Đúng như N.P. Xa- cu- li- na và T.X. Kô- ma- rô- va đã kết luận "Hoạt động tạo hình chỉ có tính chất sáng tạo khi sự cảm thụ thẩm mĩ được phát triển ở trẻ và trẻ đã nắm được những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết để sáng tạo bức vẽ"[59;12]. Nét nổi bật của sự sáng tạo nghệ thuật tạo hình là sáng tạo ra những hình tượng giàu sức biểu cảm. Tuy nhiên mỗi đứa trẻ không thể xây dựng được hình tượng tạo hình khi chưa có được một năng lực ở mức độ nào đó thể hiện trong tranh vẽ, tượng nặn hay tranh cắt- xé dán những thuộc tính của các đối tượng tạo hình như; hình dạng, cấu tạo, màu sắc… của chúng. Chính vì vậy nên mỗi đứa trẻ cần phải có khả năng độc lập, tính sáng tạo và tích cực trong hoạt động tạo hình cũng như hoạt động xếp dán tranh. Để có thể tạo ra sản phẩm tạo hình, trẻ cần phải tích cực hoạt động, tích cực tìm kiếm, khám phá các sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh, đồng thời, khi tham gia vào hoạt động xếp dán tranh trẻ cũng cần phải có những kỹ năng, kỹ xảo cơ bản như: kỹ năng lựa chọn và sử dụng màu sắc, kĩ năng sắp đặt bố cục trong không gian tranh, kĩ năng lựa chọn hình mảng phù hợp, kĩ năng thao tác với các loại vật liệu tạo hình hay các vật liệu thiên nhiên…
Hơn nữa bản thân mỗi đứa trẻ cũng cần phải có những kiến thức sơ đẳng về hoạt động tạo hình. Khẳng định điều này, giáo sư truờng Đại học Trung Quốc Chu Quang Tiềm đã nhận định rằng "… mỗi môn nghệ thuật đều là những tri thức chuyên môn về công cụ truyền đạt và biểu hiện. Đúng như vậy, khi tham gia vào HĐTH nói chung cũng như hoạt động xếp dán tranh nói riêng mỗi đứa trẻ cần phải biết phản ánh lại các đặc tính vật chất của đối tượng miêu tả như: chất liệu, hình dáng, nét đặc trưng của đối tuợng. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi đứa trẻ cần phải có một số hiểu biết sơ đẳng về kiến thức tạo hình như: có khả năng nhận biết về hình mảng, về màu sắc, về về cấu trúc, về chất liệu…, đồng thời đứa trẻ cũng cần phải có khả năng quan sát, khả năng phân tích, tổng hợp và khả năng định hướng trong không gian hai chiều.
Như vậy, việc giúp trẻ có được những khả năng cơ bản trong HĐTH cũng như trong hoạt động xếp dán tranh là điều rất quan trọng và cần thiết để trẻ có thể tạo ra những sản phẩm tạo hình độc đáo mang sắc thái cá nhân riêng của trẻ.
2.4.3.Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Theo tác giả Lương Thị Bình thì gia đình chính là môi trường xã hội đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực, năng lực nói chung và năng lực sáng tạo nói riêng. Đây chính là một bộ phận giáo dục có ảnh hưởng lớn đối với trẻ thông qua việc tổ chức toàn bộ cuộc sống ngoài nhà trường của trẻ. Do vậy, một nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non là cần phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, giúp gia đình nắm được những nội dung, yêu cầu giáo dục trẻ nói chung và bồi dưỡng cho trẻ được làm quen với nền văn hoá của các dân tộc cũng như các hoạ tiết hoa văn và cách trang trí chúng trên các đồ dùng, dụng cụ của các dân tộc đó. Để phối hợp tốt với gia đình, trường mầm non, đặc biệt là người giáo viên mầm non cần làm tốt những điều sau đây:
- Giáo viên cần thường xuyên trao đổi với phụ huynh trong các giờ đón và trả trẻ để nắm được những thông tin cần thiết về đặc điểm tâm sinh lí của đứa trẻ, qua đó có thể lựa chọn những hoạt động phù hợp đối với từng đứa trẻ.
- Giáo viên cần hướng dẫn các bậc phụ huynh tổ chức các HĐTH cũng như các hoạt động xếp dán tranh cho trẻ nhằm giúp trẻ rèn luyện và phát triển các kĩ năng và năng lực tạo hình nói chung và các kĩ năng, năng lực cắt, xé, xếp dán tranh nói riêng.
- Giáo viên trao đổi với phụ huynh để các phụ huynh có thể phối hợp thêm với các giáo viên trong việc tìm kiếm các loại nguyên vật liệu đa dạng cho hoạt động cắt, xé, xếp dán tranh như: các loại giấy báo cũ, các loại phế liệu, các sách truyện trang trí, các loại vật liệu thiên nhiên…