Chƣơng 1 : TỔNG QUAN VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ CƢ DÂN
1.2. Về cƣ dân
1.2.4. Về văn hóa tộc người
1.2.4.1. Văn hóa vật chất a. Nhà cửa
Nhà cửa truyền thống của người Tày ở huyện Trùng Khánh là nhà cột gỗ, tường đất hoặc tường đá có 2 mái được lợp bằng ngói máng. Nhà thường có gồm 2 tầng, tầng đất, tầng sàn. Trong xã hội truyền thống, tầng đất thường được sử dụng để nhốt gia súc, gia cầm vừa để tránh được thú dữ, cướp bóc vừa tránh được gió rét trong điều kiện khí hậu lạnh giá vào mùa đông. Tuy nhiên, tập quán này thường gây mất vệ sinh, dễ phát dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, trong những năm gần đây nhiều địa phương đã di chuyển chuồng gia súc, gia cầm ra các khu vực riêng, gầm sàn chỉ để chứa các vật dụng, công cụ sản xuất. Tầng sàn thường được lát bằng ván, là nơi ở và sinh hoạt của gia đình được phân chia thành nhiều gian khác nhau. Các gian ngủ thường được ngăn cách với nhau bởi vách gỗ hoặc tre nứa. Gian giữa nhà được chia làm phần phía trên và phần phía dưới: phần phía trên thường là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, là nơi tiếp khách; phía dưới là sinh hoạt của phụ nữ, nơi nấu ăn cho cả gia đình. Phía trên, bên trong mái nhà còn được người dân tạo các sàn gác làm nơi chứa đồ vật, các nông phẩm như thóc lúa, ngô, khoai, sắn, v.v… Trước và sau nhà đều có cầu thang đi lên nhà làm bằng gỗ hoặc xây bằng đá. Phía trước các ngôi nhà đều có sân phơi; cạnh nhà thường có vườn rau gia đình.
Mỗi ngôi nhà của người Tày là nơi sinh sống của một gia đình với hai hoặc ba thế hệ cùng chung sống. Thậm chí có những ngôi nhà là nơi sinh sống của bốn hoặc năm thế hệ. Cách bày trí, sắp xếp trong nhà như nơi thờ cúng, nơi tiếp khách, nơi ngủ, chỗ nấu ăn hay cách thức đi lại trong nhà cũng thể hiện rõ mối quan hệ trong gia đình giữa nam và nữ, già và trẻ, v.v… Ngôi nhà chính là nơi hình thành và lưu giữ một số phong tục, tập quán, nghi lễ mang đậm tính văn hóa của người Tày, trong đó có các nghi lễ tang ma.
Là một huyện biên giới, huyện vùng sâu, vùng xa giữa bốn bề là núi rừng. Trước đây, thú dữ còn nhiều và nạn thổ phỉ, cướp bóc xảy ra thường xuyên, kiểu nhà tường đất hoặc đá của người Tày huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng thể hiện lối ứng xử thông minh trước môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội khi đó. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển, cùng với quá trình đổi mới, thú dữ đã giảm dần và mất hẳn, an ninh trật tự trong khu vực đã được đảm bảo, người Tày huyện Trùng Khánh có nhiều lựa chọn hơn trong việc xây cất nhà ở. Nhiều ngôi nhà cũ được thay thế bằng nhà mới, nhà xây bằng gạch hay nhà tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.
b. Trang phục
Màu sắc chủ đạo trong trang phục truyền thống của người Tày là màu chàm. Phụ nữ Tày đầu vấn khăn hay chít khăn, mặc áo cánh trắng ở bên trong áo dài màu chàm ở bên ngoài. Áo dài có cài khuy đồng bên phải, vạt áo thường che hết bắp chân, ngang lưng thắt vải chàm, hai đuôi vải buông xuống đằng sau, nơi xẻ tà áo ở hai bên thường để lộ ra khoảng nhỏ của áo cánh trắng bên trong. Phụ nữ Tày thường mặc quần vải chàm hoặc quần lụa đen, một bộ phận nhỏ mặc váy chàm (thường là người già), chân đi hài bằng bằng vải.
