Trước tiên, ta có thể khẳng định rằng truyện lịch sử như một thể, như một loại thuộc về thể loại văn xuôi.
Thể và loại của tác phẩm văn học là nhân tố cấu thành hình thức, là
hình thái tồn tại cơ bản của văn học. Thể và loại là hình thức trừu tượng dùng để phân loại văn bản văn học, đồng thời là phạm trù thẩm mĩ, là cách gọi chung các loại văn bản văn học. Thể và loại là dạng thức cụ thể và hình thái cụ thể của tác phẩm văn học thể hiện trước mắt độc giả, là cơ sở để độc giả nắm bắt, nhận thức tác phẩm, hình thức tư duy sáng tạo của văn học, phương thức thể hiện tình cảm cho đến bố cục, tiết tấu của tác phẩm,… Vậy thể là gì?
loại là gì?
Hiểu theo nghĩa của văn học, thể chính là một dạng thức tồn tại của tác
phẩm văn học. Còn loại chính là môn loại của đối tượng nghiên cứu được phân chia dựa trên đặc điểm, tính chất. Từ đó, chúng ta có thể hiểu thể loại là dạng thức, là hình thức tồn tại cụ thể của văn bản văn học. Thể loại (genre) là một từ tiếng Pháp có nguồn gốc Latinh (genus) nghĩa gốc của nó biểu thị khái niệm “loài” trong hệ thống phân loại sinh vật. Nhưng vì từ này cũng có hàm nghĩa “chủng loại” nên cũng được sử dụng như một thuật ngữ biểu thị sự phân loại văn học. Trong Tiếng Anh không có những từ tương tự với từ trên, thường dùng lẫn lộn “chủng” (kind), “loại” (type), “dạng thức” (form). Còn trong văn học Trung Quốc thì thể loại lại được gọi là “thể” hoặc “thể văn”.
Thể loại là hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn giữa các yếu tố hợp thành, trong đó thể loại là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm. Ứng với mỗi nội dung vốn có trong hiện thực sẽ có những phương thức phản ánh tương ứng. Sự thống nhất này là do các phương thức chiếm lĩnh đời sống của văn học vốn ứng với các
dạng thức tồn tại nhất định của thế giới thực tại. Các hình thức phản ánh thực tại của văn học cũng tương thích với các hoạt động nhận thức của con người: trầm tư suy nghĩ hay lần theo diễn biến của các sự kiện, biến cố liên tục, sinh động,... Trong sáng tạo nghệ thuật các thể loại tự sự tìm được ưu thế phản ánh từ nhu cầu nhận thức các đối tượng diễn biến sinh động trong những hoàn cảnh, không gian và thời gian cụ thể, nhất định. Còn các thể loại trữ tình phù hợp với kiểu nhận thức đối tượng bằng trạng thái xúc cảm, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Các thể loại kịch thì đặc biệt phù hợp với hình thức nhận thức thế giới, đối tượng theo lối “tận mục sở thị”, trực tiếp các xung đột, mâu thuẫn. Như vậy ứng với mỗi nhu cầu khám phá, phản ánh hiện thực sẽ có những hình thức thể loại tương thích. Người nghệ sĩ khi sáng tạo văn học cần tìm đến những hình thức thể loại phù hợp nhất với tính chất của hiện thực và có khả năng phản ánh một cách rõ ràng, sinh động hiện thực đó. Thể loại là sản phẩm của quá trình kiếm tìm hình thức phản ánh hiện thực, nó do thực tại cuộc sống trực tiếp “đặt hàng” với nhà văn.
Thể loại văn học có tính chất truyền thống, tương đối ổn định và ít phát triển. Thể loại là sản phẩm được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, nó được khái quát và cô đúc lại để tồn tại trong những hình thức bền vững, ổn định, ít thay đổi. Viện sĩ hàn lâm Xô Viết Bakhtin khẳng định: “xét về thực chất thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Ở thể loại bao giờ cũng bảo lưu những yếu tố cổ xưa”.
Truyện lịch sử là một thể loại thuộc loại hình văn học tự sự. Nó nằm trong cấu trúc tự sự, và mang những nét dặc trưng của cấu trúc này.
Loại hình là các kiểu loại và các hình thức cấu tạo của nó. Truyện lịch sử theo lý thuyết loại hình được phân chia theo các sự kiện lịch sử từ trước đến sau. Ta sẽ có truyện lịch sử phân chia theo giai đoạn lịch sử bao gồm: cổ sử, trung sử và cận, hiện. Phân chia theo nhân vật bao gồm nhân vật anh hùng thần thoại, nhân vật anh hùng nhân dân, nhân vật linh thiêng (nhân vật được huyền thoại hóa) hoặc nhân vật hư cấu được gắn với một sự kiện lịch sử có thật (ví dụ như Thánh Gióng), hoặc gắn với một hiện tượng lịch sử (ví dụ như Sơn Tinh - Thủy Tinh gắn với hiện tượng lũ lụt),...
Lịch sử luôn là đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Cách viết, nguyên tắc nhìn nhận, luận giải về lịch sử ở mỗi giai đoạn, qua mỗi thể loại chịu sự chi phối của các yếu tố như bối cảnh lịch sử, văn hóa, tri thức thời đại, tài năng, phong cách, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Là một trong số những hình thức tự sự tiêu biểu, xét về bản chất của truyện lịch sử ta không thể phủ nhận rằng nó mang những nét chung của thể tự sự. Nó có đầy đủ yếu tố của một tác phẩm tự sự, từ chi tiết tình tiết - là bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa mà nhờ nó thế giới nghệ thuật của các tác phẩm mới hiện ra một cách cụ thể sinh động cho đến cốt truyện - một trong số những đặc trưng cơ bản của truyện lịch sử trong dòng chảy của văn học thể tự sự.
Truyện lịch sử là một tác phẩm nghệ thuật lấy cốt lõi là sự kiện lịch sử chứa đựng yếu tố lí tưởng hoá và yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Thể hiện thái độ và đánh giá của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện lịch sử.
Bản chất của truyện lịch sử chính là tự sự, là kể lại, tường thuật lại các sự kiện diễn ra trong quá khứ của nhân loại để cho các thế hệ sau biết, hiểu và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông.