6. Cấu trúc luận án
2.2. Đặc trưng thể loại của thơ lục bát
2.2.1. Cấu trúc hình thức thể lục bát
2.2.1.1. Đặc điểm của thanh, âm và vần trong tiếng Việt
2.2.1.1.1.Các loại „thanh‟ trong tiếng Việt
Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm, tức là mỗi tiếng chỉ có một âm. Tuy nhiên, mỗi âm mang nhiều „thanh‟ khác nhau. Thanh là cách phát âm cao hay thấp, bổng hay trầm của mỗi âm.
Chữ quốc ngữ dùng để viết tiếng Việt chỉ có năm dấu „sắc‟,„huyền‟,„hỏi‟, „ngã‟,„nặng‟, và chữ„không đánh dấu‟, tương ứng với 6 thanh. Cổ nhân ta đã mượn chữ Nho để đặt tên cho các thanh trong tiếng Việt. Vì tiếng Trung chỉ có 4 thanh là
bình (bằng phẳng), thượng (lên), khứ (đi), và nhập (vào), nên cổ nhân đã thêm vào hai chữ „phù‟ (bổng) và „trầm‟ (chìm) để phân biệt các thanh trong tiếng Việt: phù bình thanh gồm những tiếng không có dấu; trầm bình thanh gồm những tiếng mang dấu huyền; phù thượng thanh gồm những tiếng mang dấu ngã; trầm thượng thanh
gồm những tiếng mang dấu hỏi; phù khứ thanh gồm những tiếng mang dấu sắc;
trầm khứ thanh gồm những tiếng mang dấu nặng; trầm nhập thanh gồm những tiếng mang dấu sắc và chấm dứt bằng các mẫu tự c, ch, p, t.
2.2.1.1.2. Âm bằng và âm trắc trong tiếng Việt
Sáu thanh nêu trên có thể cô đọng thành 2 loại âm „bằng‟ và „trắc‟. Bằng (nghĩa đen là bằng phẳng) gồm những tiếng lúc phát ra nghe đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) gồm những tiếng phát ra mang âm từ thấp lên cao, hoặc từ cao xuống thấp. Bằng gồm hai thanh „phù bình‟ và „trầm bình‟; trắc gồm sáu thanh còn lại. Trong tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu, ông Dương Quảng Hàm đã liệt kê các thanh này trong bảng tóm tắt sau:
Âm Tên của thanh Dấu của thanh Ghi chú bằng phù bình trầm bình không có dấu huyền ( ` ) trắc phù thượng trầm thượng phù khứ trầm khứ phù nhập trầm nhập ngã ( ~ ) hỏi ( ? ) sắc ( ' ) nặng ( . )
riêng cho các tiếng đằng sau có phụ âm c, ch, p, t
Để đơn giản hóa cách phân biệt bằng và trắc, theo lối viết chữ quốc ngữ, những chữ nào không mang dấu hoặc mang dấu huyền là tiếng „bằng‟, còn những chữ mang dấu sắc, hỏi, ngã, nặng là „trắc‟.
2.2.1.1.3.Vần trong tiếng Việt
Trong tiếng Việt, những tiếng có vần với nhau là những tiếng không những cùng một thanh (bằng hoặc trắc) mà còn phải có âm hoặc hoàn toàn hợp nhau, hoặc tương tự nhau. Có hai loại vần là „vần chính‟ (còn gọi là „vần giàu‟ hoặc „vần sát‟) và „vần thông‟(còn gọi là „vần nghèo‟ hoặc „vần gượng‟).