Trang sức của phụ nữ Tày cũng đơn giản, thường là chiếc vòng cổ, vòng tay, vòng chân, bộ xà tích bằng bạc. Hiện nay, có một số phụ nữ Tày Trùng Khánh đeo khuyên tai bằng vàng, túi đeo (túi làm bằng thổ cẩm), túi đựng trầu, v.v…
Y phục của nam giới Tày về cơ bản không có gì đặc biệt, gần giống với y phục nam giới ở các dân tộc miền núi phía Bắc. Trước đây, họ thường mặc áo chàm, cài cúc vải (7 cúc) hoặc cài khuy đồng (5 khuy); mặc quần chàm cắt kiểu lá tọa, đầu đội khăn xếp hoặc mũ nồi, chân đi hài xảo hoặc giày vải. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh
mẽ, phần lớn người Tày không còn duy trì việc mặc trang phục truyền thống hàng ngày nữa mà thay vào đó là những bộ quần áo hiện đại, thuận tiện và phù hợp với điều kiện xã hội mới. Tuy nhiên trong các dịp lễ tết, lễ hội, hay đám cưới, đám tang, trang phục truyền thống vẫn được người Tày lựa chọn.
c. Ăn uống
Do là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên cơm gạo tẻ là thành phần chính không thể thiếu trong bữa ăn thường nhật của người Tày Trùng Khánh, Cao Bằng. Thực phẩm chủ yếu là các loại rau, củ, quả do trồng được hay thu hái trong rừng; các loại tôm, cá, cua, ốc, v.v… đánh bắt được từ sông, suối, ao, hồ và thịt của các loại gia súc, gia cầm nuôi được hoặc các loại thú rừng săn bắn được.
Gạo nếp thường được người Tày sử dụng, chế biến thành nhiều loại xôi, bánh trong các nghi lễ cúng bái, các dịp lễ tết, hội hè như xôi ngũ sắc, xôi chám, xôi trứng kiến, cơm lam, bánh trưng, bánh giầy, bánh do, bánh gai, bánh rán, bánh vả, bánh trôi, bánh khảo, chè lam hay các loại bỏng như khẩu ri, thua théc, v.v…
Cách chế biến thức ăn của người Tày thường đa dạng, phong phú, ngoài cách chế biến thức ăn phục vụ các bữa ăn hàng ngày như xào, luộc, nướng, nấu canh, v.v… Người Tày còn có tục chế biến khô các loại thức ăn để dự trữ như măng, đậu, củ cải, nấm hay các loại thịt lạp (khô) như thịt lợn, thịt trâu khô, lạp xườn, v.v… Bên cạnh đó, người Tày còn biết làm các loại tương để ăn cũng như sử dụng làm gia vị cho việc chế biến các món ăn khác như tương lúa mạch, tương đậu đen, tương đỗ tương, v.v… Ở một số địa phương người dân còn ủ thịt, cá hay trứng vào rượu nếp để làm thành một thứ mắm ăn rất thơm ngon.
Cách chế biến món ăn của người Tày đã đạt đến trình độ cao, tinh tế, nhiều món ăn đã trở thành những đặc sản nổi tiếng như bánh khảo, bánh vả, khẩu ri, xôi ngũ sắc, cốm hạt dẻ, cốm đậu xanh, hay các món lợn quay, vịt
quay, khau nhục, thịt trâu khô, v.v… Ngoài cách chế biến món ăn truyền thống, người Tày còn tiếp thu học hỏi các cách chế biến món ăn của người Hán, người Choang và người Việt. Tuy nhiên, về cơ bản kỹ thuật chế biến thức ăn của họ vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Bên cạnh các món ăn, người Tày còn chế biến thêm nhiều loại đồ uống như rượu (như rượu ngô, rượu gạo tẻ, rượu nếp, rượu hạt dẻ,…). Ngày thường người dân thường uống nước chè hoặc nước lá vối. Họ cũng hút thuốc lào, thuốc lá như các dân tộc khác trong khu vực và trên cả nước.
d. Phương tiện vận chuyển
Do điều kiện địa hình đồi núi nên phương thức vận chuyển của người Tày khá phong phú và đa dạng. Trước kia giao thông đi lại khó khăn bà con thường dùng ngựa thồ để phục vụ quá trình vận chuyển, đi lại. Một số địa phương thuộc vùng sâu vùng xa chủ yếu đi bộ với phương tiện vận chuyển là chiếc đòn gánh cổ truyền được làm bằng tre hoặc gỗ trên vai cùng đôi sọt hay đôi dậu (bồ đan) để đựng các loại nông phẩm hay cuôi để đựng phân bón. Trong tang ma truyền thống, phương tiện vận chuyển chính là chiếc cáng được làm bằng nhiều thanh tre hoặc gỗ để nhiều người cùng khiêng quan tài đưa người chết ra huyệt mộ.
