6. Cấu trúc luận án
4.1.1. Khái niệm hiện đại và tính hiện đại
Thuật ngữ “modern” (hiện đại) xuất hiện từ thời Phục hưng ở châu Âu, lúc đầu thường được hiểu theo nghĩa đối lập với thuật ngữ “cổ xưa” (ancient) hay “truyền thống” (traditional). Phải đợi đến Hegel [64] thì người ta mới thấy có một sự phân tích nghiêm cẩn và sâu sắc nhất về thân phận của “con người hiện đại”: đó là con người đặt lịch sử trước mặt mình, và đặt mình trước lịch sử, và suy tưởng xem có sự hoà hợp giữa hai cái này hay không. Đặc trưng của tính hiện đại (modernity) theo Hegel là ở chỗ con người tự đặt mình vào trong lịch sử một cách có ý thức.
Về sau người ta thường hiểu “hiện đại hoá” theo nghĩa là quá trình chuyển biến từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại xét trong mấy lĩnh vực. Hiện đại hoá về mặt chính trị là phát triển các định chế chính trị chủ yếu, như các chính đảng, nghị viện, quyền bầu cử, tức là những định chế tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia vào quá trình ra quyết định. Hiện đại hoá về mặt văn hoá được thể hiện chủ yếu trong quá trình thế tục hoá (secularization) và hình thành tư tưởng quốc gia dân tộc v.v…
Hiện đại không phải là một sản phẩm của một giai đoạn lịch sử tách biệt, cũng không phải là biểu hiện của một nền văn hoá cá biệt (ví dụ như là sản phẩm của nền văn hoá phương Tây), mà bắt nguồn từ một mạng lưới phức hợp của mọi hoạt động con người. Chính những hoạt động này mới duy trì, phát triển và hoàn thiện cuộc sống của chúng ta. Do đó, hiện đại bao gồm cả tính lịch sử và động lực biến đổi lịch sử. Lẽ tất nhiên, hiện đại thường được coi như là biểu hiện của giai đoạn lịch sử hiện thời, nhưng nếu xét cho kỹ từ gốc rễ, nó là tinh thần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Tương tự nhưng không cùng nghĩa, hiện đại hoá theo nghĩa hẹp bị hiểu một cách giới hạn vào hoạt động của con người. Hiện đại hoá nói lên cuộc sống
nhân bản tốt hơn, được xây dựng dựa trên cơ sở lý trí cao, nơi phát minh kỹ thuật và sự ứng dụng các phát minh đó.
Ta phải hiểu hiện đại sâu hơn trong chính bản chất để tìm ra nguyên nhân chính của sự phát sinh, tái hiện và biến mất của nó. Ðó có nghĩa là chúng ta phải chú ý tới sự biến đổi và vai trò của hiện đại trong lịch sử loài người. Từ mục đích này, nghiên cứu khái niệm cái hiện đại sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng ta hiểu nó từ (1) thái độ phản ứng lại cái truyền thống, (2) hay như là tinh thần của một thời đại nhất định, và cuối cùng (3) như là một ý thức về một thời đại liên kết nó với quá khứ của cổ xưa, để thấy chính nó như là kết quả của một sự chuyển biến từ cái cũ đến cái mới.
Trước hết, hiện đại có nghĩa là phản ứng chống lại truyền thống: một phản ứng nảy sinh do sự bất mãn với quá khứ và từ sự khát khao một tương lai tốt đẹp hơn. Một phản ứng như vậy luôn gồm hai giai đoạn nối tiếp nhau: bất mãn và khát vọng. Như vậy, hiện đại ngầm chứa trong chính bản thể của mình một ý chí muốn thay đổi.
