Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu đến sinh kế tại Việt Nam và tại đảo Cát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 30 - 33)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan

1.3.2. Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu đến sinh kế tại Việt Nam và tại đảo Cát

Cát Bà

Tại Việt Nam, cùng với các hoạt động được đầu tư cho nghiên cứu về BĐKH, nhiều hoạt động nghiên cứu về sinh kế và sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Năm 2010, MONRE và UNDP đã xuất bản tài liệu về “Xây dựng khả năng phục hồi: Chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động BĐKH ở miền Trung Việt Nam”. Tài liệu này đã cho thấy mối quan hệ sinh kế vùng ven biển và khả năng thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu mà nghiên cứu điển hình được thực hiện tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ dự án “Đói nghèo và Môi trường” [5]. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP đã sử dụng khung sinh kế bền vững trong bối cảnh BĐKH để phân tích khả năng thích ứng của sinh kế ven biển. Trong báo cáo này, các tác động của BĐKH đã được phân tích cụ thể đồng thời các chính sách, thể chế cũng đã được nhắc đến trong vai trò thúc đẩy khả năng thích ứng của cộng đồng làm sinh kế ven biển. Kết quả của báo cáo là đưa ra các khuyến nghị và một chiến lược thích ứng cho sinh kế vùng ven biển miền trung. Tuy nhiên, các kết quả về năng lực thích ứng còn mang tính định tính và tính dễ bị tổn

thương mới chỉ bước đầu được mô tả.

Ở Việt Nam đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức và các nhà khoa học nhằm cải thiện và nâng cao giá trị của các loại hình, mô hình sinh kế cho các cộng đồng dân cư theo các hướng tiếp cận khác nhau. Các công trình nghiên cứu về mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH ở một số địa phương như: Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Bắc Kạn, ... do các cơ quan nhà nước (Bộ TN&MT, 2016 và các cơ quan khác như Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Kinh tế nông nghiệp,...), và các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước (CARE, 2014; World Vision, 2015; WWF; MCD; SRD, CRD, Viện Dragon,...) tài trợ.

Bên cạnh các nghiên cứu sinh kế sinh thái nói chung cho các vùng lãnh thổ khác nhau, trong những năm gần đây, đã có những công trình nghiên cứu về sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ các công trình này, đã giúp cho các nhà quản lý, người dân có cái nhìn toàn diện về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các nguồn vốn hình thành sinh kế cũng như các mô hình, giải pháp ứng phó hợp lý nhất với bối cảnh, nguồn lực sẵn có của địa phương và người dân (Trung tâm Phát triển nông thôn, 2014; Trần Thọ Đạt, Nguyễn Thị Hoài Thu, 2012; Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, 2015). Ngoài ra, một số công trình trên cơ sở nghiên cứu tổng quan tác động và các biện pháp thích ứng đã đề xuất các chỉ tiêu đánh giá mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu để lựa chọn loại hình sinh kế phù hợp với lãnh thổ và nguồn lực của mỗi cá nhân, hộ gia đình (Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, 2015).

Vũ Thị Hoài Thu trong nghiên cứu: Sinh kế bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu: Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Nam Định

(2011) đã tiếp cận nghiên cứu theo hướng gắn kết khung sinh kế bền vững với yếu tố BĐKH để phân tích khả năng bị tổn thương của sinh kế ven biển trước tác động của BĐKH và chỉ ra cơ chế tác động. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh BĐKH, do bị tổn thương trước tác động của BĐKH nên sinh kế không chỉ cần bền vững mà còn phải thích ứng để giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra.

Đề tài “Luận cứ khoa học cho việc lựa chọn và hoàn thiện các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở miền Trung và đề xuất nhân rộng” của Lê Văn Thăng (2015) đã đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH và hiệu quả kinh tế -

xã hội - môi trường của các mô hình dựa vào cộng đồng ở miền Trung. Từ đó đã lựa chọn và hoàn thiện một số mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng ở miền Trung và đề xuất các phương án, giải pháp nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng ở miền Trung.

Nghiên cứu: Vulnerability and adaptation of coastal livelihoods to the impacts of climate change: A case study in coastal districts of Nam Dinh, Vietnam (Trần Thọ Đạt và cộng sự, 2014) khẳng định: Vùng ven biển là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, tính dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng của những cộng đồng dân cư ven biển với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức quan trọng nhất. Người dân đã tự nỗ lực kết hợp với sự trợ giúp của các tổ chức trong và ngoài nước điều chỉnh các hoạt động sinh kế phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tiếp cận với các tài sản sinh kế. Nghiên cứu cũng khuyến nghị để giúp các hộ gia đình thích nghi tốt hơn với những tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ cần hỗ trợ các hộ gia đình cải thiện tài sản sinh kế của họ, tăng cường các thể chế và chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu ở các cấp quốc gia và địa phương.

Hoàng Thị Ngọc Hà và Trương Quang Học có nghiên cứu “Nghiên cứu và triển khai phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Hải Phòng” cho thấy, chú trọng vào sinh kế thích ứng với các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan là điều quan trọng. Cũng theo Trương Quang Học và nnk (Bộ TN và MT, 2016) thì sinh kế thích ứng với biến đối khí hậu là hệ thống sinh kế có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, có khả năng phục hồi sau tác động, nhất là đối với các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan, đảm bảo và duy trì năng suất. Đồng thời, sinh kế này cũng có thể đóng góp cho giảm phát thải khí nhà kính.

Năm 2011, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Môi trường đã xuất bản tài liệu hướng dẫn “Đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng”. Các công cụ sử dụng trong đánh giá tác động BĐKH đã được giới thiệu trong cuốn tài liệu này. Đồng thời các giải pháp thích ứng đặc biệt là thích ứng dựa vào cộng đồng đã được tập trung phân tích [37].

Năm 2012, Diễn đàn phát triển Việt Nam đã xuất bản cuốn sách Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển [10]. Cuốn sách đã tổng hợp mối quan hệ giữa sinh kế ven biển và tác động của BĐKH đồng thời khả năng dễ bị tổn thương của sinh kế ven biển trước tác động BĐKH cũng đã được làm rõ. Ngoài ra, các tổ chức khác như Oxfam và hội chữ thập đỏ

cũng là những tổ chức tiến hành nhiều các đánh giá về tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng sử dụng trong bối cảnh giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Như vậy, về mặt phương pháp luận và thực tiễn, đánh giá tác động của BĐKH đối với sinh kế người dân đã được tổng hợp và bước đầu được thực hiện. Tuy nhiên, các đánh giá thực địa được thực hiện chưa nhiều và chưa toàn vẹn cả quy trình. Tác giả đã thực hiện theo một quy trình đầy đủ đối với một đánh giá tác động của BĐKH đến sinh kế người dân tại các xã, thị trấn thuộc đảo Cát Bà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)