Lục bát Đồng Đức Bốn

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 148 - 168)

6. Cấu trúc luận án

4.3. Thơ lục bát hiện đại tiêu biểu

4.3.6. Lục bát Đồng Đức Bốn

Đồng Đức Bốn bắt đầu sáng tác lẻ tẻ từ những năm 60, 70 nhưng thực sự gây được ấn tượng trong giới văn chương và độc giả là từ những năm 90 của thế kỷ XX. Trong khoảng 15 năm, thi sĩ cho ra đời 6 tập thơ:Con ngựa trắng và rừng quả đắng

(1992), Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000), Chuông chùa kêu trong mưa (2002), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (2006). Khảo sát tổng thể bấy nhiêu thi phẩm, có thể thấy xấp xỉ 80% (gần 200 bài) là thơ lục bát. Cũng giống như Nguyễn Duy, nhiều câu lục bát của Đồng Đức Bốn tách khỏi thi phẩm và đi thẳng vào đời sống, được vô số tầng lớp quần chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi và trình độ ngâm ngợi: “Cầm lòng bán cái vàng đi/ Để mua những cái nhiều khi không vàng”; “Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không”; “Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành than”; “Câu thơ nấp ở sân đình/ Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau” v.v… Từ những câu lục bát hay đó, có thể nhận ra một Đồng Đức Bốn đa cảm, giàu yêu thương và cũng lắm đau buồn. Trong quan niệm của thi sĩ, lục bát biến hoá vạn

năng, có thể giải cứu con người qua mọi buồn đau, sóng gió của cuộc đời: “Đưa em qua trận bão người/ Bằng câu lục bát của trời cho anh” (Đưa em qua trận bão người).

Hành trình thơ Đồng Đức Bốn phát triển khá nhanh, khi đã bén duyên lục bát, ông viết liên tục, khoẻ và đều tay. Những mạch nguồn lớn chảy trong thơ Đồng Đức Bốn không mấy thay đổi qua các tập thơ, ấy là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ bắt nguồn từ quê hương, làng mạc, từ cuộc sống, từ đời tư, từ chính hình ảnh cái tôi ngạo nghễ “hiểu tôi là ngọn núi cao/ thương tôi có một ngôi sao cuối trời”… cùng lối viết tự nhiên, giọng điệu vừa chua xót vừa kiêu bạc, hình ảnh thơ quen thuộc nhưng đầy ấn tượng. Trên con đường nghệ thuật của mình, Đồng Đức Bốn có những tìm tòi nhất định, tuy nhiên khuynh hướng dân gian được thi sĩ khai thác triệt để. Ta bắt gặp nhiều hình ảnh dân dã trong đời sống hàng ngày và cả những hình ảnh quen thuộc trong ca dao ở thơ lục bát Đồng Đức Bốn. Tất cả không chỉ là những hình ảnh có tính chất cụ thể, hay mang phong vị ca dao mà còn thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về con người và cuộc sống: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm” (Đêm sông Cầu); “Chênh vênh một chiếc trăng gầy/ Đường non khúc khuỷu sương bay nhạt nhoà” (Thức với Côn Sơn); “Thập thò trong bụi tre gai/ Hoa dong riềng của nhà ai nở hồng” (Hoa dong riềng); “Chuông chùa đếm giọt mưa sa/ Thơ tôi nhặt cái người ta vẫn buồn” (Nhà quê)… Có những hình ảnh đã trở thành biểu tượng trong ca dao, dân ca lại mang tính đa chiều hơn trong lục bát Đồng Đức Bốn: “Bây giờ quanh cây trúc xinh/ Vẫn còn những bướm rập rình bay đôi/ Chênh vênh bên cái dốc người/ Biết đâu gặp lại một trời thi ca” (Mây núi Thái Hàng còn giông). Không chỉ hình ảnh, trong thơ Đồng Đức Bốn, âm thanh cũng mang hồn thi sĩ, tiếng chim ca khi thì xây nên ngôi mộ không biết già, khi lại hoá thành chiếc võng đào chờ đợi tình yêu: “Mười ngôi mộ chẳng biết già/ Bởi xây bằng tiếng chim ca giữa trời” (Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc); “Tiếng chim thành chiếc võng đào/ Ngẩn ngơ tôi mắc trên rào đợi em” (Nhà quê).

