Chƣơng 3 : CÁC NGHI LỄ TRONG TANG MA
3.2. Nghi lễ trong tang ma ngƣời chết thƣờng
3.2.4. Các nghi lễ sau khi chôn cất
3.2.4.1. Lễ cúng 3 ngày
Sau lễ tang 3 ngày, con cháu trong gia đình và họ hàng lại hội tụ về nhà người mất và cùng nhau mang đồ cúng ra mồ. Một trong những người con của người mất đại diện gia đình quỳ lạy, thắp hương và mời người mất về hưởng lễ. Cúng xong, con cháu xây đắp lại mộ rồi dùng tre hoặc gỗ rào lại kín đáo để cho “mồ yên mả đẹp”.
Trong thời gian chịu tang sau lễ 3 ngày đến lễ 100 ngày con cháu trong gia đình không tham gia vào các sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng, không đi dự đám cưới, đám chúc thọ. Nếu là họ hàng thân thích bắt buộc thì nhờ người thân trong họ mang đồ lễ đến mừng giúp.
3.2.4.2. Lễ cúng 100 ngày
Sau lễ cúng 3 ngày là lễ cúng 100 ngày. Con cháu, anh em họ hàng thân thích lại trở về nhà người mất mang theo lễ vật bao gồm xôi hoặc bánh giầy, gà luộc hoặc thịt lợn, thắp hương dâng lên bàn thờ. Chủ gia đình trình báo với tổ tiên và người mất lý do làm lễ. Gia đình sẽ mời anh em họ hàng thân thiết dùng cơm. Sau lễ này, những kiêng kỵ trong vòng một 100 ngày của con cháu trong gia đình cũng sẽ được xóa bỏ. Sau lễ 100 ngày, Con trai, con gái, con dâu, con rể người mất đổi khăn tang trắng sang khăn tang màu chàm và phải đội tang cho đến 3 năm (hiện nay thời gian chịu tang được rút ngắn lại từ 18 - 24 tháng).
Trong thời gian chịu tang, con cháu người mất phải kiêng kỵ nhiều thứ để tỏ lòng tiếc thương, buồn đau, sự hiếu thuận đối với người quá cố. Kiêng không ăn các thứ như ốc, nhãn, hành, kiệu, cá chép, gừng, giềng, nấm, v.v…Vì người Tày cho rằng những thứ này tượng trưng cho các bộ phận cơ thể của người quá cố. Ốc, nhãn biểu tượng cho con mắt, hành, kiệu là tóc, nấm tượng trưng cho tai, cá chép được hình dung như bàn chân người quá cố,
gừng, giềng tượng trưng cho các ngón chân người mất. Kiêng không ăn bánh do (loại bánh làm bằng gạo nếp ngâm qua nước lọc tro) vì liên quan đến tro bếp rải xuống áo quan người qua đời.
Bên cạnh những kiêng kỵ khắt khe trong ăn uống, thời gian chịu tang (3 năm hoặc 18 - 24 tháng), con cháu trong gia đình không được làm những việc đại sự như dựng vợ, gả chồng, làm nhà mới.
3.2.4.3. Lễ cất tang
Lễ cất tang trước đây thường tổ chức sau khi người chết được 3 năm, nhưng hiện nay do phải chịu những kiêng kỵ phiền hà khắt khe nên ở một số địa phương thường rút ngắn xuống 18 hoặc 24 tháng. Khi đã quyết định ngày làm lễ, con cháu mời thầy tào đến nhà làm lễ cất tang. Sau lễ này, nhiệm vụ lo ma chay cho người chết coi như đã hoàn thành, linh hồn người chết vĩnh viễn ở lại với tổ tiên ở bên kia thế giới và luôn dõi theo, phù hộ con cháu. Sau lễ cất tang, gia đình người chết không phải kiêng kỵ bất cứ điều gì nữa.
Khác với người Kinh, trong phong tục tang ma người Tày không có tục bốc mả, cải tang; Người Tày cũng không tổ chức việc cúng giỗ hàng năm cho người thân đã chết. Sau lễ cất tang, trong nhà không đặt bát hương để thờ riêng cho người mới chết, mà chỉ thờ chung tại bàn thờ tổ tiên. Các gia đình tiến hành cúng tại bàn thờ tổ tiên vào các lễ dịp tết thường niên, đặc biệt là tết Nguyên đán và tết Thanh minh tảo mộ, ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm.