Khái niệm truyền thống và truyền thống văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 62 - 71)

6. Cấu trúc luận án

3.1.1. Khái niệm truyền thống và truyền thống văn học

Truyền thống” là một danh từ chỉ thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, hoặc là một tính từ chỉ các tính chất, phẩm chất được truyền lại từ các đời trước. Nhìn chung, truyền thống

là những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận với một niềm tin, niềm tự hào và luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Thực ra, “truyền thống” là một từ có nghĩa rất rộng. “Truyền thống” tiếng Ấn - Âu là tradition, bắt nguồn từ tiếng Latinh tradere,

tradetio, có nghĩa là: trao truyền, truyền đạt, truyền lại (transmission). Theo hai tài liệu: Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên); Sổ tay từ Hán Việt (Nxb Giáo dục, 1990) - từ “truyền thống” đều được ghi là: “Các nhân tố xã hội đặc biệt truyền từ đời này sang đời khác (ví dụ: truyền thống văn hoá)”. Truyền thống hình thành dần qua hoạt động lịch sử của con người và có tính ổn định tương đối. Hiểu theo nghĩa thông thường thì truyền thống là tất cả những gì được trao truyền, tiếp nối từ đời này sang đời khác không ngừng, không dứt. Khái niệm truyền thống được áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau để chỉ những đặc trưng cơ bản về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội, trong phẩm chất của một cộng đồng… khi những phẩm chất hoặc hạt nhân của vấn đề đó được duy trì, tô đậm, khẳng định để tạo thành nền tảng, cơ sở cho sự tồn tại và phát triển (truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá, truyền thống văn học v.v… ). Nói tới truyền thống dân tộc là nói tới truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, là những đặc trưng lối sống, những phong tục tập quán, những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Trong văn học, khái niệm “truyền thống văn học” được sử dụng khá sớm dùng để chỉ “những thành tựu chung, đặc sắc, tương đối bền vững, ổn định trên cả hai phương diện nội dung, hình thức của văn học được lưu chuyển, kế thừa từ thế hệ

này sang thế hệ khác trong quá trình văn học. Có những truyền thống văn học của một dân tộc hoặc một vùng, một khu vực gồm nhiều dân tộc có quan hệ mật thiết với nhau, có truyền thống văn học của cả nhân loại” [59; tr.299]. Nội hàm của khái niệm truyền thống văn học còn được mở rộng, nó chỉ nét đặc sắc của một bộ phận văn học đã trở thành bản chất, thành nét đặc trưng của một nền văn học (ví dụ: vẻ đẹp của Đường thi đã trở thành truyền thống văn học của thơ ca phương Đông), hoặc những mảng đề tài, những loại hình nghệ thuật đặc sắc được duy trì ở nội dung và hình thức của nền văn học dân tộc trong quá trình văn học (ví dụ: đề tài về mùa thu, về làng cảnh Việt Nam là đề tài mang tính truyền thống của nền văn học dân tộc… ).

Truyền thống văn học không phải là một hiện tượng ngưng đọng, khép kín, mà không ngừng vận động, tự đổi mới. Mỗi bước phát triển của lịch sử xã hội và lịch sử văn học thường khiến cho hàng loạt giá trị, kinh nghiệm nghệ thuật từng được xem là truyền thống trở nên bảo thủ, lạc hậu. Để giải quyết những nhiệm vụ nghệ thuật do thời đại đặt ra, người sáng tác hoặc là phải hoàn thiện, đổi mới kinh nghiệm của thế hệ trước, hoặc là phải đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, lạc hậu, phải tìm kiếm những lối đi mới. Và cách tân nghệ thuật là phương thức kiến tạo tác phẩm mang tính sáng tạo; những cách tân nghệ thuật chân chính trở thành những truyền thống mới, bồi đắp thêm cho kho tàng kinh nghiệm của những thế hệ đi trước.

