Khái niệm năng lực giao tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của giao thoa văn hóa tới việc học tiếng hàn của người việt luận văn ths khu vực học 60 31 06 01 (Trang 25 - 27)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3. Giao thoa văn hóa và giao tiếp

1.3.2. Khái niệm năng lực giao tiếp

Cơ sở tồn tại của một xã hội đó là các thành viên trong cùng xã hội phải có sự giao tiếp với nhau. Giao tiếp giúp con người hiểu nhau, trao đổi suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc, một mặt giúp thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong một cộng đồng xã hội, hoặc giữa các cộng đồng xã hội với nhau, một mặt góp phần vào phát triển xã hội. Nếu không có sự giao tiếp, bằng cách này hay cách khác, mỗi người sẽ tồn tại ở dạng cá thể độc lập không có mối liên quan, giao lưu với nhau, lúc ấy xã hội sẽ không thể tồn tại được.

Trên thực tế, con người có thể giao tiếp với nhau qua nhiều cách thức như cử chỉ, các loại dấu hiệu, kí hiệu, âm nhạc, hội họa, v.v… nhưng phương tiện giao tiếp chủ yếu nhất của con người chính là ngôn ngữ. So với các phương tiện khác, ngôn ngữ có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, vô hạn và thể hiện được hầu như mọi mục đích truyền đạt. Ngôn ngữ cử chỉ, hay các loại dấu hiệu, âm nhạc, hội họa… luôn bị giới hạn bởi sức sáng tạo và khả năng biểu đạt còn hạn hẹp, mơ hồ và trừu tượng. Trong giới hạn của chủ đề nghiên cứu này, năng lực giao tiếp mà đề tài muốn nhắc tới khoanh vùng trong năng lực giao tiếp của ngôn ngữ.

Chomsky (1965:3) chia nhỏ khái niệm học ngôn ngữ thành ngữ năng (linguistic competence) và ngữ hiện (linguistic performance). Ngữ năng dùng để chỉ trình độ kiến thức về ngôn ngữ để người nói và người nghe có thể giao tiếp trong một xã hội hoàn toàn đồng chất. Còn ngữ hiện dùng để chỉ việc một

cá nhân trên cơ sở kiến thức về ngôn ngữ đích đã được thụ đắc, vận dụng chúng vào thực tế13.

Nhưng Hymes (1974:423) cho rằng khái niệm về ngữ năng của Chomsky không đủ để giải thích cho chức năng xã hội của ngôn ngữ, và đã đưa ra khái niệm về năng lực giao tiếp (communicative competence). Hymes cho rằng những hiểu biết trên phương diện xã hội còn quan trọng hơn những hiểu biết trên phương diện ngôn ngữ, và chỉ ra các nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ trên thực tế đã tồn tại trước cả những quy tắc ngữ pháp tạo sinh, vì thế nếu chỉ dựa trên hiểu biết về ngữ pháp thì không thể thực hiện hoạt động ngôn ngữ. Điều này có nghĩa năng lực giao tiếp không chỉ được hình thành dựa trên cơ sở các ngữ pháp tạo sinh, mà còn dựa trên những hiểu biết, những kiến thức nền về xã hội sử dụng ngôn ngữ đó.

Tiếp đến, vẫn Hymes (1979:19-24) đã đưa ra 4 yếu tố tạo nên năng lực giao tiếp là tính ngữ pháp (grammaticality), khả năng thu nhận (acceptability), tính thích hợp (appropriateness), tính khả thi (probabilities of occurrence). Quan điểm của Hymes về năng lực giao tiếp là phải hợp lý về ngữ pháp, phải là những câu được phát ngôn trong thực tế, không những phù hợp về phương diện xã hội, mà phát ngôn còn phải thúc đẩy một hành động nào đó diễn ra.

Canale và Swain (1980) đã bổ sung thêm quan điểm về năng lực giao tiếp bằng năng lực về chiến lược và năng lực về đàm thoại. Năng lực đàm thoại là năng lực hiểu ý nghĩa tổng thể của đoạn văn hoặc bài nói được liên kết bởi nhiều câu, và năng lực cấu trúc một đoạn văn hoặc bài nói phù hợp với một ngữ cảnh nhất định. Năng lực có tính chiến lược chỉ năng lực dùng các cách lặp lại, chần chừ, né tránh, dự đoán hoặc cử chỉ cơ thể, thể hiện trên khuôn mặt để đạt được hoạt động giao tiếp thuận lợi với đối phương.

Từ các lí thuyết trên, chúng ta có được khái niệm năng lực giao tiếp là một năng lực tổng hợp yêu cầu người thực hiện hành vi giao tiếp không những hiểu biết về ngôn ngữ đích cả về hình thái, cấu trúc, mà còn cần những hiểu biết về mặt xã hội, năng lực về đàm thoại và vận dụng các chiến lược phi ngôn ngữ để đạt được giao tiếp lý tưởng. Mà suy cho cùng, những hiểu biết xã hội, hay chiến lược phi ngôn ngữ trên đều thuộc văn hóa. Vậy kết luận lại, năng lực giao tiếp bao gồm kiến thức về ngôn ngữ đích, và kiến thức về văn hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của giao thoa văn hóa tới việc học tiếng hàn của người việt luận văn ths khu vực học 60 31 06 01 (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)