Một số bộ phận người Tày huyện Trùng Khánh cư trú ven các con sông như sông Bắc Vọng, sông Quây Sơn thuộc các xã Thông Huề, Ngọc Khê, Ngọc Côn, Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy, v.v… nên giao thông đường sông cũng khá phổ biến. Bà con thường dùng tre đóng bè để làm phương tiện vận chuyển, đi lại cũng như trong việc đánh bắt tôm cá.
Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường xá thuận tiện hơn bên cạnh những phương tiện vận chuyển, đi lại truyền thống, người dân còn có thể sử dụng các phương tiện vận chuyển, đi lại hiện đại như: ô tô, xe máy, xe đạp hay các loại xe kéo, v.v…
1.2.4.2. Văn hóa tinh thần a. Ngôn ngữ, chữ viết
Tiếng Tày là ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng trong nội bộ dân tộc và giao tiếp với dân tộc Nùng (trong huyện, tỉnh), dân tộc Choang (ở bên kia biên giới). Ngoài ra, người Tày còn sử dụng tiếng Việt để dùng trong học tập cũng như giao tiếp trong xã hội.
Chữ viết của người Tày là chữ Nôm Tày, cũng giống như chữ Nôm Kinh, chữ Nôm Tày sử dụng các con chữ tượng hình của chữ Hán để nghi âm và nghĩa tiếng Tày. Tuy nhiên, loại chữ viết này không được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân chúng mà chỉ có một số ít bộ phận trí thức nho học và các thầy cúng biết và sử dụng. Hiện nay các thầy cúng (chủ yếu là thầy tào) vẫn còn lưu giữ được nhiều cuốn sách cổ được viết bằng chữ Nôm Tày do gia tộc truyền lại. Đây chủ yếu là những tài liệu liên quan đến các nghi lễ cúng bái với khá nhiều chữ viết được đọc theo âm Hán - Việt.
b. Văn học, nghệ thuật dân gian
Người Tày có một kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều thể loại khác nhau như tự sự dân gian, thơ ca dân gian, thành ngữ, tục ngữ, v.v… Trong tự sự dân gian có lẽ kho tàng truyện cổ phong phú nhất với hàng trăm truyện khác nhau. Truyền thuyết lịch sử cũng khá phong phú với nhiều truyền thuyết có giá trị như “Pú Lương Quân”, “Chín chúa tranh vua”, “Mẻ chúa” (Mỵ Châu), “An Dương Vương xây thành cổ loa”, “Nùng Chí Cao”, v.v…
Loại hình truyện thơ Tày cũng rất phong phú và phổ biến trong dân gian. Cho đến nay, người ta sưu tầm và dịch ra tiếng phổ thông được khoảng 50 truyện thơ. Trong đó, nhiều truyện có nguồn gốc từ người Hán hay người Việt như “Tống Tân Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”, “Thạch Sanh”,v.v…
Thành ngữ, tục ngữ, ca dao cũng rất phát triển ở Trùng Khánh, với nội dung chủ yếu là những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động sản xuất đã được ông cha đúc kết lại và lưu truyền trong dân gian.
Nghệ thuật dân giancủa người Tày cũng rất phong phú với nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng như hát then, sli, lượn, phong sư,hát quan lang trong đám cưới, diễn xướng nghi lễ mo, then, pụt, tào trong cúng bái. Nghệ thuật biểu diễn sinh động như múa then, múa lân, múa thầy tào trong tang lễ, v.v…
c. Tín ngưỡng, tôn giáo
Trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Tày hầu như không có một tôn giáo nào chiếm vị thế độc tôn; đồng bào cũng không tôn thờ một vị thần riêng hay chúa tể nào. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên là chính, người Tày còn thờ thêm các vị thánh thần và các loại ma (phi) khác nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, mùa màng cũng như nâng đỡ tinh thần của nhân dân mỗi khi gặp phải những bất lực không thể lí giải trước các hiện tượng thiên nhiên và hiện thực xã hội. Tín ngưỡng tôn giáo của người Tày đã được hiện thực hóa bởi các hình thức cúng bái mo, then, pụt, tào. Bên cạnh những yếu tố tín ngưỡng dân gian bản địa, hầu hết các hình thức cúng bái của người Tày đều đã được khoác áo tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo) xuất hiện trong quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các luồng văn hóa.
d. Phong tục tập quán
Cho đến nay, người Tày Trùng Khánh vẫn còn bảo lưu nhiều phong tục truyền thống theo nghi thức cổ truyền. Điều đó được thể hiện khá rõ qua các nghi lễ liên quan đến vòng đời như sinh đẻ, cưới xin, mừng thọ, tang ma,… và chu kỳ canh tác nông nghiệp như lễ hội xuống đồng (lồng tồng),… Ngoài ra, trong cuộc sống, người Tày còn thực hành nhiều nghi lễ theo chu kỳ lịch thời tiết trong năm, như: tết nguyên đán, tết đắp nọi, tết thanh minh, tết đoan ngọ hay các nghi lễ khác có liên quan.