3.1.2. Truyền thống trong thơ và những giá trị truyền thống trong thơ Việt Nam

Giá trị (value) là “cốt lõi” của văn hoá, là “thước đo” nhân bản của xã hội loài người, nó phản ánh và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người. Nói như Ngô Đức Thịnh, giá trị là “những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp. Nói cách khác, đó chính là những cái được con người cho là Chân - Thiện - Mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất con người” [142; tr.38]. Như vậy, giá trị văn hoá, còn gọi là giá trị xã hội, nó gắn bó với sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. GS Trần Văn Giàu rất có lý khi gọi tên những “giá trị tinh thần truyền thống

của dân tộc Việt Nam là yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người”. Đó là những sắc màu khác nhau trong “bảng màu” tạo nên giá trị truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Giá trị còn là một phạm trù tinh thần được con người nhận thức, đúc kết những kinh nghiệm, những va chạm với thực tiễn, dùng để phân biệt với những gì “phi giá trị”. Giá trị con người được nhận thức, sàng lọc, kết đọng qua “bộ lọc” của tâm thức văn hoá. Chỉ những gì là hợp lý, hợp chuẩn mực, nhân đạo, nhân văn mới được gìn giữ, bảo lưu, bảo tồn qua nhiều thế hệ, góp phần làm giàu thêm cho truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngược lại, những gì “phi giá trị”, “kém giá trị” tất yếu sẽ bị đào thải, không có sức sống bền lâu với thời gian. Do không phải là một phạm trù đơn lẻ, những giá trị hướng đến Chân - Thiện - Mỹ sẽ tạo nên một hệ giá trị. Hệ giá trị này có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của xã hội, nó giúp con người không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thiện chính mình, trên cơ sở đó mỗi cá nhân sẽ góp thêm một tiếng nói vào sự tiến bộ chung của cộng đồng.

Soi chiếu vào văn học, chúng ta nhận thấy văn học là bộ phận của văn hoá, nó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hoá của thời đại, còn nhà văn - chủ thể sáng tạo lại là con đẻ của cộng đồng. Muốn hay không thì nhà văn cũng phải tiếp cận những thành tố của văn hoá cộng đồng, cho nên những sáng tác của họ sẽ luôn được tắm mình trong hệ giá trị. Đó chính là lý do giải thích vì sao người tiếp nhận luôn hướng đến giá trị thẩm mỹ - một phạm trù mỹ học gắn với sự tự biểu hiện độc đáo của chủ thể sáng tạo. Đặc biệt, những giá trị này luôn được đặt trên phông nền của giá trị truyền thống. Giá trị thẩm mỹ đích thực trong sáng tác văn học sẽ hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ, gắn liền với sáng tạo, xây dựng hình tượng con người theo cái đẹp và xác định một tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp. Những sáng tác văn học vừa gắn liền với bản chất đặc thù của nghệ thuật vừa mang đến cho đối tượng thưởng thức một cảm nhận đúng hướng sẽ luôn tạo ra một hiệu ứng mỹ cảm nhất định trong lòng người đọc. Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm văn học sẽ được thế hệ sau nuôi dưỡng, bồi đắp theo thời gian. Tuy nhiên, giá trị không phải là phạm trù tĩnh tại. Trong cuộc giao lưu tiếp biến, cùng với những yếu tố nội sinh được cấy

trồng và giữ lại, có những yếu tố chưa phù hợp sẽ được cải biến cho phù hợp với thực tiễn; hơn nữa, văn học còn nâng đỡ cho con người bằng một niềm tin, một tinh thần lạc quan về những giá trị vĩnh hằng có sức sống vượt thời gian, vượt qua sự băng hoại. Bên cạnh đó, văn học còn viết về cái xấu, cái ác, cái “phản văn hoá”, “phản giá trị”. Do đó, sáng tác văn học còn có khả năng tác động, điều chỉnh các hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và với chính mình.

Truyền thống trong thơ là những giá trị đã được khẳng định. Vậy những giá trị

nào làm nên truyền thống trong thơ? Thơ là hồn, thơ là đời thì những giá trị truyền thống không thể tách rời hồn và đời của con người thời đại được. Truyền thống gắn với dân tộc, tính truyền thống có điểm tương đồng với tính dân tộc, biểu hiện được màu sắc, âm thanh, lối sống, tính cách, tinh thần của dân tộc tức là đã biểu hiện được bề mặt truyền thống. Thơ lưu giữ những nội dung ấy bằng những hình thức truyền thống - hình thức mà những tác giả từ buổi sơ khai của thơ đã sử dụng và được vun đắp trong một quá trình tồn tại và phát triển. Truyền thống trong thơ biểu hiện trên cả nội dung và hình thức, nhưng không phải những gì dễ dãi, giản đơn, mà là cái đã được khẳng định, là “thành tựu chung”, “bền vững”. Đó là tinh thần yêu nước, tình cảm cha mẹ anh em, tình yêu trai gái… ở mặt nội dung, và là thể thơ, ngôn từ, giọng điệu… ở mặt hình thức.

Tuy truyền thống là cái lâu đời được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, song nó vẫn có tính linh động riêng của nó, không hoàn toàn bó buộc trong một khuôn khổ đã được thời gian thừa nhận. Về nguồn gốc, truyền thống trong thơ là những giá trị được hình thành từ những buổi đầu tiên, nhưng tồn tại và phát huy tác dụng thông qua con đường ảnh hưởng văn học, thông qua những phép tắc, luật lệ mà nhiều thế hệ phải tuân thủ để làm ra những giá trị mới. Truyền thống trong thơ không phải là “luật” nên không có tính chất bắt buộc; có nhà thơ làm câu thơ đầu tiên đã tràn ngập cái khí vị, bản sắc dân tộc, có nhà thơ phải hướng mình tới truyền thống, coi đó là mục đích cần đạt được, cũng có nhà thơ tiếp nhận truyền thống bằng cái nhìn khúc xạ, cái nhìn không trực tiếp… Điều đó cho thấy truyền thống

thơ không phải là hiện tượng chứa đựng trong khuôn đúc mà trái lại luôn có sự biến đổi, bởi nó là một vận động đồng tâm với lịch sử xã hội, hàng loạt giá trị, kinh nghiệm nghệ thuật được coi là bảo thủ, lạc hậu sẽ được thay thế bởi những giá trị mang tầm tư tưởng tiến bộ hơn, phù hợp với cuộc sống mới, chuyển tải và biểu hiện cuộc sống mới. Một hình thức mới mang nội dung mới đã làm nên một cuộc cách mạng, nhưng cuộc cách mạng này không phá vỡ tất cả mà cách mạng để chứa đựng được những tâm hồn mới phóng khoáng và dân chủ hơn - tâm hồn đó là sản phẩm tất yếu của sự vận động lịch sử xã hội. Xét đến cùng, thơ mang tính truyền thống là những vần thơ bám chặt với con người từ đời sống xã hội đến đời sống tinh thần và được diễn đạt bằng một ngôn ngữ mẹ đẻ thuần khiết, nhuần nhị.

Những cái đẹp gọi là truyền thống thường là những cái đã thấm vào ý nghĩ, những cái đã được gọt giũa và bao bọc, nó giống như viên ngọc trai - là những gì tinh tuý được chắt lọc và giữ gìn. Chính vì thế mà các nhà thơ, nhất là những người trực tiếp xây dựng và bảo tồn truyền thống cho thơ, luôn mong muốn các thế hệ tiếp sau dù đổi mới cũng đừng nên đánh mất cội nguồn. Và phần lớn những người đọc thơ ngày nay, trước một bài thơ mượt mà truyền thống, bao giờ cũng cảm thấy gần gũi thân thuộc, như được vỗ về, an ủi.

Có thể nói nền thơ của bất kỳ dân tộc nào cũng có những đặc điểm truyền thống do những điều kiện về thiên nhiên, đất nước và chủ yếu do những điều kiện đấu tranh xã hội tạo nên trong trường kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. Có những dân tộc mà nền thơ phát triển từ hàng ngàn năm lịch sử như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp… hoặc ngắn ngủi trong một vài thế kỷ như Mỹ, Nam Phi, Israel… Có dân tộc thơ ca bộc lộ rõ truyền thống đấu tranh chống áp bức, bảo vệ tự do như thơ ca Nga; ngược lại cũng có những nền thơ trong nhiều thời kỳ bị tư tưởng giáo hội thống trị. Có nền thơ sôi sục tinh thần dân tộc dân chủ như thơ Tây Ban Nha, Việt Nam; có dân tộc thơ thiên về cảm xúc trữ tình… Do thực tiễn cụ thể của từng dân tộc ở từng thời kỳ mà thơ có những đặc điểm về nội dung, về hình thức biểu hiện. Những đặc điểm đó xuất hiện thường xuyên đã tạo thành truyền thống bền vững.

