6. Cấu trúc luận án
3.3. Thơ lục bát truyền thốn g những trường hợp điển hình
3.3.4. Lục bát Truyện Kiều
Qua lục bát của những bậc tài danh, ta nhận ra những khả năng đặc biệt của thể thơ này. Lục bát có thể miêu tả mọi cảnh ngộ, mọi sinh hoạt, mọi diễn biến đời sống bằng những lời gần gũi tâm sự, những lời thiết tha cồn cào tâm can hay những
tiếng sắt tiếng vàng binh đao Hán - Sở chiến trường. Lục bát có thể nói những điều sâu kín trong tâm hồn bằng ngôn ngữ tinh tế, trang trọng cảm động, ngôn ngữ châu ngọc lấp lánh, ngôn ngữ làm thơm tho cả không gian. Lục bát cũng có thể nói bông đùa mọi chuyện trên đời bằng những lời nôm na, những lời quàng xiên, những lời thô tục… Nguyễn Du tóm tắt cả Truyện Kiều chỉ trong một câu mở và một câu kết với ý nghĩa tư tưởng sâu xa:“Trăm năm trong cõi người ta… Mua vui cũng được một và trống canh”.
Thể thơ, bản thân nó chỉ là một loại khuôn hình của tác phẩm văn học. Thể thơ lục bát vốn có từ trong dân gian. Nhiều người và qua nhiều đời đã dùng nó để “đúc” ra các bài ca, khúc hát... Nhưng phải đến Nguyễn Du, với tài năng lỗi lạc của mình, ông mới “đúc” ra được một Truyện Kiều trác tuyệt. Trong quá trình đúc Truyện Kiều, ông đồng thời cũng căn chỉnh, uốn nắn lại cho cái khuôn hình lục bát trở thành thuần khiết và điển phạm nhất. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cùng một lúc tạo ra một “cú đúp”, một thành công kép.
Nhưng vì sao khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du lại chọn thể thơ lục bát? Thực ra thì Nguyễn Du cũng đã từng viết rất nhiều thơ chữ Hán theo thể thơ bát cú Đường luật. Ông cũng đã viết Văn tế thập loại chúng sinh nổi tiếng bằng thể thơ song thất lục bát. Trước ông đã có người dùng bát cú Đường luật để kể chuyện và không mấy thành công. Nhiều người khác cũng đã dùng thơ lục bát để diễn nôm lại các truyện cổ nhưng cũng rất ít thành công về mặt nghệ thuật văn chương. Nhưng khi viết
Truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn lựa chọn thể lục bát. Có lẽ là vì ông đã nhìn thấy những ưu việt hơn hẳn của thể thơ lục bát so với các thể thơ khác. Và quả đúng như vậy. Chỉ nói riêng về phép gieo vần của thơ lục bát dường như nó cũng đã tổng hợp được mọi phép gieo vần của các thể thơ.
Còn trường hợp Truyện Kiều có độ dài hàng ngàn câu lục bát mà vẫn được người Việt yêu thích, một mặt bởi tác phẩm đã hàm chứa tính nhân văn cao cả của con người, nhưng quan trọng hơn lại bởi chính tài năng sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du qua cách xây dựng nhân vật, nhất là cách sử dụng tài tình ngôn ngữ nghệ thuật dân tộc. Mặt khác, trong khi sử dụng thể lục bát để sáng tác nên Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã góp phần hoàn thiện, nâng cao và làm mới hóa thể thơ này. Có lẽ qua Truyện Kiều, mà thể thơ lục bát trở nên rất phổ thông trong người dân Việt. Hầu như mọi người Việt Nam, từ thành phần hàn lâm tới dân lao động, thậm chí người không đọc được chữ, đều có thể thuộc vài câu thơ lục bát Truyện Kiều; nhiều câu văn, nhiều chữ trong Truyện Kiều đã đi vào kho tàng ca dao, tục ngữ. Trong
Truyện Kiều có những “công thức” thơ gì và sự phân phối từ ngữ như thế nào để có thể thu hút độc giả một cách mạnh mẽ như thế?
Để có khả năng hấp dẫn người đọc, thể thơ lục bát chắc hẳn phải có một sức thu hút lớn. Trong vòng một trăm năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về
Truyện Kiều dựa trên nhiều góc độ và phương pháp khác nhau. Trong hàng trăm nghiên cứu đó, một số tập trung vào ngôn ngữ dùng trong Truyện Kiều, và đã khám phá ra nhiều điều khá thú vị và sâu sắc. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ trong quá khứ mang nặng tính cách nghiên cứu văn chương, tức là người nghiên cứu nhằm vào việc tìm ra các mối quan hệ giữa chữ nghĩa và tư tưởng hay các giá trị đạo lý và xã hội của tác phẩm. Nhưng hình như chưa có nghiên cứu nào đặt Truyện Kiều hay thể thơ lục bát dưới lăng kính của khoa học định lượng, như toán học chẳng hạn. Nói một cách khác, những nghiên cứu trong quá khứ chỉ tập trung vào định chất (qualitative research), chứ không định lượng (quantitative research).
Văn học và khoa học có một mối tương giao thầm kín. Có người cho rằng văn học và khoa học không hẳn là hai bộ phận tách biệt. Trong nghệ thuật có khoa học, và trong khoa học có nghệ thuật. Nguyên tắc âm luật trong thơ, nhạc, v.v… có thể coi như là một phát biểu khoa học của nghệ thuật. Tỉ lệ vàng có thể coi như một đặc tính nghệ thuật trong khoa học (kiến trúc). Nếu chỉ biết nguyên tắc âm luật không (chỉ biết khoa học) thì chưa chắc người nhạc sĩ soạn được một bản nhạc hay. Nếu chỉ biết „vẻ đẹp‟ không (nghệ thuật) chưa chắc nhà kiến trúc có thể xây một lâu đài đẹp. Do đó, một giả thuyết được đặt ra là trong thơ lục bát có một cấu trúc mượt mà có khả năng thu hút người đọc.
Truyện Kiều có 3.254 câu thơ (tức 22.778 từ); trong số đó, chỉ có 2.407 là từ gốc. Nói cách khác, tính trung bình, số lần lặp lại cho mỗi từ là 9,5 lần. Độ dài của chữ được tính bằng cách đếm số mẫu tự trong chữ đó. Dùng số từ-duy-nhất làm mẫu số, tính trung bình, mỗi từ đơn trong Truyện Kiều dài khoảng 3,45 mẫu tự với độ lệch chuẩn (standard deviation) là 0,93 mẫu tự, và hệ số biến thiên khoảng 27%. Chữ dài nhất trong Truyện Kiều có 7 mẫu tự, đó là chữ nghiêng được dùng tất cả là 5 lần. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, nguyên âm được chia ra làm hai loại trầm và bổng tùy theo độ khép hay mở của môi khi phát âm. Những nguyên âm này
có thể tóm tắt như sau: âm bổng (i, ê, e), trung (ư, ơ, â, a, ă) và trầm (u, ô, o). Phụ âm cuối trong tiếng Việt cũng có thể chia thành hai nhóm: vang và tắc. Phụ âm vang gồm có m, n, nh, ng; và phụ âm tắc gồm: p, t, ch và c. Dùng cách phân loại này, trong Truyện Kiều có khoảng 21% từ nguyên âm bổng. Phân tích những kết hợp giữa phụ âm và nguyên âm cho thấy phần lớn những phụ âm vang là vang- trung (40% trong Truyện Kiều), tiếp theo là vang-trầm (23% trong Truyện Kiều). Các từ có phụ âm tắc lại tập trung vào tắc-trung, và tắc-trầm; trong khi đó phụ âm tắc-bổng chỉ chiếm khoảng 1,2% đến 1,8%.
Nếu tính theo qui tắc „chuẩn‟ của thơ lục bát (bb tt bb / bb tt bb tb), một bài thơ lục bát dài phải có 64% từ thanh bằng và 36% từ thanh trắc. Nhưng trong thơ lục bát, cũng như nhiều thể thơ khác, có một vài ngoại lệ, và do đó sự phân phối thanh bằng trắc không nhất thiết phải theo tỉ lệ trên. Những ngoại lệ này là các từ số lẻ (1, 3, 5 và 7) trong cả hai câu sáu và tám chữ có thể là thanh bằng hay thanh trắc. Do đó trong thực tế, số lượng từ thanh bằng ít hơn, và từ thanh trắc nhiều hơn, công thức trên. Trong số 22.778 từ trong Truyện Kiều, có gần 60% là từ thanh bằng, và 40% từ thanh trắc.