Nguyên nhân của bất mãn rất đa dạng nhưng có thể tóm tắt dưới các khía cạnh lý thuyết và thực tiễn. Hai khía cạnh này đôi khi độc lập, nhưng thường có quan hệ qua lại với nhau, đặc biệt chúng đều liên quan đến cuộc sống con người và thế giới nhân loại. Trước hết, hiện đại biểu tả sự phản ứng chống lại những tri thức cũ. Những tri thức này đã không thể giải thích một cách thoả mãn (hay thiếu thuyết phục) những bí mật của vũ trụ. Chúng cũng không thể đưa ra một ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, và càng không thể thoả mãn tính tò mò của chúng ta. Trong mạch văn này, quá trình biến đổi của con người từ man dã tới văn minh có thể được xem như một khuynh hướng hiện đại. Việc người Hi Lạp phát minh ra các công cụ mới để phát triển tri thức mới và để thực chứng nền tri thức này (ví dụ như Logic), đã chứng tỏ rằng kiến thức cũ (và kỹ thuật của nó) đã lỗi thời, chúng không còn thoả mãn nhu cầu của con người hôm nay được nữa. Hiện đại cũng nói lên tâm lý phẫn nộ chống lại tình trạng lạc hậu, mê tín, tổ chức vô lý, cũng như lối tổ chức lạc hậu của các xã hội trước. Thứ tới, hiện đại đòi hỏi và đi tìm một phương thế mới giúp hoàn thiện, phát triển cũng như làm truyền thống càng hợp lý. Một khuynh
hướng hiện đại như vậy thường được lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại. Nó tạo ra sự thay đổi mà cường độ của nó tuỳ thuộc vào sự liên tục cũng như vào sức phản ứng và ảnh hưởng của nó trên phạm vi lớn hay nhỏ.
Theo xu hướng này, ta thấy bất cứ ý tưởng nào khi mới xuất hiện, trước tiên nó chỉ là một kết quả của sự phản ứng và sau đó nó mới phát triển sự nỗ lực nhằm hoàn thiện các tri thức cổ. Ðể hiểu hiện tại ta phải biết lý do khiến con người không thoả mãn. Sự bất mãn bắt đầu với sự bất lực. Một tri thức lỗi thời, không thể thoả mãn, cũng như một tri thức vô dụng là tri thức mà bất lực trước thách đố và không thể đứng vững trước thẩm tra và phán xét. Những dữ kiện trên chứng tỏ một sự phản ứng thuần trí chống lại truyền thống cùng lắm chỉ có thể sản sinh ra một số ý tưởng mới nhưng không thể hoàn toàn thoả mãn nhu cầu của hiện tại và tương lai. Vậy nên, ta có thể quả quyết, hạt nhân của phong trào hiện đại và tinh thần của nó, chính là ý chí khắc phục các vấn đề hiện tại. Một hiện đại như thế nói lên cả một quá trình của sự khám phá các vấn nan nhờ vào sự phê phán các giá trị truyền thống (tri thức, các tiêu chuẩn...), và quan trọng hơn nữa, là một sự nỗ lực không ngừng đương đầu với các vấn đề này.
Một nguyên nhân không kém quan trọng, nhưng ít được chú ý, giải thích khuynh hướng hiện đại chống lại truyền thống, đó là khát vọng của con người về một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì hiện tại không thể đáp ứng khát vọng của con người, chính vì hiện tại kìm nén khát vọng đó, thế nên một cuộc nổi loạn chống lại mọi quy phạm trói buộc hiện tại là một điều tất nhiên. Những tác phẩm nêu cao kinh nghiệm mỹ cảm đều nói lên khát vọng không tưởng ngấm ngầm chống đối quy luật thẩm mỹ trong nghệ thuật. Những khát vọng này thường bị các chuẩn mực xã hội kìm ép. Tất nhiên, chức năng của nghệ thuật không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phê phán. Nó còn là phương tiện bảo tồn và phục hồi nội dung chân thực của các tác phẩm nghệ thuật. Như thi sĩ người Ðức Schiller từng lý tưởng hoá, nghệ thuật là hiện thân của “mối quan hệ không bị tha hoá giữa con người và tự nhiên, chủ thể và khách thể, lý tính và giác quan”.
