng mừng hay đáng tiếc, đáng hi vọng hay đáng e ngại, nên có hay không nên có...); Sự giới thiệu của người nói về tính chất của câu nói (tính thành thật, tính đơn giản, tính áng chừng, tính chính xác...); Mối liên hệ giữa câu với tình huống đối thoại hay với ngữ cảnh và nhiều nội dung khác thuộc các lĩnh vực của logic hoặc siêu ngôn ngữ.

Ngoài ra, Cao Xuân Hạo còn đề cập đến tình thái của câu, tình thái của cấu trúc vị ngữ hạt nhân.

Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp thống nhất phân chia tình thái thành tình thái của hành động phát ngôn và tình thái của sự tình được phản ánh. Trong đó, Nguyễn Văn Hiệp còn làm rõ hơn về về tên gọi, nội dung của tình thái khách quan và tình thái chủ quan, nghiên cứu sâu hơn tình thái nhận thức. Theo ông, tình thái nhận thức bao gồm:

- Tình thái thực hữu: Người nói xác nhận, đưa ra những cam kết về tính chân thực của nội dung mệnh đề dựa trên những bằng chứng.

- Tình thái không thực hữu: Người nói thể hiện nội dung sự tình như một sự đoán định, nội dung sự tình là một kiến giải chủ quan mà người nói không đảm bảo, không cam kết về tính trung thực.

- Tình thái phản thực hữu: Người nói nhận định rằng sự tình được nói đến ở nội dung mệnh đề là không có thực hat tấy yếu phi hiện thực.

Kế thừa cách phân loại của Palmer, Đào Thanh Lan trong Một số vấn đề về ngữ pháp - ngữ nghĩa của lời (trường hợp lời cầu khiến Tiếng Việt) đã phân chia tình thái thành tình thái nhận thức và tình thái ứng xử/tình thái trách nhiệm. Tình thái ứng xử/tình thái trách nhiệm được tác giả tiếp tục phân biệt thành tình thái nguyện vọng và tình thái thái độ. Trong đó Đào Thanh Lan quan niệm "tình thái nguyện vọng thể hiện mục đích nói/đích ngôn trung của lời trần thuật hay hỏi hay cầu khiến... và tình thái thái độ thể hiện thái độ của người nói như mỉa mai, tức giận...". Tác giả còn khẳng định tình thái nguyện vọng hay tình thái ngôn trung đều là đối tượng nghiên cứu của ngữ pháp - ngữ nghĩa [49, tr.30,31].

1.2.3.3. Phương tiện diễn đạt nghĩa tình thái

So với ngôn ngữ biến hình, phương tiện diễn đạt tình thái tiếng Việt có nhiều khác biệt. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau về phương tiện biểu thị tình thái. Nguyễn Thiện Giáp đã tổng kết các cách phân chia và khái quát "Trong tiếng Việt, nghĩa tình thái có thể được thể hiện bằng các từ, các ngữ đoạn, thậm chí bằng cả cấu trúc chủ vị" [22, tr. 264].

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nghiên cứu nghĩa tình thái qua các phương tiện: phương tiện từ vựng, phương tiện ngữ pháp như các kiểu câu, trật tự từ, đảo thành phần và phương tiện ngữ âm (ngôn điệu). Tuy nhiên trong các nghiên cứu tình thái chủ yếu được xem xét qua phương tiện từ vựng và các kiểu câu.

Nguyễn Văn Hiệp trong cuốn Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp đã xác định cấu tạo của tình thái tiếng Việt bằng các phương tiện như sau:

(1) Các phó từ làm thành phần phụ của ngữ vị từ: đã, sẽ, đang, từng, vừa, mới…

(2) Các vị từ tình thái làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ: toan, định, cố, muốn, đành, được, bị, bỏ, hãy, đừng, chớ…

(3) Các động từ chỉ thái độ mệnh đề trong cấu trúc chỉ thái độ mệnh đề: tôi e rằng, tôi sợ rằng, tôi nghĩ rằng...

