Quan niệm về thế giới ba tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang ma của người tày ở huyện trùng khánh tỉnh cao bằng luận văn ths khu vực học 60 22 01 13 (Trang 40 - 43)

Chƣơng 1 : TỔNG QUAN VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ CƢ DÂN

2.1. Quan niệm của ngƣời Tày về thế giới tự nhiên và con ngƣời

2.1.1. Quan niệm về thế giới ba tầng

2.1.1.1. Mường trời

Người Tày quan niệm thế giới có ba tầng tương ứng với ba mường, đó là mường trời, mường đất và mường nước. Mỗi mường đều có những dạng thần linh, ma quỷ (phi) khác nhau. Mường trời là nơi ngự trị của các vị thần linh có quyền năng tối cao quyết định mọi vấn đề sinh tử, số mệnh của con người như Ngọc Hoàng (Pho Vạ), Nam Tào, Bắc Đẩu, Mẻ Booc (bà mụ), v.v…. Đồng thời mường trời cũng là nơi trú ngụ của linh hồn sau khi chết (lên thiên đàng), là thế gới thần tiên.

Với quan niệm “trần sao âm vậy” bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, người Tày đã xây dựng nên một thế giới mường trời sống động không khác gì thế giới mặt đất. Ở đó cũng có các địa danh, đơn vị hành chính, các tuyến đường giao thông để nối liền những địa danh, các đơn vị hành chính với nhau. Đó là các tuyến đường bộ vượt qua núi rừng đại ngàn hiểm trở như các đỉnh Khau Khắc, Khau Cài, v.v... và các tuyến đường thủy vượt qua sông sâu biển cả với nhiều loài thủy quái như thuồng luồng (phi ngược), rắn rết, v.v...

Cũng giống như ở mường đất, nơi ở của các vị thần, linh hồn người chết trên thiên đường, mường trời được phân chia thành nhiều khu vực riêng biệt như cung Ngọc Hoàng, cung Phật bà Quan Âm, cung Nam Tào, Bắc Đẩu, các chốn bồng lai tiên cảnh, các bản làng của những người chết cư trú theo gia đình, dòng họ hay theo các tầng lớp như mo, then, pụt, tào; các tầng lớp binh lính, phu phen, quan lại, các làng của những người thiện, kẻ ác, gái góa, v.v… Mường trời cũng có phố phường, hội chợ buôn bán sầm uất như chợ Tam Quan nơi gặp gỡ giao lưu với người Trần, chợ Hàng Phố, chợ của những

người chết trẻ (hang slao, hang bao), có các thú vui tương ứng với từng lứa tuổi, trẻ chơi quay, lớn tung còn, già thưởng ngoạn múa hát, v.v…

Quan niệm về thế giới mường trời nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của con người về vũ trụ còn xuất phát từ tục thờ trời đã có từ xa xưa. Người Tày cho rằng Trời (phạ) là chúa tể của muôn loài, mặc dù trời ở rất xa, người thường không thể nhìn thấy, không thể nắm bắt được, nhưng qua dải sông ngân hà trong suốt như một tấm kính khổng lồ trời có thể nhìn thấu được mọi việc diễn ra ở dưới trần gian. Chính vì thế mà người Tày thường hay cầu trời mỗi khi gặp khó khăn, oan khổ để trời phù hộ hoặc chứng kiến việc mình làm và quan niệm những kẻ gian ác sẽ bị trời trừng phạt, sai thiên lôi xuống đánh (phạ khiêc).

2.1.1.2. Mường đất

Mường đất là thế giới vật chất cụ thể thuộc về cõi dương, nơi con người sinh sống, cư trú hữu hạn theo số mệnh của mình với những luật tục riêng. Bên cạnh đó, mường đất còn có một lực lượng vô hình thuộc về cõi âm, người Tày thường gọi là phi (tạm hiểu là ma, bao gồm cả ma lành và ma dữ, tức là phúc thần và hung thần) được phân tầng chủ yếu theo các cấp độ gia đình, làng bản và thiên nhiên.

