Truyền thống và hiện đại trong nội dung phản ánh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 114 - 118)

6. Cấu trúc luận án

4.2. Thơ lục bát hiện đạ i truyền thống và cách tân

4.2.1. Truyền thống và hiện đại trong nội dung phản ánh

Thơ lục bát hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến nay) đã tiếp nối những giá trị cốt lõi của thơ lục bát truyền thống, trước hết ở nội dung phản ánh, thể hiện. Tình cảm đất nước, quê hương đằm sâu trong những câu thơ hướng về quá khứ, nói chuyện người xưa để gợi nhắc đời nay: “Chém đầu Tô Định, giặc Ngô/ Xác phơi, chín chín đống mồ cỏ hôi/ Hai nghìn năm cũ qua rồi/ Sông Dâu nay đã cát bồi dòng xưa/ Luy Lâu

còn đó… gió mưa/ Vẫn nghe phần phật ngọn cờ Trưng Vương” (Luy Lâu - Tố Hữu); “À ơi… giấc ngủ chưa đằm/ Tháp Rùa trầm mặc nghìn năm nói gì/ Bao thời trận mạc qua đi/ Thăng Long chìm nổi uy nghi dáng Rồng” (Ru bên Hồ Gươm - Nguyễn Văn Chương). Người xưa có câu “Nhân sinh tự cổ vô thuỳ tử”. Con người hữu hạn trước cuộc đời, dù có sức mạnh đến đâu cũng có những ranh giới không thể vượt qua - đó là cái chết về thể xác. Con người tìm đến mối đồng cảm của những tấm lòng, những tri âm, những người đã đi vào cõi bất tử, tìm sự sẻ chia với những người xưa. Nhiều nhà thơ khơi nguồn lục bát từ cảm hứng đó: Bùi Văn Trọng Cường viết Truyền thuyết Loa Thành, Nguyễn Thanh Mừng viết Đám cưới Huyền Trân, Quang Vĩnh Khương viết Trương Chi, Vương Trọng viết Bên mộ cụ Nguyễn Du v.v… Nhân vật trong truyện, tuồng, chèo xuất hiện nhiều trong thơ lục bát hiện đại như Nguyệt Cô, Thị Mầu…, ẩn chứa sau đó là những khóc cười, những khát khao của cuộc đời thực: “Ước ao được sống kiếp người/ Người lừa em - đắng một lời giao hoan/ Xé lòng nghe tiếng em than/ Tiếng kêu nhân thế vẫn vang vọng về” (XemNguyệt Cô hoá cáo‟ - Nguyễn Thị Hồng Ngát). Gợi hồn quê hương là những khúc dân ca mang bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc: “Tôi về đây với hội Lim/ Nghe câu xe chỉ luồn kim thuở nào/ Ai người đội nón quai thao/ Ngực che thêm dải yếm đào làm duyên/ Ở đây trên bến dưới thuyền/ Hoa thơm bướm lượn đến nghiêng mái chèo” (Hội Lim - Đồng Đức Bốn). Quê hương cũng được khắc hoạ với những nét đẹp cổ truyền, những hình ảnh gợi hồn xưa của đất nước: “Đình làng cong vút đầu đao/ Nơi hồn quê chạm trăng sao ngõ trời/ Bút nghiên có tuổi muôn đời/ Đôi câu đối cổ tạc lời ông cha/ Đầu làng u tịch tán đa/ Nơi bình vôi ngậm trăng tà sang canh” (Làng Gồ - Lê Đình Cánh). Những địa danh cụ thể gắn với những nét gây ấn tượng sâu sắc bởi ở đó có những con người mang tinh thần yêu nước nồng nàn góp sức mình vào cuộc kháng chiến cứu nước: “Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu/ Người ta giết giặc bắt thù/ Em thì kháng chiến đưa đò bên sông” (Cô lái đò - Lương An). Quê hương hiện lên ngời sáng trong lửa đạn đau thương, trong nhịp chèo đò bình thản nơi hậu phương cũng là tiền tuyến.

Hướng về quê hương là hướng về cội nguồn. Hình ảnh cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình luôn là những hình ảnh sâu đậm và quá đỗi thiêng liêng trong tâm hồn mọi người cũng như các thi nhân lục bát. Hình ảnh những con người lam lũ ấy hằn sâu trong trí nhớ nhà thơ từ thuở còn ấu thơ: “Chị tôi giặt áo bên sông/ Mẹ tôi mang áo ra hong dậu ngoài/ Cha tôi nén tiếng thở dài/ Tiếng con cuốc cuốc gọi ai ngoài đồng” (Sang hè - Phạm Công Trứ). Nguyễn Duy viết về cha không nhiều, chỉ thoáng qua thôi, song thơ viết về mẹ đằm đến bao nhiêu thì thơ về cha cũng nặng trĩu mến thương nhường ấy: “không răng… cha vẫn cười khì/ đời là rứa kể làm chi cho rầu… ruột ta thắt, mặt ta nhăn/ Cha ta thì cứ không răng cười cười/ Ta đi mơ mộng trên đời/ để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng). Tinh thần lạc quan hay sự nhẫn nại chứa lòng tin tưởng thoát ra từ chính lối sống ông cha. Nụ cười trong khốn khó nâng đỡ tâm hồn con, xoa dịu nỗi xót xa của con, cái “cười khì” như vô tư mà chứa đầy tâm cảm, đó là nụ cười nén đau thương lại để yêu thương. Một người cha rất cụ thể - cha của tác giả - nhưng mang dáng hình của bao người cha trên khắp nẻo đường đất nước, một người cha bước ra từ truyền thống văn hoá dân tộc, và đó cũng là một nét khá đắt giá cho hình ảnh Tổ quốc, quê hương trong những trang thơ lục bát.

Tiếp nối truyền thống nhưng mang tâm thức thời đại, thơ lục bát hiện đại phản ánh, thể hiện những nét hiện thực của thời đại. Những năm đầu thế kỷ XX, đất nước rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cuộc sống nhân dân lầm than, cơ cực, những vần thơ lục bát đau đớn, nghẹn ngào trước tình cảnh khốn cùng của phu làm đường ở Lào Cai, Yên Bái: “Ăn cho ngày độ vài xu/ Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng/ Độc thay phong chướng nghìn trùng/ Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương” (Á tế á ca - Phan Bội Châu). Nỗi đau thời thế, nỗi đau nhân thế ở một người sống tận cùng với đời như Trần Huyền Trân thì câu thơ có một sức nặng khác thường. Có bao nhiêu cái đau đời thương nước của bao người, ông tự mình gánh lấy: “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Với Tản Đà). Hình ảnh những người chiến sĩ anh dũng đấu tranh, sẵn sàng xả thân cho đất nước trong những năm cách

mạng và kháng chiến được khắc hoạ sâu đậm trong lục bát Nguyễn Bính: “Những ai xứng đáng là người/ Hãy hy sinh hết cho nòi giống ta/ Hãy nên vì nước quên nhà/ Coi thường thân sống mới là trượng phu” (Đồng Tháp Mười). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa chiến trường Quảng Trị vang rền đạn bom, những người lính trẻ vẫn an nhiên, hồn nhiên Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm/ Yêu chim mà chẳng lên thăm/ Bởi vì điểm chốt phải nằm lặng im” (Hoàng Nhuận Cầm). Lục bát trong vùng tạm chiếm miền Nam những năm tháng đó lại mang nỗi buồn sầu u uất của cả một thế hệ: “Non sông bóng mẹ sầu u/ Mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu/ Thôi em xanh mắt bồ câu/ Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau” (Kiếp sau - Cung Trầm Tưởng).

Thời hậu chiến, trở về cái đời thường, cảm hứng thơ ca bắt nguồn từ cái hàng ngày, dù nhỏ bé. Trong thơ hình thành một dòng thơ thế sự với cảm hứng sự thật, nội dung thành thật và thái độ của người viết cũng hết sức thành thật. Con người khẳng định mình, trải lòng mình, vừa thành thực vừa xót xa, cái tôi bản ngã được phơi bày đến tận cùng với nỗi buồn, cô đơn, sự tự ý thức, những chiêm nghiệm: “Ta lang thang khắp phố phường/ Người đông lòng vẫn lạnh lùng, phố ơi” (Thiếu khoảng trời xanh - Nguyễn Thị Thu Hồng). Những hối lỗi, dằn vặt, tự trách trở đi trở lại trong nhiều bài thơ, gợi nỗi chua xót khôn nguôi: “Một lần nào đó, xóm nghèo/ Về thăm lòng hứa yêu thương trọn đời/ Rồi ta đi, rồi ta vui/ Rồi ta quên dòng nước trôi xa mình” (Đuốc lá dừa - Bế Kiến Quốc); “Gia tài của mẹ cha đây/ Tôi đem trang trải đất này quê kia/ Dòng sông từng hẹn tôi về/ Qua cầu… để rớt lời thề với em” (Tự bạch - Trương Nam Hương). Trước cuộc sống đầy biến động, nhiều giá trị đổi thay, có thi nhân đưa ra những trăn trở của mình, những câu hỏi day dứt, ám ảnh: “Ai đưa em đến chốn này/ Rượu bia tràn cốc, lả say mềm người?/ Ai hay nước mắt tiếng cười/ Mưa trong tím nắng cuộc đời gốc dân?” (Ai? - Phạm Đông Hưng). Những suy tư về nhân tình thế thái còn mở rộng chiều không gian, theo cả người xuất ngoại đến những nơi xa xôi: “Ngày đi Mat, đêm về Len/ Mặt em thì dại, mặt tiền thì khôn” (Tình cờ gặp người quen trên tàu tốc hành Xêvaxtôpôn-Matxcơva

- Trần Nhuận Minh). Có thể nói, thơ lục bát hiện đại đã hướng tới cuộc sống đa

diện, nhiều chiều với cái nhìn trung thực và nỗi trăn trở, ưu tư sâu sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 114 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)