Vần chính là những tiếng cùng một khuôn âm như „ba‟ với „bà‟, „thương‟ với „trường‟, „đời‟ với „trời‟ (các âm bằng); hoặc „chính‟ với „tĩnh‟, „sợ‟ và „vợ‟ (các âm trắc), v.v… Vần thông là những tiếng hợp nhau về thanh nhưng chỉ tương tự với nhau về âm như „inh‟ với „anh‟, „ang‟ với „ương‟, „nâng‟ với „trăng‟ (các âm bằng); hoặc „lụt‟ với „mục‟ (âm trắc), v.v…
2.2.1.2. Khuôn khổ của thơ lục bát
„Lục bát‟ là „sáu tám‟ vì theo thể thức, lối thơ này bao gồm cứ một câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ. Nói cách khác, cấu trúc hình thức của lục bát được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát). Có thể xem cặp 6 tiếng + 8 tiếng là đơn vị tế bào, một chỉnh thể tối thiểu của thơ lục bát, bởi vì nó hoàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa và nhất là hoàn chỉnh về mặt cấu âm theo chiết đoạn trong quy luật hòa thanh của âm nhạc. Cho nên, ca dao chỉ cần một cặp 6 - 8 là đủ:
Muốn cho biển hẹp như ao Bắc cầu đòn gánh mà trao nhân tình
Thông thường, bài thơ mở đầu bằng câu sáu chữ và kết thúc bằng câu tám chữ. Một bài thơ lục bát không bị giới hạn bởi số câu trong bài. Bài thơ có thể chỉ bao gồm hai câu nhưng cũng có thể kéo dài hàng ngàn câu như Thiên Nam ngữ lục
với 8.136 câu, Truyện Kiều với 3.254 câu. Sự bố trí dòng 6 - dòng 8 dù ấn định một âm hình so le về số lượng âm tiết nhưng lại đều đặn về tiết điệu: trọng âm, kéo theo luật bằng trắc với sự đối lập cao thấp, trầm bổng và cả nhịp sẽ vận động một cách
đều đặn. Cách hiệp vần, về mặt âm vị học là sự tương đồng trong chuỗi những dị biệt; về ngữ pháp âm thanh là hình thức điệp nối kết hai ngữ đoạn với nhau; về mặt nhạc điệu là “sự đồng vọng” của một chuỗi sóng âm mang lại chức năng thi ca và cảm xúc thẩm mỹ của nó. Với âm hình cơ bản ấy, lục bát đạt trình độ mẫu mực của nhạc thơ cổ điển: giai điệu, tiết tấu đạt đến sự hài hòa, trật tự và nhịp nhàng.
2.2.1.3. Luật bằng trắc trong thể lục bát
Một bài thơ lục bát bao gồm một hoặc nhiều cặp các câu thơ lục bát mà trong đó, mỗi cặp thơ tuân theo quy luật sau đây (b = bằng; t = trắc):
- Câu lục: b B t T b B - Câu bát: b B t T b B t B
Hai câu đều ở giữa dòng. Câu bát tiến ra ngoài khoảng hai chữ so với câu lục. Những chữ viết hoa bắt buộc phải theo đúng quy luật bằng trắc. Ngược lại, những chữ còn lại không bắt buộc phải đúng luật. Vì vậy, thời trước, các cụ thường dùng quy luật thơ Đường „nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh‟ để ám chỉ luật thơ lục bát (câu này không nhắc đến chữ thứ bảy, tức chữ cuối trong mỗi câu vì theo luật thơ Đường, các chữ thứ bảy bắt buộc phải „phân minh‟). Đối với thơ lục bát, chúng ta chỉ cần nhớ „chẵn bó buộc, lẻ tự do‟ là đủ. Hai câu sau đây trong Truyện Kiều theo đúng hoàn toàn các âm bằng trắc nêu trên: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”. Ngược lại, trong hai câu sau, cũng trong
Truyện Kiều, tất cả các chữ lẻ của cả câu lục lẫn câu bát đều ngược lại với âm bằng trắc liệt kê ở trên. Sự kiện này không làm câu thơ bị sai luật vì như đã đề cập ở trên, âm bằng trắc của các chữ lẻ được tùy tiện: “Được lời như cởi tấc son/ Vó câu rong ruổi nước non quê người”.
