Sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan

1.3.3. Sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu

Cách tiếp cận sinh kế bền vững đã được áp dụng một cách rộng rãi để phân tích sinh kế trên nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp và thủy sản và các sinh kế nông thôn nói chung. Khung sinh kế bền vững được sử dụng như một công cụ để phân tích các nguồn lực sinh kế được sử dụng, các chiến lược sinh kế được thực hiện từ việc sử dụng các nguồn lực sinh kế đó và các kết quả sinh kế đạt được từ việc thực hiện các chiến lược sinh kế, từ đó đề xuất các sinh kế bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường ở cấp hộ gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các kết quả sinh kế đạt được có thể là tiêu cực. Do đó, khung sinh kế bền vững cũng có thể được sử dụng để phân tích các mối quan hệ có thể dẫn đến các chiến lược và kết quả sinh kế không bền vững và đó cũng chính là điểm khởi đầu cho việc hỗ trợ sinh kế. Trên thế giới, từ đầu những năm 1990, các tổ chức tài trợ quốc tế như CARE International, DANIDA, Oxfam, DFID, UNDP… đã áp dụng khung sinh kế bền vững để thiết kế các dự án và chương trình xóa đói giảm nghèo và quản lý tài nguyên ở vùng nông thôn và ven biển ở châu Á và châu Phi theo cách tiếp cận hướng vào người nghèo và có sự tham gia. Cũng có một số nghiên cứu áp dụng lý thuyết khung sinh kế bền vững để phân tích các cơ hội và thách thức về sinh kế của người dân ở khu vực nông thôn và ven biển, từ đó đề xuất những hình thức hỗ trợ sinh kế phù hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Chambers và Conway (1992) [40], các sinh kế bền vững là các sinh kế có thể đối phó và phục hồi từ các cú sốc, duy trì hoặc tăng cường năng lực và tài sản trong khi không làm suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi xem xét các tác động hiện tại và tương lai của BĐKH, có thể nhận thấy rằng, BĐKH là một yếu tố chủ chốt liên quan đến khả năng bị tổn thương của sinh kế. Các ảnh hưởng của BĐKH (ví dụ như mực nước biển dâng và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt) lên các nguồn lực tự nhiên (như đất, nước, thủy sản) và các nguồn lực vật chất (như đường sá, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện) là rất đáng kể. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng trở nên phức tạp cả ở hiện tại và tương lai, các sinh kế được đánh giá không chỉ dựa vào việc

các sinh kế này có bền vững trên 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường hay không mà còn dựa vào việc các sinh kế này có thể giảm nhẹ BĐKH hoặc thích ứng với BĐKH hay không [12,17]. Chính vì vậy, gắn kết khung sinh kế bền vững với yếu tố BĐKH sẽ giúp xây dựng các sinh kế bền vững và thích ứng trong bối cảnh BĐKH. Đây là một nhu cầu cấp bách hiện nay trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi bất thường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sinh kế của người dân, đặc biệt là người dân ven biển.

Trên thế giới, mặc dù sinh kế bền vững đã được nghiên cứu từ khá lâu nhưng nghiên cứu về mối quan hệ, đặc biệt là tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với sinh kế vẫn còn ở mức hạn chế. W. Neil Adger, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - xã hội về môi trường Toàn cầu - đại học East Anglia Vương quốc Anh, là một trong các nhà khoa học nghiên cứu sâu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH. Năm 1999, ông đăng tải nghiên cứu về tính dễ bi tổn thương về mặt xã hội do BĐKH, bước đầu tài liệu này đã đưa ra cách tiếp cận tính dễ bị tổn thương về xã hội vào trong đánh giá BĐKH và có khả năng áp dụng trên quy mô toàn cầu [42]. Cũng trong năm này, W. Neil Adger đã công bố bài viết về tính dễ bị tổn thương về mặt xã hội do BĐKH trong hoàn cảnh của Việt Nam. Trong bài viết này, ông đã chỉ ra được nguyên nhân và sự gia tăng tính dễ bị tổn thương do BĐKH tại vùng phía Bắc Việt Nam đối với một số các tổ chức ngành kinh tế trong hiện trạng BĐKH [4]. Bài viết đã đưa ra được phương pháp luận về tính dễ bị tổn thương về mặt xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dừng lại ở việc xem xét các mối đe dọa và tính dễ bị tổn thương về mặt xã hội do BĐKH ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế mà chưa đánh giá một cách toàn diện về sinh kế người dân theo khung sinh kế bền vững.

