Lục bát Nguyễn Duy

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 143 - 148)

6. Cấu trúc luận án

4.3. Thơ lục bát hiện đại tiêu biểu

4.3.5. Lục bát Nguyễn Duy

Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1973, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ với chùm ba bài, trong đó có tới hai bài lục bát là Bầu trời vuôngTre Việt Nam. Bài Tre Việt Nam được đưa vào chương trình Tiểu học trong suốt nhiều năm và vẫn giảng dạy cho tới nay. Vậy là ngay từ sớm, Nguyễn Duy đã tỏ ra khá có duyên với thể lục bát và ông tiếp tục phát triển cảm hứng với thể loại này trong hơn 10 tập thơ công bố từ năm 1973 tới 2002. Trong tuyển tập Thơ Nguyễn Duy (Nxb Hội Nhà văn, 2010) tuyển chọn những bài tiêu biểu nhất của ông, tập thơ gồm 381 bài thơ thì đã có tới 151 bài là

lục bát, chiếm tỷ lệ 40% toàn tập. Nhiều câu lục bát của Nguyễn Duy đã vượt thoát khỏi tác phẩm, tự nó có một đời sống riêng và khiến nhiều người lầm tưởng là ca dao, chẳng hạn: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa); “Có gì lạ quá đi thôi/ Khi gần thì mất xa xôi lại còn” (Thơ tặng người xa xứ). Nguyễn Duy cũng là người rất thành công khi đưa được chất khẩu ngữ vào lục bát một cách nhuần nhuyễn: “Giọt rơi hơi bị trong veo/ Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi/ Chân mây hơi bị cuối trời/ Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu” (Chạnh lòng 1). Suy ngẫm về cái bé nhỏ, cái giản dị, cái tầm thường và cái cao cả của Nguyễn Duy đầy triết lý khi nằm lăn mình trên cỏ mềm trong đêm sương sao: “Bao nhiêu là bóng siêu nhân/ khuất trong bóng cỏ giữa trần gian thôi” (Cỏ dại).

Cũng giống như các nhà thơ trước đây, Nguyễn Duy dùng nhiều ca dao một cách rất tự nhiên, đúng chỗ, nhưng không phải sử dụng một cách hững hờ làm duyên mà thường đẩy đến tận cùng ý tứ, buộc người đọc phải hiểu sâu sắc thêm, chú ý thêm đến một góc hiểu mới. Cũng sử dụng nhiều yếu tố ca dao như Nguyễn Bính, nhưng ở Nguyễn Duy có những đột phá, những bước tiến mới. Đó là khi tác giả viết thường ở đầu câu, đó là khi tác giả chia câu lục thành nhiều dòng: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ chuyện ngày xưa, đã có bờ tre xanh” (Tre Việt Nam).

Điều dễ dàng nhận thấy là những câu thơ “chìm nổi với đám đông” của nhà thơ rất gần gũi với ca dao, hay nói đúng hơn là hồn vía ca dao nhập cả vào thơ của Nguyễn Duy. Có nhiều câu nhà thơ sử dụng phép “tập ca dao” (cũng như là hiện tượng “tập Kiều” vậy) rất nhuần nhuyễn, người đọc không để ý kỹ sẽ không thể nhận ra đâu là thơ, đâu là ca dao: “Bồng bồng cái ngủ trên tay/ Nghe trong gió có gì say lạ lùng/ Chừng như cây lúa đơm bông/ Chừng như trái bưởi vàng đung đưa cành” (Lời ru mùa thu); “Ai làm ra lúng liếng sông/ để đưa tu hú sổ chồng sang ngang” (Vải thiều). Trong một vài trường hợp, Nguyễn Duy sử dụng nguyên vẹn cả câu ca dao, một vài trường hợp khác, nhà thơ sử dụng những chất liệu quen thuộc của ca dao để trộn vào những bài lục bát của mình. Nhưng ở trường hợp nào cũng vậy, việc sử dụng ca dao không hề là một cách làm trang trí, làm duyên. Mỗi bài thơ

lục bát có lẫn ca dao của Nguyễn Duy đều gợi ra những góc nhìn mới mẻ, những suy nghĩ sâu sắc về lẽ đời: “Được yêu như thể ca dao/ Đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời/ Tây Tàu thì cũng thế thôi/ Y chang cay đắng ngọt bùi khổ đau/ Không trầu mà cũng chẳng cau/ Làm sao cho thắm môi nhau thì làm” (Được yêu như thể ca dao). Vào thơ Nguyễn Duy, ca dao như được “nhuận sắc” - hiện đại và độc đáo, hơn nữa lại trở thành một công cụ diễn đạt nhuần nhị những thông điệp, những chân lý có vẻ như giản đơn nhưng lại tận cùng sâu sắc: “Nghìn năm trên dải đất này/ Cũ sao được cánh cò bay la đà/ Cũ sao được sắc mây sa/ Cũ sao được khúc dân ca quê mình” (Khúc dân ca).

Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa trong thơ Nguyễn Duy là ông thường dùng ca dao để làm “đề từ” cho các bài thơ của mình, và từ tứ của những câu đề từ ấy, nhà thơ tạo ra tứ mới. Thậm chí, có khi chỉ thay một, hoặc hai từ thôi mà chuyển tải được những sắc thái tình cảm phức tạp và đa diện hơn. Chẳng hạn từ câu ca dao “Yêu ai quá đỗi mà mê tiếng đàn” chuyển sang câu thơ “Mê ai quá đỗi mà ghê tiếng đàn” (Đàn bầu) là một ví dụ. Tương tự như vậy với câu ca dao “Con ơi mẹ dặn câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” đến những câu thơ “Cũ xưa đến vậy là cùng/ Sao sông nước cứ trẻ trung thế này/ Ai xui người trở về đây/ Mẹ răn vẫn nhớ, xuồng đầy vẫn đi” (Xuồng đầy). Những ý tứ khai thác nhiều khi đối lập với ý tứ quen thuộc của ca dao, nhưng là sự đối lập không triệt tiêu. Trong sự đối lập ấy cả ca dao và cả thơ cùng bay bổng hơn, sống động hơn, sâu sắc hơn. “Phản” nhau nhưng lại nâng nhau lên, làm rõ nhau hơn trong mạch đời hiện đại, đa dạng, đa chiều.

Nguyễn Duy không chỉ tận dụng những chất liệu nội dung của ca dao mà còn tận dụng những chất liệu hình thức để “chỉnh trang” cho câu thơ lục bát của mình. Có những câu thơ sử dụng những cặp sóng đôi tương đồng quen thuộc trong ca dao: “Nợ nần chưa trả đã vay/ Chim muông trả vía, cỏ cây trả hồn” (Xin đừng buồn em nhé); cả những kết cấu đối lập mà ca dao thường sử dụng: “Kính thưa Thị Kính láng giềng - Ái ân thì ít,//oan khiên lại nhiều…” (Kính thưa Thị Kính).

Các đại từ nhân xưng thường gặp trong ca dao như mình, ta, người dưng, liền anh, liền chị gắn với lời ăn tiếng nói dân gian cũng được nhà thơ nhặt lấy cho vào lục bát: “Thôi ta về với mình thôi/ Chân trời đành để chim trời nó bay” (Đường xa); “Giá như em đã có chồng/ Để bòng bong khỏi rối lòng người dưng” (Lạng Sơn, 1989). Những hình ảnh quen thuộc của ca dao, dân ca như cây đa, sân đình, con trâu - cái cày, nón mê, nón quai thao, bí, bầu… cũng có những vị trí trân trọng trong thơ lục bát Nguyễn Duy. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những bài thơ lục bát có tính chất hài hước như những bài ca dao nói ngược của thơ ca dân gian trong thơ Nguyễn Duy. Ở những bài ca dao nói ngược, thì cái trái khoáy làm rõ hơn cái thuận lý, ví dụ: “Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà mâm rượu nuốt người lao đao”. Ở thơ Nguyễn Duy, những cặp phạm trù sóng đôi đối nghịch nghĩa được hiện đại hóa và mang ý nghĩa khái quát lớn nhờ vào cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, hiện đại: “Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi/ Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm/ Siêng làm xúc phạm phàm ăn/ Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng” (Xẩm ngọng). Có lẽ cái giọng tâm tình ngọt ngào của ca dao, của những khúc hát ru đã mê hoặc được trái tim và tâm hồn nhà thơ. Là đàn ông, lại là một người đàn ông tự nhận mình là thô kệch, xa lạ với những mềm mại, những dịu dàng, những thanh thoát, vậy mà trong thơ lại có rất nhiều lời ru. Nào là “Lời ru con cò biển”, “Lời ru trong bão”, “Lời ru mùa thu”, Lời ru đồng đội”, “Lời ru từ Mũi Cà Mau”, rồi cả “Tập ru con” lẫn “Liền anh đi chợ”… rồi cả Thị Mầu, Thị Kính, Thị Đốp, Thị Nở, cả những Tố Nữ, những bà, những mẹ, những “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”… Những con người đến từ cuộc sống dân dã, đến từ khúc ca dao, dân ca, tất cả đều ẩn hiện trong những câu thơ “sáu nổi tám chìm” đằm thắm của Nguyễn Duy.

Tuy nhiên, câu thơ lục bát của Nguyễn Duy dù khuôn trong sự đều đặn bất di bất dịch của dòng 6 và dòng 8 nhưng vẫn không giấu được vẻ ngang tàng, phóng túng, mạnh mẽ. Dấu hiệu này thể hiện rõ nhất qua hai khía cạnh: nhịp thơ và ngôn ngữ thơ.