Như đã nêu trên, trong câu lục, tiếng thứ hai phải là tiếng „bằng‟ và tiếng thứ tư phải là tiếng „trắc‟. Tuy nhiên, khi nào câu „lục‟ chia làm hai đoạn đều nhau (3/3), thì tiếng thứ hai có thể đổi thành „trắc‟ và tiếng thứ tư thành „bằng‟. Chẳng hạn như những câu sau đây trong Truyện Kiều: tiếng thứ hai là tiếng trắc thay vì tiếng bằng (Người quốc sắc, kẻ thiên tài; Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh), tiếng thứ tư đổi thành
tiếng bằng (Tưởng bây giờ / là bao giờ), tiếng thứ hai đổi thành trắc và tiếng thứ tư đổi thành bằng (Khi tựa gối, khi cúi đầu; Khi khóe hạnh, khi nét ngài).
2.2.1.4. Cách gieo vần
Vần (hay vận) là tiếng đồng thanh với nhau. Gieo vần thì phải hiệp vận (tức cho đúng vận của nó); ví dụ: hòn, non, mòn, con... Nếu gieo vần mưa với mây thì bị lạc vận. Còn nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là cưỡng vận; ví dụ: tin đi với
tiên. Mỗi vần có hai dạng là vần bằng và vần trắc tùy thuộc vào các thanh (hay dấu) kèm theo nó; ví dụ: vần “an” có “an”, “àn” là vần bằng, “án”, “ản”, “ãn”,“ạn” là vần trắc.
Ở thể thơ lục bát, cách gieo vần phổ biến là vần bằng, vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng. Tiếng cuối của câu lục hiệp vần với tiếng thứ 6 của câu bát, tiếng thứ 8 của câu bát lại hiệp vần với tiếng 6 của câu lục tiếp theo. Chính sự đắp đổi đều đặn của hai phép gieo vần chân - lưng đã làm cho thơ lục bát có nhịp điệu uyển chuyển, nhịp nhàng. Sự chuyển đổi thanh điệu và khuôn âm của hai chữ mang vần ở câu bát đã làm cho hệ thống vần của thơ lục bát luôn chuyển hóa và thông thoáng, rất tự do và dễ liên kết. Ví dụ về gieo vần, chữ cuối của câu „lục‟ cùng vần với chữ thứ sáu của câu „bát‟ tiếp theo, chữ cuối của câu „bát‟ cùng vần với chữ cuối của câu „lục‟ kế tiếp, như trong bốn câu thơ sau của Bùi Giáng: “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không?/ Ta đi còn gửi đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù?”. Chữ „sau‟ của câu lục thứ nhất vần với chữ „mầu‟ của câu bát thứ nhất. Chữ „không‟ của câu bát này lại vần với chữ „dòng‟ của câu lục thứ hai, và chữ „trong‟ của câu bát thứ hai.
Vần gieo ở câu trước là vần chính, vần gieo ở câu sau là vần phụ. Nếu vần câu sau cùng vần với vần câu trước thì cũng là vần chính. Trong một câu mà vần lưng và vần chân đều cùng một vần thì gọi là phong yêu (lưng ong). Cần tránh phong yêu vì đọc lên nghe không hay; ví dụ: “Cả đêm thao thức bồn chồn/ Râm ran tiếng mõ dập dồn đầu thôn”. Lạc vận là vần chân câu lục sang vần lưng câu bát, vần chân câu bát sang vần chân câu lục tiếp theo lại không cùng vần, đọc nghe mất âm điệu; ví dụ: “Mang danh kẻ sĩ Bắc Hà/ Lại chui vỏ ốc, lại chuồn đi đâu”. Các vần nối
tiếp nhau phải cùng vần (vần chính), nếu vần tiếp theo khác hẳn vần chính thì lạc vận, nếu gần giống vần chính thì gọi là lân vận (vần ép), nếu vần đọc lên nghe na ná vần chính thì gọi là vần thông (vần phụ); ví dụ: “Lù lù ngồi giữa công đường/ Ra oai có vẻ ông hoàng ta đây”.