Ngôn ngữ thơ lục bát Đồng Đức Bốn đậm chất dân gian, mang hơi thở đời thường. Có nhiều hình thức câu hỏi như trong ca dao (Ai? Biết đâu? Sao? Bao nhiêu?... ), hỏi mà không thiết tha câu trả lời, bởi vì mục đích của chúng là xoáy sâu vào lòng người đọc đã đạt được: “Cái đêm em ở với chồng/ Để ai hoá đá bên sông đợi đò?” (Cái đêm em ở với chồng); “Bây giờ mưa gió về đâu?/ Để tôi nhớ mãi một màu tóc xưa” (Mưa gió về đâu); “Đã qua chín nhớ mười thương/ Bao nhiêu hoa ở chiến trường còn thơm?” (Đứng trong cơn bão mà trông)… Đồng Đức Bốn còn học tập lối nói ưa dùng của người Việt với những kiểu ví von, so sánh, ẩn dụ thật tinh tế, ý nhị khi giãi bày cảm xúc cá nhân: “Sợi mưa tựa những dây đàn/ Tay ai gẩy giữa muôn ngàn nhớ thương” (Ba ngày mưa); “Tia chớp như sợi chỉ mềm/ Tôi ngồi khâu áo trả đền cho em” (Chạy mưa không chạy qua rào). Ẩn ý của câu ca dao xưa “Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn” cùng câu thành ngữ “Bao giờ cho đến tháng mười” như in bóng lên hai câu lục bát Đồng Đức Bốn: “Đã yêu thì nói một lời/ Kẻo không tháng chín tháng mười lại mưa” (Nước chảy qua sân). Nhưng đây là dân gian hiện đại; tác giả lại làm cho câu thơ lung linh, đa nghĩa bởi những từ ngữ, hình ảnh được lạ hoá, mờ hoá, ảo hoá. Đêm nằm trằn trọc, thi nhân nhìn sao trời mà liên tưởng đến tình người, lẽ đời còn bao đau khổ, từng vì tinh tú trên bầu trời long lanh như từng giọt lệ cuộc đời, cảm xúc dâng tràn trong giây lát và sức ám ảnh thì dư ba: “Đêm nằm sao dột tứ tung/ Tưởng đâu nước mắt người dưng lại về” (Nhà quê). Cánh diều là sự thăng hoa của tình yêu đôi lứa, hát khúc ca tình với gió mây: “Tình em lấy nắng dán diều/ Tình tôi thả gió cho chiều lên cao” (Tình tôi tình em).

Về hình thức thể loại, Đồng Đức Bốn khá trung thành với những niêm, luật thơ lục bát có từ thuở ca dao. Tuy nhiên, trong hành trình sáng tạo, ông cũng có những phá cách nhất định trong cấu trúc thơ. Có bài thơ bắt đầu từ câu bát: “Bỗng dưng tôi gặp mùa thu trở về/ Dẫu lòng còn những tái tê/ Dẫu đời còn những đam mê chưa thành” (Thăm mộ Nguyễn Du). Có bài thơ vừa bắt đầu từ câu bát vừa kết thúc bằng câu lục: “Khi xa thì nhớ đứng trông lại buồn/… Đã qua nhiều những chông gai/ Thì sau cái chết ban mai phải hồng/ Cuối cùng vẫn còn dòng sông” (Cuối cùng vẫn còn

dòng sông). Có bài thơ chỉ gồm một cặp lục bát: “Tôi ngồi khóc một dòng sông/ Dòng sông không chết bởi giông bão còn” (Khóc một dòng sông). Thậm chí có bài thơ tiêu đề là câu lục và nội dung là câu bát: Chiều nay hồ Tây có giông/ “Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm”. Đồng Đức Bốn không chỉ vận dụng ưu thế của sự phối điệu truyền thống mà còn có nhiều sáng tạo riêng, để diễn tả tinh tế hơn những biến thái cảm xúc. Khi viết về người mẹ hiền hậu, giàu đức hy sinh, nhà thơ sử dụng nhiều thanh bằng, tạo nên âm điệu trầm lắng, buồn thương: “Lời rao chìm giữa gió sương/ Con nghe cách mấy thôi đường còn đau” (Mẹ tôi). Còn khi diễn tả nỗi lòng đau đớn, uẩn khúc, tác giả lại sử dụng nhiều thanh trắc trong dòng thơ; đây là nỗi oan của sáu trăm năm trước, nay vẫn đau đáu lòng người: “Sáu trăm năm đã trôi qua/ Vẫn là Nguyễn Trãi thơm hoa bốn mùa” (Thức với Côn Sơn).

Thơ lục bát truyền thống thường ngắt nhịp chẵn, nhịp đôi bởi tạo nên sự đối xứng, hài hoà, do đó sẽ rất phù hợp cho thi sĩ giãi bày suy ngẫm hoặc diễn tả tâm thế nhẩn nha, nhàn tản. Đồng Đức Bốn cũng thường ngắt nhịp theo lối truyền thống ấy. Tuy nhiên, trong tâm trạng bức bách, dứt khoát, thi nhân cũng phải đảo phách, đổi nhịp: “Ối mẹ ơi!/ Đê vỡ rồi! - Đồng ta trắng xoá cả trời nước trong” (Vỡ đê); “Làm phúc/ tuy/ chửa gặp may - Nhưng/ không khóc mướn/ thương vay/ hộ người” (Chuông chùa kêu trong mưa).