1.2.4.3. Văn hóa xã hội
Xã hội người Tày được hình thành từ những gia đình phụ quyền bao gồm hai, ba hoặc thậm chí có đến bốn, năm thế hệ cùng chung sống. Mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập, trong đó chủ gia đình (chẩu rườn) thường là người chồng hoặc người cha có vai trò quyết định trong việc tổ chức sản xuất cũng như điều hòa các mối quan hệ trong và ngoài gia đình. Về nguyên tắc, chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản của bố mẹ, con gái đi lấy chồng thường được bố mẹ cho của hồi môn là các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình hoặc trong sản xuất. Những gia đình có điều kiện thì cho thêm vàng bạc hoặc trâu bò. Người Tày cũng có hình thức ở rể trong trường hợp gia đình nhà gái không có con trai.
Mỗi bản làng của người Tày thường có một vài dòng họ. Dòng họ cũng được các cộng đồng cư dân Tày hết sức coi trọng. Những người trong cùng một dòng họ thường có cùng chung huyết thống, có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Các gia đình trong dòng họ thường cư trú tập trung, quần tụ lại với nhau. Điều đó không chỉ thể hiện ở trong cuộc sống hiện tại mà còn biểu lộ ở ngay cả trong cuộc sống sau cái chết. Mỗi làng bản đều chôn người chết trong một khu đất riêng. Và, ở đó mỗi họ, mỗi chi lại có những khu vực riêng của mình.
Mỗi bản làng của người Tày đều có phạm vi đất đai canh tác, đất rừng, khúc sông, khe suối, v.v… thuộc quyền sở hữu và quản lí chung. Người dân trong bản thường đùm bọc nhau mỗi khi hoạn nạn, có đời sống tinh thần, văn hóa chung thông qua các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, các lễ hội trong bản. Trước kia, trong thời kỳ phong kiến, xã hội bản làng của người Tày thường tồn tại chế độ Thổ Ty (Quằng), là hệ thống quan lại cai trị từ tổng đến châu, tỉnh. Họ có thế lực nắm giữ các chức vụ quan trọng ở địa phương, được Nhà nước ban tặng đất đai, bổng lộc, hàng năm nhân dân trong bản thường thay
phiên nhau đến lao dịch, cống nạp các sản vật ở địa phương. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 chế độ và tầng lớp xã hội này không còn tồn tại nữa.
Mỗi bản làng của người Tày đều có người đứng đầu: trưởng bản hay chẩu bản, là người có hiểu biết, có uy tín được dân làng tin tưởng suy tôn hoặc bầu ra để điều hành các công việc trong bản theo luật tục, phong tục tập quán truyền thống của bản.
Trong xã hội cổ truyền của người Tày, mỗi thôn bản cũng thường tồn tại một số tổ chức, phường, hội, như: phường con ca (ca múa nhạc), hội múa lân, hội những người đứng đầu các tổ chức trong bản có nhiệm vụ điều hành các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội trong bản.
Ngày nay, cùng với các tổ chức, phường, hội truyền thống, trong bản làng của người Tày còn xuất hiện thêm nhiều hình thức tổ chức xã hội khác như Chi bộ Đảng, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Hiếu, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên v.v…, góp phần tích cực làm cho các hoạt động xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Tiểu kết chương
Trùng Khánh là một huyện miền núi, biên giới ở phía đông bắc của tỉnh Cao Bằng. Đây là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên từ lâu trong lịch sử đã có người Tày sinh sống. Quá trình giao lưu, tiếp xúc với người Kinh, người Nùng, Choang (Quảng Tây, Trung Quốc),… đã có những tác động nhất định tạo nên diện mạo văn hóa của người Tày Trùng Khánh.
Hơn hai thập niên qua, cùng với sự đổi mới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong cả nước, kinh tế của người Tày đã có