Chƣơng 3 : CÁC NGHI LỄ TRONG TANG MA
4.3. Biến đổi trong tang ma của ngƣời Tày Trùng Khánh hiện nay
4.3.1. Biến đổi về đồ lễ
Cuộc sống hiện đại dưới những tác động của nền kinh tế thị trường cùng với sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt là giao lưu văn hóa với người Kinh đã khiến cho các hình thức văn hóa cổ truyền của người Tày ít nhiều bị biến đổi, trong đó có những biến đổi của tang ma. Biểu hiện rõ nhất là những biến đổi của đồ lễ trong đám tang. Bên cạnh những lễ vật truyền thống bắt buộc phải có đã xuất hiện những đồ lễ hiện đại.
Trước đây vải liệm dành cho người chết hay dùng để may quần áo tang đều do con cháu trong gia đình tự tay dệt. Hiện nay đã có thể mua ở chợ với nhiều chất liệu khác nhau. Các đồ phúng viếng đã có nhiều sự thay đổi theo xu hướng giản tiện, gọn nhẹ. Trước đây, anh em họ hàng thân thích đến viếng
người chết phải sắm lễ vật gồm một mâm bánh dày, một con gà luộc hoặc một miếng thịt luộc (khoảng 1 kg), nhưng hiện nay nhiều người đã thay thế các loại tiện lễ vật bằng hoa quả, bánh kẹo với nhiều mẫu mã hiện đại được bán trên thị trường. Trong một số trường hợp, những lễ vật truyền thống như gạo, rượu đã được thay thế bằng tiền. Hình thức đưa phong bì, trước đây không hề có, cũng khá phổ biến ở khu vực gần chợ và thị trấn.
Đồ mã là một trong những loại lễ vật biến đổi nhiều nhất trong tang ma. Trước kia, đồ mã đều do những nghệ nhân không chuyên ở địa phương tự làm, nhưng hiện nay do sự tác động của kinh tế thị trường đã xuất hiện nhiều điểm kinh doanh chuyên bán các loại đồ mã làm sẵn với nhiều màu sắc sặc sỡ, mẫu mã đẹp như nhà táng, cây hoa, cây tiền, ngựa giấy, mũ áo, tiền âm phủ, v.v...., người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Ông Nông Ích Mến trong đám tang cha mình là ông Nông Ích Khưu nói: “Gia đình chúng tôi thống nhất mua đồ mã trọn gói kính tặng hương hồn cha, vừa nhanh gọn, tiện lợi. Vì nếu tự làm đồ mã thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn công sức của nhiều người”. Tuy nhiên, sự hiện đại về đồ mã phần nào đã làm giảm đi giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngôi nhà táng do thầy phường làm với kiến trúc ba tầng được trang hoàng lộng lẫy đã thay thế bằng ngôi nhà thấp và đơn giản hơn, những họa tiết trang trí cầu kỳ đã bị giảm bớt; cây hoa truyền thống tự làm trước đây thường cao và lộng lẫy hơn đã được thay thế bằng cây hoa có cấu trúc gọn nhẹ, thuận lợi trong việc vận chuyển; những đồng tiền âm phủ tự cắt bằng giấy bản trước đây phần nào cũng đã được thay thế bằng những đồng tiền âm phủ in sẵn, trong đó có cả tiền polymer âm phủ, dola âm phủ trước đây chưa hề được sử dụng trong danh sách đồ mã truyền thống của người Tày. Sự thay đổi đó phần lớn diễn ra chủ yếu ở khu vực thị trấn và những địa phương gần chợ, những nơi buôn bán nhộn nhịp. Những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế kém phát
triển hơn thường bảo lưu được những phương thức truyền thống, đồ mã phúng viếng vẫn do các nghệ nhân địa phương tự làm.
Xu hướng biến đổi về đồ lễ trong tang ma sẽ tiếp tục diễn ra ngày một mạnh mẽ. Đó là xu hướng phát triển tất yếu dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các địa phương, dân tộc. Đặc biệt là tác động của văn hóa hiện đại vào văn hóa truyền thống của người Tày.
4.3.2. Biến đổi về thời gian tổ chức nghi lễ
Tang lễ của người Tày Trùng Khánh hiện nay đã rút ngắn về mặt thời gian, bỏ bớt các nghi lễ được cho là không cần thiết. Trước đây tang ma truyền thống của người Tày diễn ra trung bình từ 3 - 7 ngày thậm chí một số gia đình giàu có còn kéo dài thời gian tang ma lên 10 ngày hoặc lâu hơn nữa để khuếch chương sự giàu có. Ngày nay, theo sự vận động của chính quyền địa phương (hay cuộc vận động đời sống văn hóa mới) thời gian tổ chức tang lễ được giảm xuống còn từ 2 - 3 ngày. Chị Hoàng Thu Hiền, phó bí thư Đảng Ủy xã Đàm Thủy cho biết: “Ở xã chúng tôi, kể từ khi vận động bà con rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ, hầu như đều được người dân chấp thuận. Vì đám tang kéo dài nhiều ngày không chỉ liên quan đến vấn đề vệ sinh mà kéo theo những hệ lụy về gánh nặng kinh tế cộng thêm những ảnh hưởng đến sức khỏe của những đối tượng thụ tang phải thực hành các nghi lễ tang ma trong nhiều ngày”.
