CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
2.5. Phương pháp luận đo lường quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát
2.5.2. Cách tiếp cận gián tiếp
Cách tiếp cận gián tiếp (hay dùng chỉ số) là việc sử dụng các chỉ số kinh tế vĩ mô và chỉ số khác để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế chưa được quan sát theo thời gian. Cách tiếp cận này có 6 phương pháp được sử dụng: (i) Cách tiếp cận dựa trên sự khác biệt giữa chi tiêu quốc gia và thống kê về thu nhập; (ii) Cách tiếp cận dựa trên sự chênh lệch giữa lực lượng lao động; (iii) Cách tiếp cận theo giao dịch; (iv) Cách tiếp cận cầu về tiền tệ; (v) Phương pháp tiêu dùng điện; (vi) Phương pháp mô hình.
2.5.2.1.Cách tiếp cận dựa trên sự khác biệt giữa chi tiêu quốc gia và thống kê về thu nhập
Cách tiếp cận này dựa trên sự khác biệt giữa thống kê chi tiêu và thu nhập. Về nguyên tắc, trong thống kê tài khoản quốc gia về thu nhập quốc dân GNI thì tổng thu nhập phải bằng với tổng chi tiêu. Nếu có sự chênh lệch trong việc ước tính hai con số này thì sự chênh lệch đó được xem như một chỉ báo về mức độ của khu vực kinh tế. Nếu các thống kê về chi tiêu và thu nhập được thực hiện một cách kỹ lưỡng với ít sai sót thì đây có thể được xem là một phương pháp tốt cho việc đo lường. Cách tiếp cận này đã được MacAfee (1980), O’Higgins (1989) nghiên cứu cho Vương quốc Anh; và Petersen (1982) nghiên cứu cho Đức. Tuy nhiên trong thực tế, khoảng chênh lệch này phản ánh những sai sót. Do đó phương pháp này còn đặt nhiều nghi vấn về mức độ tin cậy và sự chính xác.
2.5.2.2.Cách tiếp cận dựa trên sự chênh lệch giữa lực lượng lao động chính thức và lực lượng lao động thực tế
Một tỷ lệ sụt giảm trong việc tham gia vào lực lượng lao động ở nền kinh tế chính thức có thể được xem như một dấu hiệu cho sự tăng lên của các hoạt động trong nền kinh tế chưa được quan sát. Nếu tổng lực lượng lao động được giả định là không đổi thì một sự giảm sút trong tỷ lệ lực lượng lao động chính thức có thể được xem như là một dấu hiệu cho sự gia tăng của khu vực chưa được quan sát, trong điều kiện các yếu tố không đổi. Những nghiên cứu như vậy đã được thực hiện ở Italia (Contini, 1981; Del Boca, 1981) và ở Hoa Kỳ (O'Neill, 1983).
Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp này đó là tỷ lệ lực lượng lao động trong nền kinh tế chưa được quan sát sẽ khó được thống kê một cách chính xác bởi một cá nhân có thể vừa làm việc trong nền kinh tế chính thức vừa có việc trong nền kinh tế chưa được quan sát, thậm chí làm rất nhiều việc. Do vậy, phương pháp này cũng không đảm bảo được sự tin cậy về quy mô và sự phát triển của khu vực kinh tế chưa được quan sát
2.5.2.3.Cách tiếp cận theo giao dịch
Phương pháp này được phát triển bởi Feige (1979), dựa trên mối quan hệ giữa cầu tiền và khối lượng giao dịch, được phản ánh trong phương trình Fisher: MV = PT (M: cung tiền; V: vòng quay tiền; P: giá cả và T: tổng số giao dịch). Ông cho rằng có mối quan hệ không đổi qua thời gian giữa MV và PT. Do vậy, nếu những ước tính độc lập của MV và PT không bằng nhau thì chênh lệch này được cho là của nền kinh tế chưa được quan sát. Nhưng để tính toán ra kích cỡ của nền kinh tế chưa được quan sát còn phải dựa vào các giả định khác đặt ra về vòng quay tiền và một năm cơ sở mà ở đó không tồn tại nền kinh tế chưa được quan sát. Phương pháp này được áp dụng ở các nước Hà Lan (Boeschoten & Fase, 1984), và cho Đức (Langfeldt, 1984).
