6. Cấu trúc luận án
3.2. Thơ lục bát truyền thốn g những giá trị cốt lõi
3.2.1. Giá trị hiện thực, tinh thần yêu nước, nhân đạo và bản sắc văn hoá dân tộc
Thơ lục bát truyền thống (từ lục bát ca dao đến lục bát trung đại) như tấm gương soi in bóng cuộc sống hiện thực của đất nước và con người Việt Nam. Vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên thấm sâu tình yêu mến thiết tha của con người với quê hương xứ sở đã tạo nên câu ca dao mỹ lệ: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”. Tuy cách nói có phần ước lệ, nhưng Bích Câu kỳ ngộ đã phác hoạ được vẻ thắm tươi của thiên nhiên bốn mùa một vùng non nước thần tiên: “Đua chen thu cúc, xuân đào/ Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông/ Xanh xanh dãy liễu ngàn tông/ Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều/ Một vùng non nước quỳnh giao/ Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa”. Trong ca dao, hình ảnh làng quê, phố thị mang vẻ đẹp hài hoà của đời thường, cư dân đông đúc và nét trữ tình của khung cảnh nên thơ: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư đông đúc như hình con long”; “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói toả ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Từ thuở ca dao, thơ lục bát đã trực tiếp phản ánh đời sống lao động của người Việt, những người chăm chỉ, cần cù luôn phải mưu sinh trong hoàn cảnh đầy khó
khăn, vất vả: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”; “Khoan khoan đợi với ơ phường/ Trên vai thì mắc gánh nặng, dưới đoạn đường khó đi”. Những bài ca nghề nghiệp chiếm một bộ phận quan trọng trong kho tàng ca dao, dân ca. Nó là những thăng hoa của tâm hồn nhân dân trong cuộc sống thực tiễn cực nhọc hàng ngày. Nghề đâu chỉ là hoạt động kiếm sống mang tính thực dụng mà thôi. Nhân dân ký thác vào nghề cả niềm yêu ghét, cả tâm tình và khát vọng của mình. Trong Bài ca người thợ mộc, anh thợ bình dân như đang hát ca về nghề nghiệp, đang biểu diễn tài hoa và đang ý nhị bộc lộ khát vọng của mình: “Anh là thợ mộc Thanh Hoa/ Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay”. Người miền Trung đi biển đánh cá cũng có bao tâm sự trên con thuyền vượt sóng gió khơi xa: “Nốc năm mui sóng khó chèo/ Muốn kết đôi với bạn, bạn chê nghèo thì thôi”. Cùng với cuộc sống lao động là cuộc sống đấu tranh, đấu tranh với “kẻ thù hai chân và bốn chân” để tồn tại, chiến thắng và vươn lên trên dải đất này. Thiên Nam ngữ lục, tác phẩm xuất hiện ở thế kỷ XVII, thời mà lục bát chưa thực sự ổn định, đã bình thản kể chuyện về một người anh hùng trong cuộc chiến đó: “Những màng lần lữa tháng ngày/ Bộ Lĩnh tuổi rày đã đến mười hai/ Thanh cao tính khí khác người/ Bàn bạc sự đời mấy kẻ trượng phu” v.v… Hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ đã được tái hiện sinh động trong thơ lục bát từ xa xưa.
Tinh thần yêu nước là một giá trị truyền thống của thơ ca Việt Nam. Khi đất nước bị xâm lăng, Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát biên soạn, Phạm Đình Toái nhuận chỉnh) đã trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu quý, xót thương của người Việt với Tổ quốc của mình, đồng thời ngợi ca những tấm gương xả thân vì nước suốt dọc dài lịch sử: “Bà Trưng quê ở châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…”. Có bài thơ thể hiện tâm sự yêu nước thầm kín qua nỗi niềm u uẩn, hoài nhớ về một thời đã xa: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông lấp - Trần Tế Xương). Ngư tiều y thuật vấn đáp (Nguyễn Đình Chiểu) cho thấy vẻ đẹp của một thái độ sống, một tư thế sống giữa cuộc đời đau thương của đất nước - đó là ý
chí kiên quyết giữ vững nhân cách, khí tiết, giữ vững đạo lý của nước nhà, của dân tộc, của gia đình, không chung sống, không hợp tác với kẻ thù: “Thà cho trước mắt mù mù/ Chẳng thà ngồi thấy kẻ thù quân thân/ Thà cho trước mắt vô nhân/ Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo/ Thà cho trước mắt vắng hiu/ Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phân xâm”. Nhà thơ xứ Đồng Nai chấp nhận mù loà, không thấy gì, chứ nhất định không chịu sáng mắt mà thấy kẻ thù của nước nhà, thấy nhân dân lầm than cơ cực, thấy đất nước bị giặc chia cắt và chiếm đóng. Qua đó người đọc hiểu rõ Nguyễn Đình Chiểu rất yêu nước thương dân và vô cùng căm giận bọn giặc ngoại xâm, kiên quyết không chấp nhận sự tồn tại đầy tàn bạo và đê hèn của chúng trên quê hương mình.
