Các nghiên cứu về sinh kế trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 27 - 30)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan

1.3.1. Các nghiên cứu về sinh kế trên thế giới

Cách tiếp cận sinh kế bền vững đã làm thay đổi các cách tiếp cận đối với phát triển trong thời kỳ những năm 1980 và 1990 theo hướng tập trung vào phúc lợi của con người và tính bền vững hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Được khởi nguồn từ tư tưởng phát triển bền vững trong Báo cáo Bruntland (1987) [48] và Báo cáo Phát triển Con người (1990), khái niệm sinh kế bền vững sau đó đã được các nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển và áp dụng vào các dự án phát triển quốc tế về xóa đói giảm nghèo. Cách tiếp cận này cũng ngày càng nhận được sự đồng thuận của các nhà hoạch định chính sách bởi cách tiếp cận hướng vào con người với mong muốn tạo ra một kỷ nguyên mới của các hoạt động phát triển (Solesbury, 2003) [54].

Sinh kế bền vững về cơ bản được dựa trên nền tảng của khái niệm phát triển bền vững. Sinh kế theo cách hiểu đơn giản nhất, là phương tiện để kiếm sống. Một định nghĩa đầy đủ hơn của Chambers và Conway [44] về sinh kế là: “sinh kế bao gồm khả

năng, nguồn lực và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người”. Một sinh kế là bền vững “khi nó có thể giải quyết được hoặc có khả năng phục hồi từ những căng thẳng và đột biến, duy trì hoặc tăng cường khả năng và nguồn lực; tạo ra các cơ hội sinh kế bền vững cho thế hệ tương lai và mang lại lợi ích ròng cho các sinh kế khác ở cả cấp địa phương và cấp toàn cầu, trong ngắn hạn và dài hạn” (Chambers và Conway, 1992, tr.6). Sinh kế có thể được nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau như cá nhân, hộ gia đình, thôn, vùng… nhưng phổ biến nhất là cấp hộ gia đình.

Dựa trên khái niệm về sinh kế bền vững của Chambers và Conway (1992), Scoones (1998) [43] định nghĩa sinh kế “bao gồm khả năng, nguồn lực (bao gồm các nguồn lực vật chất và nguồn lực xã hội) và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người. Một sinh kế được coi là bền vững khi nó có thể giải quyết được hoặc có khả năng phục hồi từ những căng thẳng; duy trì và tăng cường khả năng và nguồn lực hiện tại mà không làm tổn hại đến cơ sở tài nguyên thiên nhiên” (Scoones, 1998, tr.5). [43]

Năm 2001, Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) [39] đưa ra khái niệm về sinh kế để hướng dẫn cho các hoạt động hỗ trợ của mình, theo đó, sinh kế “bao gồm khả năng, nguồn lực cùng các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống cho con người” (DFID, 2001, tr.5). Khái niệm này về cơ bản hoàn toàn giống với khái niệm về sinh kế của Chambers và Conway (1992) và Scoones (1998) [43].

Chambers và Conway (1992) đánh giá tính bền vững của sinh kế trên 2 phương diện: bền vững về môi trường (đề cập đến khả năng của sinh kế trong việc bảo tồn hoặc tăng cường các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt cho các thế hệ tương lai) và bền vững về xã hội (đề cập đến khả năng của sinh kế trong việc giải quyết những căng thẳng và đột biến và duy trì nó trong dài hạn). Sau này, Scoones (1998), Ashley, C. và Carney, D. (1999), DFID (2001) và Solesbury (2003) đã phát triển tính bền vững của sinh kế trên cả phương diện kinh tế và thể chế và đi đến thống nhất đánh giá tính bền vững của sinh kế trên 4 phương diện: kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế.

Theo các tác giả trên, cả 4 phương diện này đều có vai trò quan trọng như nhau và cần tìm ra một sự cân bằng tối ưu cho cả 4 phương diện. Cùng trên quan điểm đó, một sinh kế là bền vững khi: (i) có khả năng thích ứng và phục hồi trước những cú sốc hoặc đột biến từ bên ngoài; (ii) không phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài; (iii) duy trì được năng suất trong dài hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và (iv) không làm phương hại đến các sinh kế khác.

