CHƯƠNG 3 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. Hiện trạng các hoạt động sinh kế trên đảo Cát Bà
3.3.2. Hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản
3.3.2.1. Nuôi trồng
Đây là một hoạt động sinh kế thiết yếu tại đảo Cát Bà. Những năm qua mặc dù diện tích nuôi trồng trên địa bàn không có sự thay đổi lớn, tuy nhiên sản lượng nuôi trồng lại tăng lên rất lớn. Trong đó, việc nuôi trồng thuỷ sản được chia làm hai hình thức là nuôi cá lồng bè và nuôi đầm hồ. Nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực có sản lượng tăng nhanh với một số loài cá có giá trị kinh tế cao trong xuất khẩu như Tu hài, Cá Song, Cá Hồng, Cá Thác, Cá Vược. Hiện nay trên đảo Cát Bà, xã Phù Long là xã nuôi trồng thủy sản nhiều nhất và thị trấn Cát Bà là khu vực nuôi trồng nhiều loại thủy sản theo hình thức nuôi lồng bè trên biển. Hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục quy hoạch, sắp xếp, bố trí hợp lý về nghề nuôi cá lồng bè, nghề nuôi đầm tôm và công tác vệ sinh môi trường ở các khu vực nuôi tốt hơn. Sinh kế nuôi trồng thủy sản của người dân xã chỉ được tiến hành ở mức trung bình, nuôi cá tôm là chính, nhưng kỹ thuật nuôi trồng còn hạn chế nên năng suất không cao.
3.3.2.2. Đánh bắt
Hoạt động đánh bắt thường tập trung ở các khu vực gần bờ biển. Riêng khu vực Cát Bà có 221 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất 3120 CV, sản lượng khai thác 4.327,1 tấn tôm, cá các loại (năm 2017). Đối với các tàu đánh cá xa bờ, ngư trường khai thác chủ yếu vùng khơi xa. Các tàu nhỏ thường khai thác vùng từ Bạch Long Vỹ đến Long Châu.Đối với lưới kéo cá, năng suất khai thác trung bình đạt 76,8 kg/giờ ở chuyến điều tra tháng 11, 12/2017 đại diện cho mùa gió Đông Bắc; tuy nhiên ở chuyến điều tra tháng 5, 6/2017 đại diện cho mùa gió Tây Nam, năng suất đánh bắt chỉ đạt 26,7 kg/giờ.
Đối với lưới kéo tôm, năng suất khai thác thấp hơn. Năng suất khai thác trung bình chung dao động trong khoảng 4,6 – 12,4 kg/giờ ở các năm. Năng suất khai thác ở mùa gió Tây Nam thường cao hơn so với ở mùa gió Đông Bắc [7].
Tuy nhiên, phương tiện đánh bắt của người dân ở đây chưa được trang bị hiện đại, đại đa số là đánh bắt gần bờ với quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được nhu cầu trong xã và một ít để buôn bán.