Cũng như thơ ca nói chung, thơ lục bát thấm sâu chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của người Việt: thương người, trân trọng tình người, ca ngợi phẩm giá, nhân cách cao đẹp, hướng tới cuộc sống hạnh phúc của con người. Ca dao không chỉ thể hiện không gian xã hội đơn thuần mà còn bày tỏ quan điểm, thái độ, tình cảm của người xưa đối với các mối quan hệ trong xã hội: “Thà rằng chiếu rách có đôi/ Còn hơn chiếu gấm lẻ loi một mình”; “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Truyện Kiều là niềm cảm thương sâu sắc với thân phận con người, với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đen tối xa xưa: “Thương thay cũng một kiếp người… Đau đớn thay phận đàn bà…”. Khóc Dương Khuê là những giọt lệ cuối đời mà Nguyễn Khuyến ép lấy để viếng hương hồn một người bạn tri âm tri kỷ: “Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta”. Những giọt lệ ấy của thi nhân giúp ta thấy cuộc đời dâu bể, thấy nhân tình thế thái và một tấm lòng nhân ái bao la. Sơ kính tân trang (Phạm Thái) là một câu chuyện tình yêu được kể chủ yếu bằng thơ lục bát: “Chiều xuân một khúc gửi trao/ Cậy lòng dì gió đưa vào xuân cung”. Thực ra mối tình giữa Phạm Kim và Trương Quỳnh Thư trong truyện cũng chính là sự phản chiếu mối tình giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như ngoài cuộc đời. Qua việc miêu tả một mối tình tự do, đẹp đẽ, thơ mộng, có phần kỳ ảo, huyền thoại, Phạm Thái khẳng định khát vọng mạnh mẽ về tình yêu lứa đôi, cũng có nghĩa là khẳng định quyền được sống hạnh phúc của con người.
Bản sắc văn hoá dân tộc thể hiện trước hết ở vẻ đẹp của con người theo quan niệm truyền thống. Đây là hình ảnh cô gái Việt thuở xưa trong ánh mắt của chàng trai si tình: “Hai má nàng trắng phau phau/ Răng đen nhưng nhức như màu hạt dưa/ Hỏi nàng đã có chồng chưa/ Hay nàng chưa có thì vừa đôi ta” (Ca dao). Thơ lục bát thường biểu đạt một cách trực tiếp, giản dị, tự nhiên những ý nghĩ tâm tư tình cảm của các nhân vật trữ tình. Ở dạng này, nội dung của lời ca hướng vào một ý lớn với ngôn ngữ mang tính tự sự thường được sử dụng trong sinh hoạt dân ca nghi lễ phong tục và dân ca lao động. Đó là những câu hát với lời lẽ trang trọng kể về sự tích, ca ngợi công đức các anh hùng trong dân ca nghi lễ: “Bề trên hiển thánh đời Trần/ Một đình một miếu bốn dân phụng thờ/ Anh linh bảo hộ từ xưa/ Dân khang vật thịnh đội nhờ thánh công” (Hát chèo tàu - Hà Tây). Ở các nhân vật trữ tình trong ca dao, cái tâm thức văn hoá vùng miền cũng biểu hiện khá rõ. Khi đề cập đến thân phận, cuộc đời, tương lai, cô gái Bắc Bộ nói về tâm trạng mình: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”. Cùng tâm trạng, tình cảm đó, cô gái Trung Bộ thể hiện: “Thân em như chiếc thuyền tình/ Mười hai bến nước linh đinh/ Biết đâu trong đục nương mình gửi thân”. Trên miền đất Nam Bộ, dù thiên nhiên có hào phóng ban tặng nhiều sản vật phong phú thì người con gái vẫn có nỗi lo: “Thân em như trái bần trôi/ Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?”