CARE là tổ chức đã hướng đến sử dụng đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực trong bối cảnh BĐKH, năm 2007, CARE xây dựng khung đánh giá sử dụng trong an ninh sinh kế hộ. Trong khung đánh giá này, CARE tiếp cận theo hướng thích ứng BĐKH nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương. Tính dễ bị tổn thương được hiểu ở đây là mức độ của một hệ thống dễ bị ảnh hưởng hoặc không có khả năng đối phó trước tác động tiêu cực của BĐKH, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan và thay đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương có thể là một hệ thống với đặc điểm, cường độ, và tốc độ của các hiện tượng thời tiết thay đổi mà hệ thống đang phải gánh chịu, tính nhạy cảm và khả năng thích ứng của nó. Khả năng thích ứng (adaptive capacity): Là khả năng điều chỉnh của hệ thống có thể thích ứng với BĐKH (bao gồm các hiện tượng thời tiết thay đổi và cực đoan) để điều chỉnh hạn chế các rủi ro tiềm năng, và tận dụng cơ hội, hoặc thích ứng

với các tác động hậu quả do BĐKH. Khả năng thích ứng được CARE sử dụng theo tiếp cận 05 nguồn lực của sinh kế bền vững [4].

Bảng 1.1. Các nguồn lực của sinh kế bền vững theo CARE

Nguồn lực con người Hiểu biết về các rủi ro do BĐKH, kỹ thuật Nguồn lực xã hội Vấn đề về giới, các tổ nhóm cộng đồng Nguồn lực tự nhiên Nguồn nước, đất, tài nguyên thiên nhiên Nguồn lực vật chất Cơ sở hạ tầng, phương tiện, con giống Nguôn lực tài chính Tín dụng nhỏ, đa dạng nguồn thu

(Nguồn: CARE, Sổ tay phân tính năng lực và tính dễ bị tổn thương do khí hậu, 2009)

Trong đánh giá của CARE, họ đã chỉ ra rằng các hiểm họa/thảm họa (hazard) là một hiện tượng nguy hiểm, một sự việc, hoạt động của con người hoặc điều kiện có thể dẫn đến chết người, bị thương hoặc tác động khác đến sức khỏe, phá hủy tài sản, mất mát sinh kế và dịch vụ, kinh tế xã hội bị phá vỡ và môi trường tàn phá.

Như vậy, CARE đã chỉ ra phương pháp phân tích tính dễ bị tổn thương và năng lực trong bối cảnh BĐKH. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng phương pháp này còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bàn luận. Triển khai đánh giá cần phải sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau trong thu thập và phân tích thông tin đặc biệt là dẫn liệu mang tính dự báo tác động về BĐKH và các số liệu mang tính định lượng về sinh kế thì cuốn sổ tay này chưa đề cập.

Năm 2009, Edward H. Alisson và các cộng sự [44] đã đưa ra tính dễ bị tổn thương của kinh tế nhà nước do tác động của BĐKH trong ngành thuỷ sản. Tài liệu này đã so sánh tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế trước tác động tiềm tàng của BĐKH trên ngành khai thác thuỷ sản của họ. Ông đã phân tích tính dễ bị tổn thương dựa trên phân tích tác động tiềm tàng (Potental Impacts) của BĐKH bao gồm mức độ tác động (Exposure), tính nhạy cảm (Sensitivity) và năng lực thích ứng (Adaptive Capacity). Tuy nhiên, trong báo cáo này Alisson và cộng sự chỉ mới sử dụng khung đánh giá tập trung vào ngành thuỷ sản mà chưa sử dụng trong đánh giá sinh kế nói chung.

CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)