Hoạt động dịch vụ du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 60 - 64)

CHƯƠNG 3 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.3. Hiện trạng các hoạt động sinh kế trên đảo Cát Bà

3.3.1. Hoạt động dịch vụ du lịch

Quần đảo Cát Bà có những giá trị đặc biệt về tài nguyên du lịch sinh thái như: hệ sinh thái biển, rừng nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, hệ thống hang động núi đá vôi. Địa hình Cát Bà rất đa dạng, chủ yếu là núi đá vôi có độ cao trung bình 150m, được đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam. Đồng thời, Cát Bà là nơi lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị, tiêu biểu nhất là di chỉ Cái Bèo. Ven bờ biển trên đảo thuộc quần đảo Cát Bà có thềm san hô bao quanh. Các rạn san hô vùng biển Đông - Nam đảo kéo dài đến Hang Trai - Đầu Bê, tập trung nhiều ở các đảo Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê - Hang Trai,

Long Châu... Quần đảo Cát Bà có vị thế đặc biệt đã được quốc gia, quốc tế công nhận 10 danh hiệu: Vườn Quốc gia năm 1986; Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004; Phòng thí nghiệm học tập về phát triển bền vững đầu tiên trên thế giới năm 2009; Khu Bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế năm 2010; Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2012; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013; Đề cử công viên địa chất toàn cầu Geopark năm 2007; Đề cử di sản thiên nhiên thế giới năm 2011 và năm 2016; Khu vực biển nhạy cảm có tầm quan trọng quốc tế PSSA năm 2015; Tiềm năng Công viên Di sản ASEAN năm 2015...

Trên đảo chính Cát Bà có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đáng chú ý có Vườn quốc gia Cát Bà với diện tích 15.200ha, trong đó có 9.000ha rừng, 5.400ha vùng biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng cho các loài sinh vật đa dạng sinh sống. Quần đảo Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO.

Trên đảo có nhiều hang động đẹp: Động Trung Trang nằm cách thị trấn 15km cạnh đường xuyên đảo, có nhiều nhũ đá thiên nhiên. Động có thể chứa hàng trăm người. Động Hùng Sơn cách thị trấn 13km, trên đường xuyên đảo. Động còn có tên Động Quân Y vì trong chiến tranh Việt Nam người ta đã xây cả một bệnh viện hàng trằm giường năm trong lòng núi. Động Phù Long (Cái Viềng).

Các bãi tắm đẹp nổi tiếng của Cát Bà điển hình như: bãi tắm Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Dứa, bãi Cát Ông, Cát Trai Gái…

Cát Bà còn lưu giữ các di tích cổ sinh, di khảo cổ học, di tích lịch sử - văn hóa như thành nhà Mạc, khu thương cảng, di chỉ Cái Bèo và đặc biệt hóa thạch trầm tích trong hang động Đá Trắng. Các làng xã trên đảo hàng năm tổ chức lễ hội thu hút khách thập phương.

* Thực trạng du lịch tại Cát Bà - Một số kết quả du lịch tại Cát Bà:

+ Số lượt du khách tới Cát Bà đều tăng qua các năm, dao động từ 1.327.000 tới 1.568.000 lượt khách/năm, chiếm tỷ trọng trên tổng lượt khách du lịch tại Hải Phòng dao động từ 26,5% tới 29,6%.

+ Số lượt khách quốc tế tới Cát Bà đều tăng qua các năm dao động từ 320.000 tới 352.000 lượt khách/năm, chiếm tỷ trọng trong tổng lượt khách du lịch tại Cát Bà dao động từ 22,5% tới 25,6%.

+ Doanh thu du lịch tại Cát Bà có xu hướng tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng trong tổng doanh thu của du lịch Hải Phòng dao động từ 28,5% tới 35,5%.

+ Doanh thu bình quân từ một lượt khách du lịch Cát Bà dao động từ 442.351 đồng tới 490.433 đồng.

Từ đó cho thấy doanh thu du lịch tại trọng điểm du lịch Cát Bà chưa cao, tỷ trọng khách du lịch quốc tế thấp, doanh thu bình quân của một lượt khách nghỉ tại Cát Bà quá thấp. Du lịch Cát Bà chưa khai thác được hết những tiềm năng thế mạnh, chưa trở thành trọng điểm du lịch của Thành phố Hải Phòng.

- Thực trạng cơ sở vật chất và nhân lực du lịch Cát Bà: Đến năm 2016, Cát Bà hiện có 178 cơ sở lưu trú bao gồm 102 khách sạn các loại và 76 nhà nghỉ. Cát Bà có 66 nhà hàng phục vụ ăn uống. Ngoài ra còn các nhà hàng tại 8 khu du lịch nghỉ dưỡng biển cũng như tại các điểm du lịch cộng đồng và Khu hành chính của đảo Cát Bà… Tổng số lao động trong phục vụ du lịch trên địa bàn đạt 4.000 người.

