Chủ nghĩa gián tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của giao thoa văn hóa tới việc học tiếng hàn của người việt luận văn ths khu vực học 60 31 06 01 (Trang 40 - 42)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Những đặc điểm văn hóa ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp của người Hàn

2.2.2. Chủ nghĩa gián tiếp

Trong đời sống, người Hàn Quốc luôn cố gắng đạt được sự hòa hợp nhất. Trong lao động sản xuất, do đặc điểm phương thức sản xuất kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên nên người dân Hàn Quốc luôn trọng việc sống hòa hợp với thiên nhiên. Trong xây nhà dựng cửa, vùng

đất tốt cho việc xây nhà theo quan niệm của họ là nơi có thế mặt hướng sông, lưng tựa núi. Người Hàn Quốc cũng tin vào thuyết âm dương ngũ hành. Trên lá quốc kỳ của Hàn Quốc cũng có vẽ biểu tượng này. Bên cạnh đó, nằm trong xã hội Nho giáo coi trọng sự soi xét của người khác và thể diện của bản thân, người Hàn Quốc có xu hướng hành động dựa trên việc người khác đánh giá về mình như thế nào hơn là dựa trên suy nghĩ và niềm tin của bản thân. Cũng xuất phát từ đặc điểm văn hóa chủ nghĩa tập thể, người Hàn Quốc rất chú ý đến thái độ của đối phương trong giao tiếp, nên trong ngôn ngữ, để duy trì quan hệ thuận hòa với người khác, người Hàn thường không thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình mà sử dụng lối nói vòng, hoặc nói giảm. Ví dụ trước khi trình bày điều gì thường đệm mở đầu câu chuyện bằng các biểu hiện như 저/ 저기 (này anh/ chị ơi), 아시다시피, 아는 것처럼 (như anh/chị biết đấy), 있잖아요 (chuyện là), A 씨 말이에요 (về chuyện của anh A ấy mà), 바쁘신데 (xin lỗi nhưng), 실례지만 (cảm phiền anh/chị), 죄송한데 이 걸 여쭤봐도 돼요? (Xin lỗi nhưng tôi hỏi cái này được không?)… nhằm lôi kéo sự chú ý và đồng thuận của đối phương với nội dung giao tiếp. Khi từ chối yêu cầu hoặc nhờ vả, đề nghị của người khác, nếu không phải có mối quan hệ thân cận, người Hàn Quốc thường dùng cách nói ngập ngừng “글쎄요” (tôi cũng không chắc nữa), “어떡하죠?” (làm thế nào nhỉ?), “안타깝지만” (rất tiếc nhưng mà), “나중에 꼭” (lần sau tôi sẽ nhất định), “힘들 것 같아요” (chắc là khó đấy), “하고 싶지만” (tôi cũng muốn nhưng mà). Khi muốn người khác làm gì cho mình, bên cạnh cách nói “세요” (hãy) thì cách nói “(으)면 감사하겠습니다” (tôi sẽ rất biết ơn nếu), “았/었으면 좋겠다” (nếu làm giúp như thế thì tốt quá) hay dùng câu hỏi “아/어 주시겠어요?”(anh/chị có thể… được không?) cũng rất thông dụng. Ví dụ thay vì “내일 다시 연락

주세요” (Hãy liên lạc lại vào ngày mai) thì cách nói “내일 다시 연락 주셨으면 좋겠어요” (Anh liên lạc lại cho tôi vào ngày mai thì tốt quá) hoặc “내일 다시 연락해 주시겠어요?” (Anh có thể liên lạc lại vào ngày mai được không?) sẽ giúp người nghe giảm bớt cảm giác bị ra lệnh. Một minh chứng khác thể hiện đặc điểm chủ nghĩa gián tiếp của văn hóa Hàn là người Hàn rất hay sử dụng lối nói câu hỏi phủ định để khẳng định hoặc hàm ý nhờ vả. Ví dụ khi một người nói “덥지 않아요?” thì sẽ có 2 ý nghĩa: hoặc là “cậu mặc thế không thấy nóng à?” để khẳng định mặc như vậy trong thời tiết này là nóng, hoặc để gián tiếp nhờ “cậu có thể mở cửa sổ ra không/ bật điều hòa không?...”. Khi hàm ý trách cứ điều gì người Hàn hay nói “다른 사람은 몰라도 너는…” (không biết người khác thế nào chứ cậu thì…), “이러는 거 아니야” (làm vậy không được đâu). Bên cạnh đó, người Hàn rất hay dùng cách nói giảm nói tránh “것 같다”, “듯하다” hiểu theo nghĩa đen là “có lẽ”, “chắc là”, nhưng hàm ý lại có nghĩa là “chắc chắn”. Ví dụ trong câu “지금 늦었니까 내일 다시 전화하는 게 좋을 것 같아요” (Giờ muộn rồi nên để mai gọi lại thì chắc là tốt hơn) thì hàm ý thực là “mai hẵng gọi lại”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của giao thoa văn hóa tới việc học tiếng hàn của người việt luận văn ths khu vực học 60 31 06 01 (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)