Những cách tân về nghệ thuật biểu hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 118 - 121)

6. Cấu trúc luận án

4.2. Thơ lục bát hiện đạ i truyền thống và cách tân

4.2.2. Những cách tân về nghệ thuật biểu hiện

Khái niệm cách tân chỉ sự thay đổi tiến bộ căn bản so với cái cũ và thường được sử dụng để chỉ sự đổi mới trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, khác với canh tân (đổi mới trên lĩnh vực chính trị xã hội), duy tân (chủ trương thay đổi tất cả theo cái mới). Cách tân nghệ thuật là phương thức kiến tạo tác phẩm mang tính sáng tạo, đổi mới.

Kế thừa truyền thốngcách tân nghệ thuật là những phương diện không tách rời nhau của quá trình văn học. Đến lượt mình, những cách tân nghệ thuật chân chính lại trở thành những truyền thống mới bồi đắp thêm cho kho tàng kinh nghiệm đã vượt qua sự thử thách thời gian của những thế hệ đi trước.

Sự tiếp biến của thơ lục bát hiện đại thể hiện rõ ở sự kế thừa truyền thống và cách tân nghệ thuật. Trước hết là cách tân về ngôn ngữ thơ. Nhiều tác giả lục bát thời kỳ này sử dụng ngôn ngữ mang tính hiện đại và táo bạo. Có nhiều cách tạo lập từ ngữ mới, cách sử dụng từ láy mang giá trị biểu cảm cao, gợi tả và sinh động: “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn” (Buồn đêm mưa - Huy Cận); “Con cá nó ở dưới ao/ Nghe nói đến lộc thao lao mắt tròn/ Con chim nó ở trên non/ Nghe nói đến lộc thòn lòn mắt chim/ Con người thời đại thông tin/ Nghe nói đến lộc lim dim mắt người” (Lộc - Phạm Công Trứ). Có cách nói quen thuộc, dùng nhiều khẩu ngữ, những từ “bụi”, dân dã: “Thò tay bốc phứa

một trang/ Mong Kim Trọng lại vớ chàng Sở Khanh”, “Xin nghe anh nói cực

nghiêm”, “yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa” (Nguyễn Duy); lại có cách nói rất lạ, ám ảnh, giàu liên tưởng: “Em ngồi giặt áo lặng thinh/ Vò cho sạch những vết tình còn vương/ Giũ cho rơi hết giọt buồn/ Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời” (Thanh Nguyên), “Xui mãi gái chẳng bỏ chồng/ Đành về ăn vạ cánh đồng heo may” (Đồng Đức Bốn). Những câu thơ lục bát thời này không hướng tới việc xác lập sự hoàn chỉnh ngay ở một dòng thơ mà thường để cho những câu liên tiếp nhau có mối quan hệ mật thiết, có cảm giác cả đoạn thơ dài mới diễn tả hết ý của một câu nói trọn vẹn. Các từ liên kết để, để cho, cho nên, , cũng, như, , … xuất hiện rất nhiều, tạo

cảm giác gắn bó giữa các dòng lục bát: “Giả vờ chuyện gẫu ngu ngơ/ Như anh em chả bao giờ quen nhau” (Giả vờ - Hoàng Cầm); “Câu rằng chị ngã em nâng/

qua được hết mọi vùng khó qua” (Tôi ru con gái tôi - Đỗ Trung Lai); “Cháu đừng khóc để mưa rơi/ Để chim không hót để người xót xa” (Gửi bạn thơ nhỏ tuổi - Hồ Minh Hà). Bùi Giáng đùa nghịch với ngôn từ, ông chắp những từ nối (loại hư từ) thường dùng trong văn chính luận để dựng nên một đoạn lục bát giàu ý nghĩa tư tưởng: “Nếu và nhưng vẫn ắt rằng/ Tuy nhiên thế nọ thường hằng thế kia/ Và nhưng tuy dẫu là chia/ Lìa cha biệt mẹ bốc tia sinh tồn” (Tuy nhiên). Nguyễn Bính sử dụng những dấu gạch nối để tạo ý diễn tả những chắp nối, ngập ngừng, da diết: “Đừng em! - quên đấy - thôi nàng!/ Đất Hồ xa quá, nàng sang sao đành!” (Một con sông lạnh).