2.2.1.5.Luật phối thanh
Về luật phối thanh, các tiếng chẵn 2 và 6 là thanh bằng, đối nhau qua thanh trắc (4), câu bát có thêm một nhịp bằng nhưng bằng (6) và bằng (8) phải đối nhau về âm vực trầm (thanh huyền), bổng (thanh ngang). Trong câu bát, tuy hai chữ thứ sáu và thứ tám đều là tiếng „bằng‟, nhưng không được cùng một „thanh‟. Nếu chữ thứ sáu thuộc thanh „phù bình‟ (chữ không có dấu) thì chữ thứ tám phải thuộc thanh „trầm bình‟ (chữ với dấu huyền), hoặc ngược lại. Ví dụ, bốn câu đầu trong bài Ngậm ngùi
của Huy Cận: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/ Sợi buồn con nhện giăng mau/ Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây”. Trong câu thứ hai, „đôi‟ là thanh phù bình (tiếng không dấu) và „rầu‟ là thanh trầm bình (tiếng có dấu huyền). Trong câu thứ tư, „hầu‟ là thanh trầm bình và „đây‟ là thanh phù bình. Trong lục bát hoàn chỉnh, ba vị trí gần như tuyệt đối phải tuân thủ luật phối thanh là tiếng thứ 4 - vần trắc, tiếng thứ 6 - vần bằng và tiếng thứ 8 vần bằng (nhưng đối thanh ở dòng bát). Trong thực tế, bên cạnh tuyệt đại đa số lục bát với tiếng thứ 6 vần bằng, vẫn có những lời ca dao sử dụng vần trắc ở vị trí này. Tuy nhiên, trong cả bộ sưu tập Tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, chỉ có 5 lời ca dao ở dạng đó; ví dụ: “Em thương, không thương nỏ biết/ Em thốt nhiều lời thảm thiết hơn thương”. Hơn nữa, lục bát vần trắc không tồn tại quá hai dòng câu trong một đơn vị tác phẩm, bởi tiếng thứ 8 dòng bát của nó đã lại quay về với vần bằng: “Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào?”. Sự tồn tại hiếm hoi của lục bát vần trắc có nguyên nhân sâu xa từ xuất xứ của ca dao. Phần lớn ca dao là phần lời cơ bản của dân ca. Khi nghiên cứu cấu âm tiếng Việt trong lục bát, có nhạc sĩ đã nhận xét: Trong tiếng Việt vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), là âm thanh làm cho ta dễ chịu nhất. Lục bát đã lựa chọn lối kết thúc bởi vần bằng: có khi
ở dạng một đơn cung vừa (nếu là thanh ngang), hoặc có khi là một đơn cung trầm (nếu là thanh huyền), nghĩa là tác giả dân gian đã biết lựa chọn một chủ âm rất thuận lợi cho ca hát bình dân, đến mức nhiều bài hát ru con có thể hát thẳng ra như nguyên bản, không cần thêm từ đệm, từ luyến láy... Thậm chí từ một bài lục bát người ta có thể hát theo nhiều làn điệu khác nhau của dân ca các miền khác nhau.
Trong 3.254 câu Kiều, Nguyễn Du chỉ sử dụng vần bằng ở tiếng thứ tư bảy lần. Trong ca dao, hiện chưa có điều kiện thống kê số lượng lục bát sử dụng tiếng thứ tư vần bằng, nhưng chắc chắn cũng không nhiều. Như vậy những dòng lục bát ít ỏi đang sử dụng tiếng thứ tư vần bằng cũng có thể là dấu hiệu còn lại của quá trình lựa chọn để hình thành nên luật phối thanh hài hoà cho thể thơ lục bát hiện tại với tiếng thứ tư vần trắc.
