Chƣơng 3 : CÁC NGHI LỄ TRONG TANG MA
3.2. Nghi lễ trong tang ma ngƣời chết thƣờng
3.2.2. Các nghi lễ từ khi phát tang đến khi chuẩn bị đưa tang
3.2.2.1. Lễ phát tang
Sau lễ kính thực bữa đầu, thầy tào làm lễ phát tang bằng cách làm phép viết chữ hiếu lên từng bộ tang phục rồi lần lượt trao cho con, cháu của người quá cố. Màu chủ đạo trong tang phục của người Tày là màu trắng, quần áo được may chủ yếu bằng vải con cháu tự dệt hoặc mua thêm ở ngoài chợ. Về cơ bản quần áo tang được thiết kế theo kiểu trang phục truyền thống, chỉ khác về màu sắc và tang phục được may sơ sài hơn và đều phải khâu trái viền. Áo tang thường dài trùm gối, xẻ ngực, không có khuy mà thay vào đó là hai hàng dây buộc chéo từ cổ sang nách bên trái.
Những người con trai của người quá cố mặc quần áo tang, đầu quấn thêm khăn tang, buông dài hai dải khăn ra sau lưng, đội mũ ba trạc có quai buộc xuống cằm (mũ làm bằng tre có hình tam giác được bọc gấy bản trắng), thắt lưng bằng vải trắng, có thắt thêm dao, tang cha thì chống gậy tre, tang mẹ thì chống gậy tầm vông. Nếu người mất có con trai đã qua đời trước thì con trai trưởng sẽ thay cha để chống gậy tang, trường hợp người mất không có con trai thì con rể nối dõi tông đường sẽ nhận gậy tang.
Con gái, con dâu, vợ tang chồng sẽ mặc một lớp áo chàm truyền thống bên trong, lớp ngoài cùng là quần táo tang, thắt lưng bằng vải trắng. Đầu quấn khăn tang và đội thêm mũ nhọn hình tam giác mà người Tày quen gọi là thù phi, mũ được khâu theo kiểu gập đôi hai đầu khăn lại, tại chỗ gấp khâu một đoạn ngắn tạo thành mũ nhọn, phần còn lại của khăn thả dài đằng sau lưng.
Người con gái rang bột tro để rải xuống áo quan cho cha (mẹ) sẽ đội thêm nón và thắt lưng dắt thêm dao.
Con rể cùng các con cháu, anh em nội ngoại thân thích mặc áo tang trắng, khăn quấn tròn trên đầu hoặc thắt khăn tang theo kiểu hình tròn, nếu là phụ nữ quấn thêm một vòng khăn ở thắt lưng. Chồng tang vợ thì chỉ đội khăn tang trắng trên đầu. Ở một số vùng thuộc huyện Trùng Khánh, nếu người quá cố hưởng thọ từ 85 tuổi trở lên, có đầy đủ cháu chắt thì chắt sẽ đội khăn tang màu vàng.
Tang phục người Tày ngoài mục đích dùng để phân biệt mối quan hệ thân sơ ruột thịt, gần hay xa của từng đối tượng thụ tang với người chết còn biểu thị tình cảm, niềm đau đớn, xót thương khi người thân qua đời. Bên cạnh đó tang phục còn ẩn chứa những khía cạnh về quá trình lịch sử tộc người, tư duy về thế giới quan của người Tày.
Người Tày có nhiều cách lý giải về tục chống gậy tang như cha chết, con trai chống gậy tre vì tre là loại cây mà gai mọc ra bên ngoài, cũng giống như người cha trong gia đình phụ quyền của người Tày có chức năng hướng ngoại với xã hội nên dùng tre làm gậy. Tang mẹ chống gậy tầm vông, vì vông là loại cây mà gai mọc vào trong, tượng trưng cho vai trò, chức năng hướng nội của người mẹ trong gia đình [34, tr. 73]. Bên cạnh đó, chống gậy thể hiện tinh thần hiếu với cha mẹ, vì quá đau đớn, tiếc thương mà khóc lóc đến nỗi bi lụy, yếu ớt, không thể đi đứng nổi bình thường nên phải dùng gậy để bấu víu, chống đỡ. Ngoài ra, người Tày còn có nhều cách lý giải thêm về tang phục bằng những câu truyện cổ đã có từ thời xa xưa của dân tộc mình (3.3.4. Phụ lục 4).
