6. Cấu trúc luận án
3.3. Thơ lục bát truyền thốn g những trường hợp điển hình
3.3.2. Lục bát truyện thơ Nôm
Trong tiến trình văn học Việt Nam, các tác giả truyện thơ Nôm thế kỷ XVIII - XIX không thể sáng tạo những trường ca, sử thi. Họ sử dụng thể thơ để sáng tác loại truyện, khá gần gũi với truyện hiện đại. Họ là người của thời trung và cận đại. Họ buộc phải có cách thế xử lý đặc thù, trong một phương thức tiếp biến văn hóa đặc thù của dân tộc Việt, một dân tộc ngồn ngộn sức sống vươn lên tự chủ, mà cơ tầng văn hóa điểm tựa của họ vốn rất mong manh, so với văn hóa ngoại lai phương Bắc và với văn hóa bản địa cộng đồng xưa cũ. Trong tình thế văn hóa ấy, dân tộc Việt phải sử dụng văn vần để sáng tác truyện, nhưng không thể xoay ngược lịch sử để có sử thi - anh hùng ca cổ đại. Họ chọn thể thơ lục bát, qua những thể nghiệm sàng lọc, có tính văn hóa. Họ chấp nhận thể thơ này vì sự hòa quyện đều đặn và liên tục, có khả năng bất tận, rất phù hợp với mạch thời gian của truyện. Đây còn là thể thơ có biểu hiện kết gắn với truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa, có biểu hiện phần đề kháng với văn hóa ngoại lai. Về mặt giải pháp tình thế văn hóa, việc sáng tạo truyện bằng thơ ca, vốn có từ cổ đại, còn tạm thời đáp ứng yêu cầu ghi nhớ - lưu truyền, khi mà đại bộ phận nhân dân không sử dụng thông thạo các thứ chữ
viết, đang được bộ phận sĩ phu trí thức xem đó là một công cụ, hoặc hơn thế, là một vũ khí văn hóa dân tộc.
Không thể phủ nhận những thành tựu sáng tác loại văn tự sự của Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đến việc sáng tạo truyện của dân tộc Việt, nhất là về mặt hư cấu nghệ thuật. Kết hợp với phương thức hư cấu nghệ thuật dân gian Việt bản địa, vận dụng thể thơ lục bát, dân tộc Việt đã hoàn chỉnh thể loại truyện thơ Nôm và thôi thúc sự phát triển thể loại này để khẩn trương giải quyết một nhu cầu kiến tạo văn hóa dân tộc, theo cách thức tiếp biến văn hóa của dân tộc.
Việc chấp nhận thể thơ lục bát của dân tộc vượt lên chức năng của loại văn trữ tình để làm thêm chức năng tự sự, thay thế cho văn xuôi chữ Nôm, đưa thể loại truyện sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc tiến gần đến thể loại truyện cận - hiện đại, phản ánh chân thực hiện thực theo cách thế riêng, là một sáng tạo tình thế đáp ứng nhu cầu văn hóa Việt. Chép truyện với thể thơ bản địa, mang yêu vận, quả là thuận lợi, do khả năng gợi nhớ cao, khi truyền khẩu và do liên tục thay vận, có thể kéo dài bất tận, thành trường ca. Tuy nhiên, giới hạn của khả năng ghi nhớ và quy cách của hình thức thể thơ đã làm nên một phần cái “khuôn khổ nghệ thuật” của thể loại truyện thơ Nôm. Nó không thể phát triển lê thê như “chương hồi tiểu thuyết”. Thể loại truyện thơ Nôm, sau bước dò dẫm sáng tạo diễn ca lịch sử với Thiên Nam ngữ lục, yếu tố tự sự đã bước đầu vận động tự thân để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng. Thể loại này đã tự hình thành quy định số lượng âm tiết (ký tự thường không quá 30.000, trừ Thiên Nam ngữ lục) và một bố cục tròn trịa theo “ước lệ”. Đó là nét đặc trưng thuộc bản chất của thể loại truyện thơ Nôm cần được trọng thị. Nó hoàn toàn xuất phát từ sự phát triển các thành tố nội tại của thể loại truyện thơ Nôm. Mặt khác, do hoàn cảnh đặc thù của văn hóa Việt, thể thơ lục bát dễ dàng chuyển hóa trở thành một thể văn phương tiện - đa chức năng biểu đạt.