. Đặc biệt, một giá trị cốt lõi của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, xứ sở trồng lúa nước, là chất đồng quê, là văn hoá làng quê. Đó là kết quả của quan niệm nhân sinh và thẩm mỹ đặc thù kết tinh từ những giá trị nhân văn tích cực của cuộc sống con người đồng quê, làng quê, mà sự phản ánh, mô tả thể hiện các cảnh quê, tình quê chính là những biểu hiện cụ thể nhất. Cái phong vị đồng quê, văn hoá làng quê thấm đẫm trong lời ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm…”. Cái tình quê sâu đậm dạt dào trong lời thơ lục bát Truyện Kiều: “Lối mòn cỏ nhợt mùi sương/ Lòng quê đi một bước đường một đau”. Chất đồng quê, văn hoá làng quê đã mang ý nghĩa khái quát, biểu trưng cho những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.
3.2.2. Nghệ thuật biểu hiện đậm chất dân gian
Không tác động trực tiếp vào cảm giác như nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ngữ văn dân gian tác động tới con người bằng những ký hiệu ngôn ngữ. Là một tiểu loại của nghệ thuật ngữ văn dân gian, thơ lục bát, thông qua những tín hiệu ngôn ngữ, đã thể hiện phong phú và linh hoạt những hình tượng thẩm mỹ, phản ánh mọi mặt của cuộc sống sinh hoạt, những suy tư và diễn biến tình cảm của con người. Ngôn ngữ thơ ca dân gian có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người dân lao động. Lời kể giàu khẩu ngữ, như lời ăn tiếng nói trong cuộc sống thường ngày đi thẳng vào câu thơ lục bát ca dao: “Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê tôi bé, không nằm cùng tôi/ Đến năm mười tám, đôi mươi/ Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương/ Có bốn chân giường, gãy một, còn ba!”. Một số thi phẩm lục bát đã vận dụng thành công những thành ngữ, tục ngữ, khẩu ngữ quen thuộc trong dân gian: “Nằm lăn em mới ngủ đi/ Vừa hết canh một, sang thì canh năm” (Phạm Công Cúc Hoa); “Ra tuồng mèo mả gà đồng”; “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”; “Cho người thăm ván bán thuyền biết tay” (Truyện Kiều); “Quán rằng: Ghét việc tầm phào/ Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” (Lục Vân Tiên) v.v…
Giọng điệu chủ yếu trong thơ ca dân gian là điệu than, có lẽ do người bình dân phải chịu nhiều bất công trong xã hội phong kiến. Bộ phận ca dao về lời than của người phụ nữ thường làm theo thể tỉ và mở đầu bằng các cụm từ “Em như”, “Thân em như”: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”; “Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Thể hiện giọng chì chiết của người vợ lẽ, tác giả dân gian dùng lối láy từ trùng điệp với tần suất cao trên hai câu thơ: “Chia từ cây cải chia ra/ Chia cửa, chia nhà, chia sáng, chia đêm”. Biện pháp tu từ so sánh cũng được sử dụng sáng tạo theo hướng cụ thể hoá để gợi nỗi buồn thương, chua xót trong lời than vãn: “Em như quả ớt chín cây/ Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng”. Thơ thầy Thông Chánh (Nam Bộ) dùng lối nói quá của dân gian để gợi sâu nỗi đau trong lời than ai oán: “Đêm nằm nát ruột nát gan/ Oán thù Biện lý chẳng an trong lòng”.
