Truyện lịch sử trong dòng chảy văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Đặc sắc của thể loại truyện lịch sử trong môn tiếng việt ở nhà trường tiểu học (Trang 36 - 41)

Để làm rõ bản chất của truyện lịch sử, tôi làm rõ sự giống và khác nhau giữa hai thể loại cùng nằm trong cấu trúc tự sự, mang nhiều nét tương đồng. Tiêu biểu đó là truyền thuyết và truyện lịch sử.

Truyền thuyết là gì? Có nhiều cách phát biểu khác nhau, nhưng tựu chung, truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử; màu sắc ít nhiều huyền ảo; nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử theo quan điểm và tình cảm của nhân dân. Nói cách khác, truyền thuyết là những tự sự dân gian được kết tụ từ hai yếu tố: lịch sử và hư cấu. Truyền thuyết bao gồm nhiều nhóm: truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ, truyền thuyết thần tổ ngành nghề, truyền thuyết địa danh,… Trong đó, mang đậm yếu tố lịch sử và tiêu biểu cho đặc điểm thể loại chính là nhóm truyền thuyết lịch sử. Hầu như ai cũng biết rằng truyền thuyết xuất hiện sớm hơn lịch sử. Trần Quốc Vượng từng diễn giải: “Khi chưa có khoa học và chữ viết thì lịch sử của dân tộc nào

cũng mở đầu bằng truyền thuyết. Một khi đã có chữ viết, đã có khoa học, người ta không phải viện đến trí tưởng tượng nữa, khi cần kể lại những bước đi của con người, sự việc thực được ghi lại bằng chữ viết. Lịch sử tiếp tục truyền thuyết, không phải bằng tưởng tượng, mà bằng khoa học”. Có điều,

trước khi thực sự trở thành khoa học, do trùng hợp về chức năng nên lịch sử gần như hòa trộn vào truyền thuyết: “Chính mối liên hệ của truyền thuyết với

lịch sử được biểu hiện rất rõ trên chức năng của nó. Các hình thái khác nhau thuộc các chức năng lịch sử, triết học và xã hội đã hợp nhất vào trong truyền thuyết, làm cho truyền thuyết vận động theo lịch sử, đẻ ra nhiều dị bản”. Đâu

chỉ vận động theo lịch sử, không ít truyền thuyết còn được chuyển thành chính sử. Ví dụ lịch sử thời Hồng Bàng: “Kinh Dương Vương, Lạc Long

Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử”. Mặt khác, truyền

thuyết và lịch sử còn gắn chặt nhau lâu dài, nên sau khi được phân tách rồi, trong lòng thể loại này vẫn còn lưu giữ một vài đặc điểm, tố chất của thể loại kia. Nếu như truyền thuyết lịch sử bắt buộc có sự hiện diện của yếu tố lịch sử thì ngược lại, trong một số truyện lịch sử vẫn còn xuất hiện chi tiết hư cấu - yếu tố đặc trưng của truyền thuyết.

Tóm lại, truyền thuyết là những truyện dân gian có cái lõi lịch sử, màu sắc huyền ảo, nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Truyền thuyết không phải là chính sử mà chỉ là dã sử. Truyện lịch sử là những truyện với yếu tố căn bản, cốt lõi là sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử chứa đựng chi tiết hư cấu và thể hiện thái độ, tư tưởng, đánh giá của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện lịch sử.

Tuy cùng thuộc về thể loại tự sự nhưng truyền thuyết thuộc về văn học dân gian, còn truyện lịch sử lại thuộc về văn học viết (văn học bác học). Là văn học dân gian, truyền thuyết bắt buộc phải có “chất dân gian”. Một trong những biểu hiện của nó là “tính tập thể”. Khởi đầu, có thể tác phẩm được sáng tác bởi một cá nhân nào đó. Nhưng sau quá trình lưu truyền, sản sinh, nó phải trở thành sở hữu tập thể. Tác phẩm khi ấy không còn được lưu dấu cá tính, tình cảm riêng của một cá nhân nào. Ngược lại, truyện lịch sử thuộc về văn

học viết nên bắt buộc phải in đậm phong cách, cá tính tác giả. Các tác giả, khi viết truyện lịch sử, luôn phấn đấu thể hiện hết tài năng, dũng khí, phong cách diễn đạt của mình vào trang viết. Tuy nhiên, sự khác biệt của truyện lịch sử cũng chính là đây. Ngôn ngữ sử dụng trong truyện lịch sử là ngôn ngữ khách quan, các tác giả khi viết truyện phải tôn trọng nguyên tắc khách quan, tính chính xác của lịch sử, làm sao đảm bảo truyền tải chính xác nội dung lịch sử nhưng vẫn dễ dàng đi sâu vào lòng người với chất liệu và ngôn ngữ mộc mạc, đời thường. Tác phẩm phải tôn trọng lời ăn, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán của con người trong những giai đoạn lịch sử ấy. Truyện lịch sử thường mượn truyện xưa nói chuyện đời nay, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của quá khứ và bày tỏ sự đồng cảm với những con người, thời đại đã qua. Song, không vì thế mà “hiện đại hóa” người xưa, phá vỡ tính chân thật, tính lịch sử của thể loại này. Đặc điểm này của truyện lịch sử nói riêng và các thể loại văn học lịch sử nói chung đòi hỏi nhà văn phải vừa là nghệ sĩ vừa là nhà nghiên cứu, tiếp cận lịch sử, có những hiểu biết phong phú và quan điểm lịch sử đúng đắn, tiến bộ.

Truyền thuyết là thể loại rất phong phú về số lượng và được sáng tác một cách có hệ thống. Bùi Quang Thanh gọi đó là tính phong phú và tính hệ

thống và cũng là đặc tính riêng biệt của thể loại. Do đặc tính đó, tác phẩm

truyền thuyết không bao giờ tồn tại riêng lẻ. Nó luôn hiện hữu trong hệ thống những tác phẩm cùng khai thác một biến cố, sự kiện, một nhân vật lịch sử (ví dụ hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi, về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương,...). Truyền thuyết luôn trôi nổi theo dòng lịch sử, luôn sống trên cửa miệng, trong tâm trí người dân. Đặc biệt, không khí diễn xướng chính là môi trường sống và sản sinh nhiều dị bản. Khác văn bản viết, mỗi dị bản truyền thuyết dân gian ấy “đều có giá trị ngang nhau trong tư cách là

một chứng cớ lịch sử, một mốc phát triển lịch sử của truyền thuyết”. Ngược

lại, truyện lịch sử luôn “an vị” trong một phần mục nào đó của bộ chính sử (bản kỉ, liệt truyện, chí). Nó luôn là câu chuyện duy nhất về nhân vật lịch sử trong bộ sử. Cho dù cuộc đời thay đổi, thế sự có thăng trầm nhưng không ai

được quyền chỉnh sửa câu chuyện lịch sử (đã hoàn chỉnh) ấy, kể cả chính sử gia. Nó không thể thay đổi và cũng không chấp nhận dị bản. Đây mới là tiêu chí đánh giá xem lịch sử của chúng ta có đúng là lịch sử hay không. Lịch sử đòi hỏi tính chính xác và tính chân thực.

Truyền thuyết là văn học dân gian nên tác giả cũng thuộc về dân gian. Đó là tập thể quần chúng và cả những trí thức gần dân. Rất nhiều khả năng người kể truyền thuyết đầu tiên là những trí thức phong kiến. Họ là nho sĩ nhưng không chịu đánh giá lịch sử theo tư tưởng chính thống. Đinh Gia Khánh nhận xét, tác phẩm của họ “theo phong cách dân gian và sau khi được

dân chúng truyền khẩu thì ngày càng được dân gian hóa”. Trong khi đó,

truyện lịch sử được sáng tác, gây dựng nên bởi cá nhân các tác giả, mang đậm phong cách của mỗi nhà văn. Đặc điểm này dẫn đến hệ quả là, trong truyền thuyết lịch sử, người kể chuyện phải đặt mình vào nhân dân, cất lên tiếng nói biết ơn, ngưỡng mộ, tôn thờ người anh hùng dân tộc. Còn trong truyện lịch sử, nó còn thể hiện thái độ của nhà văn hoặc của cả một cộng đồng đối với nhân vật lịch sử được nêu trong truyện.

Đặc điểm và cách xử lý các sự kiện lịch sử giữa hai thể loại này?

Từ những sự kiện lịch sử ngoài đời thực, truyền thuyết và truyện lịch sử đưa nó vào tác phẩm. Tuy nhiên, truyền thuyết không xem sự kiện lịch sử là mục tiêu phản ánh. Sự kiện, với nó, chỉ là điều kiện cần để tác giả dân gian kể lại trọn vẹn một biến cố lịch sử, từ đó nêu lên một vấn đề thuộc đời sống văn hóa tinh thần. Còn ở truyện lịch sử, sự kiện là một khâu quan trọng, thiết yếu để tác giả khắc họa sống động nhân cách, tài năng của nhân vật.

