Chƣơng 3 : CÁC NGHI LỄ TRONG TANG MA
3.1. Những quy tắc ứng xử trƣớc tang lễ
3.1.2. Ứng xử của cộng đồng với gia đình có người thân vừa mất
3.1.2.1. Ứng xử của các gia đình trong họ
Người Tày vốn có truyền thống coi trọng dòng họ, những người trong cùng họ đặc biệt là cùng chi đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội. Mỗi gia đình người Tày, khi có những chuyện “đại sự” (cưới xin, tang ma) đều được các thành viên trong họ góp công góp sức giúp đỡ. Khi nhận được thông tin từ gia đình có người mất, những người trong họ sẽ cùng nhau đến giúp gia chủ lo việc hậu sự.
Một số thành viên trong họ giúp hái lá thơm, lá bưởi đun nước tắm rửa cho người chết, giúp thay quần áo mới, chuẩn bị vải vóc cố định chân tay người chết; giúp gia đình thu dọn các đồ đạc tư trang của người mất, dọn dẹp bố trí không gian nhà cửa để chuẩn bị cho tang lễ, v.v... Mỗi gia đình trong họ tặng cho gia đình người chết một tấm vải trắng dài khoảng 1,5 m, khổ 40 cm dùng làm vải liệm.
Đại điện các gia đình trong họ sẽ ngồi lại với gia chủ để bàn bạc, thống nhất việc các công việc tổ chức tang lễ, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân hay nhóm người làm những công việc cụ thể như: nhóm đi báo tin cho trùm phường và anh em họ hàng gần xa; nhóm đi đón thầy tào, thầy phường; nhóm phụ trách bếp; nhóm chuyên lo đồ lễ cúng bái cho thầy tào, đón nhận đồ lễ của người viếng, thay mặt gia đình lo việc đáp lễ; nhóm hướng dẫn các anh em hàng phường làm những công việc cần thiết cho tang gia; người ghi sổ chi tiêu và danh sách những người đến viếng, người đại diện tang chủ tiếp khách
v.v…. Các thành viên trong gia đình dòng họ đều đón nhận nhiệm vụ và thực hiện một cách tự nguyện, có trách nhiệm cao.
Tùy theo quy định của từng dòng họ mà các gia đình có những khoản đóng góp nhất định để giúp đỡ gia chủ tổ chức tang lễ. Những khoản đóng góp đó thường là rượu, gạo nếp, tiền, v.v…Trưởng họ hoặc người ghi sổ có trách nhiệm kiểm tra và lập danh sách, ghi đầy đủ tên người và số lượng những khoản đóng góp. Ngoài ra, mỗi gia đình trong họ phải chuẩn bị một mâm cúng gồm bánh giày, gà luộc thắp hương bày quanh linh cữu người chết. Một số địa phương khi trong họ có người chết sẽ làm lễ tế họ nên các gia đình phải bàn bạc, thống nhất về đồ tế lễ (thường là một con lợn, một mâm xôi hoặc nửa con lợn, một mâm xôi). Một số dòng họ có ít thành viên có thể dùng thủ lợn hoặc gà thiến làm đố tế (thay cho cả con lợn). Trưởng họ sẽ có trách nhiệm bàn với thầy tào về thời gian tế lễ sau đó thông báo lại cho các gia đình trong họ.
3.1.2.2. Ứng xử của những người trong làng
Người Tày vốn có truyền thống tương thân tương ái, trong tang ma tính cộng đồng làng bản càng được thể hiện cao. Hàng xóm sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau nên mỗi khi làng có tang, các thành viên trong cộng đồng đều đến chia buồn cùng tang chủ, thắp cho người quá cố nén hương để tỏ lòng thương tiếc.
Từ lâu trong cộng đồng làng xóm của người Tày đã lập ra hàng phường tang lễ để giúp đỡ hỗ trợ nhau trong tang ma. Mỗi hàng phường thường có khoảng 20 đến 30 hộ dân, những làng bản nhỏ, ít cư dân thường chỉ có một hàng phường. Những bản làng lớn, dân cư đông thì sẽ chia tách thành nhiều hàng phường khác nhau.
Hàng phường được thành lập xuất phát từ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt cộng đồng, được hầu hết các thành viên tự nguyện tham gia. Hàng
phường có điều lệ, nguyên tắc hoạt động riêng được thống nhất, bắt buộc tất cả các thành viên phải tuân thủ. Các hoạt động của hàng phường trong tang ma chịu sự điều hành của Trùm trưởng. Đảm nhận chức vụ trùm trưởng là nghĩa vụ bắt buộc, được luân phiên giữa các gia đình trong cộng đồng vừa mới tổ chức đám hiếu. Khi kết thúc đám tang nghĩa vụ trùm trưởng sẽ được giao lại cho tang chủ để tang chủ đảm nhận chức trùm trưởng điều hành đám hiếu tiếp theo.