Phương pháp này gặp nhiều chỉ trích khi dựa vào giả định không đúng về mặt thực nghiệm và kết quả ước tính sẽ rất nhạy cảm đối với việc chọn một năm nào đó làm năm cơ sở không có khu vực kinh tế chưa được quan sát. Do đó, phương pháp này đặt ra những nghi vấn về độ tin cậy của kết quả ước lượng. Nhìn chung, mặc dù cách tiếp cận này hấp dẫn về mặt lý thuyết, nhưng các yêu cầu thực nghiệm cần thiết để có được các ước tính đáng tin cậy rất khó đáp ứng, do đó việc áp dụng nó có thể dẫn đến các kết quả đáng ngờ.
2.5.2.4.Cách tiếp cận cầu về tiền tệ
Phương pháp tiếp cận cầu tiền tệ lần đầu tiên được sử dụng bởi Cagan (1958) người đã tính toán mối tương quan giữa cầu tiền tệ và áp lực thuế (như là một nguyên nhân gây ra nền kinh tế chưa được quan sát) đối với Hoa kỳ trong giai đoạn
1919 đến 1955. Cách tiếp cận của Cagan được phát triển thêm bởi Tanzi (1980), người đã ước tính kinh tế lượng một hàm cầu tiền tệ cho Hoa Kỳ trong giai đoạn 1929 – 1980 để tính toán khu vực kinh tế chưa được quan sát. Cách tiếp cận của ông giả định hình thức thanh toán tiền mặt bị ẩn, không thể quan sát được. Do đó, sự gia tăng quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ làm tăng nhu cầu về tiền tệ. Một phương trình cho nhu cầu tiền tệ được ước tính theo thời gian bằng mô hình kinh tế lượng. Tất cả các yếu tố như thu nhập, thói quen thanh toán, lãi suất đều được kiểm soát. Ngoài ra, các biến số như gánh nặng thuế, quy định của chính phủ…cũng được cho là những yếu tố chính khiến mọi người làm việc trong khu vực này, cũng được đưa vào phương trình ước tính
Có một số vấn đề cố gắng áp dụng các phương pháp tiền tệ cho nền kinh tế của các nước chuyển đổi. Các phương pháp này chỉ đơn giản là không được thiết kế để xem xét một số hiện tượng có thể xảy ra trong các điều kiện kinh tế như vậy, ví dụ: siêu lạm phát, và do đó cần phải sửa đổi trước khi chúng có thể được áp dụng cho các nền kinh tế đó. Mặc dù vậy, phương pháp tiền tệ vẫn được sử dụng để đánh giá quy mô của các nền kinh tế không được quan sát trên toàn thế giới cho đến ngày nay.
2.5.2.5.Phương pháp tiêu thụ điện
Các phương pháp như phương pháp tiêu thụ điện dựa trên giả định rằng các hoạt động NOE, mặc dù không được khai báo, vẫn phải sử dụng tài nguyên, chẳng hạn như tiêu thụ điện. Quy mô của NOE trong phương pháp đó được ước tính bằng cách quan sát mối quan hệ giữa mức tiêu thụ điện và GDP.
Tuy nhiên, mối quan hệ này rất có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như thời tiết, khí hậu. Hầu hết các phương thức tiêu thụ điện, đặc biệt là các phương thức sử dụng điện tiêu thụ tổng hợp, cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi. Các phương pháp khác, như cách tiếp cận điện gia dụng, được phát triển bởi Lackó (2000), mặc dù không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình chuyển đổi, nhưng có xu hướng có phạm vi hạn chế. Ví dụ, cách tiếp cận điện hộ gia đình chỉ giới hạn ở các hoạt động tiêu thụ điện gia đình không đăng ký.