Thường thì thể lục bát có một loại nhịp cơ bản, trực tiếp tạo nên âm luật cho nó là nhịp gồm hai tiếng (gọi tắt là nhịp hai), nghĩa là các dòng lục bát dựa trên sự tổ

hợp trực tiếp từ các nhịp gồm hai âm tiết. Có điều, cái đều đặn của nhịp chẵn không đạt hiệu quả cao trong mục đích muốn diễn đạt những sắc thái phức tạp của đời sống nội tâm, nhưng nhịp lẻ thì có thể làm tốt việc này. Ngắt nhịp lẻ sẽ thấy câu thơ gần với lời nói thường nhật, thấy nhịp điệu thơ gần với nhịp đời và lời thơ vì thế mà dễ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người ta hơn: “Ai buông lửng một cái tình - Để ngân nga/ đến rung rinh/ lòng người” (Đàn bầu); “Được yêu như các cụ xưa - Cũng trăng gió/ cũng mây mưa/ ào ào” (Được yêu như thể ca dao).

Hiện thực thì vốn muôn hình vạn trạng, còn bức tranh nội tâm thì lúc nào cũng phức tạp, thế nên thơ, nhất là câu thơ lục bát muốn sống được và hòa nhập được trong thời đại “xa lộ thông tin kẹt đường” hiện nay chắc chắn phải thay đổi phần nào cái tính êm đềm cố hữu của mình. Sẽ dễ thấy ở lục bát Nguyễn Duy nhiều cách ngắt nhịp khác thường, đó có thể là sự can thiệp của các loại dấu chấm câu, mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là hiện tượng vắt dòng: “Nắng. Hoa đồng nội chói chang…” (Rau muối); “Gió luồn toác lỗ càn khôn. Giá mà…” (Khải Hoàn Môn). Tính phá cách ở câu thơ lục bát còn thể hiện ở việc nhà thơ đưa những câu nói, những đoạn đối thoại của cuộc đời thực tế vào trong thơ: “Biết rồi!... Vai cứ kề vai/ kệ cho mấp mé cả hai mạn xuồng” (Xuồng đầy); “Ối giời ơi…nõn nà chưa/ Bột trinh bạch đấy, trời vừa rây xong…” (Trắng… và trắng…). Dạng lục bát tách dòng, tức ngắt dòng thơ thành nhiều đoạn nhỏ - hoặc chia thành dạng bậc thang từng xuất hiện trong thơ tự do cũng được nhà thơ sử dụng: “Tre xanh/ xanh tự bao giờ/ chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…” (Tre Việt Nam); “Gió trên vách đá ù ù/ nghe/ tù và dội xuống từ cao xanh…” (Ải Chi Lăng). Rõ ràng là nếu diễn đạt theo mô hình bằng phẳng, thì những câu lục bát dẫn ra ở trên của Nguyễn Duy sẽ bớt đi rất nhiều tâm trạng.

Phép trùng điệp được Nguyễn Duy sử dụng với tỉ lệ rất cao trong thể thơ tự do, nay ở lục bát, tỷ lệ này cũng chiếm đến gần 20%. Nhiều nhất là trường hợp điệp từ trong khuôn khổ của câu thơ, đặc biệt là dạng lặp từ cách quãng đều đặn: “Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn” (Trên sân trường); “Giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy” (Bao cấp thơ); “Mình sang với bạn sang cùng thu sang” (Chút thu vàng). Chỉ khảo

sát riêng trong thể thơ lục bát, dạng lặp từ cách quãng nói trên đã chiếm tỉ lệ sử dụng xấp xỉ 60% (29 lần/48 bài có sử dụng phép trùng điệp). Biện pháp lặp này tạo ra sức nặng đặc biệt cho ý nghĩa của câu thơ, đó là sức nặng của cảm xúc nội tâm. Thao tác kết hợp giữa điệp từ và láy âm của Nguyễn Duy còn thể hiện ở nhiều khía cạnh tài tình khác, đặc biệt là có những cặp lục bát được tạo ra chỉ toàn bằng những từ láy, hoặc phần nhiều là các từ láy: “thất tha thất thểu văn chương,/ kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài” (Xin đừng buồn em nhé).

Dung hòa được chất truyền thống và hiện đại, tạo ra cái mới mà không xung đột với cái cũ là một điều không phải dễ dàng gì đối với nhiều nhà thơ hiện nay. Có thể thấy Nguyễn Duy phần nào cũng đã khẳng định được phong cách nghệ thuật riêng của mình qua những thể nghiệm này. Thơ lục bát Nguyễn Duy ngầm chứa cái hồn dân gian bình dị trong vẻ ngoài hiện đại, khoẻ khoắn. Chúng hoàn toàn phù hợp với cá tính ưa suy ngẫm và thích mô tả chi tiết những “việc lớn việc nhỏ” đang ngày ngày diễn ra trong cuộc sống ở nhà thơ, “thi sĩ thảo dân”.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 143 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)