Về cách xử lý, thông qua các sự kiện lịch sử, truyền thuyết gạt bỏ những gì là ngẫu nhiên, thứ yếu, đồng thời tìm cách phát hiện ra bản chất của biến cố lịch sử, phát hiện ra “tính cách dân tộc”và “cá tính lịch sử”. Truyền thuyết cũng sẵn sàng tô vẽ, sửa đổi sử theo quan điểm nhân dân. Còn trong truyện lịch sử, tác giả sẽ chọn lấy các sự kiện giúp nhân vật lịch sử thể hiện rõ nhất tài năng và nhân cách của mình. Tuy nhiên, khi xử lý sự kiện lịch sử, về nguyên tắc, tác giả cần tôn trọng sự thật, khách quan, không được làm sai lạc

lịch sử, không được gạt bỏ hoặc thêm thắt chi tiết theo chủ quan người viết mà làm mất đi tính xác thực của các yếu tố lịch sử.

Ngôn ngữ trong truyền thuyết chú trọng tính biểu cảm nên mẫu câu rất đa dạng. Tác phẩm dùng nhiều từ ngữ biểu cảm và khai thác tối đa ngôn ngữ toàn dân. Đây cũng là phương cách đưa tác phẩm hòa nhập sâu rộng vào đời sống dân gian. Trái lại, ngôn ngữ trong truyện lịch sử chú trọng tính thông

tin, tái hiện không khí thời đại xưa, con người xưa. Bởi vậy truyện lịch sử có

xu hướng dùng câu ngắn gọn, từ ngữ hàm súc, chứa đựng nhiều thông tin song cũng không kém phần biểu cảm.

Giọng kể: Cách đánh giá nhân vật trong truyền thuyết và lịch sử giống nhau ở chỗ, đều theo tinh thần “cái quan định luận”. Tuy nhiên, nếu truyền thuyết chủ yếu mang âm điệu ngợi ca, tôn vinh thì truyện lịch sử lại không chỉ dừng lại ở đó, ngoài âm điệu ngợi ca, tôn vinh ra nó còn có khen, có chê, đôi khi mỉa mai kín đáo. Điều này xuất phát từ chức năng thể loại: truyền thuyết nhằm tôn vinh người có công với dân tộc còn truyện lịch sử không chỉ tôn vinh và ngợi ca mà còn để lại bài học ứng xử cho hậu thế. Đó mới chính là cái cốt của truyện lịch sử.

Chức năng tác phẩm: Cả truyền thuyết và truyện lịch sử đều có chức năng là đánh giá sự kiện và con người lịch sử theo cách nhìn của nhân dân. Nhưng nếu truyền thuyết chỉ nhằm thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ, tôn thờ người có công đức đối với nhân dân và dân tộc thì truyện lịch sử lại kết hợp ca ngợi, tôn vinh các anh hùng nhằm đưa ra những tấm gương làm bài học đối nhân xử thế, bài học giáo dục cho các thế hệ sau.

Truyền thuyết lịch sử và truyện lịch sử có mối quan hệ khăng khít với nhau từ xa xưa. Chính đặc điểm và sự vận động nội tại của chúng đã khiến chúng dễ bị đồng nhất hoặc nhầm lẫn. Truyền thuyết lịch sử và chuyện kể lịch sử dù đôi chỗ còn quan hệ khá nhập nhằng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt, không gây khó khăn lắm cho việc nhận diện từng thể loại. Vì vậy, chúng ta không nên tiếp tục đồng nhất chúng.

Trong số những điểm khác nhau, tiêu chí mang tính quyết định dùng phân biệt truyền thuyết lịch sử và truyện lịch sử chính là cách thức xây dựng

hình tượng nhân vật lịch sử. Nếu như truyền thuyết có xu hướng làm bật tính

phi thường, tầm vóc kỳ vĩ của nhân vật bằng sự hư cấu, phóng đại thì truyện lịch sử lại có xu hương khắc họa nhân cách, tài năng nhân vật lịch sử mà không được quyền làm thay đổi hoặc làm mất đi tính xác thực của các sự kiện lịch sử gắn liền với các nhân vật lịch sử dù có sử dụng yếu tố kì ảo, hư cấu.

Như vậy, với các thể loại cùng nằm trong cấu trúc tự sự, dù truyền thuyết và truyện lịch sử mang nhiều nét tương đồng nhưng truyện lịch sử cũng thể hiện được những đặc trưng riêng, những điểm khác biệt của mình.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của thể loại truyện lịch sử trong môn tiếng việt ở nhà trường tiểu học (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)