Những ngày cuối của cuộc đời, Đồng Đức Bốn như rút hết gan ruột để viết. Mẹ ơi là bài thơ cuối cùng của ông nên chưa kịp đưa vào tuyển tập Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Có lẽ đây là một trong những bài thơ lục bát hay nhất của văn học hiện đại Việt Nam viết về tình mẫu tử, gây xúc động mạnh mẽ với mỗi người đọc bởi sự chân thành, da diết và sâu lắng: “Bây giờ con chẳng có gì/ Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/ Chỉ xin mẹ một tiếng cười/ Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con/ Chỉ mong trái đất vẫn tròn/ Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày/ Cõi người nhiều nỗi đắng cay/ Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu/ Cõi người còn lắm bể dâu/ Con lấy lục bát bắc cầu đi qua/ Tin rằng sông lắm phù sa/ Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa/ Bây giờ trời đổ cơn mưa/ Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con”. Đồng Đức Bốn đã về trời hơn chục năm, lục bát của ông cũng đã thực sự khẳng định được vị trí không thể thay thế của

nó. Lục bát Đồng Đức Bốn rõ ràng là một tiếng nói mới, nổi lên vắt giữa hai bờ thế kỷ XX và XXI của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Tiểu kết chƣơng 4

Lục bát hiện đại có sự đổi mới khá toàn diện, nó thoả mãn những đòi hỏi về tư tưởng, tình cảm, nhu cầu thẩm mỹ của con người Việt Nam ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Nội dung mở rộng, phong phú, bám sát thực tế, lịch sử. Hình thức cách tân ở nhiều mặt: cấu trúc câu thơ, dòng thơ, ngôn ngữ, giọng điệu, nhịp điệu v.v… Sự tiếp biến truyền thống và hiện đại thể hiện rõ ở những trường hợp điển hình: lục bát Tản Đà, lục bát Thơ mới và Nguyễn Bính, lục bát Tố Hữu, lục bát Bùi Giáng, lục bát Nguyễn Duy, lục bát Đồng Đức Bốn. Các tác giả có ý thức tìm về với lục bát như một sự trân trọng truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần làm cho lục bát có một gương mặt mới mẻ hơn trong nhịp sống hiện đại. Thể lục bát vẫn giữ được những chuẩn mực của âm luật và phong cách đã có từ xưa nhưng cũng hoà mình vào dòng chảy chung của thời đại mới và xác lập cho mình một vị trí không thể thay thế trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc.

KẾT LUẬN

Thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay luôn là phương tiện hữu hiệu truyền đạt nội dung tư tưởng qua nghệ thuật biểu hiện độc đáo, đem lại những giá trị Chân - Thiện - Mỹ tinh tế, sâu sắc cho con người. Trong hàng ngàn năm tồn tại và phát triển của thơ ca dân tộc, chúng ta đã chứng kiến sự vinh quang cũng như sự mai một của rất nhiều thể thơ. Có những thể loại khẳng định được sự trường tồn của mình theo thời gian, nhưng cũng có những thể loại dần bị lãng quên và được thay thế. Lục bát là thể thơ cổ truyền của Việt Nam, dù ra đời từ rất sớm và đạt được thành tựu đỉnh cao nhưng nó vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng được khẳng định trong thời hiện đại. 1. Thơ lục bát là một trong những thể thơ mang đậm tính dân gian, tính dân tộc, tính truyền thống. Kể từ khi ra đời vào khoảng thế kỷ XV, thể lục bát vẫn luôn khẳng định vai trò là thể thơ có nhiều ưu thế trong việc thể hiện điệu tâm hồn dân tộc. Trải qua bao biến cố thăng trầm, thể thơ này ngày càng trở nên hoàn thiện hơn và được nhiều người yêu thơ Việt trân trọng. Tuỳ từng thời kỳ mà lục bát phát triển nhiều hay ít. Trải qua thời gian có thể nhận thấy lục bát có mặt ở hầu hết các giai đoạn quan trọng, chứng tỏ sức sống bền bỉ, mãnh liệt của mình. Trong thể thơ lục bát, thường thì các tác giả sử dụng thi pháp ca dao làm nền tảng; tuy nhiên, ở mỗi bài thơ, lục bát có thêm “bộ cánh” mới, hợp thời, hợp với thị hiếu và tư duy người đọc. Lục bát ca dao có nhiều đặc sắc, nó là những khuôn mẫu cho lục bát giai đoạn sau phát triển. Lục bát trung đại là sự kế thừa lục bát ca dao đồng thời sáng tạo thêm những phương cách biểu hiện mới, nâng lục bát lên thêm một bậc với những âm điệu, ngôn từ, hình tượng phong phú, góp thêm cho dòng thơ Việt Nam nhiều thi phẩm có giá trị cao, được người đọc hôm nay và mãi mai sau yêu thích và mến mộ. Có được những thành tựu đó là do lục bát mang những nét đặc sắc nghệ thuật riêng: gần gũi với ca dao, dân ca, ngôn ngữ lời nói đọc lên như là câu hát, lời ru, làm cho đời sống tinh thần của người Việt thêm sinh động và sảng khoái. Khó có một thể thơ nào có được những điểm riêng độc đáo như lục bát. Cái âm hưởng lục bát từ bao đời dường như trở thành một âm hưởng ít nhiều mang tính chất tượng

trưng cho xóm làng dân dã, cho đồng quê, cho tâm tình người dân quê Việt Nam. Câu thơ sáu - tám mượt mà, êm ái như lời ru cùng với niêm luật chặt chẽ, phối thanh hài hoà, vần điệu nhịp nhàng… là tất cả những nét riêng, độc đáo mà qua lao động, qua sáng tác, người Việt Nam đã tạo dựng được. Bên cạnh đó, thơ lục bát là thơ cách luật, nhưng nó lại cho phép chấp nhận mọi sự tìm tòi, sáng tạo về âm luật trong hoạt động sáng tạo nên các bài thơ cụ thể. Mặt khác, khả năng biểu đạt nội dung của nó khá linh hoạt, vừa trung tính vừa có thể chuyên biệt hoá tuỳ thuộc vào những trường hợp vận dụng cụ thể. Lục bát Việt Nam xứng đáng với danh xưng thể thơ truyền thống của dân tộc là vì thế.

2. Lục bát có thể tự hào đã khẳng định vị trí lâu bền và sức sống mạnh mẽ nhất

bên cạnh hàng loạt những thể thơ cùng giữ những vị trí đỉnh cao trong thời kỳ trước như thơ Đường luật, song thất lục bát. Sở dĩ như vậy bởi lục bát mang trong nó những yếu tố nhạy bén đáp ứng nhu cầu của con người và cuộc sống trong thời kỳ hiện đại. Thơ Đường luật đã được khai thác đến tận cùng, thơ song thất lục bát thì hướng quá mạnh vào cái truyền thống, giữ tính quy phạm nghiêm ngặt, nên đã dần bị mai một. Lục bát chứa đựng trong nó những yếu tố mới, linh hoạt, những biến thể, biến dạng phong phú, có khả năng kích thích sáng tạo, tìm tòi, để tạo nên diện mạo ngày càng mới mẻ hơn.

Lục bát hiện đại vừa kế thừa truyền thống vừa có những cách tân, đổi mới, sáng tạo. Nó mang trong mình những yếu tố mới, nội dung cảm hứng vẫn thiên về tinh thần yêu nước, tình cảm nhân đạo thiết tha, sâu lắng, nhưng quan trọng hơn hết là cái tôi cá tính được bộc bạch chân tình, thành thật đến tận cùng, trước chính mình và trước cuộc đời. Giống như các hình thái văn hoá nói chung, hình thức thơ ca cũng có tính xã hội và tính thời đại của nó. Lục bát có quá trình biến đổi riêng, tiếp thu có chọn lọc các yếu tố mới, để hiện đại mà vẫn không xa rời truyền thống, để có thể khẳng định rằng dù cách tân nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện thực cuộc sống chi phối, nhu cầu sáng tạo trong mỗi nghệ sĩ đã tạo nên những đổi thay đáng kể của lục bát hiện đại. Một nguyên nhân cũng cần phải đề cập đến đó là sự đổi mới do nhu cầu nội tại và bắt buộc của thơ lục bát. Các nhà thơ có

ý thức tìm tòi và làm mới cho những gì đã trở nên cũ mòn, không đủ sức biểu hiện tình cảm của con người trong đời sống hiện đại. Thể lục bát cũng tự du nhập thêm nhiều yếu tố để làm mới mình. Nó cách tân bởi một ý thức rằng sự mới mẻ và độc đáo sẽ làm nên sức sống của mọi thể loại, không riêng bất cứ thể loại nào, ở thời kỳ nào. Lặp lại là một cách tự xoá bỏ mình; đổi mới là một cách duy trì sức sống cho

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 148 - 168)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)