Cấu trúc câu thơ lục bát nhiều khi cũng biến đổi theo cách nói, cách suy cảm của dân gian trong đời thường. Tuy vẫn gói ghém tinh thần của luật âm vận trong thơ lục bát, nhưng số tiếng trong mỗi câu ca dao có thể ít hơn hoặc vượt khỏi số quy định, miễn là diễn tả được nỗi niềm tâm tư: “Buồn ngủ buồn nghê/ Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà”; “Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu/ Lược thưa em biếng chải, gương tầu em biếng soi/ Cái sập đá hoa em bỏ vắng không ngồi/ Vườn hoa em bỏ vắng để mặc người quay tơ”. Vần và nhịp cũng có những thay đổi khá tự do, táo bạo, phá vỡ sự nhàm chán của cấu trúc âm luật lục bát thông thường. Có khi tiếng thứ sáu ở câu sáu và câu tám đều là vần trắc: “Con cò mắc giò mà chết/ Con quạ ở nhà mua nếp làm chay”. Có khi tiếng thứ sáu dòng lục lại hiệp vần với tiếng thứ tư dòng bát: “Có con đỡ gánh đỡ gồng/ Con đi lấy chồng vai gánh tay mang” (Ca dao). Nhịp điệu câu thơ cũng không còn đơn điệu nhịp chẵn bằng nhau tuyệt đối mà phối hợp chẵn lẻ, dồn nén hơn, góp phần bộc lộ các cung bậc tình cảm khác nhau: “Vì sông/ nên phải luỵ đò - Vì chiều tối/ phải/ luỵ cô bán hàng” (Ca dao); “Khi sương sớm/ khi trà trưa - Bàn vây điểm nước/ đường tơ hoạ đàn” (Truyện Kiều). Cách nói đăng đối thường có trong dân gian; tiểu đối xuất hiện trong thơ lục bát là kết quả của một quá trình phát triển theo hướng dân gian hoá, nó làm cho nhịp thơ chậm lại, ý thơ trở nên súc tích, cô đọng hơn, đem lại cái đẹp cân đối, nhịp nhàng: “Làn thu thuỷ//nét xuân sơn - Hoa ghen thua thắm//liễu hờn kém xanh” (Truyện Kiều); “Rằng: Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu - Hôn nhân là giả//khấu thù là chân” (Đại Nam quốc sử diễn ca). Nguyễn Phan Cảnh coi sự xuất hiện của đối là “sự kiện đánh dấu một bước tiến hoá mới quan trọng và có tính chất quyết định của thể lục bát, đưa lục bát tới sự toàn thắng” [17; tr.114].
Thời gian và không gian trong thơ ca dân gian có mối liên hệ hữu cơ với nhau; chẳng hạn, trong những lời ca dao đượm buồn, không gian vật lý, không gian xã hội thường đi liền với lúc ban đêm: “Đêm nằm ở dưới bóng trăng/ Thương cha nhớ mẹ không bằng nhớ em”; “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”. Không gian trong thơ lục bát truyền thống thường có tính chất phiếm chỉ, những không gian này không có tính xác định, cụ thể hoá trong sự miêu tả bởi mục
đích chính của lời thơ là bộc lộ tâm tư, tình cảm của chủ thể trữ tình: “Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ/ Kẻ về khóc trúc than ngô một mình/ Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ” (Áo bông che bạn - Trần Tế Xương). Cũng thế, theo cách nói dân gian, thời gian thường có tính chất ước lệ, những con số, những đại lượng thời gian cụ thể lại không phải là những đại lượng chính xác mà thực sự là “đại lượng trữ tình”: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” (Truyện Kiều); “Thật chàng tích giận đã lâu/ Ngày nay nghe mắng xiết bao lửa hừng” (Thơ Sáu Trọng - Nam Bộ) v.v…
Nghệ thuật biểu hiện đậm chất dân gian đã góp phần chuyển tải giá trị hiện thực, tinh thần yêu nước, nhân đạo và bản sắc văn hoá dân tộc của thơ lục bát truyền thống đến các thế hệ người Việt đương thời và tiếp sau.
3.3. Thơ lục bát truyền thống - những trƣờng hợp điển hình
3.3.1. Lục bát ca dao, dân ca
Là những tác phẩm thơ ca dân gian, ca dao được sáng tác dưới nhiều hình thức thơ khác nhau: song thất, song thất lục bát, bốn chữ, hỗn hợp, tuy nhiên được vận dụng phổ biến hơn cả là thể lục bát. Qua Kho tàng ca dao người Việt [106] ta thấy: