Mối quan hệ giữa điểm nhìn với nghĩa tình thái

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 149 - 160)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN ÁN

3.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

4.2.2. Mối quan hệ giữa điểm nhìn với nghĩa tình thái

Việc sử dụng tình thái trong ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn cần phải dựa trên một trong những nhân tố quan trọng tạo nên phát ngôn là chủ thể phát ngôn. Việc thống kê các phương tiện, nghĩa tình thái và phân tích vai trò của chủ ngôn ở lời phát ngôn trong một số tác phẩm HTPP của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao giúp chúng tôi phát hiện ra sự chi phối của điểm nhìn với các phương tiện và nghĩa tình thái.

4.2.2.1. Sự chi phối của điểm nhìn đến nghĩa tình thái

Lời nói hay phát ngôn bao giờ cũng gắn với chủ thể của nó, không có chủ thể phát ngôn thì không có lời nói, không có phát ngôn. Để làm rõ vai trò của chủ thể phát ngôn trong việc tình thái hóa ngôn ngữ kể chuyện cần phải phân biệt giữa người phát ngôn và chủ thể phát ngôn.

Người phát ngôn là người nói, người tạo ra phát ngôn. Trong giao tiếp người phát ngôn và chủ thể phát ngôn thường đồng nhất nhưng trong tự sự, người phát ngôn không nhất thiết là chủ thể của phát ngôn. Người phát ngôn có thể dựa trên lập trường của mình hoặc dựa vào điểm nhìn của người khác để phát ngôn. Khi người phát ngôn tạo ra phát ngôn dựa trên vị trí, lập trường, quan điểm, tình cảm, thái độ... của chính mình thì khi đó người phát ngôn đồng thời là chủ ngôn. Khi người phát ngôn tạo ra phát ngôn dựa trên vị trí, lập trường, quan điểm, tình cảm... của người khác thì người phát ngôn chỉ là người nói, còn chủ ngôn là người được bày tỏ lập trường, quan điểm, thái độ, cảm xúc... Tóm lại, người phát ngôn và chủ ngôn có thể trùng nhau hoặc khác nhau nhưng phát ngôn nhất thiết phải dựa trên một vị trí, chỗ đứng, lập trường (điểm nhìn) của chủ thể phát ngôn. Người phát ngôn, chủ thể phát ngôn trong các tác phẩm tự sự có thể là người kể chuyện, nhân vật hoặc người kể chuyện đồng thời là nhân vật. Từ chủ thể phát ngôn tức là từ điểm nhìn khác nhau mà nhà văn tình thái hóa hiện thực khác nhau và sử dụng các phương tiện tình thái, nghĩa tình thái khác nhau.

Ví dụ, trong Chí Phèo của Nam Cao nhà văn kể và miêu tả về nhân vật Chí Phèo từ nhiều điểm nhìn khác nhau như các điểm nhìn của người kể chuyện, thị Nở, Bá Kiến và bà cô. Chúng tôi trích một số dẫn liệu và phân tích việc sử dụng các phương tiện tình thái để thấy rõ sự chi phối của điểm nhìn với phương tiện và nghĩa tình thái như sau:

Vd94: Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời. Có lẽ hắn cũngkhông biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. [1, tr.51]. (Chí Phèo - Nam Cao)

Người phát ngôn trong dẫn liệu này là người kể chuyện và người kể chuyện vừa là chủ thể phát ngôn vừa là người phát ngôn. Trong phát ngôn này người kể chuyện giấu mình và gọi nhân vật Chí Phèo là hắn. Biểu thức tình thái có lẽ được sử dụng hai lần thể hiện lời kể có tính phán đoán, chỉ có độ tin cậy nhất định. Biểu thức tình thái phủ định chưa bao giờ được lặp lại hai lần nhấn mạnh sự mất nhân tính của Chí Phèo, nhấn mạnh kể từ khi ra tù Chí Phèo sống trong cơn say triền miên, cơn say này nối tiếp cơn say khác thành một cơn dài mênh mông. Các biểu

thức tình thái được sử dụng thể hiện rõ chủ ngôn là người đứng ngoài câu chuyện, chứng kiến và kể về Chí Phèo một cách khách quan.

Vd95: Chỉ biết rằng thị muốn gặp Chí Phèo, gặp hắn mà nhắc lại chuyện đêm qua thì chắc buồn cười lắm. Gớm! Sao lại có thứ người đâu mà lì quá thế? [1, tr.61]. (Chí Phèo - Nam Cao)

Nếu ở Vd94 nhân vật Chí Phèo được kể từ điểm nhìn người kể chuyện một cách khách quan thì ở dẫn liệu này dù người phát ngôn vẫn là người kể chuyện nhưng chủ thể phát ngôn là nhân vật thị Nở. Người kể chuyện kể về Chí Phèo dựa trên vị trí, lập trường, quan điểm, thái độ, tình cảm... của nhân vật thị Nở nên phát ngôn này mang tính chủ quan đậm nét. Ngữ tình thái Sao lại thuộc loại tình thái đánh giá sự vô lí cùng với ngữ tình thái quá thế chỉ lượng mức độ cho thấy thị Nở ít nhiều cũng nhận ra bản chất liều lĩnh, lưu manh của Chí Phèo. Tuy nhiên từ tình thái chỉ thuộc tiểu loại tình thái chỉ lượng, mức độ và muốn thuộc tiểu loại tình thái nguyện vọng, mong ước đã thể hiện rõ thị Nở nhìn Chí Phèo trong tâm thế của người đang yêu có mong muốn duy nhất được gặp người mình yêu. Từ tình thái

chắc thuộc tiểu loại tình thái khẳng định và lắm thuộc tiểu loại tình thái chỉ lượng, mức độ kết hợp với ý nghĩa (buồn cười) trong mệnh đề cho thấy qua con mắt tình yêu của thị Nở hình ảnh Chí Phèo hiện lên đáng yêu hơn là đáng sợ. Điểm nhìn chi phối quá trình tình thái hóa ngôn ngữ kể chuyện ở đây là điểm nhìn của người đàn bà xấu xí, ngoài ba mươi mà chưa chồng, đang có cơ hội được yêu và vì được yêu nên bất chấp.

Vd96: Trời ơi! Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi ông cha nhà bà! Bà gào lên như con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con cháu ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó (1):

- Ðã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo! (2)[1, tr.64]

Dẫn liệu này được chúng tôi chia thành hai đoạn (1) và (2) bởi trong đó có hai người phát ngôn khác nhau. Người phát ngôn ở (1) là người kể chuyện và người phát ngôn ở (2) là nhân vật bà cô. Tuy nhiên cả hai phát ngôn (1) và (2) đều xuất phát từ điểm nhìn của bà cô thị Nở, thể hiện cách nhìn, thái độ của nhân vật bà cô

với Chí Phèo và đứa cháu gái chưa trót đời. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các tình thái phủ định chưa ở (1), tình thái đánh giá thể hiện sự vô lý ai lại ở (2) và nhận thấy chúng đều thể hiện đánh giá tiêu cực của nhân vật bà cô về Chí Phèo và thị Nở. Từ sự đánh giá tiêu cực ấy chúng tôi lý giải trạng thái tâm lý cảm thấy ê chề, nhục nhã của nhân vật khi biết tin cháu gái mình yêu Chí Phèo, được thể hiện qua các phương tiện tình thái cảm thán liên tiếp ở (1) như Trời ơi!; ...ơi là..!; Hỡi ông cha nhà bà!. Điểm nhìn chi phối các phương tiện tình thái ở đây trước hết là điểm nhìn của một người đàn bà lương thiện không chấp nhận một thằng lưu manh. Ngoài ra, điểm nhìn của nhân vật còn xuất phát từ vị trí của một bà cô ế chồng trải qua một cuộc đời cô đơn dài dằng dặc vừa muốn cháu gái lấy mình làm tấm gương noi theo vừa có một chút đố kị với tình yêu của đứa cháu dở hơi.

Trong Thằng Quýt (II) của Nguyễn Công Hoan chúng tôi trích dẫn hai đoạn thoại sau đây:

Vd97: "- Anh không được làm với ông Phán à? (1)

- Vâng, ông con không nuôi, vì đã có thằng Quýt khác rồi. Thành ra mấy hôm nay con không có việc gì. Con lo quá. (2). [2, tr.237].

Đây là đoạn đối thoại giữa hai nhân vật là nhân vật xưng "tôi" với thằng Quýt và hai nhân vật đều là người phát ngôn trực tiếp từ điểm nhìn của chính mình. Trong đó (1) là phát ngôn của nhân vật xưng "tôi" đồng thời là người kể chuyện. Tình thái phủ định không được cho thấy chủ thể phát ngôn đã đặt mình vào vai thằng Quýt đánh giá về việc nó không được làm với ông Dự là điều không may mắn, thể hiện điểm nhìn của người thông cảm, sẻ chia.

Vd98: "- Ông cấm mày bận sau không được lai vãng đến đây! Liệu hồn, mày định bôi nhọ ông à? Mày ở với ông, ông trả công mày tử tế, bây giờ mày đòi cái gì? Bước!" [2, tr.239].

Chủ thể phát ngôn trong dẫn liệu này là nhân vật ông Dự và đây là lời thoại trong cuộc đối thoại giữa ông Dự với thằng Quýt. Các phương tiện tình thái được sử dụng vẫn là tình thái phủ định không được giống như Vd97 nhưng chúng đã mang nội hàm nghĩa khác. Ở đây tình thái phủ định không được chủ yếu mang nghĩa không cho phép, cấm đoán. Điểm nhìn của ông Dự, là chủ thể phát ngôn ở đây là điểm nhìn của ông chủ với thằng đầy tớ mà ông đang muốn đoạn tuyệt.

Như vậy, việc phân tích các dẫn liệu nêu trên có thể giúp chúng tôi khẳng định các phương tiện và nghĩa tình thái được xác lập dựa trên điểm nhìn cụ thể và chúng có mối quan hệ mật thiết với chủ thể phát ngôn.

4.2.2.2. Tình thái hóa ngôn ngữ kể chuyện theo điểm nhìn

a. Tình thái hóa thái theo độ tin cậy với sự tình: Dựa vào điểm nhìn của chủ thể phát ngôn, mức độ tin cậy với sự tình được nhắc đến trong phát ngôn thường được thể hiện khác nhau. Từ điểm nhìn có mức độ tin tưởng cao người ta thường sử dụng các biểu thức chứa các từ ngữ tình thái có tính khẳng định triệt để như: quả thật, chắc, là cái chắc, không còn nghi ngờ gì nữa, cố nhiên, tất nhiên, chính, thật, đích thị, nghiễm nhiên, quả quyết... Ở mức độ tin cậy thấp người ta có thể sử dụng các biểu thức có chứa các từ ngữ tình thái như: có lẽ, hình như, lẽ nào lại... Mức độ không đáng tin cậy thường thể hiện qua các biểu thức chứa các từ ngữ tình thái có tính phủ định, bác bỏ như: chẳng, chưa, không đời nào, đâu phải, đâu có, làm gì, không thể, chả, chớ...

Vd99: "Tôi nhìn đằng xa, thấy thằng Quýt đang đi lại (1). Áo quần nó rách bươm, mặt mũi nó đen đủi, đầu tóc nó bơ phờ (2). Mà cái áo nịt của nó không biết biến đâu mất (3). Quả đúng như lời ông Dự, nó như thằng ăn cắp chợ" (4) [2, tr.240].

(Thằng Quýt - Nguyễn Công Hoan) Ngữ tình thái Quả đúng trong dẫn liệu trên nằm trong lời của người kể chuyện là nhân vật xưng "tôi" được sử dụng nhằm thể hiện mức độ tin cậy cao của lời nói. Nhân vật "tôi" từ điểm nhìn của người thương cảm, muốn chia sẻ và giúp đỡ thằng Quýt nên khi nghe ông Dự tả về nó "như thằng ăn cắp chợ" đã không muốn tin. Tuy vậy, khi gặp lại nó "tôi" buộc phải thừa nhận ông Dự nói đúng, thông tin mà ông Dự đem tới trùng với sự thực mà "tôi" được chứng kiến. Sự đáng tin cậy còn được thể hiện rõ hơn qua hình thức lập luận mà trong đó (1), (2), (3) là các luận cứ, phương tiện tình thái quả đúng được đặt ở (4) khẳng định kết luận này là rất đáng tin cậy.

Vd100: "Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". [1, tr.60].

Trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao đã rất nhiều lần sử dụng phương tiện tình thái hình như thuộc loại tình thái đánh giá khả năng xảy ra hay không xảy ra để tái hiện lại quá khứ lương thiện của Chí Phèo. Trong cơn say triền miên, Chí Phèo sống trong lốt là con quỷ dữ và làm tất cả những điều người ta sai bảo. Hắn có độc một nghề rạch mặt ăn vạ và sống không có quá khứ, không cần tương lai. Sau khi gặp Thị Nở, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu và hắn mơ hồ nhớ lại ước mơ ngày xưa. Với phương tiện tình thái hình như quá khứ là người lương thiện của Chí Phèo dù có thật nhưng trở nên rất xa xôi, không còn rõ nét trong tâm trí. Phương tiện tình thái này đã thể hiện rõ điểm nhìn của một thằng say rượu, sống trong cơn say triền miên, khi tỉnh rượu thấy tất cả trở nên mơ hồ.

Vd101: "Tấm giấy bạc ấy, đích là nó theo khăn mùi soa ra ngoài, chứ không còn cách nào khác nữa. Nhưng nó ra ngoài, rồi nó rơi đi đâu? Rơi xuống đường? Thôi thế thì đành mất. Rơi trong xe? Cũng chẳng hi vọng gì còn" [2, tr.202].

(Tấm giấy một trăm - Nguyễn Công Hoan)

Trong phát ngôn này, người phát ngôn là người kể chuyện, chủ thể phát ngôn là bà quan vô ý làm mất một tờ bạc trị giá một trăm đồng. Người kể chuyện dựa vào điểm nhìn quan bà để kể lại sự việc làm cho câu chuyện trở nên đáng tin cậy và chân thật hơn. Sau khi bà quan đã tìm đi tìm lại mà không thấy đồng tiền thì phương tiện tình thái đích là có ý nghĩa khẳng định chắc chắn việc quan bà bị mất tiền, phương tiện tình thái phủ định chẳng thể hiện bà quan đã mất hết hi vọng, không còn tin tưởng vào việc tìm thấy tờ tiền bị mất.

Như vậy, có thể nói điểm nhìn tin cậy hay không tin cậy thường gắn với các loại tình thái phủ định, khẳng định và đánh giá.

b. Tình thái hóa theo đánh giá về chất: Theo điểm nhìn của chủ thể phát ngôn có thể đánh giá sự tình theo các hướng may mắn/không may mắn; có lý/vô lý, có khả năng/không có khả năng xảy ra; nguyên nhân, lý do. Thể hiện sự đánh giá về chất ta có các từ ngữ tình thái như: cũng may, may ra, may sao, họa may, bị, được, nhỡ mà, ai lại, ai đời, lẽ ra, đáng tiếc cho, tiếc thay, khéo là, chả nhẽ, có thể, hình như, có dễ, đoán, ý chừng, xem chừng...

Vd102: “Đáng lẽ như người ta, tao không cho mày về ngay sớm ngày mai. Mày phải chờ cho tao thuê được người mới cái đã”. [2, tr.228].

(Thằng Quýt I - Nguyễn Công Hoan) Chủ ngôn của lời thoại trên là nhân vật ông Dự. Thằng Quýt xin về quê ăn Tết sớm nhưng ông Dự không muốn vì theo ông đó là việc vô lí, khiến ông bị rơi vào thế bí. Vì sự vô lí ấy, ông chủ Dự đáng lẽ không cho phép nhưng trước lời cầu xin tha thiết của thằng Quýt ông thương tình đồng ý. Như vậy, với tình thái đáng lẽ

ông Dự muốn nhấn mạnh sự vô lí của thằng Quýt và thể hiện mình là người biết lí lẽ. Tuy nhiên đặt trong ngữ cảnh cụ thể trong tác phẩm, phương tiện tình thái này còn thể hiện kiểu ngôn ngữ của những kẻ giàu có, quyền thế mang tính trịch thượng và giả nhân, giả nghĩa. Ông Dự chính là đại diện cho bọn thống trị tham lam, tráo trở nhưng lại luôn tìm ra mọi cách tạo ra cái vẻ ngoài đạo đức.

Vd103: "Một người quen có thể đi qua, và nếu họ bắt gặp hắn đang cố nhét một gói thịt vào túi áo!". [1, tr.131].

( Đời thừa - Nam Cao)

Từ tình thái có thể thể hiện suy nghĩ của nhân vật Hộ về khả năng hắn sẽ bị bắt gặp ở trong quán khi mua một gói thịt mang về cho vợ con. Trong tình cảnh tiền tháng trước đã tiêu quá tay, có nhiều khoản nợ nần phải trả thì đây là khả năng mà hắn phải lường trước để tránh được việc phải đem số tiền vừa lĩnh tiêu tốn vào việc tiếp đãi bạn bè khiến vợ con phải khổ. Việc Hộ phải ngó trước ngó sau trước hiệu thịt quay, dự đoán, đề phòng khả năng xảy ra đã thể hiện rõ điểm nhìn của một trí thức nghèo luôn có ý thức giữ gìn sĩ diện và phẩm giá.

c. Tình thái hóa theo đánh giá về lượng, mức độ, khoảng cách: Để thể hiện sự đánh giá về lượng, mức độ, các nhà văn thường sử dụng các từ ngữ tình thái: mới, lắm, những, gần như, chỉ, tận, ít nhất, nhất là, chí ít, ít ra, có là bao, là mấy, là cùng, quá... Điểm nhìn của chủ ngôn sẽ chi phối sự lựa chọn đối tượng được đánh giá về lượng, mức độ, khoảng cách và chi phối tính chất của chúng.

Vd104: "Ác thật! Vai anh Tư Bền đóng hôm ấy cứ luôn luôn phải ở sân khấu, mà nhất là phải làm nhiều điệu bộ hơn mọi khi, lắm lúc phải rặn ra mà cười ha hả" [2, tr.139].

Người phát ngôn cũng như chủ thể phát ngôn trong ví dụ trên là người kể chuyện. Người kể chuyện biết rõ câu chuyện nhưng chỉ đứng từ bên ngoài để kể và miêu tả kể về tình cảnh của anh Kép Tư Bền, một người con có hiếu phải diễn trò

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện trong một số tác phẩm hiện thực phê phán của nguyễn công hoan và nam cao (Trang 149 - 160)