Năm 2001, Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) đưa ra khung sinh kế bền vững (Sustainable Livelihoods Framework) để xác định và thiết kế các hoạt động hỗ trợ của mình. Theo khung này, các hộ gia đình đều có phương thức kiếm sống (chiến lược sinh kế) dựa vào những nguồn lực sinh kế sẵn có (5 loại nguồn lực) trong một bối cảnh chính sách và thể chế nhất định ở địa phương. Những nhân tố này cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như bão lụt và các tác động mang tính thời vụ. Sự lựa chọn về chiến lược sinh kế của các hộ gia đình dựa trên những nguồn lực sinh kế hiện tại là kết quả của sự tương tác giữa các nhóm yếu tố này.

Trên cơ sở khung sinh kế bền vững nêu trên, năm 2004, IMM đã sửa đổi lại để áp dụng cho các cộng đồng ven biển, được gọi là “Khung sinh kế bền vững vùng ven biển” (MARD, 2008). Trong khung phân tích này, sinh kế của các hộ gia đình ven biển chịu tác động của 3 nhóm yếu tố. Các yếu tố thuộc nhóm thứ nhất bao gồm các nguồn lực sinh kế (5 loại nguồn lực) mà hộ gia đình sử dụng để thực hiện các chiến lược sinh kế. Thuộc nhóm thứ hai là các yếu tố về đặc điểm cá nhân (như tuổi tác, giới tính, tôn giáo...) và các yếu tố xã hội (như cơ cấu chính trị, chính sách, luật pháp…) bao quanh cộng đồng ven biển và có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng ven biển. Nhóm thứ ba bao gồm các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp như tính mùa vụ, thiên tai, xu hướng bên ngoài… Sự lựa chọn về chiến lược sinh kế của cộng đồng ven biển dựa trên những nguồn lực sinh kế hiện tại là kết quả của sự tương tác giữa 3 nhóm yếu tố cơ bản này.

Công trình nghiên cứu: Livelihood resilience in the face of climate change

(Tanner T. et al., 2014) đã tổng quan và phân tích khá hệ thống về sinh kế, biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi của sinh kế trước các tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ ra rằng, để ứng phó hiệu quả cần thiết phải có các biện pháp sinh kế hợp lý với từng lãnh thổ, từng cộng đồng khác nhau, nhất là các giải pháp tập trung vào nhu cầu của con người và trao quyền cho các nhóm yếu thế; qua đó sẽ đem lại nhiều lợi ích phát triển bền vững trong ngắn hạn và dài hạn.

Kết quả nghiên cứu của công trình: Livelihoods and climate change - Combining disaster risk reduction, natural resource management and climate change adaptation in a new approach to the reduction of vulnerability and poverty khẳng định: mục tiêu trọng tâm của các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và duy trì, củng cố sinh kế của con người, đặc biệt là người nghèo và nhóm yếu thế thông qua cải thiện các nguồn lực tự nhiên bởi nguồn lực này là phương tiện sản xuất sẵn có hình thành nên sinh kế cho từng cá nhân và cộng đồng.

Do đó, duy trì, cải thiện nguồn lực tự nhiên sẽ là cơ sở để đảm bảo được mức độ bền vững và an ninh sinh kế.

Công trình Households’ perception and livelihood vulnerability to climate change in a coastal area of Akwa Ibom state, cho rằng: biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của dân cư nông thôn ven biển nên cần thiết phải có những giải pháp, chiến lược sinh kế bền vững trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm bản địa với các kiến thức, công nghệ mới nhằm thích ứng hiệu quả nhất trước các tác động bất lợi của khí hậu và thiên tai; đồng thời, phù hợp với kiến thức, khả năng tiếp thu của người dân địa phương.

Công trình: Impacts of climate change on disadvantaged UK coastal communities của Zsamboky M. Et al., 2011 đã khẳng định: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ven biển là khu vực dễ bị tổn thương hơn các khu vực nằm sâu trong lục địa bởi bên cạnh các tác động về nhiệt độ và lượng mưa, vùng ven biển còn chịu ảnh hưởng của mực nước biển và độ cao sóng gây ra sự xói mòn, suy thoái đất… Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến sinh kế ven biển đặc biệt là các hoạt động kinh tế khai thác thủy hải sản và du lịch thông qua việc giảm số lượng ngày ra khơi đánh bắt hải sản, hư hỏng cơ sở vật chất,… dẫn tới suy giảm nguồn thu nhập cá nhân và ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)