Những yếu tố truyền thống trong thơ ca Việt Nam là những phẩm chất được tạo thành do môi trường và điều kiện tồn tại trong quá trình dựng nước và giữ nước, sản xuất và bảo vệ thành quả lao động quyết định. Sinh sống và phát triển trong một môi trường tự nhiên đa dạng nhưng cũng rất khắc nghiệt, người Việt Nam muốn sản xuất và bảo vệ thành quả đó trước thiên nhiên đã phải tôi rèn tính cộng đồng. Bên cạnh đó, trong lịch sử phát triển của mình dân tộc ta lại phải dành quá nhiều thời gian cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc trước hoạ ngoại xâm thường trực. Để giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc thì ý nghĩa của vấn đề xây dựng và bảo vệ, lao động và đấu tranh trở nên gắn bó rất hữu cơ, mật thiết với nhau hơn ở bất cứ nơi đâu. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ của dân tộc đã hình thành những cặp khái niệm hết sức đặc biệt gắn bó với nhau: nước - dân; Tổ quốc - đồng bào… Chính những yếu tố này đã bồi đắp nên một truyền thống kép mang đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Nam: yêu nước - thương dân. Đặc trưng ấy đã tạo thành những truyền thống về nội dung trong thơ: đó là chủ nghĩa yêu nước anh hùng và tinh thần nhân đạo yêu thương với hai âm điệu chủ yếu là hùng tráng sử thi và đằm thắm trữ tình.

Cùng với hành trình dựng nước và giữ nước, truyền thống văn học, truyền thống thơ ca của dân tộc ta đã định hình và có một quá trình phát triển nội sinh. Trong truyền thống đó có hai dòng văn học, hai dòng thi ca: dân gian và cổ điển.

Nền văn học dân gian của dân tộc ta phong phú và phát triển từ khi chưa có chữ viết. Văn học dân gian thể hiện sức sống, kinh nghiệm đấu tranh xã hội và tự nhiên, thể hiện trí tuệ thông minh và những ứng xử tốt đẹp của nhân dân lao động qua hàng ngàn năm lịch sử. Nền văn học dân gian của ta phát triển ở nhiều mặt: từ các loại hình phong phú của thơ ca dân gian, những kho tàng giàu có về truyện cổ, đến những hình thức độc đáo của ca kịch dân tộc. Riêng về thơ chúng ta có những trường ca đượm khí thế anh hùng như Đăm San hoặc trữ tình đằm thắm như Xống chụ xon xao; những truyện thơ giàu tinh thần nhân đạo xuất hiện trong nhiều thế kỷ; những bài vè vừa mang tính chất thời sự, vừa có tính nghệ thuật. Chúng ta lại có một kho tàng ca dao, tục ngữ đậm đà phong vị trữ tình kết tinh những tình cảm cao

quý, những kinh nghiệm lao động và đấu tranh của nhân dân. Ca dao, tục ngữ phản ánh rất trực tiếp tâm hồn dân tộc và là một kho báu, một nguồn nuôi dưỡng vô tận cho thơ ca.

Sáng tác thơ ca dân gian không chỉ thể hiện sức sống của tâm hồn dân tộc qua nội dung mà còn qua cách cảm nghĩ, khái quát, những so sánh, liên tưởng vừa giàu hình ảnh sinh động vừa thông minh, ý nhị. Thơ ca dân gian đã nâng cao khiếu thẩm mỹ và bồi dưỡng tâm hồn cho nhân dân, là nơi xây dựng, rèn giũa ngôn ngữ văn học và ảnh hưởng đến thơ ca bác học dân tộc. Sự phát triển của văn học Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã chứng minh rất đầy đủ ảnh hưởng của văn học dân gian nói

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 62 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)