Đánh giá năng lực thích ứng của cộng đồng dân cư đảo Cát Bà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 97 - 103)

CHƯƠNG 3 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Đánh giá năng lực thích ứng của cộng đồng dân cư đảo Cát Bà

Theo khung sinh kế bền vững [42] và tiếp cận sinh kế bền vững trong đánh giá năng lực thích ứng BĐKH của [4, 20, 54] năng lực thích ứng với BĐKH của một cộng đồng được xác định dựa trên khả năng tiếp cận các nguồn lực bao gồm (con người, xã hội, tự

nhiên, vật chất và tài chính). Mỗi nguồn lực đóng góp một phần vai trò trong sự thích ứng của cộng đồng với các thay đổi. Nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng cần quan tâm nâng cao năng lực của mỗi nguồn lực cụ thể này.

3.5.1. Vốn con người

- Chủ hộ của các hộ điều tra

Chủ hộ là người có vai trò rất lớn trong việc đưa ra quyết định trong các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề trong đời sống của hộ. Giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn của chủ hộ. Qua số liệu điều tra cho thấy chủ hộ là nam chiếm hơn 80% còn chủ hộ là nữ chỉ chiếm gần 20%, số hộ dân tộc Kinh chiếm chủ yếu (trên 74, 8%) còn lại là dân tộc khác. Tuổi bình quân của chủ hộ là 47 tuổi. Tại Cát Bà, nhìn chung trình độ dân trí ở mức trung bình trong mặt bằng chung của vùng đồng bằng Bắc bộ. Theo niên giám thống kê huyện Cát Hải, đến năm 2017, toàn đảo Cát Bà có 10.798 lao động trong đó số người có khả năng lao động đang được đào tạo chiếm 18,34%. Theo kết quả khảo sát, nhận thức về BĐKH của người dân làm sinh kế trên đảo Cát Bà cho thấy, hơn 19,5% số hộ được hỏi chưa từng được nghe về BĐKH. Đối tượng hiểu biết thấp về BĐKH chủ yếu tập trung vào các hộ cận nghèo.

- Quy mô hộ gia đình: Kết quả điều tra cho thấy trung bình mỗi hộ gia đình có 4 thành viên bao gồm 2 lao động chính và 2 lao động phụ thuộc. Có 1 hộ chỉ có 1 thành viên và 5 hộ có 7 thành viên, tuy nhiên trong đó vẫn chỉ có 2 lao động chính. Do đó, khi thiên tai xảy ra, nguồn thu của lao động chính bị giảm sút và không ổn định, cũng như áp lực từ việc thiếu việc làm sẽ gây nên nhiều khó khăn đối với sinh kế hộ gia đình.

- Trình độ học vấn: Có 46,34% các thành viên hộ gia đình đạt trình độ học vấn trung bình ở cấp II, 32,82% đạt trình độ học vấn cấp III; có 3 thành viên của 3 hộ gia đình không biết chữ chiếm tỷ lệ 2,5%; 16,67% đạt trình độ cao đẳng, đại học, và 2 thành viên đạt trình độ sau đại học, tương ứng với 1,67%. Tuy nhiên, trong số 16,67% số người có trình độ cao đẳng và đại học, phần lớn họ đều đang đi học nên không phải là nguồn lao động chính trong gia đình.

Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra

Hình 3.18. Biểu đồ trình độ học vấn người dân đảo Cát Bà

Điều này cho thấy vốn con người mặc dù dồi dào nhưng số lượng người lao động phụ thuộc vẫn còn ở mức cao, trình độ học vấn ở mức thấp nên sinh kế dễ bị tổn thương do các tác hại của các hiện tượng thời tiết cực đoan, vì khi đó việc làm sẽ bị hạn chế, thu nhập từ những lao động chính không đủ trang trải cuộc sống.

3.5.2. Vốn vật chất

Tổng giá trị các tài sản, vật dụng sinh hoạt của người dân trên đảo Cát Bà có sự khác biệt theo từng khu vực, khu vực thị trấn Cát Bà, tài sản của người dân có giá trị cao dao động từ 50 triệu đến hàng tỷ đồng. Tại các xã còn lại, giá trị tài sản của người dân thấp hơn, dao động từ 20 triệu đến vài trăm triệu. Các vật dụng sinh hoạt hàng ngày đã tương đối đầy đủ, vật dụng giá trị cao ít có hơn.

- Đặc điểm nhà ở: Theo kết quả điều tra, 67,5% hộ trong tổng số 210 hộ được phỏng vấn là nhà cấp 4, mái ngói; 17,33% nhà mái bằng kiên cố và 15,17% là nhà tầng kiên cố. Tuy nhiên, là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thiên tai bởi vậy tài sản dễ bị thiệt hại khi có lũ lụt. Đồng thời cần chú trọng gia cố nhà cửa phòng khi gió bão mạnh bất ngờ.

Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra

Hình 3.19. Biểu đồ thể hiện đặc điểm nhà ở các hộ điều tra tại đảo Cát Bà

- Phương tiện sản xuất: Kết quả điều tra cho thấy các hộ, đặc biệt hộ nghèo đều rất thiếu phương tiện sản xuất. Ngoài ra, trong các hộ được phỏng vấn khai thác thủy sản, chỉ có 29 (13,8%) hộ có thuyền có hoặc không có động cơ và 6 (2,9%) hộ có thuyền có động cơ, do đó, các hộ còn gặp khó khăn về phương tiện sản xuất trong mùa lũ.

- Phương tiện sinh hoạt: Các hộ nghèo ít có phương tiện sinh hoạt hơn so với những hộ có điều kiện. Hầu hết các hộ đều có tivi và nồi cơm điện, còn những thiết bị khác như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, nóng lạnh thì chỉ khoảng 21,6% các hộ có điều kiện mới có, duy nhất 1 hộ có máy phát điện.

Như vậy, đối với nguồn vật chất, hộ nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ rất thiếu các phương tiện sản xuất, đặc biệt là những phương tiện phục vụ trong thời điểm gặp bão, lụt.

3.5.3. Vốn tài chính

Vốn tài chính bao gồm nguồn lực tài chính mà hộ gia đình có được hoặc có thể tiếp cận được để đạt được mục đích sinh kế. Người dân trên đảo Cát Bà luôn có ý thức tích lũy nguồn vốn để đầu tư làm ăn. Các khoản tiền tiết kiệm được tích trữ, các nguồn vốn vay của nhà nước, của các tổ chức đã hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất và phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các hộ đã dễ dàng hơn. Hiện nay người dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ thông qua ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT.

- Hoạt động tạo thu nhập: Thu nhập chính của người dân tại địa bàn nghiên cứu chủ yếu là từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi; nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, du lịch và một số ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khác. Ngoài ra, một số hộ có thu nhập chính từ các hoạt động khác nhau như buôn bán, đan lưới, đi biển, xuất khẩu lao động, thợ hồ, du lịch biển… chiếm khoảng gần 14% tổng số hộ được điều tra.

- Thu nhập hộ gia đình: Thu nhập hộ gia đình thấp nhất là 500.000 VNĐ/tháng và cao nhất là 18.000.000 VNĐ/tháng. Trung bình các hộ gia đình có thu nhập trung bình tháng dao động trong khoảng 3.000.000 - 4.000.000 VNĐ. Trong tổng số 210 hộ phỏng vấn, có 12 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, số hộ có thu nhập ở mức trung bình là 142 hộ, con lại 41 hộ khá và giàu.

Có thể nói, liên quan đến vốn tài chính, ngoài hơn 24,6% số hộ gia đình được hỏi có thêm nguồn thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp thì phần lớn các hộ gia đình đều làm việc trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ bởi BĐKH dẫn đến thu nhập thấp, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương, khi họ không có hoặc thiếu đất sản xuất cũng như không có khoản vốn tích lũy.

3.5.4. Vốn tự nhiên

Vùng đảo Cát Bà có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng, biển, tuy nhiên lại hạn chế diện tích đất nông nghiệp và địa hình núi đá. Bởi vậy, đảo Cát Bà xác định hướng phát triển kinh tế chính của mình là kinh tế biển, khai thác lợi thế đảo Cát bà, trong đó chú trọng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản và phát triển nông nghiệp.

- Diện tích đất canh tác: Đây được xem là nguồn vốn hết sức quan trọng của các hộ gia đình và quyết định rất nhiều đến sinh kế của các hộ vì khi một hộ có nhiều đất sản xuất thì thu nhập thu được của hộ này sẽ được tích lũy để sử dụng.

Theo số liệu điều tra, trung bình mỗi hộ có khoảng 1.816 m2 (tương đương 3,632 sào). Hộ gia đình có diện tích đất canh tác nhỏ nhất là 80 m2 và lớn nhất là 24.000 m2. Đất canh tác được sử dụng chủ yếu để trồng lúa, rau màu, và mặt nước nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, có 38 hộ đã thay đổi mục đích sử dụng đất vì nhiều lý do khác nhau, do đó, chủ yếu là cho thuê đất và chuyển đất ruộng sang nuôi trồng thủy sản, hoặc đất bị bỏ hoang do thiếu nguồn lao động.

- Mô hình sản xuất: Trồng lúa, cây ăn quả, rau màu… và nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là loại hình sản xuất phổ biến nhất của các hộ gia đình tại địa bàn nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 76% trong tổng số các hộ được hỏi, chiếm ưu thế hơn so với trồng rau, hoa

màu. Hoạt động chăn nuôi chính là nuôi lợn và và gia cầm.