Chúng ta có thể nói với chút ít thẩm quyền rằng, bất cứ một sáng tạo nghệ thuật nào có thể có được trước hết là do tâm lý phản kháng khi thấy các thiếu sót như sự thiếu thoả đáng và bất toàn của các hình thức biểu hiện kinh nghiệm thẩm mỹ. Phản ứng này cũng chống lại sự tập trung quyền lực của xã hội vào trong một người, một nhóm, hay một đảng phái, nó giải thích sự ra đời của chủ nghĩa siêu thực, cũng như của những người tiên phong. Đó là các hình thức biểu thị cho tính hiện đại, tức cái “hiện thời”. Tính hiện đại nói lên giây phút linh thiêng của hiện tại, như một khoảnh khắc của sự mặc khải quá khứ. Tóm lại, “hiện thời” hoạt hoá một cách nghệ thuật như một sự cấu hợp thần bí đáp ứng khát vọng con người từng được nuôi dưỡng trong cái nôi quá khứ.
Không chỉ như là một khuynh hướng hiện đại đơn giản, tính hiện đại mang nghĩa
là tinh thần của một thời đại - một thời đại tách biệt khỏi các thời đại khác. Trong lịch sử phương Tây, đó chính là Thời Ðại Ánh Sáng với các kết quả tất yếu của nó như cuộc cách mạng công nghiệp, nền dân chủ chính trị, sự tự giải phóng. Thời đại mà giới trí thức Pháp kiêu hãnh tán dương như là Thời Ðại Ánh Sáng, và các đồng sự người Ðức của họ thành tín ngợi ca như là Khải Minh, thực ra hoàn toàn khác biệt với thời Trung Cổ (một thời mà họ từng thiếu công bằng kết án như là thời đại của bóng tối).
Công bằng mà nói, ta có thể thấy sự khác biệt giữa hai thời đại qua sự khác biệt giữa tinh thần thời đại của chúng: nếu thời Trung Cổ với khẩu hiệu “tin để hiểu” (Credo ut intelligam) thì Thời Đại Ánh Sáng lại hô to khẩu hiệu “hiểu để tin” (Intelligo, ergo credo). Nói cách khác, sự dị biệt thấy trong niềm tin và lý tính. Đó là, một quá trình mà nền khoa học kinh nghiệm, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp... xây dựng trên các nguyên lý của tự luật (autonomy), của ý thức chủ thể; đó là, một quá trình thể chế hoá do lý tính hướng dẫn và đặc tính biểu trưng nhất của tính hiện đại là sự hình thành của tự thức (tức sự đồng nhất của bản ngã tôi trừu tượng thấy trong các điển phạm xã hội hoá, một trong những đặc tính biểu tượng nhất của cái hiện đại).
Hegel coi tính hiện đại như một “siêu nguyên lý” (meta-principle) định hướng và quyết định tính liên tục của quá trình lịch sử, tính hiện đại mang một nghĩa rộng hơn là tinh thần của thời đại, là “ý thức của một giai đoạn tự quan hệ nó với cái quá khứ của cổ thời, để có thể tự nhận thức mình như là kết quả của sự chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới” [64; tr.143].
Tính hiện đại thực chất cũng là tính dân tộc hình thành từ truyền thống, mang đặc điểm và giá trị văn hóa truyền thống với những bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc, nhưng nó đã được phát triển, hiện đại hóa cho phù hợp với nhu cầu xã hội mới. Tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau. Tính hiện đại trong văn hóa văn nghệ thể hiện với sự đổi thay về chất lượng và có ảnh hưởng rộng, chịu được thử thách bởi thời gian.
