Trong trường Tiểu học, kể chuyện là một nhu cầu thiết yếu của lứa tuổi học sinh nhỏ. Ở nhà trường Tiểu học, Kể chuyện là một phân môn dạy học lí thú, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh. Cùng với các phân môn khác, Kể chuyện góp một phần không nhỏ vào việc giáo dục nhân cách cho học sinh.
Trước tiên ta có thể khẳng định rằng Tập đọc và Kể chuyện là hai phân môn có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.
Phần lớn các tiết Kể chuyện là yêu cầu học sinh kể lại các câu chuyện các em đã được tìm hiểu hay đã được học trong các tiết Tập đọc trước đó. Như vậy, các bài đọc của giờ Tập đọc chính là các dữ kiện để các em học tập trong giờ Kể chuyện. Đặc biệt là những bài đọc với nội dung lịch sử sẽ là nguồn tư liệu phong phú để các em tiếp cận tri thức lịch sử và biến các tri thức đó thành của mình sau khi kể lại câu chuyện trong giờ Kể chuyện. Thông qua những giờ học này các em không chỉ được tiếp nhận một lượng thông tin, tri thức khoa học về lịch sử mà còn bồi dưỡng cho các em tình yêu Tiếng Việt, lòng yêu sử và các kỹ năng đọc đúng, đọc trơn toàn bài và đặc biệt là kỹ năng đọc diễn cảm để các em có thể học tốt giờ Kể chuyện.
Một số giờ học Kể chuyện yêu cầu học sinh kể lại những câu chuyện về các sự kiện, nhân vật lịch sử mà các em đã được nghe, được đọc. Thông qua các hoạt động này các em sẽ tự mình tìm tòi, khám phá và mở rộng vốn hiểu biết của mình đồng thời phát triển năng lực tự học. Các em có thể giao lưu, học hỏi, trao đổi với bạn bè để làm giàu vốn tri thức của mình, nhờ đó mà phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, lắng nghe và chon lọc thông tin,…
Lựa chọn, sắp xếp và lồng ghép truyện lịch sử trong phân môn Kể chuyện vừa giúp các em củng cố kiến thức vừa giúp các em rèn luyện kỹ năng. Thông qua kể chuyện mà các em khám phá được nhiều tri thức mới, ôn
tập và củng cố các kiến thức đã học. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ và phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tránh tình trạng kể máy móc, dập khuôn, kể theo lối chống đối, ép buộc. Như vậy không những không gây hứng thú học tập cho các em mà còn làm cho giờ kể chuyện trở nên áp lực, gây tâm lý “sợ”, đặc biệt là với những kiến thức lịch sử khó ghi nhớ. Để làm được điều đó thì đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện tốt ngay từ khâu tổ chức, phải vận dụng các phương pháp dạy học thích hợp để gây được hứng thú học tập và lôi cuốn các em.