Trước nhu cầu phát triển loại văn tự sự, có phân biệt tinh tế về phong cách loại truyện, như một nhu cầu góp phần xây dựng, củng cố và phản ánh - ghi nhận bước phát triển văn hóa dân tộc Việt, thể thơ lục bát giàu đặc trưng bản địa, cuối cùng, đã được lựa chọn làm phương tiện tối ưu và duy nhất, để chuyển tải truyện Nôm. Hầu
như hoàn toàn không có văn bản viết truyện Nôm văn xuôi. Chính sự phong phú của thể loại truyện thơ Nôm thế kỷ XVIII - XIX lại là một hiện tượng không bình thường, nếu xét theo hướng phát triển của việc phân biệt và quy cách hóa thể loại, như đã ghi nhận trên đây. Vấn đề thiếu vắng truyện Nôm văn xuôi và bù đắp bằng sự phong phú truyện thơ Nôm đã vốn khác biệt với hiện tượng nở rộ tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, lại cũng không theo khuynh hướng phát triển thể loại nói chung, mà hiện nay, cơ bản mang tính phổ quát “toàn cầu”. Đó là một vấn đề hiện tượng thể loại đặc thù Việt Nam, phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử văn hóa - văn học Việt Nam và được giải quyết với phương thức tiếp biến văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam.
Kèm với sự hoàn toàn vắng bóng truyện văn xuôi chữ Nôm, vấn đề trên đây, thực chất, mang ý nghĩa: Thể lục bát đã thay thế chức năng tự sự của văn xuôi chữ Nôm, trong văn học Việt, ở thời điểm mà sử thi không còn điều kiện xã hội để xuất hiện. Dù, trước đó, văn học chữ Nôm phát triển song hành cùng văn học Việt Hán, và với điều kiện không mấy thuận lợi; nhưng rõ ràng là không thể yếu kém đến độ mơ hồ về phong cách thể loại, nên đã phải dùng thơ mà kể chuyện, khi chương hồi tiểu thuyết, bằng văn xuôi bạch thoại của Trung Quốc đã phát triển rầm rộ.
Thể thơ lục bát của dân tộc Việt đã không được tầng lớp trí thức nho gia Việt,
vốn tiếp thu nặng nề ảnh hưởng văn học Trung Quốc, quan niệm là Thi; bởi lẽ thể lục bát có số âm tiết trong các câu thơ dài ngắn không đều và đặc biệt lại mang vần lưng, rất xa lạ với quy thức về vần của thể loại Thi.
Với phương thức tiếp biến văn hóa, ở thế yếu, mang tinh thần “bất dị Trung Quốc”, dân tộc Việt dễ dàng chấp nhận sự gạt bỏ thể lục bát của dân tộc ra khỏi phạm trù “Thi Trung Quốc”. Vả lại, ở trường hợp này có hạt nhân hợp lý của nó, thể lục bát vốn tung hoành trong các làn điệu dân ca, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo. Nếu thể loại Thi có mang ý nghĩa tác động cho sự ổn định nề nếp phong kiến, thì thể lục bát bị loại khỏi phạm trù “Thi”, hoàn toàn không gây nên tổn hại nào cho dân tộc, không tạo ra sự sút kém văn hóa dân tộc đối với văn hóa Trung Hoa, mà còn ngược lại.
Thể lục bát đã từ bỏ một phần chức năng trữ tình cao cả, quan trọng của thể loại
Thi, để đảm nhận phần lớn chức năng giải trình bình dị, thiết thực và phổ cập thay thế cho thể văn xuôi dân tộc, ở vào một giai đoạn đặc thù của đời sống xã hội - văn hóa Việt; đồng thời vẫn vừa phát huy hiệu quả gợi nhớ của thể văn vần dân tộc, vừa đa dạng hóa giá trị mỹ học sinh động của nó.
