0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (92 trang)

Biến nguyên nhân

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) ĐO LƯỜNG QUY MÔ KHU VỰC KINH TẾ CHƯA ĐƯỢC QUAN SÁT TẠI VIỆT NAM TIẾP CẬN MIMIC (Trang 56 -59 )

CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

3.2. Dữ liệu và mô hình nghiên cứu đề xuất

3.2.1. Biến nguyên nhân

3.2.1.1.Gánh nặng thuế (Tax burden)

Theo Friedrich Schneider và Enste (2000), Friedrich Schneider & ctg (2010), Dell'Anno (2007), gánh nặng thuế và các khoản đóng góp xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong đó, gánh nặng thuế là một thước đo tổng hợp phản ánh thuế suất biên trên cả thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp và mức thuế tổng thể (bao gồm cả thuế trực thu và thuế gián thu của tất cả các cấp chính quyền) theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Gánh nặng thuế càng lớn sẽ càng tạo động lực thúc đẩy người lao động tham gia vào NOE để giảm các gánh nặng chi phí và trốn thuế.

Giả thuyết H1: gánh nặng thuế càng cao, quy mô của NOE càng tăng.

3.2.1.2.Thể chế và hệ thống pháp luật

Được phản ánh thông qua bộ chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) do Ngân hàng thế giới công bố hàng năm. Bộ chỉ số này được sử dụng để đo lường cảm nhận của công chúng và doanh nghiệp về nhiều góc độ khác nhau của thể chế, hệ thống luật pháp và hoạt động của chính phủ (Phạm Thị Bích Duyên & Nguyễn Thái Hòa, 2020).

- Nhà nước pháp quyền (rule of law): đo lường cảm nhận về mức độ tin cậy của người dân và doanh nghiệp về hệ thống luật pháp, khả năng thực thi pháp luật, tính thượng tôn pháp luật.

- Hiệu lực của chính phủ (government effectiveness): đo lường cảm nhận về chất lượng của các dịch vụ công cộng và các dịch vụ dân sự mà chính phủ cung cấp; chất lượng xây dựng chính sách và độ tin cậy của những cam kết từ chính phủ đối với các chính sách.

- Trách nhiệm giải trình (voice và accountability): đo lường cảm nhận về mức độ tham gia của người dân vào việc lựa chọn chính phủ, xây dựng chính sách cũng như tự do bày tỏ quan điểm trên các phương tiện truyền thông.

- Kiểm soát tham nhũng (control of corruption) đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền. thông qua bốn chỉ số nội dung thành phần, bao gồm: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng.

Các chỉ số trên được xác định dựa trên chỉ số tổng hợp, theo đơn vị phân bố bình thường tiêu chuẩn, dao động từ khoảng -2,5 đến 2,5. Điểm số càng cao tương ứng với kết quả càng tốt.

Một quốc gia có hệ thống chính sách, quy định thủ tục rõ ràng minh bạch sẽ làm giảm các khoản chi phí giao dịch cho doanh nghiệp và lao động trong nền kinh tế chính thức. Ngược lại, nếu chất lượng thể chế thấp, việc kiểm soát tham nhũng kém hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công được cung cấp không tốt sẽ tạo động lực thúc đẩy người lao động tham gia vào NOE vì đó được xem là an toàn và hiệu quả hơn ở khu vực chính thức.

Giả thuyết H2: hệ thống pháp luật, thể chế tốt và kiểm soát tham nhũng hiệu

quả sẽ tác động làm giảm quy mô của NOE.

3.2.1.3.Chỉ số tự do kinh tế

Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ số tự do kinh tế đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, được công bố thường niên bởi tạp chí The Wall Street Journal và Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) có ảnh hưởng gián tiếp đến nguyên tắc luật lệ, chính sách thuế cũng như các chính quyền. Chỉ số này dao động khoảng 0 đến 100, trong đó 0 là ít tự do nhất và 100 là tự do nhất. Từ điểm số lý tưởng 100, các quốc gia sẽ bị trừ dần điểm số tự do tài chính nếu: mức độ quy định chính phủ trong dịch vụ tài chính cao, mức độ can thiệp của chính phủ vào ngân hàng và các công ty tài chính cao thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp, mức độ ảnh hưởng của chính phủ lên việc phân bổ tín dụng cao, mức độ phát triển của thị

trường vốn và thị trường tài chính thấp, giới hạn cạnh tranh với nước ngoài. Theo các nghiên cứu của Friedrich Schneider & ctg (2010) cho thấy các quốc gia có chỉ số tự do kinh tế càng cao thì quy mô của NOE càng thấp.