Sau khi nhận được thông tin báo tang của gia đình có người chết, các hộ thuộc hàng phường sẽ cử một thành viên đại diện (phải từ 18 tuổi trở lên) đến nhà trùm trưởng hoặc tang gia tập trung để trùm trưởng phân công các công việc sau khi đã bàn bạc với tang chủ. Các thành viên trong cộng đồng sẽ được trùm trưởng phân thành các nhóm đảm nhận các công viêc khác nhau như nhóm đi chặt cây để chống nhà, nhóm đi chặt nứa tép về làm nhà táng, nhóm làm bếp, nhóm dựng lều, lán, v.v…Tất cả các công việc đều là nghĩa vụ của các thành viên hàng phường nên họ có tính tự giác cao. Ngoài ra, hàng phường còn có nhiệm vụ đóng góp thêm gạo, rượu, củi,… theo quy định để hỗ trợ cho tang ma. Trước hôm đưa tang các thành viên hàng phường tiếp tục chịu sự phân công của trùm trường như đi đào huyệt, chuẩn bị đuốc, chuẩn bị tre, lạt để làm cầu thang khiêng quan tài người chết từ nhà sàn đi xuống, làm cáng để khiêng quan tài ra nghĩa địa. Trùm trưởng sẽ hỏi thầy tào về thời gian đưa ma, sau đó thông báo lại với thành viên hàng phường, thống nhất thời gian tập trung để giúp tang chủ đưa linh cữu người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau mỗi buổi góp công, góp sức của anh em hàng phường, tang gia sẽ mời họ dùng cơm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
3.1.2.3. Ứng xử của Thầy Tào, thầy lễ, thầy phường a. Ứng xử của thầy tào
Thầy tào hay còn gọi là “thầy đạo”, “phỏ thao”, “slây”, là người có quyền năng liên lạc giữa thế giới người sống với người chết, với các vị thần linh. Trong tang ma của người Tày, thầy tào được mời đến để chủ trì đám ma,
triệu hồn người chết về sau đó cầu nguyện và bày tỏ lòng tiếc thương của gia đình, cộng đồng đối với người quá cố, cuối cùng là tiễn đưa linh hồn người chết về cõi trời.
Khi tang gia cử người đến mời thầy tào về làm lễ, nếu nhận lời thầy sẽ thắp hương trình báo, xin phép tổ tiên, tổ sư đi hành nghề và cầu mong tổ sư sẽ giúp đỡ, phù trợ để thầy tào hoàn thành công việc. Sau đó, thầy chuẩn bị các vật dụng cần thiết giao cho người đến đón thầy mang về tang gia trước. Thầy sẽ thông báo và tập hợp các môn đệ cùng đến nhà tang chủ. Thầy tào coi việc hành nghề là “cứu nhân độ thế” nên không phân biệt gia chủ giàu hay nghèo, nếu không bị trùng lịch, sức khỏe được đảm bảo thì thầy đều nhận lời mời đến làm lễ.
Khi thầy tào đến, trưởng nam của gia đình có tang sẽ quỳ lạy ở trước sân để đón thầy. Thầy sẽ làm phù phép trấn yểm trước nhà để tránh ma quỷ vào theo quấy nhiễu. Sau đó thầy vào nhà làm phép chào linh hồn người chết và tổ tiên của tang gia.
Trước khi tiến hành các nghi lễ, thầy tào yêu cầu gia đình sắm một mâm lễ đặt ở ngoài sân để thầy làm mo cúng các vị sơn thần thổ địa, thủy hạ Long Vương quanh vùng với nội dung trình báo, xin phép và kính mời các vị thần về dự lễ, cầu mong các vị thần bảo vệ, che chở, không cho các loại ma quỷ xâm nhập, quẫy phá trong quá trình làm lễ. Mâm lễ thường gồm 1 con gà luộc, 1 miếng thịt lợn, 3 cơm và 3 chén rượu.
Cũng theo yêu cầu của thầy tào, con cháu trong gia đình chuẩn bị một khu vực dành riêng cho thầy tào, lập bàn thờ tại đó trên đặt một mâm tào và một mâm lễ (hiện nay thầy lễ hầu như không còn tồn tại nên mâm lễ được đặt cùng với mâm tào). Mỗi mâm có 4 bát gạo, 4 chén rượu, trên mâm tào chỉ thắp hương trên 3 bát gạo, còn 1 bát dành cho binh mã nên chỉ đốt tiền âm phủ. Trên mâm tào thường có treo các câu đối hay các chữ được viết bằng
chữ Hán, (một số nơi có treo các bức tranh) thể hiện nội dung thờ phụng tổ sư, chiêu tập binh mã hay biểu tượng cho sức mạnh của dòng tào.
Khu vực thờ tự của thầy tào được coi là nơi tướng quân, âm binh trú ngụ nên không ai được phép tùy tiện đi vào. Với quan niệm “đông cực cung”
hay “đông bắc bất ly thánh” nên mâm thờ thường được đặt ở hướng đông hoặc hướng bắc trong nhà vì các thầy tào cho rằng đây là hai hướng dành cho các vị thần thánh, tổ sư của họ.