Dựa vào ngoại lệ nằm trong khuôn khổ được cho phép trên, luật bằng trắc có thể đơn giản hóa thành btb và btbb cho những chữ ở vị trí số 2, 4, 6 (cho câu sáu chữ) và 2, 4, 6, 8 (cho câu tám chữ). Theo “công thức đơn giản hóa” này, nhà thơ “được phép” chọn tất cả 8 biến thể (variations) khả dĩ cho câu sáu chữ, và 16 biến thể khả dĩ cho câu tám chữ. Tuy nhiên, đối với câu sáu chữ, Nguyễn Du không những dùng tất cả 8 biến thể khả dĩ cho phép, mà còn sáng tạo thêm 14 biến thể “mới” với 29 câu thơ. Trong số 29 câu “phá luật” này, 19 câu tập trung ở công thức ttb, 6 câu theo bbb, và 4 câu theo tbb. Trong số 29 câu phá lệ này, có đến 26 câu được viết theo nhịp 3/3, như “Khi hương sớm, khi trà trưa” hay “Nền phú hậu, bậc tài danh”, và chỉ có ba câu không theo nhịp trên (Sao chẳng biết ý tứ gì; Tưởng bây giờ là bao giờ; Mụ quản gia, vãi Giác Duyên). Điều thú vị là trong những câu 3/3 này, chữ “khi” thường được dùng đi dùng lại khá nhiều lần.
Thế thì một câu thơ lục bát mượt mà nhất nên được cấu trúc ra sao? Kết quả phân tích này không cho một câu trả lời dứt khoát, nhưng dựa vào những tần số sử dụng về vần điệu và âm điệu, một bài thơ lục bát “hay” có lẽ nên được cấu trúc theo luật bb bt bb / bb tt bb tb, bb tt bb / bb bt tb bb, tb tt bb / bb bt bb bb, và tb bt bb / tb bt tb bb. Ngoài ra âm điệu của chữ dùng có lẽ nên sử dụng những chữ có phụ âm vang và nguyên âm trầm càng nhiều càng tốt.
Khi kể chuyện, Nguyễn Du sử dụng nhịp điệu bình thường, câu lục kéo dài trong 6 chữ đều đặn, câu bát tự phát triển một mạch trong 8 chữ liên tiếp: “Trăm năm trong cõi người ta - Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Giọng kể chuyện trải rộng, không dao động về một biến cố, không xôn xao một tâm trạng đặc biệt nào, không ánh lên một màu sắc nổi bật, do đó mà ta có thể hình dung cả một câu, cả một đoạn bằng một đường thẳng tắp. Đó là nói về những nhịp điệu bình thường. Nhịp điệu này không được kéo dài, vì kéo dài là gây độc điệu, gây buồn chán cho người đọc. Từ đó mới có nhịp điệu đột khởi, hay bất thường. Câu thơ thay đổi tùy theo nội dung tình cảm và tư tưởng, khi được phân đôi: 3/3 ở câu 6, 4/4 ở câu 8, gợi ý tương-lập hay đối-lập: “Mai cốt cách/ tuyết tinh thần”, “Bốn phương phẳng lặng/ hai kinh vững vàng”; 3/3/2, 2/4/2, 4/2/2 ở câu 8 khi muốn nhấn mạnh về thời gian: “Ăn làm sao / nói làm sao / bây giờ”, “Tẩy trần / mượn chén giải phiền / đêm thu”, “Trước hàm rồng cá / gieo mồi / băng tinh”.
Tính đa dạng về nhịp điệu là một đặc điểm lớn của Truyện Kiều, nhờ đó tính thơ của thể lục bát xuất hiện như mây khói, làm cho câu thơ được bao bọc trong một bầu không khí mơ hồ huyền ảo như ở cõi tiên, cõi phật.
