Tác động của khu vực kinh tế chưa được quan sát

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) Đo lường quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam Tiếp cận MIMIC (Trang 28 - 30)

CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

2.3.Tác động của khu vực kinh tế chưa được quan sát

Khu vực kinh tế chưa được quan sát là bộ phận cấu thành nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới; quy mô và tính đa dạng phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, môi trường pháp lý của mỗi quốc gia. Theo Nguyễn Công Nghiệp (2019) khu vực kinh tế phi chính thức có tác động tích cực và tiêu cực.

Bàn về tác động tích cực của khu vực chưa được quan sát thì phần lớn các hoạt động kinh tế này tạo ra việc làm và thu nhập, góp phần ổn định xã hội, cụ thể:

- Tạo việc làm đa dạng, phong phú cho người lao động: Nếu xét về quy mô thì

khu vực kinh tế phi chính thức ở nước ta đang thu hút một lực lượng lao động rất lớn, tạo việc làm cho khoảng 18 triệu người, chiếm 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước (Nguyễn Công Nghiệp, 2019). Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi quá trình đô thị hoá, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng ở các quốc

gia này đã khiến cho nền kinh tế chính thức không có khả năng hấp thụ hết lực lượng lao động, hoặc không kịp tạo ra cơ hội việc làm mới. Lúc này, khu vực chưa được quan sát đóng vai trò như một kênh quan trọng để chuyển đổi việc làm từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và góp phần giải quyết số lao động dư thừa trong nền kinh tế nông thôn khi tốc độ công nghiệp hoá diễn ra ngày càng nhanh hơn. Nghiên cứu của (Mara, 2011) chỉ ra rằng, khu vực kinh tế chưa được quan sát đóng vai trò như “chất hấp thụ” trước những cú sốc kinh tế và chính trị của một nền kinh tế chính thức. Khi nền kinh tế chính thức đối mặt với suy thoái, thất nghiệp… kéo theo đó là tình trạng phá sản và cần phải có thời gian đủ dài để phục hồi thì lúc này kinh tế chưa được quan sát sẽ là bộ đệm giúp giảm thiểu các tác động từ nền kinh tế chính thức

- Giúp nền kinh tế tồn tại trong giai đoạn suy thoái: Nhiều nghiên cứu chỉ ra

rằng, kinh tế phi chính thức ở một góc độ nào đó cũng tạo ra mạng lưới an toàn cho nền kinh tế, nó hấp thụ những cú sốc của nền kinh tế rất tốt. Điều đó giải thích vì sao khu vực này thường phát triển mạnh trong bối cảnh suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế (Trịnh Hữu Chung, 2018).

- Động lực của đổi mới và tăng trưởng: Một số nhà kinh tế đã tập trung nghiên

cứu hoạt động của khu vực kinh tế cá thể quy mô nhỏ, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình ở một số nước đang phát triển, từ đó phát hiện ra rằng, chính khu vực này đã sản sinh ra nhiều sáng kiến đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và khu vực kinh tế này như một “động lực bị che khuất của đổi mới” và tăng trưởng.

Tuy nhiên bên cạnh các tác động tích cực, khu vực kinh tế chưa được quan sát cũng đem lại một số ảnh hưởng tiêu cực, cụ thể:

- Các cơ quan nhà nước thiếu thông tin để điều hành vĩ mô. Các hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức không được thống kê vào các chỉ tiêu kinh tế, làm cho các chỉ tiêu này không phản ánh được một cách toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến việc hoạch định và triển khai các chính sách vĩ mô của Chính phủ.

- Làm suy yếu sức cạnh tranh của quốc gia, tạo tâm lý làm ăn chụp giật, nhất thời, không khuyến khích đầu tư dài hạn, không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực…

- Làm cho doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế. Từ đó, xuất hiện nguy cơ đẩy một quốc gia càng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực (Trịnh Hữu Chung, 2018).

- Tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính thức. Đồng thời, tạo nên những yếu tố bất ổn, không lường hết rủi ro khi đầu tư.

- Thất thu thuế nhà nước: một số hoạt động kinh tế phi chính thức, đặc biệt là hoạt động kinh tế gian lận và bất hợp pháp đã tạo ra các khoản lợi nhuận và thu nhập lớn, nhưng tất cả các khoản thu nhập và lợi nhuận của khu vực này đều không nộp thuế.

- Rủi ro cho người lao động: Làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức là việc làm mà người lao động không được pháp luật bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ làm việc khác. Lao động phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thời gian làm việc dài, thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lãi… Họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế (khoảng 98% lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội, mức lương trung bình chỉ bằng 2/3 mức lương của lao động trong khu vực kinh tế chính thức) (Nguyễn Công Nghiệp, 2019).

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) Đo lường quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam Tiếp cận MIMIC (Trang 28 - 30)