Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 38 - 41)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.5. Phương pháp nghiên cứu

2.5.1. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu thống kê

Đây là phương pháp chủ đạo nhằm tổng quan tài liệu và tổng hợp dữ liệu nghiên cứu. Các dữ liệu thống kê liên quan đến các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện khí hậu, diễn biến của các yếu tố thời tiết, khí hậu tại đảo Cát Bà sẽ được thu thập và tiến hành xử lý.

Đó là các tài liệu thu thập được từ các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã như: kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH TP Hải Phòng; Nghị quyết và Đề án xây dựng nông thôn mới đảo Cát Bà, Quy hoạch sử dụng đất đảo Cát Bà đến năm 2020, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2015, 2016, 2017.

2.5.2. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa

Các phương pháp nghiên cứu thực địa nhằm lựa chọn các khu vực nghiên cứu điển hình, mang tính đại diện và thu thập bổ sung các số liệu, tài liệu thực tế tại khu vực nghiên cứu điển hình đó.

Địa điểm nghiên cứu là các xã trên đảo Cát Bà – TP Hải Phòng được lựa chọn dựa trên tham khảo ý kiến đề xuất của các cán bộ quản lý cấp huyện, xã.

2.5.3. Phương pháp chuyên gia

Nghiên cứu tác động của BĐKH đến sinh kế hoàn toàn có thể dựa vào ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu có liên quan. Sau khi điều tra khảo sát thực địa, kết hợp sử dụng thêm phương pháp chuyên gia để huy động được kinh nghiệm và hiểu biết của nhóm chuyên gia liên ngành và lấy ý kiến của những người dân địa phương, từ đó lựa chọn được khu vực nghiên cứu điển hình mang tính chất đại diện.

Phương pháp chuyên gia còn được sử dụng để phân tích và đánh giá độ tin cậy của những thông tin thu thập được từ các hộ gia đình. Vì kiến thức của thành viên các hộ gia đình được phỏng vấn còn hạn chế, dẫn đến nhận thức và quan niệm chưa đúng, do đó chuyên gia cần kiểm chứng và sàng lọc lại thông tin để kết quả đánh giá được chính xác.

2.5.4. Các phương pháp nghiên cứu có sự tham gia (PRA) của nông thôn

PRA (Participatory Resrarch Approach) thực chất là một tập hợp nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ làm việc thân thiện. Tuy có nhiều công cụ khác nhau nhưng trong đề tài chỉ áp dụng một số công cụ sau:

- Dòng lịch sử: nhằm có được một cái nhìn tổng quát về lịch sử tác động của các hiện tượng thời tiết/khí hậu cực đoan đến cộng đồng thông qua các câu chuyện kể về lịch sử của những người cao tuổi và cư dân lâu năm. Với các thông tin (câu hỏi) được đặt ra là các sự kiện thời tiết/khí hậu đã diễn ra trên địa bàn trong lịch sử cùng với tác động của chúng lên sinh kế và sức khỏe của người dân.

- Xếp loại ưu tiên: là một công cụ giúp cộng đồng lập ưu tiên một số các lựa chọn đã có được theo một tập hợp các tiêu chuẩn đã được xác lập hoặc các ưu tiên cá biệt. Việc xếp loại ưu tiên thường được sử dụng sau khi xác định một lĩnh vực đáng quan tâm hoặc một tập hợp các lựa chọn thông qua một vài quá trình khác, ví dụ: phỏng vấn, khả năng ảnh hưởng. Công cụ này được sử dụng để xếp loại ưu tiên các thành phần sinh kế dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng. Việc xếp loại được tiến hành thông qua việc phỏng vấn nhận định người dân cũng như nhận định của chúng tôi về vấn đề.

- Phương pháp phỏng vấn hộ gia đình và phỏng vấn sâu:

Sau khi xác định được chính xác khu vực nghiên cứu, phương pháp phỏng vấn hộ gia đình bằng phiếu câu hỏi điều tra soạn sẵn (xem Phụ lục) được sử dụng để thu thập thông tin cơ bản về hộ gia đình, thông tin liên quan đến các hoạt động sinh kế của hộ gia đình, nguồn vốn sinh kế, tính tổn thương của các nguồn vốn này, những hỗ trợ của chính quyền địa phương và các giải pháp ứng phó với BĐKH cũng như việc áp dụng các kiến thức bản địa của người dân khi gặp phải những khó khăn liên quan đến BĐKH.

Sau khi phỏng vấn hộ gia đình, tiếp tục thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu để nhằm tìm hiểu một cách rõ hơn về các hoạt động sinh kế, kinh nghiệm và nhận thức của người dân địa phương trong việc ứng phó với những tác động của BĐKH.

Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng một số công cụ trong bộ PRA như sau: Hồ sơ hiểm hoạ: Ghi lại các diễn tiến lịch sử về rủi ro, thảm họa hoặc sự thay đổi về tài nguyên, kinh tế, xã hội của cộng đồng.

Bảng phân tích tai biến/hiểm hoạ: nhằm liệt kê, mô tả các hiện tượng tai biến môi trường tự nhiên đã xảy ra tại khu vực nghiên cứu.

Các hộ được lựa chọn điều tra là những hộ mang tính đại diện cho từng loại hình sản xuất, chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, và phải bao gồm các hộ khá giàu,

nghèo và trung bình theo hướng dẫn của cán bộ địa phương. Tổng số hộ gia đình được điều tra là 210 hộ. Trong đó có lựa chọn 70 hộ có kinh tế dựa vào SXNN là chủ yếu, 70 hộ có kinh tế dựa vào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và 70 hộ tham gia vào ngành du lịch.

Tác giả đã thu thập thông tin về tác động của BĐKH đến sinh kế của người dân thông qua 50 cán bộ địa phương. Trong đó có 7 chủ tịch/ phó chủ tịch, 7 cán bộ nông nghiệp, 7 cán bộ môi trường, 7 chủ tịch Hội nông dân và 22 trưởng xóm chia đều trên 7 xã và thị trấn. Quá trình điều tra chủ yếu dựa trên phương pháp phỏng vấn. Bước đầu quá trình phỏng vấn cho thấy 62% cán bộ nhận định lĩnh vực công tác của họ liên quan mật thiết hoặc khá nhiều đến BĐKH và 81% cán bộ phỏng vấn cho rằng BĐKH có tác động đến sinh kế của người dân đảo Cát Bà.

Tác giả còn tiến hành trao đổi thông tin với cán bộ biên phòng thuộc VQG về các thông tin BĐKH và BĐKH tác động tới sinh kế người dân.

2.5.5. Phương pháp thống kê toán học

Phương pháp này là sau khi tiến hành thu thập, tổng hợp phiếu điều tra và phỏng vấn, ta cần tiến hành công việc thống kê số liệu và các bảng hỏi liên quan.

Dựa vào tần suất xuất hiện của các đáp án trong phiếu điều tra. Đánh giá kết quả thu thập tính phần trăm của từng câu hỏi để kết luận công tác đánh giá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)