Sự rút ngắn về mặt thời gian tổ chức tang ma tất yếu dẫn tới việc giản tiện, giảm bớt một số nghi lễ. Theo đó, phải có sự lược bỏ những nghi lễ không cần thiết mà chỉ tập trung vào những nghi lễ chính. Thầy tào, thầy phường cũng phải tự chọn những bài mo, bài xướng cho phù hợp. Phần lớn những nội dung mang tính chất giải trí như các điệu múa của thầy phường hay những phần giao lưu giữa thầy tào, thầy phường với tang gia đều bị bỏ bớt mà chỉ giữ lại những nội dung chính trong nghi lễ.
Xu hướng giảm bớt thời lượng và các nghi lễ trong tang ma còn do những thế hệ thầy tào lớp sau khởi xướng. Vì thực tế hiện nay, lực lượng thầy tào trong xã hội người Tày Trùng khánh không còn nhiều. So với các nghề cúng bái khác thì thầy tào được sử dụng rộng rãi hơn cả vì vừa có thể chủ trì đám tang, vừa có thể làm các lễ giải hạn, lễ mừng nhà mới, lễ đầy tháng trẻ em, v.v.... Chính vì vậy, mà nhiều thầy tào luôn phải “chạy sô” để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Thực thế “cầu” nhiều hơn “cung” nên có những thầy tào phần vì mục đích phục vụ nhân dân, một phần coi đó là một trong những phương thức để kiếm tiền, trục lợi nên đã tự điều chỉnh các nghi lễ cho phù hợp với thời gian biểu của thầy.
Việc gảm bớt những nghi lễ phức tạp, rườm rà không cần thiết, gây tốn kém trong tang ma của người Tày huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Nhưng điều chỉnh, bỏ bớt các nghi lễ cụ thể nào để không mất đi giá trị văn hóa cổ truyền và phù hợp với xu hướng phát triển của văn hóa hiện đại là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm không chỉ riêng bản thân các thầy tào, thầy phường mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan cùng toàn thể nhân dân.
4.3.3. Biến đổi phương tiện hành lễ
Biểu hiện rõ nhất trong biến đổi về phương tiện hành lễ của thầy tào là trang phục. Trước kia, trang phục của thầy tào thường phải tự thêu, dệt với những họa tiết, hoa văn trang trí cầu kỳ, nhưng hiện nay trang phục của thầy tào đã có thể mua sẵn ở ngoài chợ. Tuy nhiên, hình thức trang trí của bộ trang phục này không thể đẹp bằng tự làm và tính thiêng cũng phần nào bị giảm bớt.
Trong tang ma cổ truyền của người Tày, thầy tào thường treo những bức tranh thờ khi hành lễ. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết tranh thờ trong tang ma đã của người Tày ở Trùng Khánh đã không còn nữa, một phần vì để lâu nên
các bức tranh đã bị cũ nát, một phần do nhiều nguyên nhân lịch sử nên tranh bị cháy hoặc thất lạc. Chính vì vậy, nhiều nơi thầy tào đã thay thế các bộ tranh thờ bằng cách viết tên các vị thần bằng chữ Hán để treo trên dàn cúng. Điều này không chỉ làm giảm bớt tính thiêng của nghi lễ mà còn làm giảm cả tính nghệ thuật trong tang lễ. Thầy tào La Công Khoát (85 tuổi) ở xã Cao Thăng cho biết: “Trước đây tôi có tranh thờ để hành lễ trong tang ma do các thế hệ trước để lại nhưng về sau đã bị chính quyền địa phương tịch thu trong cuộc vận động bài trừ mê tín dị đoan”. Thầy Tào Nông Đình Lẻ (52 tuổi) ở xã Đàm Thủy cũng cho biết cho biết thêm: “Ngày nay, hầu hết các thầy tào không còn sử dụng tranh thờ trong tang ma nữa vì phần lớn các bộ tranh thờ đã không còn hoặc còn cũng không đầy đủ. Tang ma hiện nay cũng được tổ chức gọn nhẹ hơn trước nên treo tranh thờ sẽ làm rườm rà, phức tạp thêm các nghi lễ. Chỉ cần viết tên các vị thần hay các câu đối lên trên dàn cúng là được”.
Như vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại đã kéo theo những biến đổi tất yếu trong tang ma của người Tày. Có những biến đổi phù hợp, có những biến đổi đang có nguy cơ làm mai một vốn văn hóa cổ truyền trong tang ma cần phải có những chính sách bảo tồn hợp lý.