Sắp xếp và trang trí xong bàn thờ tổ sư, thầy làm phép trừ tà ma. Sau đó, thầy thắp hương, quỳ lạy, thỉnh cầu tổ sư phù hộ trong quá trình thực hiện tang lễ (3.1.1.phụ lục 3). Khi thỉnh cầu tổ sư xong, thầy tào bắt đầu làm việc và tiến hành các nghi lễ tiếp theo.
b. Ứng xử của thầy lễ
Trước đây, cùng với thầy tào còn có các thầy lễ góp phần chủ trì đám tang mà người Tày gọi chung là “slây lệ”. Nhóm thầy lễ thường gồm 6 người (lục lệ)
tự thành lập hoặc do hội làng cử ra, họ là những người hiểu biết chữ nghĩa, phong tục tập quán, tang ma. Trong đám tang, các thầy lễ đảm nhận việc soạn thảo các loại văn tế và thực hành tế lễ.
Một bộ phận thầy lễ sẽ tiếp xúc với những người phục hiếu để nắm rõ mối quan hệ của từng đối tượng với người quá cố, qua đó hiểu được tâm tư, tình cảm của những người thụ tang dành cho người đã mất để soạn thảo ra những bài văn tế phù hợp với từng đối tượng. Nội dung các bài tế lễ bày tỏ nỗi niềm thương tiếc, xót xa, là những lời khóc than, kể về công đức của người qua đời, là lời mời linh hồn người đã mất về thụ hưởng hương hoa, lễ vật, nhận tấm lòng thành của con cháu trong buổi tế lễ, cầu mong cho linh hồn người quá cố được siêu thoát để được lên thiên đàng, v.v...
Trang phục được thầy lễ mặc trong các buổi tế là chiếc áo màu vàng rộng và dài. Các thầy lễ sử dụng 1 thanh la, 2 não bạt (một bộ to, một bộ nhỏ) được nổi lên khi tế lễ hòa với tiếng kèn đám ma nghe réo rắt, thảm thiết.
Hiện nay, trong tang ma của người Tày ở Trùng Khánh, đội ngũ thầy lễ hầu như không còn tồn tại nữa vì không thể tìm được những người vừa biết chữ Hán, chữ Nôm Tày vừa tâm huyết với công việc. Chính vì vậy, trong tang ma của người Tày ngày nay, thầy tào sẽ đảm nhận cả các công việc của thầy lễ. Trong khu vực thờ tự của thầy tào (ở gia đình có tang), như trên đã đề cập, bên cạnh “mâm tào”, người ta thường đặt thêm “mâm lễ”, mâm cúng dành cho thầy lễ.
c. Ứng xử của thầy phường
Thầy phường ở đây thực ra là những người thuộc phường bát âm. Chính vì vậy, nhóm thầy phường thường gồm khoảng 8 người với 1 người xướng, 1 người thổi kèn, 1 người thổi sáo, 2 người múa và người đánh trống, 2 người dâng rượu.
Trong các nghi lễ tang ma của người Tày không bắt buộc phải có nhóm phường. Tuy nhiên, để báo hiếu cha mẹ, con cháu thường cố gắng lo đầy đủ, chu đáo việc tang ma cho người mất. Vì vậy, các thầy phường vẫn được các tang chủ trọng dụng. Với những trường hợp gia đình có người chết trẻ, người chết không có đầy đủ con cháu thì thầy phường không được mời tham gia tang lễ. Tang gia cũng sẽ dành một khoảng không gian riêng cho nhóm các thầy phường. Ở đó, cũng có bày một mâm cúng gồm 4 bát gạo, 4 chén rượu, tiền lễ và hương nến.
Công việc chính của nhóm phường là hát xướng, khóc than người mất thay cho gia đình và theo yêu cầu của từng đối tượng thụ tang, kết hợp với kèn, trống, sáo, nhị, v.v… sao cho thật não nùng. Bên cạnh đó, để thay đổi không khí trong tang ma, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát người thân, của gia quyến, nhóm phường cũng thường biểu diễn một số tiết mục văn nghệ mang tính nhân văn cao, như hát đối đáp với những người đại diện cho gia đình, cộng đồng tham gia đám tang, trình diễn múa lồi, múa chúc chén, múa
công, múa phượng, v.v… Ngoài ra, các thầy phường còn tham gia làm nhà táng, trang trí nhà táng cho người mất chết; thầy phường chính có trách nhiệm đi kiểm kê các loại nhà xe, nhà táng, các vòng hoa, ngựa xe, cây hoa, tiền âm phủ của con cháu biếu tặng cho người quá cố, trình báo lại cho thầy tào để thầy tào xác nhận, đóng dấu Ngọc Hoàng, nộp lên mường trời cho người chết.