Nguyên nhân dẫn đến hình thành khu vực kinh tế chưa được quan sát

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) Đo lường quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam Tiếp cận MIMIC (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

2.4. Nguyên nhân dẫn đến hình thành khu vực kinh tế chưa được quan sát

Việc hình thành và phát triển của khu vực kinh tế chưa được quan sát do nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Theo Friedrich Schneider và Enste (2000) các nguyên nhân quan trọng nhất đó là: (i) gánh nặng thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội; (ii) hệ thống các quy định của pháp luật về thị trường lao động; (iii) dịch vụ khu vực công; (iv) sự suy giảm của nền kinh tế chính thức; (v) tỷ lệ thất nghiệp.

2.4.1. Gánh nặng thuế và các khoản đóng góp xã hội

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gánh nặng thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng quy mô của nền kinh tế phi chính thức (Friedrich Schneider, Buehn, & Montenegro, 2010; F. Schneider & Enste, 2003; Tanzi, 1980). Về mặt lý thuyết, thuế tác động lên quyết định giữa làm việc và nghỉ ngơi của các cá nhân và đồng thời cũng kích thích nguồn cung lao động trong khu vực kinh tế này.

Theo F. Schneider và Enste (2003), chính sách thuế và phúc lợi xã hội tác động nhiều đến thu nhập trước và sau thuế. Càng nhiều khoản đóng góp thì thu nhập thực nhận sau thuế của người lao động sẽ thấp đi và nếu khoản chênh lệch này càng lớn thì động cơ để người lao động tham gia vào nền kinh tế chưa được quán sát càng gia tăng. Sự chênh lệch này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống an sinh xã hội và gánh nặng thuế ở mỗi quốc gia. Không chỉ là vấn đề của thuế suất cao mà còn là các khoản chi phí giao dịch liên quan quan đến thủ tục hành chính về thuế, chi phí tuân thủ…tất cả các khoản chi phí chính thức và không chính thức này tạo nên gánh nặng tổng thể của thuế và tất yếu gánh nặng thuế càng cao thì tinh thần đóng thuế càng thấp. Cùng với thuế, các khoản xã hội góp phần làm gia tăng chi phí của lao động trong nền kinh tế chính thức, khuyến khích người lao động rút ra khỏi khu vực kinh tế chính thức để tham gia vào các hoạt động của khu vực chưa được quan sát nhằm giảm các gánh nặng chi phí và thuế.

2.4.2. Hệ thống các quy định của pháp luật về thị trường lao động

Theo Hirschman (1970) và Friedman, Johnson, Kaufmann, và Zoido-Lobaton (2000) ngoài yếu tố gánh nặng về thuế và các khoản đóng góp xã hội thì sự cứng nhắc và sự rườm rà trong các quy định của hệ thống pháp luật cũng đã đưa người lao động, doanh nghiệp và các tổ chức tìm đến khu vực kinh tế này ngày càng nhiều hơn. Một hệ thống chính sách cồng kềnh, hay các qui định, thủ tục quan liêu làm gia tăng các khoản “chi phí giao dịch” cho doanh nghiệp và người lao động trong khu vực chính thức. Chẳng hạn như các qui định về giấy phép đăng ký với vô số giấy

phép con, đi kèm với các thủ tục hành chính; quy định về số giờ lao động, độ tuổi nghỉ hưu, chế độ phúc lợi… đã làm giảm đi sự tự do của người lao động, khiến cả doanh nghiệp và người lao động phải gánh chịu những khoản chi phí ngầm ẩn này. Đặc biệt trong nền kinh tế chính thức, những khoản chi phí này thường được các doanh nghiệp chuyển sang cho người lao động gánh chịu. Do đó, càng cho họ có động cơ để chuyển vào khu vực kinh tế chưa được quan sát để làm việc. Theo Friedrich Schneider và Enste (2000), gia tăng số lượng các qui định sẽ làm giảm sự lựa chọn của cá nhân trong nền kinh tế chính thức. Số lượng của quy định thường được đo lường bởi số lượng các điều lệ, chứng chỉ, các qui định về thị trường lao động như: luật hạn chế lao động nước ngoài và các rào cản thương mại.

Bên cạnh đó, nếu chất lượng thể chế thấp, nạn tham nhũng cao đi cùng với sự thiếu trách nhiệm và minh bạch của chính phủ là động cơ để người dân tham gia vào khu vực kinh tế chưa được quan sát – nơi được xem là an toàn và hiệu quả hơn so với khu vực chính thức. Do đó, Buehn và Schneider (2012), Johnson, Kaufmann, và Zoido-Lobaton (1998) cho rằng sự phát triển của khu vực phi chính thức được xem là một sự thất bại của hệ thống thể chế trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiệu quả.