Thực tiễn kiến tạo văn hóa, phát triển văn học Việt đã chứng minh điều này: không kể những sáng tác tỏ tình, lập chí của quần chúng nhân dân, trí thức sĩ phu cũng mượn thể lục bát, như một phương tiện đắc dụng, phổ truyền chí hướng và hoài bão của mình (Đào Duy Từ, 1572 - 1634, với Ngọa long cương ngâm, Tư Dung vãn). Từ đó, tiến thêm bước nữa, thể lục bát trở thành phương tiện chuyển tải tối ưu văn bản tuyên truyền chính trị (Hoàng Quang với Hoài Nam khúc, nửa sau thế kỷ XVIII). Giới lãnh đạo xã hội không bỏ quên phương tiện này, khi cần thiết chuyển ngữ những văn bản chính thống, vốn bằng ngôn từ Việt Hán, để loan truyền rộng khắp nhân dân (Lê triều giáo hóa điều lệ, 1663, được Nhữ Đình Toản diễn Nôm, rất sát nghĩa và trang trọng, 1760; Huấn địch thập điều huấn dụ của Minh Mệnh ban hành năm 1834 được Tự Đức diễn ca thành 486 câu lục bát, năm 1870). Ngoài chức năng chuyển dịch - chuyển ngữ, thể lục bát còn được dùng như phương tiện diễn giải, nói rộng và rõ hơn bằng ngôn ngữ dân gian, những văn bản mà nguyên tác vốn tinh gọn, ý nghĩa súc tích hoặc ngôn từ có phần xa lạ với bình dân. Không kể các sách tôn giáo, phương thuật, lý số, nhiều tác phẩm văn chương cũng trải qua sự diễn giải này. Có khi, thể lục bát còn làm thêm chức năng phương tiện diễn dẫn, rất tự nhiên, để tạo nên sự mạch lạc của văn bản. Mãi đến đầu thế kỷ XX, ở một số tác phẩm Nôm in cuối mùa, vết tích ấy hãy còn đậm nét. Tập Thiếu nữ hoài xuân tình thi do Quảng Thịnh, Hà Nội xuất bản dưới triều Duy Tân, năm thứ 6 (1912), nội dung chính gồm 17 bài thơ thất ngôn bát cú chữ Nôm, chủ yếu diễn tả tâm trạng người con gái, từ lúc “phương xuân tình” (vừa lúc biết yêu thương) cho đến khi lập gia thất, “phu thê hòa hợp”. Mỗi bài thi đều đánh số: kỳ nhất, kỳ nhị … thập lục, thập thất. Xen lẫn với 17 bài thi là 122 câu lục bát, vừa diễn giải nội dung từng bài thi, vừa diễn dẫn tạo mạch lạc cho toàn văn bản tác
phẩm. Những câu lục bát chắc chắn được viết sau 17 bài thi, để giới thiệu và diễn giải thi. Bởi vì, ở những mối nối với đầu và cuối mỗi bài thi được dẫn và diễn, vận riêng của thể lục bát gieo rất chuẩn. Cách dẫn và diễn giải khá thành thạo và rất linh hoạt. Chẳng hạn, tác giả Vô Danh thị đã mở đầu tác phẩm bằng một đoạn lục bát 18 câu, vừa giới thiệu khái quát toàn nội dung, vừa hàm ý diễn giải cả hai bài thi - kỳ nhất (Phương xuân tình), kỳ nhị (Chí xuân tình): “Ngồi nhàn ngẫm tới sự người/ Khi nên ắt cũng có trời mới nên/ Thấy người thiếu nữ thuyền quyên/ Gái thơ cũng chẳng làm nên sự gì/ Chẳng qua nữ bất hạnh nhi/ Hồng nhan thì phải chịu bề đa truân…”.
Trong khi đó, trí thức nho sĩ, gần gũi dân gian, như tác giả Thiếu nữ hoài xuân tình thi, đến đầu thập niên thứ 10 - thế kỷ XX, vẫn bảo vệ nghiêm túc chức năng dẫn - diễn giải, có tính truyền thống của thể lục bát. Sự bảo thủ này hẳn có một phần phản ánh thái độ đề kháng của dân tộc, trước sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, theo bước chân xâm lược.
Đề cập đến thể lục bát, một thể thơ ca đậm nét đặc trưng bản địa, vừa được quy cách hóa trở thành thể thơ hoàn chỉnh của dân tộc Việt - và do những điều kiện riêng trong việc kiến tạo văn hóa dân tộc, thể lục bát phải đảm nhiệm tính cách của một thể văn đa chức năng biểu đạt - chính là nhằm mục đích tìm sự khẳng định: giới trí thức nho sĩ Việt, trước và trong thời khoảng thế kỷ XVIII - XIX, không hề quan niệm thể văn vần lục bát chỉ nằm trong phạm trù khái niệm Thi. Thể văn vần Trung Quốc khi được định danh là “Thi”, đã phải kèm theo chức năng trữ tình (phân biệt với chức năng tự sự, theo lý luận phân loại tác phẩm văn học Đông - Tây cận và hiện đại), nghĩa là Thi đã trở thành một thể loại văn học.
