Trong kho tàng văn hóa và văn học dân tộc ta, loại hình truyện kể vô cùng phong phú và đa dạng với vô vàn những thể loại khác nhau từ truyền thuyết cho đến thần thoại, truyện cổ tích,… Các thể loại này xuất hiện từ rất sớm, gắn liền với cuộc sống của người dân và góp phần làm đời sống tinh thần của họ thêm phong phú. Từ khi chúng ta chưa có chữ viết thì những thể loại này đã xuất hiện. Nó còn mang đậm dấu ấn của những nét văn hóa xưa cho đến ngày nay. Có rất nhiều phương thức để tồn tại và phát triển, một trong những phương thức đó và khá phổ biến của dòng văn hóa văn học dân gian đó chính là phương thức truyền miệng. Đây là gốc rễ để hình thành loại hình truyện kể. Với loại hình truyện kể, con người dùng ngôn ngữ để kể lại, thuật lại một câu chuyện, một sự vật hay một hiện tượng. Hiểu theo một cách khác đó chính là kể chuyện. Và những câu chuyện cổ dân gian đã tồn tại cùng phương thức này cho đến ngày nay, đặt nền móng cho sự ra đời của những thể loại khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu. Chúng ta phải biết quý trọng nó, giữ gìn nó và phát triển nó”. Nhờ có tiếng nói và lao động mà con người đã thoát hẳn đời sống loài vật, vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên. Bầy người nguyên thủy quây quanh đám lửa trại nướng thịt thú rừng, nướng quả hạt thường kể những câu chuyện săn, bắt, hái, lượm cho nhau nghe. Đó cũng là khởi đầu của sự tích lũy tri thức khoa học và kể chuyện ở đây mang chức năng thông tin. Khi ngôn ngữ ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày một phong phú thì kể chuyện không chỉ dừng ở mức thông tin nữa mà mang thêm chức năng giải trí, hay cao hơn nữa là chức năng nghệ thuật. Nhờ vậy mà kho tàng đồ sộ truyện cổ dân gian hết sức giàu có, hết sức đa dạng được truyền lại đến ngày nay bằng hình thức kể.
Trải qua 10 thế kỉ Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã anh dũng, kiên cường chống ách đô hộ và bảo toàn bản lĩnh, bản sắc dân tộc độc đáo, không bị phong kiến phương Bắc xâm lược đồng hóa thôn tính, một phần là nhờ ở hùng khí những câu truyện cổ. Chùm truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân, về Hùng Vương, về Thánh Gióng, về Sơn Tinh, Thủy Tinh, về An Dương Vương, về bánh chưng bánh giầy, về An Tiêm,... đã nhen nhóm niềm tin tất thắng về một tương lai của cả một dân tộc bị ngoại bang thống trị. Cho đến năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, dân tộc ta đã bẻ gẫy cái vòng xiềng xích “quận huyện” của bọn phong kiến nhà Hán. Chùm truyện cổ về hào khí dân tộc ấy nhờ vậy mà được bảo tồn và phát triển mãi mãi bằng hình thức truyền miệng. Trong một thời gian lịch sử lâu dài, khi chưa có văn tự để ghi chép thì kể chuyện là một hình thức chiếm địa vị độc tôn, địa vị số 1. Chính vì vậy, kể chuyện là một nhu cầu của cuộc sống, cho dù đó là cuộc sống trong xã hội hiện đại.
Trong cuộc sống sinh hoạt của xã hội loài người, không những trẻ em mà thậm chí cả người lớn cũng thích nghe kể chuyện. Thành ngữ “ Miếng trầu là đầu câu chuyện” cho ta biết nhu cầu này. Sở dĩ như vậy vì kể chuyện là một hình thức thông tin nhanh gọn truyền cảm bằng ngôn ngữ. Mặc dù đã có những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại như ti vi, internet,... nhưng người ta vẫn thích nghe những câu chuyện bằng miệng. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ kể chuyện có thể bao hàm toàn bộ ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày. Người ta có thể kể những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, cũng có thể kể những câu chuyện mang ý nghĩa và tầm vóc lớn lao. Thuật ngữ này cho phép người ta mở rộng hay thu hẹp phạm vi của nó.
1.3.2. Truyện lịch sử trong sự vận động, phát triển của loại hình truyện kể
Truyện kể là tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn.
Truyện lịch sử là một dạng của truyện cổ. Đây là những câu chuyện có nội dung lịch sử nhưng khác với truyền thuyết, những nội dung lịch sử này gắn liền với những nhân vật lịch sử có thật trong thời kì đã có sử. Đối với
Việt Nam thì đó là những truyện kể lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là những truyện truyền thuyết về một thời kì lịch sử nào đó của dân tộc với những tấm gương sáng của các anh hùng dân tộc tiêu biểu cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân của thời kì ấy.
Các truyền thuyết về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... những mẩu chuyện về các cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược hay cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ,... đều là những câu truyện lịch sử trong bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử - cội nguồn là thứ không thể thiếu trong mỗi con người, chính vì vậy cần và phải giáo dục cho con người ta tình yêu đối với cội nguồn ấy. Truyện lịch sử giáo dục sâu sắc cho học sinh về tình cảm đối với quê hương, đất nước, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc chân chính. Những tấm gương sáng về các vị anh hùng dân tộc trong công cuộc dựng nước, giữ nước sẽ khêu gợi trong học sinh lòng khát khao phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, đối với hiện tại và tương lai, là tri thức cùng các em vững bước vào đời.