Giả thuyết H3: chỉ số tự do kinh tế tỷ lệ nghịch với sự phát triển của NOE.

3.2.1.4.Tự do kinh doanh (Business Freedom)

Theo WGI chỉ số tự do kinh doanh đo lường mức độ mà các quy định của pháp luật gây ra các hạn chế đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Khả năng thành lập và điều hành doanh nghiệp của cá nhân mà không có sự can thiệp quá mức từ nhà nước là một trong những chỉ số cơ bản của tự do kinh tế. Các quy định rườm rà là những rào cản phổ biến nhất đối với việc tiến hành tự do hoạt động kinh doanh. Các quy định này có thể làm gia tăng chi phí sản xuất khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường.

Chỉ số tự do kinh doanh được xây dựng nhằm mục đích đo lường quyền cá nhân được thành lập và duy trì các hoạt động kinh doanh mà không gặp phải sự cản trở phi lý từ Chính phủ. Điểm số tự do kinh doanh cho mỗi quốc gia được xác định trong khoảng từ 0 đến 100, với 100 là môi trường kinh doanh tự do nhất. Điểm số tự do kinh doanh được tính dựa trên 13 yếu tố phụ: thủ tục thành lập doanh nghiệp, thời gian để thành lập doanh nghiệp, chi phí thành lập doanh nghiệp, vốn tối thiểu thành lập doanh nghiệp, thủ tục xin giấy phép, thời gian xin giấy phép, chi phí xin giấy phép, thời gian để giải thể doanh nghiệp, chi phí giải thể doanh nghiệp, tỷ lệ thu hồi nợ khi giải thể, thủ tục tiếp cận với nguồn điện, thời gian để tiếp cận với nguồn điện, chi phí tiếp cận với nguồn điện (Heritage Foundation, 2014).

Giả thuyết H4: chỉ số tự do kinh doanh tỷ lệ nghịch với sự phát triển của NOE.

3.2.1.5.Tỷ lệ tự kinh doanh (Self-employed)

Người lao động tự làm chủ là những người lao động làm việc độc lập hoặc với một vài đối tác với thù lao phụ thuộc trực tiếp vào lợi nhuận thu được từ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất. Lao động tự làm chủ bao gồm bốn loại tiểu mục của

người sử dụng lao động, công nhân tài khoản riêng, thành viên hợp tác xã sản xuất và người lao động gia đình đóng góp. Những người tự kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao nên tham gia vào NOE nhằm tránh khỏi sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước.

Giả thuyết H5: tỷ lệ tự kinh doanh càng cao, quy mô của NOE càng lớn

3.2.1.6.Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment rate)

Tỷ lệ thất nghiệp được sử dụng trong trong nghiên cứu này. Tỷ lệ thất nghiệp được định nghĩa là tỷ số giữa số lượng người thất nghiệp và tổng lực lượng lao động. Người lao động thất nghiệp là những người vẫn có khả năng tìm và làm việc nhưng chưa có việc làm.

Theo các nghiên cứu của Schneider, các quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thường có tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát cao, nhiều công ty bị phá sản giải thể. Việc thiếu việc làm ở khu vực chính thức đã thúc đẩy người lao động gia nhập vào NOE. Ở các quốc gia đang phát triển, nhu cầu tìm việc làm ở khu vực kinh tế chính thức càng cao nhưng lại không được đáp ứng đủ, vì vậy số lượng người lao động tham gia vào NOE càng tăng lên.

Giả thuyết H6: tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ góp phần làm gia tăng quy mô NOE

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (CẤP CƠ SỞ) ĐO LƯỜNG QUY MÔ KHU VỰC KINH TẾ CHƯA ĐƯỢC QUAN SÁT TẠI VIỆT NAM TIẾP CẬN MIMIC (Trang 56 -59 )

×