Để bước đầu làm quen với lịch sử, cung cấp cho các em một lượng kiến thức cơ bản, đặc biệt là gieo vào trong các em niềm ham thích tìm tòi, Sách giáo khoa và các tủ sách “Tranh truyện lịch sử Việt Nam” chọn cách viết về lịch sử thông qua các câu chuyện về các danh nhân. Đó là những nhân vật không chỉ có những đóng góp to lớn, nổi bật tạo nên các bước ngoặt trong lịch sử dân tộc mà còn được nhân dân vô cùng yêu mến, đã được dân gian hóa sống động trong các tích truyện. Các nhân vật lịch sử chính là những tấm gương sáng nhất về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường để các em học tập và noi theo. Đó là Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu; Phùng Hưng - Bố Cái Đại vương; Lê Hoàn với lễ tịch điền; Ỷ Lan - Cô gái hái dâu; Lê Lai liều mình cứu chúa,… Những nhân vật được chọn đều là những nhân vật tiêu biểu của mỗi thời kì lịch sử, qua câu chuyện các em sẽ hình dung được một phần giai đoạn lịch sử mà nhân vật đó sinh sống. Sẽ có thêm những hiểu biết về những nhân vật lịch sử cống hiến cả đời mình vì dân tộc, vì nhân dân. Đặc biệt là những nhân vật nhỏ tuổi nhưng giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Những câu chuyện kể nhẹ nhàng, không đặt nặng về tư liệu nhưng vẫn luôn tôn trọng tính xác thực của lịch sử này sẽ tiếp tục mở ra con đường đưa các em đến và say mê với môn lịch sử, góp phần bồi đắp tình yêu với lịch sử, với dân tộc.
Ở các trường Tiểu học, giáo viên cần tăng cường tổ chức cho học sinh tìm hiểu các nhân vật, anh hùng dân tộc qua các buổi học trên lớp, giờ học ngoại khóa, thi kể chuyện danh nhân, viết cảm nghĩ của mình sau khi học xong câu chuyện hay kể lại một câu chuyện mà em đã nghe, đã đọc, đã học. Thông qua đó, không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn rèn cho các em kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và kỹ năng diễn đạt, giải quyết vấn đề; tạo tâm lý hứng thú và mong chờ giờ học ở các em. Các giờ học ngoại khóa cũng
góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục lịch sử cho các em, các giờ học ngoại khóa tạo điều kiện để các em “học mà chơi, chơi mà học”.