Có thể đánh giá nguồn vốn tự nhiên của các hộ gia đình thấp, thể hiện qua diện tích đất canh tác bình quân của mỗi hộ gia đình ở mức thấp chỉ 0,18 ha.

3.5.5. Vốn xã hội

Vốn xã hội được xem xét trên các khía cạnh như: quan hệ trong gia đình, tập quán và văn hóa địa phương, các thiết chế cộng đồng, khả năng tiếp cận và cập nhật thông tin của người dân đối với sản xuất và đời sống. Mặt tích cực của mối quan hệ này là giúp người dân hỗ trợ lẫn nhay trong các hoạt động đời sống cũng như các hoạt động sản xuất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mạng lưới quan hệ gia đình, dòng họ của người dân trên đảo Cát Bà rất tốt. Tính gắn kết cộng đồng chặt chẽ cũng là một yếu tố tích cực trong hoạt động kinh tế. Người dân đã biết cách khai thác vốn xã hội của mình trong các hoạt động cộng đồng tại địa phương để tìm kiếm các lợi ích trong phát triển kinh tế cho gia đình, chuyển đổi và phát triển sinh kế, thay đổi cuộc sống trong điều kiện mới. Việc lan toả thông tin trong cộng đồng và hộ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao vốn xã hội của người dân. Có nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ nhau trong làm ăn kinh tế ngay cả khi không cần huy động nguồn vốn lớn. Nhưng để sản xuất có hiệu quả, sản phẩm có chất lượng thì cần một lượng tài chính nhất định để duy trì hoạt động.

Bên cạnh mối quan hê ̣giữa anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng thì không thể không nhắc đến mối quan hệ cộng đồng giữa người dân với cán bô, chính quyền và các ban ngành và ngược lại. Quá trình điều tra, phỏng vấn hộ gia đình và chính quyền địa phương cho thấy mối quan hệ giữa người dân và chính quyền khá tốt, tỷ lệ người dân tham gia các tổ chức xã hội ở mức cao, tiêu biểu là hội nông dân và hội phụ nữ. Bên cạnh đó cấp huyện, xã, thị trấn cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong các hoạt động sinh kế như thủ tục vay vốn để có vốn làm ăn, tập huấn, bổ trợ kiến thức cho người dân về các hoạt động sản xuất, bảo vệ tài nguyên môi trường, tuyên truyền kiến thức về BĐKH và thích ứng với BĐKH.

- Tham gia vào các tổ chức: 18% số hộ được hỏi có thành viên tham gia Đảng Cộng sản, 45,2% số hộ có thành viên tham gia vào Hội Nông dân, 69,8% số hộ có thành viên tham gia vào Hội Phụ nữ, ngoài ra còn có các tổ chức khác như Hội cựu chiến binh, Hội cựu giáo chức… Đây được xem là nguồn quan trong việc phổ biến, tuyên truyền cũng như vận động người dân tham gia vào các công tác cảnh báo và phòng chống các động do BĐKH gây ra tại địa phương.

- Nguồn giúp đỡ khi khó khăn: Khi gặp khó khắn về kinh tế, đặc biệt thiệt hại do thiên tai, nguồn giúp đỡ quan trọng là từ họ hàng người thân, ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương dưới hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật hoặc cho vay tiền với ưu đãi lãi suất thấp đối với các hộ nghèo hoặc các hộ bị thệt hại nặng nề.

Nhìn chung, nguồn vốn xã hội khá tốt do tính cộng đồng cao, chính quyền cấp địa phương cũng đã có những hỗ trợ tích cực tuy nhiên sự hỗ trợ đó không đủ để giúp các hộ gia đình vượt qua được khó khăn khi phải đối mặt với những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đánh giá chung về vốn sinh kế của các hộ dân trên đảo Cát Bà: Khu vực đảo Cát Bà tuy có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên, vốn xã hội, vốn tài nguyen song do hạn chế về điều kiện giao thông, về trình độ dân trí, về cơ sở hạ tầng, điều kiện vốn vay và nhất là do thường xuyên chịu tác động của BĐKH nên nguồn vốn sinh kế của người dân chỉ đạt ở mức trung bình.năng lực thích ứng thông qua 5 nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình ở mức thấp; các hoạt động sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai do BĐKH vì vốn con người không đủ về cả số lượng và trình độ, vốn vật chất bị hạn chế chủ yếu là thiếu phương tiện sản xuất và điều kiện nhà ở còn thô sơ, vốn tài chính thấp do thu nhập của các hộ gia đình không ổn định, vốn tự nhiên liên qua đến diện tích đất canh tác mỗi hộ gia đình còn thấp và vốn xã hội mặc dù khá đa dạng nhưng đa phần vẫn không đủ để khắc phục thiệt hại. Người dân có tính liên kết trong cộng đồng cao, nhưng tính tổ chức và tính hợp tác trong sản xuất còn ở mức thấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trên đảo cát bà, thành phố hải phòng (Trang 97 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)