2.4.3. Dịch vụ khu vực công

Tăng trưởng khu vực kinh tế chưa được quan sát có thể dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước, do đó làm giảm chất lượng và số lượng của hàng hóa và dịch vụ công được cung cấp. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến việc tăng thuế suất đối với các công ty và cá nhân trong khu vực chính thức, thường kết hợp với sự suy giảm chất lượng của hàng hóa công cộng (chẳng hạn như cơ sở hạ tầng công cộng) và của cơ quan hành chính, dẫn đến việc tham gia vào nền kinh tế chưa được quan sát. Nghiên cứu của Johnson & ctg (1998) cho thấy ở các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn, ít các quy định về luật, ít tham nhũng thì quy mô phát triển khu vực kinh tế chưa được quan sát nhỏ hơn.

một biến nhân quả quan trọng đối với quyết định làm việc hay không làm việc của mọi người trong nền kinh tế chưa được quan sát. Để xác định chỉ số này, Friedrich Schneider & ctg (2010) sử dụng biến hiệu quả của Chính phủ từ các Chỉ số Quản trị Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới. Chỉ số này nắm bắt nhận thức về chất lượng của các dịch vụ công, chất lượng của dịch vụ dân sự và mức độ độc lập của nó trước các áp lực chính trị, chất lượng của việc xây dựng và thực hiện chính sách cũng như độ tin cậy của cam kết của chính phủ đối với các chính sách đó.

2.4.4. Sự suy giảm của nền kinh tế chính thức

Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên, yếu tố khách quan dẫn đến gia tăng quy mô của khu vực này là xuất phát từ sự suy giảm của nền kinh tế chính thức (Maurin, Sookram, & Kent Watson, 2006; Friedrich Schneider, 2018; F. Schneider & Enste, 2003). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra ở các nước đang phát triển thường sẽ để lại hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát, nợ công và nợ xấu gia tăng. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp trong nhiều trường hợp phải phá sản, mất việc làm. Hệ quả tất yếu là họ nhanh chóng khắc phục những tổn thất xảy ra hoặc tìm kiếm việc làm hay thu nhập thay thế… Chính những áp lực kinh tế này sẽ thúc đẩy cá nhân và doanh nghiệp có xu hướng gia nhập vào nền kinh tế này.

Nghiên cứu của Gutiérrez-Romero (2010) cũng chỉ ra sự tồn tại của khu vực này không chỉ bởi sự khác nhau về kỹ năng của người lao động mà còn bởi sự thiếu việc làm trong nền kinh tế chính thức. Đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển, xu hướng công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng nhanh của dân số thì nhu cầu về tìm kiếm việc làm ở nền kinh tế chính thức trở nên cạnh tranh gay gắt hơn. Trong khi đó khu vực kinh tế chính thức không thể hấp thụ hết tất cả nhu cầu việc làm của người lao động thì khu vực này sẽ là sự lựa chọn thay thế tốt hơn.

2.4.5. Tình trạng thất nghiệp

Sự điều tiết quá mức và chi phí lao động trên thị trường lao động chính thức đang là động lực hình thành khu vực kinh tế chưa được quan sát. Hai khía cạnh

chính - giảm giờ làm việc chính thức và tỷ lệ thất nghiệp - được thảo luận nhiều trong các nghiên cứu. Ở hầu hết các nước OECD, tỷ lệ thất nghiệp ở mức độ lớn là do tổng chi phí lao động cao. Đây cũng có thể được coi là một nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của nền kinh tế chưa được quan sát.

Tình trạng thất nghiệp được đo lường bằng tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ này được tính trên số người thất nghiệp chia cho quy mô dân số đang hoạt động (người thất nghiệp và người có việc làm) và được biểu thị bằng phần trăm. Nhiều nghiên cứu tại các quốc gia khác nhau cho thấy tỷ lệ thất nghiệp càng lớn, càng có nhiều người tìm việc làm ở NOE. Ngoài ra, tổn thất thu nhập do thất nghiệp ảnh hưởng đến nhu cầu ở cả nền kinh tế chính thức và không quan sát. Cuối cùng, một số hoạt động thuộc NOE thường được thực hiện bởi những người làm việc trong nền kinh tế chính thức, vì vậy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đồng nghĩa với việc ít cơ hội hơn để thực hiện các hoạt động đó.

2.4.6. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân mang tính chủ quan, các nguyên nhân khách quan như tập quán kinh doanh, thói quen, tiêu dùng, thái độ của công chúng đối với chính quyền, văn hoá tuân thủ luật, đạo đức nộp thuế…đều có những tác động nhất định đến sự hình thành của khu vực này bởi vì những người tự làm chủ, tự kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ thường có xu hướng che dấu các khoản thu nhập của mình trước cơ quan thuế (Finlayson & Peacock, 2002).

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) Đo lường quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam Tiếp cận MIMIC (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)