2.2.1.6. Nhịp thơ
Ở thể thơ lục bát, vần điệu và sự luân chuyển âm vực giữa các thanh điệu đều đặn và nhịp nhàng như sự lên xuống của con nước, của thủy triều. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ rhythm (nhịp điệu) có nguồn gốc từ một từ Hy Lạp cổ là
rhythmos, nghĩa là thủy triều, chỉ sự tuần hoàn lên xuống đều đặn trong những khoảng cách nhất định. Rõ ràng đối với thể lục bát (trong tương quan với tất cả những thể thơ còn lại) là thể thơ trọng thanh bằng, lấy thanh bằng làm chính nên độ mềm mại của âm điệu đạt tới độ cao nhất, cũng như những tuần hoàn của các thanh điệu (đặc biệt trong các vị trí thứ 6 và thứ 8 của hai câu lục - bát) luôn ở tương quan ổn định nhất.
Về nhịp, lục bát thường ngắt nhịp chẵn. Thường thì thể lục bát có một loại nhịp cơ bản, trực tiếp tạo nên âm luật cho nó là nhịp gồm hai tiếng (gọi tắt là nhịp hai), nghĩa là các dòng lục bát dựa trên sự tổ hợp trực tiếp từ các nhịp gồm hai âm tiết. Như vậy, theo thông lệ, dòng lục gồm 3 nhịp hai, dòng bát gồm 4 nhịp hai: “Cày đồng/ đang buổi/ ban trưa - Mồ hôi/ thánh thót/ như mưa/ ruộng cày”(Ca dao); “Êm đềm/ trướng rủ/ màn che - Tường đông/ ong bướm/ đi về/ mặc ai” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng thực tế, không phải lúc nào, câu thơ lục bát cũng chia một cách máy móc thành từng nhịp hai một như thế, vì nếu làm như vậy, câu thơ
chỉ còn một cái khung tách khỏi lời nói, mà thật ra nhịp điệu dù tính theo đơn vị nào cũng gắn chặt với cảm xúc và tư duy được diễn đạt qua lời thơ, nói như Timôfêép thì nhịp điệu chính là “đơn vị của ngữ nghĩa và ngữ điệu”. Các tác giả của công trình Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại đã chia dòng 6 chữ của lục bát có 6 dạng ngắt nhịp phổ biến và dòng 8 chữ của lục bát có 10 dạng ngắt nhịp phổ biến. Ở thơ Nguyễn Duy, dạng phổ biến và dễ thấy nhất ở câu bát bên cạnh nhịp chẵn (bao gồm, 2-2-2-2; 2-6; 2-4-2; 4-4) là dạng nhịp lẻ 3/3/2 (tần suất sử dụng nhịp này là xấp xỉ 15%) - đây là dạng ngắt nhịp không thấy trong số 10 dạng ngắt nhịp phổ biến của dòng 8 chữ mà các tác giả của công trình nói trên đề cập đến: “Bờ ao đom đóm chập chờn - trong leo lẻo/ những vui buồn/ xa xôi” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Trong thơ lục bát truyền thống, những nhịp lẻ thường xuất hiện trong câu lục khi có tiểu đối, ví dụ: “Người đón liễu/ kẻ đưa hoa” (Sơ kính tân trang); và xuất hiện trong câu bát khi có hình thức đối ở 6 tiếng đầu, ví dụ: “Lời tan hợp/ chuyện xa gần/ thiếu đâu” (Truyện Kiều). Còn với thơ hiện đại, hiện tượng ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát ngoài lý do nêu trên, có thể còn là do nhịp điệu tâm hồn của nhà thơ chi phối. Cái đều đặn của nhịp chẵn không đạt hiệu quả cao trong mục đích muốn diễn đạt những sắc thái phức tạp của đời sống nội tâm, nhưng nhịp lẻ thì có thể làm tốt việc này. Ngắt nhịp lẻ sẽ thấy câu thơ gần với lời nói thường nhật, thấy nhịp điệu thơ gần với nhịp đời và lời thơ vì thế mà dễ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người ta hơn: “Ai buông lửng một cái tình - Để ngân nga/ đến rung rinh/ lòng người” (Đàn bầu -
Nguyễn Duy). 2.2.1.7. Đối
Về đối, thơ lục bát không quy định nhất thiết phải có đối. Tuy vậy, đặc trưng phổ