Ai cũng hiểu rằng hiện đại là lối làm nghệ thuật một cách mới mẻ, khác hẳn so với lối cũ của ngày hôm qua. Nhưng trong thực tế nghiên cứu, từ này không có nghĩa chung chung như thế mà có nội dung cụ thể của nó. Chúng tôi không đủ trình độ để tìm hiểu hai chữ hiện đại dưới góc độ từ nguyên học, nhất là xác định được khởi điểm mà từ này lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, trước khi truyền sang Việt Nam, song có thể mạnh bạo dự đoán: Hiện đại chỉ được dùng nhiều từ cuối thế kỷ XIX, nó gắn liền với một giai đoạn bột phát của sự tiếp xúc Đông Tây, khi mà người châu Á (mà gần với ta nhất là Trung Hoa) bắt đầu có ý thức được rằng dù bản thân từng có truyền thống văn hoá lâu đời, song hiện đang ở giai đoạn trì trệ, bế tắc, có nhiều phương diện có thể gọi là cổ hủ, lạc hậu. Vậy cái lối làm kinh tế cũng như văn chương nghệ thuật mới mẻ, đáng gọi là xứng với thời buổi ngày nay (hiện đại) phải là gắn liền với phương Tây, và trở nên hiện đại (hiện đại hoá) là làm theo mẫu hình phương Tây. Từ đầu thế kỷ khi đề ra yêu cầu xây dựng nền văn hoá mới, các tác giả Văn minh tân học sách đã nghĩ như vậy. Mà khi làm công việc ghi nhận thành tựu những năm từ đầu thế kỷ XX trở đi, các tác giả Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm cũng nghĩ như vậy. Nếu xưa kia, cái để ông cha ta đối
chiếu là văn học Trung Hoa, thì ngày nay, cái để con người đầu thế kỷ trông vào học tập là cách làm văn hoá, cách nghĩ của người phương Tây. Đây đó hai chữ Âu hoá có bị hiểu sai và việc này đã có người mang ra chế giễu, song nhìn chung nó được dùng rất nghiêm chỉnh, và giả định một sự học hỏi tích cực với tất cả bản lĩnh dân tộc vững chãi, chứ không phải là học đòi theo lối nô lệ.
Ngay từ 1945, trong một bài viết mang tên Trên đường kiến thiết văn hoá mới ở Trung Quốc - vấn đề dân tộc hoá, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã khái quát “Vấn đề văn hoá ở Trung quốc khoảng 100 năm nay cũng là một vấn đề nhập cảng: thâu thái những kiến thức về kỹ nghệ, về khoa học để cải tạo nền văn hoá „ngàn xưa‟ của nước Tàu”. Ở một chỗ khác (cũng bài báo trên), ông viết “vấn đề Âu hoá, hiện đại hoá (modernisation) cũng là một vấn đề lựa chọn. Bất kỳ khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, bất kỳ về phương diện tri thức hay phương diện kỹ nghệ, văn hoá mới Trung Quốc sẽ phải góp nhặt trong văn hoá Âu Tây những thành phần tiến bộ cái tinh hoa có thể áp dụng vào trong tình thế Trung Quốc ngày nay”.Trong cách hiểu của tác giả, hai quá trình Âu hoá và hiện đại hoá gần như đã được đồng nhất.
Để chuyển dịch cả một nền văn học (và rộng hơn cả nền văn hoá) từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, cần có cả một quá trình. Đó là quá trình hiện đại hoá văn học khởi động từ đầu thế kỷ, và đến 1945, coi như đã hoàn thành một chặng cơ bản (còn như tới những năm tám mươi, chín mươi, một quá trình hiện đại hoá lại đang xảy ra, thì đó là một việc khác, có sắc thái khác).
Quá trình hiện đại hoá đồng thời cũng là quá trình trong đó các xu thế dân tộc hoá, và dân chủ hoá đóng vai trò những định hướng liên tục và ổn định. So với văn học trung đại, nền văn học Việt Nam hiện đại thực sự trở thành một nền văn học dân tộc, với nghĩa đầy đủ của từ này. Mặt khác cũng chỉ đến giai đoạn hiện đại, tinh thần dân chủ vốn sẵn có trong văn chương các thế kỷ trước, mới được hoàn thiện. Bề nào mà xét thì văn học hiện đại cũng là cả một bước tiến lớn lao và chúng ta chỉ hình dung ra nó một cách đầy đủ trong sự so sánh với quá khứ.