(4) Các quán ngữ tình thái: ai bảo, nói gì thì nói, ngó bộ, thảo nào, tội gì, đằng thẳng ra, kể ra, làm như thể...

(5) Các vị từ ngôn hành trong kiểu câu ngôn hành (với những điều kiện về ngôi, thời): ra lệnh, van xin, đề nghị, yêu cầu...

(6) Các thán từ: eo, eo ôi, chao ôi, ồ...

(7) Các tiểu từ tình thái cuối câu và tổ hợp đặc ngữ (idiom) tương đương: à, ư, nhỉ, nhé, thôi, chứ, đi, mất, thật, cũng nên, lại còn, thì chết...

(8) Các vị từ đánh giá và tổ hợp có tính đánh giá: may (là), may một cái (là), đáng buồn (là), đáng mừng (là), đáng tiếc (là)...

(9) Các trợ từ: đến, những, mỗi, nào, ngay, cả, chính, đích thị, đã, mới, chỉ... (10) Các đại từ nghi vấn dùng trong những câu phủ định - bác bỏ: (P làm gì? P thế nào được?, các liên từ dùng trong các câu hỏi (Hay P?, Hay là P?).

(11) Các từ ngữ chêm xen biểu thị tình thái: nó biết cóc gì, mua cha nó cho rồi, hỏi cái đếch gì...

(12) Kiểu câu điều kiện giả định: nếu ... thì..., giá... thì..., cứ... thì... [35, tr.140]. Ngoài việc thừa nhận các phương tiện tình thái mà Nguyễn Văn Hiệp đã nêu ra, chúng tôi cũng xem xét thêm nghĩa tình thái qua các phương tiện tình thái hô đáp chỉ quan hệ như dạ, bẩm, vâng, ơi, thưa, này, ừ... và các kiểu câu cảm thán.

Trong khuôn khổ luận án nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện, chúng tôi không nghiên cứu tình thái trên từ góc độ vị trí, từ loại hay thành phần câu mà chủ yếu khảo sát về đặc điểm ngữ nghĩa - chức năng. Chúng tôi chủ yếu xác định vai trò các phương tiện tình thái trong việc bộc lộ các sắc thái, tâm lí, cá tính

nhân vật hay góp phần thể hiện quan điểm, lập trường của người kể chuyện và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã phân chia nghĩa tình thái và phương tiện tình thái như Diệp Quang Ban, Nguyễn Thị Lương...Trong đó, Diệp Quang Ban cho rằng: "Về phương diện nghĩa tình thái được dùng để nêu các ý nghĩa về quan hệ của người nói đối với người nghe và đối với sự việc được diễn đạt trong câu nên nó cũng được gọi là tình thái liên nhân hay nghĩa liên nhân". [5, tr.31]. Theo ông tình thái gồm các nghĩa:

1) Tình thái chỉ thái độ, cách đánh giá của người nói đối với sự việc được diễn đạt trong câu gồm:

-Tình thái khẳng định - phủ định như đúng là, đúng đấy, đúng thế thật... - Tình thái độ tin cậy như có lẽ, chẳng lẽ, đã, chắc, tất nhiên...

- Tình thái ý kiến được thể hiện bằng các từ ngữ tình thái như nói của đáng tội, theo tôi, cứ như ý ông ấy, nghĩ, nom, chỉ, những...

2) Tình thái chỉ thái độ của người nói đối với người nghe: thể hiện rõ ở từ diễn đạt ngôi nhân xưng và các yếu tố sau:

- Lời gọi - đáp thưa gửi như: thưa, này, ơi, vâng, dạ...

- Từ ngữ đưa đẩy. Ví dụ: không dám. xin lỗi, phiền anh, cảm ơn...

- Ngữ thái từ: là những từ đứng cuối câu với những chức năng chung là “tự thể hiện mình và trình diễn quan hệ xã hội của người nói" [4, tr.35]. Các ngữ thái từ thường gặp là: à, ạ, a, ư, hử, hả, nhé, nhỉ, mà....

