7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Một vài đặc trưng tiêu biểu về văn hóa Hàn Quốc
2.1.2. Trải qua nhiều chiến tranh
Đặc trưng tiêu biểu thứ hai khi nhắc đến Hàn Quốc phải kể đến là chiến tranh, không chỉ trong quá khứ, mà ngay ở hiện tại, đất nước này vẫn đang
trong thế luôn phải chuẩn bị tinh thần ứng phó trước mọi bất trắc của tình hình chính trị. Để hình thành một Hàn Quốc như ngày nay, đất nước này đã phải trải qua nhiều cuộc phân hợp trong lịch sử, thậm chí nỗi đau đất nước bị chia cắt hai miền vẫn còn kéo dài tới hiện tại. Đây là đặc điểm tiêu biểu ảnh hưởng tới tư duy và tinh thần dân tộc của người dân xứ sở kim chi. Từ thời đại kiến quốc đến ngày nay, Hàn Quốc đã phải trải qua 7 mốc lịch sử lớn:
Bảng 3: 7 mốc quan trọng trong lịch sử của Hàn Quốc
1. Thời đại Triều Tiên cổ (2333 TCN – 108 TCN) 2. Thời đại tam quốc
Goguryeo (37 TCN – 668 SCN) Baekje (18 TCN – 660 SCN) Shilla (57 TCN – 935 SCN)
3. Thời đại Shilla thống nhất và Balhae Shilla thống nhất (676 – 935)
Balhae (698 – 926)
4. Thời đại Goryeo (918 – 1392) 5. Thời đại Joseon (1392 – 1910) 6. Thời kỳ kháng Nhật (1910 – 1945) 7. Thời đại Đại Hàn dân quốc
(1945 – nay)
Triều Tiên cổ vốn là một quốc gia rộng lớn cả về lãnh thổ và thế lực (trải dài từ Mãn Châu phía Đông Bắc Trung Quốc tới Tây Bắc bán đảo Hàn), nhưng đến năm 108 TCN đã bị nhà Hán xâm lược. Sau khi rơi vào tay nhà Hán, Hàn Quốc xuất hiện liên minh các tiểu quốc bộ tộc như Buyeo, Goguryeo, Mã Hàn, Thìn Hàn, v.v…. Để củng cố thế lực, các tiểu quốc này đã trải qua nhiều cuộc
chiến tranh giành, và kết quả của chúng là các tiểu quốc một lần nữa lại hợp lại thành tam quốc gồm Goguryeo, Baekje và Shilla. Shilla bắt đầu từ một bộ tộc đơn lẻ là Thìn Hàn, nhưng sau để phòng ngự trước sự tấn công và can thiệp của Baekje và Goguryeo, Shilla đã củng cố vương quyền và đoàn kết nội lực, đưa quốc gia ngày một phát triển. Từ một nước nhỏ, sau Shilla dần mở rộng sang Gyeongsang-do và sau nữa là Gangneung. Khi Baekje chiếm được lưu vực sông Hàn, sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn trong tam quốc, tạo cơ sở để thống nhất tam quốc, thì Shilla đã bắt tay với nhà Đường đánh chiếm Baekje năm 660, đến năm 668 lật đổ cả Goguryeo và thống nhất tam quốc. Balhae được thành lập năm 698 từ những cư dân của Goguryeo cũ, nhưng chỉ sau chưa đầy 300 năm đã bị sụp đổ bởi nhà Đường (năm 926). Chính quyền trung ương của Shilla thống nhất cũng dần suy yếu và bị chia cắt, sau cùng năm 935 đã thuộc về tay quốc gia thống nhất Goryeo. Lịch sử chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài, vương triều Goryeo đã bị lật đổ sau gần 500 năm do những thế lực xâm lược đến từ Trung Quốc. Năm 1392, thái tổ Lý Thành Quế đã lập ra vương triều mới, vương triều Joseon. Nhưng cuối thế kỷ thứ XVI, do nội bộ chia cắt, không tìm được đối sách thích hợp trước những thay đổi về thời thế, Joseon phải đối mặt trước sự xâm lược của Nhật Bản và Trung Quốc. Đất nước rơi vào hỗn loạn sau cuộc chiến tranh Nhâm Thìn và cuộc binh biến năm 1623. Cuối thời đại Joseon, không những phải đối mặt với khó khăn do chiến tranh kéo dài, Joseon còn hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các thế lực phương Tây. Thậm chí đã có lúc ngay trên lãnh thổ Joseon đã nổ ra cuộc tranh giành giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nga và Nhật Bản, phần thắng sau cùng đều thuộc về Nhật Bản. Joseon tuy đã dùng nghĩa binh và biểu tình để ngăn chặn lại sự xâm lược của Nhật Bản, nhưng sau cùng, năm 1910, Joseon chính thức trở thành thuộc địa của Nhật Bản. 35 năm sau đó là giai đoạn kháng Nhật đầy nước mắt và xương máu. Kết quả của những phong trào biểu
tình lịch sử (cuộc biểu tình 3.1, cuộc biểu tình độc lập) cùng với bối cảnh lịch sử kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Hàn Quốc đã được giải phóng trở thành một quốc gia độc lập. Chưa kịp phục hồi sau nhiều cuộc chiến liên miên, năm 1950 – 1953, Hàn Quốc nổ ra chiến tranh hai miền Nam và Bắc, tuy đã ký hiệp định đình chiến, nhưng sau nhiều nỗ lực, đến ngày nay, Hàn Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới chưa thể thống nhất. Đặc điểm lịch sử này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa những người dân Hàn Quốc, hơn ai hết họ quý trọng hòa bình và khao khát hòa bình, nên trong đời sống họ thường đề cao lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, đặt mục đích cá nhân thấp hơn mục đích lớn của tập thể.
Như vậy có thể thấy, Hàn Quốc là đất nước đã từng trải qua nhiều đau thương của chiến tranh, bởi vậy nên con người Hàn Quốc một mặt đề cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ, một mặt có tinh thần cảnh giác phòng ngừa với bên ngoài. Đối với Hàn Quốc, chiến tranh không chỉ là vấn đề của vũ khí, kẻ thắng người thua, mà trở thành nỗi ám ảnh và cũng là động lực để họ vươn lên. Để vượt qua những khó khăn do chiến tranh để lại, và để không rơi vào thế bị động, người Hàn Quốc rất chăm chỉ, cần mẫn, sức chịu đựng lớn, tính cẩn thận cao, tỉ mỉ, chi tiết trong công việc. Đặc điểm này được phản ánh rõ nét trong ngôn ngữ Hàn Quốc. Đại diện như nguồn gốc của câu chào đời thường của người Hàn Quốc “안녕하세요?” (Bạn vẫn bình an chứ?) cũng xuất phát từ hậu quả của chiến tranh khi người dân phải chịu đói khổ, không ngày nào là không có người chết. Hay như đồng nghiệp vẫn luôn tạm biệt nhau bằng câu nói mà nhiều người nước ngoài hay hiểu lầm là “수고하세요” (Bạn hãy làm việc vất vả nhé”).