Thể lục bát, trong lịch sử văn học Việt, luôn là một phương tiện tổ chức ngôn ngữ để phản ánh hiện thực và biểu hiện tư tưởng - tình cảm. Với chức năng cụ thể đi kèm, thể lục bát giữ vai trò quan trọng hình thành các thể loại văn học dân tộc Việt. Trong tình thế ảnh hưởng sâu nặng văn hóa - văn học Trung Hoa, thể văn vần lục bát đã thay thế hợp lý và hữu hiệu vai trò làm phương tiện thể hiện của văn xuôi chữ Nôm ở nhiều thể loại. Đó chính là phản ứng tự nhiên và tất nhiên của tầng lớp
bình dân và trí thức dân tộc, khi mà các tác phẩm văn hóa (lịch sử, địa chí, pháp luật, tôn giáo, …) của dân tộc bị bó buộc phải thể hiện bằng ngôn ngữ văn tự ngoại lai. Những sáng tác bằng chữ Nôm - văn học Nôm hoặc những bản diễn Nôm các tác phẩm thuộc những thể loại nói trên có phong phú hay không, đã biểu thị mối quan tâm của quần chúng và giới lãnh đạo xã hội Việt về những vấn đề trọng tâm nào của từng giai đoạn lịch sử. Đó cũng là một hướng thuận lợi để tìm hiểu quá khứ. Đáng tiếc, ở phương diện này, di sản tư liệu còn tồn tại và được tập hợp khai thác chưa nhiều.
Riêng với thể loại truyện thơ Nôm, dù tác phẩm không tránh khỏi nhiều hao hụt, nhưng di sản hiện tồn tương đối tập trung và nổi trội so với nhiều thể loại khác. Hẳn có sự hấp dẫn để quần chúng nâng niu bảo lưu. Tiết tấu và âm vận đã bao phủ giá trị giáo huấn đạo đức một không khí thân tình. Tự sự vận văn với tự sự tản văn quả là tự thân đã có những khác biệt cơ bản, ngay ở phương thức tác động vào chủ thể sáng tạo và khách thể tiếp nhận, bằng con đường thâm nhập hoạt động tâm lý, thiên trọng hơn về cảm tính hay lý tính.
Truyện thơ Nôm Việt nở rộ sau Chương hồi tiểu thuyết Trung Quốc hằng trăm năm, nhưng ảnh hưởng của thể loại Trung Quốc là không đáng kể. Truyện thơ Nôm có kho tàng truyện kể của đại gia đình dân tộc để khai thác. Truyện thơ Nôm có kết cấu riêng, không theo mô hình kết cấu chương hồi, ngay từ khởi điểm phát nguyên sáng tác. Thoại bản quyết định quan trọng về kết cấu và cốt truyện Chương hồi tiểu thuyết. Truyện kể dân gian chỉ cung cấp cốt truyện, dĩ nhiên có kèm theo kiểu thức kết cấu dân gian, nhưng vẫn dành phần thoáng mở hơn cho sự sáng tạo truyện thơ. Đồng thời, chính phương tiện thể hiện thể lục bát đã chi phối không nhỏ đến kết cấu và miêu tả của truyện thơ Nôm, làm nên những nét đặc thù của một thể loại dân tộc, hầu như hoàn toàn khác biệt với thể loại chương hồi tiểu thuyết. Và cũng chính vì là một phương tiện thể hiện bằng ngôn từ dân tộc, thể lục bát đã “diễn ca” một số tác phẩm ngoại lai được dịch thuật sang Quốc âm (như Nhị độ mai, Kim Vân Kiều,
Ngọc Kiều Lê, …). Sự quan tâm thái quá đến dạng “diễn ca” này (có khi không vì lý do đơn thuần là giá trị nghệ thuật) đã hằn sâu nếp nghĩ “ngụy tín tập thể”: Truyện
thơ Nôm ảnh hưởng sâu sắc văn học Trung Quốc. Mãi đến nay, nếp nghĩ ấy vẫn còn phủ mờ hoặc gây nhiễu giá trị nghệ thuật đích thực, đậm đà bản sắc dân tộc - nhân dân Việt của truyện thơ Nôm và tính độc đáo của thể loại truyện thơ Nôm. Chúng ta có thể đang tìm kiếm ở truyện thơ Nôm những giá trị mà đáng lý “không thể xảy ra, mặc dầu có thể đã tồn tại”, nói theo Aristotle. Ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với thể loại truyện thơ Nôm, có chăng là theo một chiều hướng nghịch đảo “tưởng chừng không thể có, nhưng lại có thể xảy ra”. Chính thái độ “kính nhi viễn chi” đối với thể loại “Thi” Trung Quốc đã khiến cho thể văn vần lục bát của dân tộc trở thành phương tiện thể hiện đa thể loại; trong đó, thể loại truyện thơ Nôm, nương vào tác động lịch sử - văn hóa dân tộc, đã đạt đến đỉnh cao phát triển nghệ thuật, ở một thời, để đáp ứng phần nào tình cảm thẩm mỹ và thách thức trí tuệ của con người Việt.