Theo Nguyễn Thị Lương có ba loại nghĩa tình thái được thể hiện qua các phương tiện tình thái như sau:

1) Tình thái chỉ ý kiến được dùng để biểu thị ý kiến chủ quan của người nói với nội dung, sự tình được phản ánh trong câu. Tình thái chỉ ý kiến gồm:

- Tình thái khẳng định: đúng là, nhất định, cứ hẳn thế, chắc chắn, chỉnh hẳn là, đích thị, thế nào... cũng, chỉ có... mới biết...

- Tình thái phủ định: làm gìcó, đâu có, đâu mà, không đời nào, bao giờ, thì có, đâu phải...

ra, là cùng, là mấy, bất quá... chứ mấy, bất quá... là cùng,...; Đánh giá về tính có lý/ vô lý: ai lại, ai đời, lẽ ra, công bằng mà nói, đằng thắng ra, đáng lẽ,...; Đánh giá về điều kiện may mắn/ không may mắn: cũng may, may sao, may ra, họa may, chẳng may, không may,...; Đánh giá nêu nguyên nhân, lý do: chẳng qua, âu cũng là, nghĩa là, tất là, thế là....

2) Tình thái chỉ quan hệ, thái độ, tình cảm bao gồm:

- Chỉ thái độ hoài nghi: ngộ nhỡ, hình như, chẳng lẽ, không khéo, tôi e rằng, hay là, chưa biết chừng...

- Chỉ thái độ ngạc nhiên, bất ngờ: hóa ra, té ra,...

- Chỉ thái độ chấp nhận, miễn cưỡng: vậy, thôi đành vậy, âu cũng đành... - Chỉ thái độ lịch sự: cảm phiền, làm ơn, xin lỗi, nói trộm vía ...

- Chỉ thái độ tình cảm vui buồn, bất ngờ (còn gọi là phần cảm thán): ôi, ối trời, ạ, lạy trời, trời ơi, giời ơi là giời, than ôi...

3) Tình thái hô đáp (còn gọi là hô ngữ)gồm:

+ Biểu thức ngôn ngữ dùng để hô như : ơi, ạ, thưa, bẩm... + Biểu thức ngôn ngữ đáp như: vâng, dạ, ừ..[52].

Từ đó, luận án xác định tình thái là nhìn nhận, đánh giá, quan hệ, thái độ, tình cảm và nguyện vọng của người nói kèm theo nội dung mệnh đề. Chúng tôi phân chia tình thái theo ba phạm trù nghĩa:

- Tình thái chỉ nhận thức, đánh giá bao gồm: nghĩa khẳng định, nghĩa phủ định, nghĩa đánh giá.

- Tình thái chỉ thái độ, tình cảm, nguyện vọng bao gồm: sắc thái tình cảm vui buồn, sắc thái ngạc nhiên; sắc thái miễn cưỡng chấp nhận; sắc thái hoài nghi và sắc thái nguyện ước...

- Tình thái chỉ quan hệ liên nhân (quyền thế, thân hữu) bao gồm tình thái hô đáp như ơi, thưa, bẩm, vâng, dạ, ừ... và các tiểu từ tình thái cuối câu như ạ, nhỉ, nhé, hử, hả...

Các phương tiện tình thái thể hiện các phạm trù nghĩa nêu trên sẽ được chúng tôi nêu rõ trong bảng thống kê nghĩa và các phương tiện tình thái (Bảng 4.5, tr.142).

Nhìn chung, tình thái là một phạm trù về ngữ pháp - ngữ nghĩa thể hiện nhận thức, thái độ, ứng xử của người nói với các nhân tố giao tiếp như người nghe, đối tượng được nhắc đến trong lời nói, mục đích giao tiếp và bộc lộ hoàn cảnh, tình huống giao tiếp... Trong ngôn ngữ kể chuyện thành phần tình thái cũng có vai trò quan trọng trong việc thể hiện ý nghĩa, giá trị của tác phẩm và phong cách nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 41 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)