- Thực trạng sản phẩm du lịch tại Cát Bà: Các nhóm sản phẩm du lịch hiện nay ở Cát Bà chủ yếu bao gồm:

+ Nhóm sản phẩm du lịch tham quan: Tham quan cảnh quan rừng chủ yếu trong khu vực đảo; Tham quan cảnh quan biển đảo chủ yếu ở khu vực vịnh Lan Hạ, vụng Việt Hải, vụng Tùng Gấu, khu cửa Cái và quần đảo Long Châu; Tham quan các hang động: Trung Trang, hang Quân Y, động Thiên Long, động Hoa Cương, hang Quả Vàng; Tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên đảo (Pháo đài Thần công, di chỉ Cái Bèo, Thành nhà Mạc...); Tham quan một số điểm nuôi trồng thủy sản ở các bè cá khu vực Cái Bèo, vịnh Lan Hạ.

+ Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái: Trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập nước trên địa hình núi đá vôi ở Ao Ếch, trên hành trình tuyến tracking Vườn Quốc gia Cát Bà - Việt Hải; Trải nghiệm hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi; Trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long; Lặn biển ngắm san hô quanh một số đảo nhỏ ở khu vực hòn Tai Kéo, hòn Ba Rang... trong khu bảo tồn biển Cát Bà.

+ Nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng: Tham quan phương thức nuôi trồng thủy, hải sản, trải nghiệm cuộc sống người dân và thưởng thức ẩm thực địa phương ở Phù Long; Tham quan phương thức nuôi thủy sản trên các nhà bè, trải nghiệm ẩm thực hải sản ở khu vực vịnh Cát Bà; Tham quan cuộc sống cộng đồng và tìm hiểu phương thức lao động, sản xuất (trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật) ở Gia Luận; Tham quan cuộc sống cộng đồng và tìm hiểu phương thức canh tác nông nghiệp trồng lúa, trồng rau của cộng đồng ở Việt Hải; Ở tại nhà dân tại Phù Long, Việt Hải.

+ Nhóm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm: Leo vách núi tại khu vực Việt Hải và trên một số đảo nhỏ ở vịnh Lan Hạ; Lặn biển ở khu vực hòn Tai Kéo, Ba Rang...; Chèo thuyền Kayak ở Vinh Lan Hạ.

+ Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng: Cát Bà là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, có thể khai thác các dịch vụ như chèo thuyền Kayak, bóng chuyền bãi biển, câu cá... Cho đến nay, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp còn chưa nhiều, quy mô hạn chế.

+ Nhóm sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa: Tại địa phương có nhiều sự kiện tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội đã và đang thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham gia, góp phần cho ngành Du lịch của huyện, như: Lễ hội ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Bà - Cát Hải, Lễ cầu Ngư (31/3 dương lịch); Lễ hội cầu tài cầu lộc đầu năm Đền Hiền Hào (12/1 âm lịch)… Tuy nhiên, quy mô lễ hội không lớn. Bên cạnh đó, không có khu vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách, đây là một trong những nguyên nhân không giữ được khách lưu lại dài ngày. Cát Bà là khu du lịch lớn nhất của Hải Phòng, mỗi năm thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch. Trước đây, đến Cát Bà, mọi người phải đi qua 2 phà Đình Vũ - Ninh Tiếp và phà Gót - Cái Viềng với tổng thời gian di chuyển gần 2 giờ. Từ cuối năm 2017, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện khánh thành, nối từ nội thành Hải Phòng ra đảo Cát Hải nên lượng du khách đổ về Cát Bà tăng đột biến. Trong 5 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Cát Bà đạt 385.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 314.000 lượt. Các công trình giao thông lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, Cảng quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi… đã rút ngắn thời gian di chuyển kết nối giữa Cát Bà với các khu vực lân cận. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Cát Bà chỉ còn khoảng 2 tiếng nên nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những dịp nghỉ cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ trong năm.

- Đầu tư phát triển du lịch tại Cát Bà: Trên địa bàn huyện Cát Hải hiện có tổng số 47 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Tại Cát Bà, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất lên đến 85,37%, nguồn vốn địa phương quản lý là 3,3%; nguồn vốn thành phố đầu tư là 10,13% và do Trung ương đầu tư là 1,2% tổng nguồn vốn có tại địa phương. Tuy nhiên hiện nay số lượng công trình đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao còn hạn chế.

Đáng lưu ý hiện nay ngoài việc tổ chức kinh doanh du lịch tại trung tâm du lịch (Thị trấn Cát Bà) thì mỗi xã đều có hình thức phát triển du lịch bản làng, địa phương (du lịch Homestay), du lịch sinh thái.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)