1. Kết luận
Qua nghiên cứu lí luận, tôi rút ra một số kết luận như sau:
Tôi đã tìm hiểu khái quát những vấn đề lí luận liên quan đến truyện lịch sử. Trên cơ sở đó, làm rõ bản chất, đặc trưng của truyện lịch sử nói chung và truyện lịch sử trong các nhà trường Tiểu học nói riêng. Làm tiền đề, cơ sở để hướng dẫn dạy học một số truyện lịch sử trong các phân môn của Tiếng Việt. Giúp giáo viên và học sinh có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về thể loại này, đồng thời nắm được những nét đặc sắc của thể loại để khai thác và hướng dẫn học sinh tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
Tôi đi sâu nghiên cứu về các nét đặc sắc của thể loại này trên cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật thể hiện. Nội dung của truyện lịch sử mang tính lịch sử - văn hóa, mang tính chân thực; cốt truyện mang tính lịch sử, truyện thể hiện thái độ của nhà văn hoặc của cả một cộng đồng đối với sự kiện và nhân vật lịch sử được nêu trong truyện và kết thúc truyện là các bài học lịch sử quý giá được rút ra. Nghệ thuật thể hiện của truyện lịch sử cũng chứa đựng những đặc sắc riêng về kết cấu, nhân vật, ngôn từ và cách thức tổ chức hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Qua những nghiên cứu này ta còn biết được truyện lịch sử là nguồn tư liệu phong phú trong dạy học các phân môn của Tiếng Việt.
Đồng thời tôi còn nghiên cứu các giá trị của thể loại truyện lịch sử: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị nhân văn.
Việc nghiên cứu và nắm vững những cơ sở lí luận, thưc tiễn này tạo điều kiện cho tôi đưa ra một số định hướng tiếp cận mới và tổ chức hướng dẫn dạy học một số truyện lịch sử trong các phân môn của Tiếng Việt. Phần nào giúp khắc phục và hạn chế tình trạng “ghét học sử” của học sinh. Làm cho các bài học lịch sử trở nên nhẹ nhàng, hứng thú hơn. Góp phần nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử nói chung và dạy học truyện lịch sử ở nhà trường Tiểu học nói riêng.
2. Kiến nghị
Dựa trên cơ sở những kết quả thu được sau khi tiến hành nghiên cứu, tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Đối với công tác nghiên cứu khoa học:
Tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và tìm ra các biện pháp nâng cao chất lượng điều chỉnh hoạt động dạy học nói chung và thể loại truyện lịch sử trong môn Tiếng Việt nói riêng.
Nghiên cứu tài liệu và thực tiễn để đưa ra các hướng tiếp cận mới trong dạy học truyện lịch sử, nghiên cứu các phương pháp dạy học hiện đại và các hình thức tổ chức dạy học hợp lí để hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tri thức lịch sử, trau dồi và bồi dưỡng vốn kiến thức cũng như lòng yêu nước, yêu sử, niềm tự hào dân tộc cho các em.
Đối với nhà trường:
Nhà trường cũng cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tư về đồ dùng, phương tiện dạy học nhất là các đồ dùng trực quan phục vụ đắc lực trong quá trình dạy học.
Nhà trường cần tạo mối quan hệ hợp tác, tích cực giữa gia đình với nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục ý thức học tập lịch sử.
Mở rộng các khóa đào tạo đội ngũ giáo viên chính quy về chuyên môn. Thường xuyên bồi dưỡng và nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn về dạy học truyện lịch sử theo các định hướng mới trên tinh thần đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay.
Nhà trường cần có kế hoạch đánh giá và kiểm tra thường xuyên để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên cũng như tình hình học tập của học sinh. Từ đó, biết cách điều chỉnh công tác và hoạt động giảng dạy hợp lí để khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tích cực đã đạt được để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
Cần thành lập tổ chuyên môn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học lịch sử. Đặc biệt là kinh nghiệm trong tổ chức dạy học, đưa ra các
hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với tâm sinh lí và lứa tuổi học sinh Tiểu học, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Với từng giáo viên, phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi và nâng cao kĩ năng nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là kĩ năng thay đổi các hoạt động dạy học phong phú, hợp lí, hiệu quả trong giảng dạy truyện lịch sử cho học sinh. Giáo viên cần có tình yêu sâu sắc với nghề dạy học, tin yêu trẻ và thường xuyên quan tâm chăm sóc trẻ. Năng động và linh hoạt trong tiếp cận sự đổi mới, tiếp thu một cách có chọn lọc trên cơ sở kế tục và phát huy các phương pháp cũ. Đây là những yếu tố có thể nâng cao hiệu quả điều chỉnh hoạt động dạy học không chỉ trong môn Tiếng Việt mà trong tất cả các môn học khác.
Đối với gia đình:
Người thân cần quan tâm, gần gũi, tạo niềm tin cho các em trong cuộc sống. Giúp đỡ, hướng dẫn các em tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình học tập. Cha mẹ cần khuyến khích, động viên, chủ động trong việc liên hệ với giáo viên, lập kế hoạch hỗ trợ trẻ trong học tập. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các em học tập và phát triển.