Với những cái tôi bản ngã đầy cá tính, thơ lục bát hiện đại mang phong cách phức âm, đa giọng điệu. Đầu thế kỷ XX, người ta “nghe” rõ giọng tráng khí, bi phẫn, bi hùng trong thơ Trần Huyền Trân: “Đói nghèo đầy chiếu đầy chăn/ Bút khôn làm kiếm chém phăng bất bình” (Say ca). Những năm kháng chiến, lục bát trữ tình chính trị của Tố Hữu mang giọng điệu tâm tình thương mến, nhà thơ thường hướng về đồng bào, đồng chí mà trò chuyện, nhắn nhủ, tâm sự: “Ta với mình, mình với ta/ Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh” (Việt Bắc). Trong cuộc sống đời thường nhiều biến động, lục bát lại càng nhiều giọng điệu. Đây là giọng trầm tư, thể hiện rõ cái chiêm nghiệm của con người, thường là giọng độc thoại tự ý thức: “Bao mùa mưa giật bão giây/ Cánh cò trắng muốt còn bay ngang đầu/ Trăm lần triết lý nông sâu/ Để ta về lại với câu thật thà” (Về làng - Nguyễn Long); “Và hình như chiếc quan tài/ Sơn màu sặc sỡ che ngoài nỗi đau” (Hình như là… hình như - Tự Huy). Rất nhiều nhà thơ bộc lộ cái tôi của mình bằng giọng thơ có phần phóng túng. Lục bát Hồ Tăng Ấn mang giọng điệu dửng dưng, có chút bất cần: “Mặc cho thế sự đảo điên/ Tiền khô gạo cạn chẳng thèm buồn đau” (Quát thơ). Nguyễn Thị Đạo Tĩnh thể hiện cái tôi cá tính bằng một giọng điệu tưởng như tưng tửng, thản nhiên mà ngậm ngùi, xót xa: “Buồn tình ngồi ngắm trăng suông/ Chẳng ai thương đến thì thương lấy mình” (Bùa lá). Cũng với ý nghĩa bộc bạch, phơi bày đến tận cùng cái

tôi bản ngã ấy, nhiều nhà thơ không chỉ viết bằng giọng điệu dửng dưng, giọng đùa cợt, … mà có khi còn mạnh mẽ đến quyết liệt: “Nào là/ Núi sập sông khô/ Nào là/ Mặn muối chua mơ cay gừng/ Thương nhau thề biển nguyền rừng/ Phụ nhau tỉnh mặt quay lưng giữa cầu” (Lục bát lỡ nhịp - Nguyễn Thái Sơn).

Về cấu trúc hình thức, để diễn tả những tình ý mới của con người hiện đại, câu thơ có hình dáng rất khác lạ so với lục bát truyền thống. Xếp các chữ trong câu thơ theo kiểu bậc thang tạo những điểm nhấn cho lời thơ: “Ta đi/ đầu sát/ bên đầu - Mắt em/ thăm thẳm/ đựng/ màu trời quê” (Hoa lúa - Hữu Loan); “Như là tôi đã một lần - Nói yêu em/ dọc mùa xuân/ hai người” (Thư gửi một người không quen biết - Nguyễn Trọng Tạo). Chia tách hai dòng lục bát thành nhiều câu thơ nhỏ cũng với dụng ý ấy: “Thế rồi/ Em/ Đến và đi - Góc sân/ Một túm lá si rũ buồn - Bây giờ còn lại trong vườn - Tôi/ Đêm/ và lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ…” (Không đề - Đào Phong Lan). Cách chấm câu giữa dòng tạo những nhịp ngắn như là sự nhấn mạnh cảm xúc: “Giọt mưa. Như thể men say/ Chạnh lòng Hà Nội. Một ngày nhẹ tênh/ Chợt mưa. Chợt nắng. Bồng bênh/ Con cò trắng. Mãi lênh đênh giữa đời” (Sài Gòn - Lê Huy Quang). Có cách gieo vần rất độc đáo, ít phổ biến: “Dòng sông-hoa tím/ Trôi hờ - Lao xao những bước chân/ chờ gặp nhau” (Không còn bức tranh ngày cũ - Hoàng Ngân). Có những câu thơ hầu như không ngắt nhịp: “Một người nhỏ nhẹ xưng „em‟/ Mở đầu tiếng sét có tên „ái tình‟/ Bầu trời đột ngột bình minh/ Chôn chân anh đứng một mình thu lôi” (Sự tích cột thu lôi - Bùi Chí Vinh); lại có những câu thơ ngắt nhịp rất linh hoạt, một câu được ngắt thành 5 hoặc 6 tiết tấu, trong đó có đến 4 hoặc 5 nhịp một: “Úm ba la!/ - hoá… thiên tài – Và tôi hoá kẻ nhầm,/ sai,/ dại,/ khờ – Vỗ tay,/ tôi bỗng sững sờ – Bởi yêu/ người -/ đã-/ dối-/ lừa-/ được-/ tôi” (Xem ảo thuật - Thúc Hà) v.v…

Thời đại mới, con người có nhu cầu mới trong việc biểu hiện cảm xúc. Thơ lục bát cũng thay đổi theo nhịp sống hiện đại đang diễn ra. Nó đổi mới cả về nội dung phản ánh đến nghệ thuật biểu hiện mà nguyên nhân phải kể đến là sự tác động của cuộc sống, của con người, hơn nữa, do nhu cầu nội tại và bắt buộc của thơ ca.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) thơ lục bát từ truyền thuyết đến hiện đại (Trang 118 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)