So với lục bát dân gian thì lục bát Truyện Kiều không còn các dạng biến thể nữa. Có thể xem lục bát Truyện Kiều là một thứ lục bát thuần khiết. Với 3.254 câu lục bát, Nguyễn Du đã huy động hầu hết các bộ vần trong tiếng Việt vào tác phẩm. Giống như lục bát dân gian, mỗi cặp lục bát Truyện Kiều cũng gồm có ba chữ mang vần, nhưng các chữ mang vần này có vị trí cố định: câu sáu có 1 chữ đó là chữ thứ 6, câu tám có 2 chữ đó là chữ thứ 6 và chữ thứ 8. Riêng hai chữ mang vần của câu tám phải:
- Đối xứng nhau về thanh điệu, nếu chữ này mang thanh không dấu thì chữ kia phải mang thanh huyền và ngược lại (điểm này cũng giống như lục bát dân gian). - Không được cùng vần, nhất là những chữ nguyên vần với nhau. Nói cách khác, chúng phải luôn luôn khác vần nhau, vì nếu cùng vần thì sẽ xảy ra hiện tượng chập vần, câu thơ ngang phè, khó lọt tai. Trong ca dao và nhiều bài lục bát hiện nay vẫn thấy mắc khuyết tật này, nhưng trong suốt Truyện Kiều không thấy có bất cứ một trường hợp nào chập vần như thế. Có lẽ Nguyễn Du đã ý thức được điều này và loại trừ nó khỏi lục bát Truyện Kiều. Ta có thể tóm tắt quy luật gieo vần của lục bát
Truyện Kiều như sau: chữ thứ 6 của câu tám vần với chữ thứ 6 của câu sáu trên, đổi vần và đổi thanh điệu sang chữ thứ 8 của câu tám rồi nối vần này xuống chữ thứ 6 của câu sáu dưới,... Cái chuỗi vần trong lục bát Truyện Kiều chạy vòng vèo uốn lượn theo các chữ “Sáu - sáu, đổi vần và đổi thanh điệu, tám - sáu” rồi lại “Sáu - sáu, đổi vần và đổi thanh điệu, tám - sáu”... Nguyễn Du đã khai thác triệt để yếu tố đổi vần này làm lục bát Truyện Kiều khá tự do và linh hoạt. Từ đây ta cũng nhận ra một điều: chu kỳ gieo vần của lục bát là bốn câu. Một cặp lục bát mới chỉ là nửa chu kỳ. Nói cách khác, muốn khép kín chu kỳ gieo vần của thơ lục bát, vẫn cần phải có tối thiểu là bốn câu. Nhưng rất hiếm khi lục bát khép kín chu kỳ như thế. Trái lại nó thường tồn tại ở dạng nửa chu kỳ để tạo ra một khả năng kết dính tùy ý hơn, tự do hơn với những nửa chu kỳ khác.
Tính đa năng của lục bát Truyện Kiều còn được tăng cường thêm ở cách ngắt nhịp. Thông thường khi đọc thơ lục bát người ta hay đọc theo nhịp 2 chữ một: câu sáu ba nhịp và câu tám bốn nhịp. Nhưng đúng ra, phải ngắt nhịp theo ý nghĩa của các cụm từ trong dòng thơ. Theo cách này ta sẽ thấy lục bát Truyện Kiều khá đa dạng về cách ngắt nhịp. Sau đây chỉ là vài ví dụ tiêu biểu: “Êm đềm/ trướng rủ/ màn che - Tường đông/ ong bướm đi về/ mặc ai”; “Hiên tà/ gác bóng nghiêng nghiêng - Nỗi riêng/ riêng chạnh tấc riêng/ một mình”; “Rằng/ Từ là đấng anh hùng - Dọc ngang trời rộng/ vẫy vùng bể khơi”.
Nhạc của lục bát Truyện Kiều là nhạc của hình tượng, không phải nhạc của kỹ thuật dấu phẩy ( , ). Xin thử lắng nghe câu thơ Kiều :
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
Giai điệu vút lên, liền mạch, bay bổng, xa thẳm trời xanh muôn trùng, không thể là nhịp chỏi, nhịp lẻ. Nhạc thơ ấy không thể dùng dấu phẩy mà ngắt ra. Bởi nếu chặt khúc câu thơ, cánh hồng sẽ gẫy và con chim hồng tuyệt vời ấy sẽ rơi xuống đất, chết cùng với lục bát. Cũng vậy con mắt đăm đăm là con mắt nhìn mãi về xa xăm, làm sao cắt khúc được sự dõi theo không cùng ấy của tâm thức?
Với Nguyễn Du, thể lục bát đã được làm mới, với một cơ cấu chặt chẽ và một hình thức diễm lệ chưa từng có từ 3 thế kỷ trước. Nguyễn Du đã đưa thể thơ dân tộc lên đến mức phát triển cùng độ. Sau Nguyễn Du, giá trị của thể thơ lục bát không có nhà văn, nhà thơ nào đưa lên cao hơn được nữa. Chính thể lục bát, với khả năng biến chế tinh vi của Nguyễn Du, đã nâng cao tầm vóc của Truyện Kiều. Nếu thay thế vào thể thơ lục bát, Nguyễn Du chọn thể thơ thất ngôn hay ngũ ngôn trường thiên (thơ gốc Trung Hoa), chắc chắn Truyện Kiều không đạt được địa vị vinh quang ngày nay trên văn đàn quốc gia và thế giới.