Trong gia đình người Tày thường có các loại ma như ma tổ tiên

(phi rườn) luôn phù hộ con cháu, ma mụ (mẻ booc) chuyên trông coi trẻ nhỏ, ma bếp (phi phỉnh phầy) trông coi việc bếp núc, v.v… Trong làng bản của người Tày thường có các loại ma thổ công, ma bản (phi cốc bản)

có chức năng trông coi, cai quản mọi việc trong bản. Bên cạnh việc liên quan đến cõi âm, mường đất còn có ma của người chết chôn ở ngoài nghĩa địa, ma của những người chết trẻ, chết đầy thương tích, chết đuối (phi slương, phi mêt) thường lang thang vất vưởng ở các ngã ba đường. Ngoài ra, xung quanh khu vực cư trú của người Tày còn có các loại ma như ma rừng (phi rân), ma nước (phi nặm), v.v...

Các loại ma trong gia đình và ma bản là ma lành thường bảo vệ người, súc vật và mùa màng trước sự phá hoại của tà ma, quỷ quái được nhân dân đặc biệt coi trọng thờ cúng. Các loại ma dữ như như ma rừng (phi rân), ma nước (phi nặm), ma những người chết trẻ, người chết đầy thương tích, chết đuối (phi slương, phi mêt), thường tìm cách ám hại con người, súc vật và mùa màng và không được người Tày thờ cúng. Tuy nhiên khi có người ốm yếu (bị khoăn ni), nếu thầy cúng phát hiện ra con ma nào ám hại, quấy rầy thì sẽ phải làm lễ cúng con ma đó. Ngay cả ma lành thường ban phúc cho người trần nhưng nếu con người làm sai trái, không lo việc cúng bái đầy đủ thì ma lành cũng sẽ trừng phạt và quấy rầy người sống.

Mường đất là trung tâm của sự sống, với quan niệm vạn vật hữu linh nên trong quan niệm của người Tày, bất kỳ sự vật từ con người đến cỏ cây, sông núi, đồng ruộng, động vật đều có linh hồn từ đó đã nảy sinh ra hàng loạt các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cùng nhiều nghi lễ thờ cúng theo quy định trong năm hoặc những nghi lễ bất thường.

2.1.1.3. Mường nước

Mường nước ở dưới mặt đất, là nơi ngự trị của Long Vương địa phủ, các vị thần và nhiều loại ma quỷ khác như ma thuồng luồng (phi ngược), ma những người chết do tai nạn sông nước (phi mêt), v.v… Mường nước nổi tiếng với 10 tầng địa ngục: Thập điện Diêm Vương, bao gồm các điện: Tần Quản Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Bình Chính Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương. Do trong quá trình sinh sống ở trần gian con người thường gây ra các tội lỗi khó tránh khỏi như ăn thịt, sát sinh, tắm rửa giặt giũ làm uế tạp đến thủy cung nên khi chết đi, linh hồn người chết tạm thời bị Long vương giam giữ, tra khảo, phán xét tại mười tầng địa ngục. Trong tang ma thầy Tào thường làm lễ chuộc hồn, giải cứu linh hồn người chết từ mường nước để đưa về mường trời.

Các vị thần ở mường nước có thể ban phúc lành cho trần gian như cung cấp nguồn nước cho con người. Trong các dịp lễ tết, hay trong tang ma con người thường làm lễ cúng bái, cầu xin Long Vương ban cho nước thánh để tẩy uế. Tuy nhiên, nếu con người phạm phải những điều sai trái như làm bẩn nguồn nước, gây uế tạp đến thủy cung thì các vị thần ở dưới nước cũng sẽ ra tay trừng phạt, thậm chí gây nên những trận đại hồng thủy tiêu diệt loài người. Người Tày cho rằng những người chết đuối là do phi mêt, phi ngược

bắt đi để hầu hạ Long Vương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang ma của người tày ở huyện trùng khánh tỉnh cao bằng luận văn ths khu vực học 60 22 01 13 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)