Gam màu trắng chủ đạo trong tang phục của người Tày vì màu trắng thường biểu trưng cho sự chết chóc. Cái chết là không bình thường, là đi ngược lại đối với sự sống ở dương thế. Vì vậy, mà tư duy của người Tày về những thứ dành cho người chết thường đối lập với trật tự cuộc sống thường
ngày của thế giới trần tục. Nếu như màu chàm là trang phục truyền thống, màu của sự sống thì màu trắng lại là sự đối lập với cái bình thường vốn có của sự sống, đối lập giữa âm và dương, sáng và tối, giữa cái hữu hạn và vô hạn nên con cái tang cha mẹ cũng phải mặc quần áo lộn mặt trái ra ngoài, tóc tai không được chải chuốt cẩn thận mà buộc thả dài ra đằng sau, đồ đựng thức ăn không dùng mâm như ngày thường mà bày trên lá chuối hay thúng, mẹt.
Cho đến nay, trang phục truyền thống của người Tày dẫu có bị mai một thì tang phục vẫn gần như bảo lưu toàn vẹn các giá trị văn hóa cổ truyền trong tang ma.
3.2.2.2. Lễ khai quang
Thầy tào kính bái lên các thần linh “đại thánh, đại ất, cửu khổ thiên tôn”, báo với các vị thần thánh để đón vong hồn người chết về làm lễ khai quang. Thầy tào Nông Đình Réng ở xóm Bản Gun, xã Đàm Thủy và thầy tào Nông Minh Châu ở Xóm Nà Ran, xã Chí Viễn giải thích: “con người mới chết, hồn còn lưu lạc nhiều nơi nên phải gọi hồn về, làm lễ khai quang đưa qua pháp kiều cầu để được lên thiên đàng”.
Thầy cho người thắp 10 ngọn nến trên quan tài để cho ánh sáng chiếu khắp nơi cho linh hồn đỡ sợ khi từ biệt dương gian. Thầy làm phù phép mời hồn, viết “linh tọa” (mời hồn về ngồi đó) rồi thầy tào cùng một số thầy khác làm lễ. Một thầy cả trống nhạc hát xướng bài khai quang, bài viết bằng chữ Hán, hát theo tiếng Quế Lâm (Trung Quốc). Âm hưởng lời ca nghiêm trang bí hiểm, vừa thiêng liêng, vừa sầu não. Khai quang bài hát có khoảng 150 câu chữ Hán, sử dụng nghệ thuật điệp ngữ. Mở đầu bài hát là mời tam hồn thất phách (với đàn ông), tam hồn cửu phách (với đàn bà) về kính tọa mời ngồi rồi hát những câu mở đường lên thiên đàng. Cầu cho vong hồn đi đường được thượng lộ bình an, không còn vấn vương một điều gì ở dưới trần gian. Trong quá trình hát xướng theo nhạc trống, kèn và thanh la, con cháu, anh em xếp
hàng đứng sau thầy tào đi vòng quanh linh cữu. Đi mỗi vòng quan tài, theo nhịp tiếng trống, nhịp thanh la, con cháu vái lạy vào linh cữu một lần.
3.2.2.3. Lễ cứu khổ (xóa tội vong nhân)
Cứu khổ cũng được tiến hành ngay đêm đầu tiên của lễ tang, bài hát gồm khoảng 200 câu thơ được viết bằng chữ Hán. Nội dung là những bài cầu nguyện xin được rửa tội, xá tội cho người chết. Những lỗi lầm ở đời được rửa thành điều thiện “từ bi tri giáo”, “ơn lưu thủy vi ích tử tôn”. Cầu cho những lỗi lầm người chết được tha thứ, biết hướng thiện, làm điều tích đức để công ơn cho đời, cho xã hội, ơn ấy như dòng nước (lưu thủy) làm phúc đức và những điều có ích cho con cháu tử tôn.
Thầy tào cầu xin Ngọc Hoàng giải trừ oan nghiệp cho linh hồn được siêu thoát, âm điệu của đoạn thơ thể hiện sự thống thiết, nghiêm trang. Cầu cho những lỗi lầm to nhỏ của linh hồn được “từ bi bác ái” (3.1.5. Phụ lục 3).
Kết thúc bài xá tội vong nhân bằng cách đốt tiền âm phủ, thầy tào nghỉ ngơi, con cháu lại tiếp tục theo sự điều hành của thầy phường.
3.2.2.4. Lễ xiên đàn phá ngục
Đồng bào Tày cho rằng, con người khi còn sống ở trần gian ai cũng có những lỗi lầm nhất định, ăn thịt sát sinh, tắm giặt ở sông, suối làm uế tạp thủy cung nên khi chết đi phải bị giam cầm ở địa ngục, chịu sự tra khảo, phán xét của thập điện Diêm Vương.
Người ta xây dựng một địa ngục giả được làm bằng các cọc tre, bên ngoài dùng vải quây lại tượng trưng cho thành lũy địa ngục, phía bên trong có đặt bát hương và bài vị của người chết. Hai bên cửa ngục người ta đặt 1 con gà, 1 con vịt đối xứng nhau. Phía trước ngục thầy lập dàn tế cầu khấn các vị thánh thần về chứng giám và giúp đỡ.
Thầy tào nhảy múa, làm các động tác tả xung hữu đột, tiếng nhạc trống, thanh la, não bạt nổi lên rầm rộ như một đạo quân hùng hậu đi lùng sục khắp
các cửa ngục để cứu thoát linh hồn khỏi bị tra khảo ở thập điện lâu, nhanh chóng được chuyển luân. Sau cùng tường lũy địa ngục bị phá, bài vị người chết được thầy đưa ra ngoài và chuyển giao cho người con trưởng. Các biểu sớ, tiền âm phủ được đốt lên, đoàn người theo thầy tào quay trở về nhà.
3.2.2.5. Lễ báo đền công đức và cầu nguyện
Tiếp theo các bài khai quang, xã tội vong nhân, thầy tào, thầy phường tiến hành thêm các bài hát xướng, ca thán, tiễn đưa hương hồn người chết. Tùy gia cảnh, tuổi tác của đối tượng, thầy chọn các bài, các tài liệu cho phù hợp. Nếu người chết đã có đủ con cháu, tuổi đã 60 trở lên thì chọn tài liệu Thọ linh gồm Nhị thập tứ hiếu (24 bài hiếu), nếu đối tượng dưới 60 tuổi, thầy chọn tài liệu Vong linh. Phần lễ này có thể hát xướng trong nhiều đêm.
Nội dung các bài hiếu đều kể về công đức của người đã mất đối với người thân trong gia đình, họ hàng. Bài đầu tiên thường để dành cho vợ chồng ly biệt, tài liệu ghi “Phu thê ly biệt”, “Phu thê cách biệt”, “Uyên ương ly biệt”, nội dung nói về tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, về nỗi đau thống thiết khi phải biệt ly và ước muốn được tái hợp trong kiếp sau. Con khóc cha (mẹ) có tài liệu Thập thán với 10 câu khóc than. Trong mỗi thán sẽ có 7 câu khóc than nói về công đức của cha (mẹ), niềm đau đớn, xót thương, sầu muộn của con cái khi phải biệt ly, tiễn đưa cha (mẹ) về cõi tiên giới. Bên cạnh đó còn có những bài cụ thể khóc riêng cha hoặc mẹ. Nếu cha chết thầy chọn thêm tài liệu “Thập niên hoa”, kể về công ơn của người cha, ca ngợi tinh thần cù lao chín chữ nuôi dạy con. Khóc mẹ có bài “Thập nguyệt hoài thai” kể mỗi tháng từ khi mẹ mang thai con với bao tâm trạng buồn lo, nỗi đau như đứt ruột, đứt gan khi sinh đẻ. Tiếp theo là những câu nói về công lao dưỡng dục, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Kết thúc là lời “Ly đường biệt” khóc tiễn đưa hồn mẹ.
Sau những bài khóc than báo đền công đức của tang gia đối với người mất, thầy làm lễ giải kết, một lần nữa bày tỏ nỗi niềm tiếc thương của gia đình
khi mất khi người thân, thầy cầu nguyện cho linh hồn được siêu thoát lên thiên đường, đoàn tụ với ông bà, tổ tiên ở cõi cực lạc.
3.2.2.6. Lễ tế
Lễ tế được diễn ra vào hôm trước ngày đưa người về nơi an nghỉ cuối cùng. Con cháu, họ hàng nội, ngoại thân tộc mỗi nhà sẽ chuẩn bị một mâm cúng thắp hương gồm thịt, bánh, hoa quả bày xung quanh linh cữu. Phía trước quan tài, dưới mâm cắm bài vị bày một hoặc hai con lợn chưa chặt, để úp. Con cháu, anh em thân thuộc quỳ phục trước linh cữu, anh em họ hàng xa đứng sau lưng. Tiến hành lễ, thầy đọc mệnh sinh, quê quán, ngày, tháng, năm, sinh (mất), tuổi thọ của người chết. Mời linh hồn về hưởng lễ vật, sau đó thầy đọc danh sách con cháu đến kính viếng theo trình tự từ gần đến xa (nội tộc, ngoại tộc). Phần lễ này thầy không đọc theo âm Hán - Việt mà đọc theo chữ Nôm - Tày với lời lẽ thống thiết, dễ hiểu . Bài tế thường được diễn ra trong vài tiếng đồng hồ. Kết thúc lời tế của thầy tào, tiếng trống, tiếng kèn, sáo nhị hòa lẫn tiếng hát xướng bi ai não nùng của thầy phường vang lên, tiếng khóc than của con cháu gọi người thân nghe thật não lòng. .
Sau lễ tế, thầy tào tiếp tục điều hành lễ kính thực, kính ẩm. Con cháu, anh em, họ hàng gần xa từng tốp một quỳ trước linh cữu làm động tác vái lạy, mời rượu, mời trà, mời cơm người hương hồn người chết.
Kết thúc buổi tế vong hồn là bữa cơm đông đủ nhất của tang gia, anh em nội ngoại gần xa đến viếng.
3.2.2.7. Lễ trao nhà táng, dâng cây hoa, cấp phó
Nhà táng do các thầy phường tự làm hoặc tang chủ có thể tự mua, khung nhà táng làm bằng nứa tép hoặc tre, trúc. Bên ngoài được trang trí cầu kỳ, dán các giấy màu với nhiều họa tiết khác nhau dùng để chụp lên quan tài khi đưa ma ra đồng.
Lễ này được tiến hành ở ngoài trời, tang gia sẽ chọn một bãi đất rộng và bằng phẳng, nhà táng được đặt ở vị trí trung tâm, gia đình chuẩn bị vật
cúng gồm 1 đôi gà, vịt sống, 1 mâm cúng gồm thủ lợn, bát xôi, 3 bát gạo, 3 chén rượu và vàng hương.
Thầy tào làm lễ cúng trao nhà táng cho người chết, con cháu, anh em họ hàng thân thích xếp hàng theo thầy tào vòng quanh nhà táng. Kết thúc các khoa, mục trong bài cúng, nhạc trống, chiêng nổi lên, con cháu theo lệnh của thầy tào sẽ vái lạy vào nhà táng một lần. Lễ này diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau lễ trao nhà táng, tang gia sẽ theo thầy tào quay về nhà, các con gái người chết sẽ ở lại theo sự chỉ đạo của thầy phường làm lễ dâng cây hoa cho người chết để báo hiếu, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục.
Lễ dâng hoa mang danh nghĩa là con gái người chết biếu tặng nhưng thực chất là gia đình con rể lo liệu. Mỗi cây hoa sẽ có 2 cô gái khiêng, các con gái sẽ đứng cạnh cây hoa của mình, xếp hàng trình tự theo thầy phường đi thành vòng tròn. Một thầy cả sẽ hát bài dâng hoa, bày tỏ lòng biết ơn, nỗi niềm đau xót của các con đối với người quá cố, tiếng sáo nhị, tiếng kèn được thổi lên hòa lẫn tiếng hát nghe thống thiết. Vòng cuối cùng lễ dâng hoa một thầy trình diễn múa công, chạy quanh các cây hoa để ngắm, để hái hoa và giao lưu với những người xung quanh. Phần lễ này ngoài ý nghĩa thể hiện sự báo hiếu của con gái người mất còn mang tính văn nghệ, giải trí góp phần làm thay đổi không khí bi lụy, đau buồn trong tang ma.
Trước hôm đưa tang, thầy tào kiểm định lại các loại tài sản mà con cháu biếu tặng cho người chết mang về mường trời. Thầy kê biên những loại tài sản như nhà táng, ngựa xe, vòng hoa, cây hoa, cây tiền và danh sách người tặng, sau đó đóng dấu Ngọc Hoàng rồi làm lễ gửi theo hương hồn. Phần lễ này thầy tào và thầy phường phối hợp xướng họa, đối đáp. Thầy tào phát vấn, thầy phường báo trình, lời trình của thầy phường có tính chất báo cáo tên các loại tài sản, tên con cháu gửi tặng. Kính đề nghị thầy tào đưa gửi đến nơi, đến chốn cho linh hồn, con cháu xin được bái tạ, hoàn ơn.