BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC TRONG DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP
2.1.2. Khái quát về hoạt động dạy học
Những năm gần đây, do càng ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phương pháp dạy học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, các cấp quản lí giáo dục đã liên tục phát động phong trào cải tiến phương pháp dạy học. Các buổi hội thảo chuyên đề, các cuộc triển lãm đồ dùng dạy học, các buổi thao giảng... đã được tổ chức, động viên được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo giáo viên Tiểu học và thu hút được sự tham gia của nhiều cán bộ nghiên cứu giáo dục, cán bộ giảng dạy các trường sư phạm. Qua đó, các phương pháp giảng dạy truyền thống như giảng giải, đàm thoại, trực quan, thực hành, ôn luyện... được cải tiến, vận dụng theo hướng phát huy tính tích cực của người học. Nhiều nơi đã sắp xếp lại tổ chức theo hướng phân hóa trình độ học sinh, làm cho việc giảng dạy sát đối tượng hơn, phát huy được khả năng của học sinh giỏi mà không ảnh hưởng đến trình độ lĩnh hội của học sinh trung bình, yếu, kém. Cơ sở vật chất của nhà trường được sửa sang . Đời sống giáo viên từng bước được cải thiện, trong đó những giáo viên giỏi được ưu tiên, khuyến khích. Những cố gắng đó đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa vượt khỏi quỹ đạo của phương pháp dạy học truyền thống đã hình thành hàng trăm năm trước là hướng vào hoạt động của người dạy, tạo ra sự mất cân đối rõ rệt giữa hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Cụ thể:
Giáo viên giảng dạy kiến thức đã được ổn định trong chương trình và sách giáo khoa chủ yếu bằng phương pháp thuyết trình, giảng giải; còn học sinh thì thụ động tiếp thu kiến thức. Đôi khi thầy có đàm thoại hay dùng đồ dùng trực quan... thì cũng chỉ nhằm cho trò hiểu được, nhớ được lời thầy giảng để làm được bài tập thầy ra.
Giáo viên và học sinh dều phụ thuộc vào chương trình và tài liệu học có sẵn được thiết kế thiên về lí thuyết theo một hệ thống chặt chẽ, chung cho mọi học
sinh, chung cho mọi hoàn cảnh. Hoạt động của thầy và trò giới hạn trong bốn bức tường, lấy bàn giáo viên và bảng đen làm trọng tâm thu hút sự chú ý của mọi học sinh.
Giáo viên là người duy nhất có quyền đánh giá kết quả học tập của học sinh. Học sinh ít có khả năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.
Mọi giá trị truyền thống được chấp nhận. Mọi điều ghi trong sách là chân lí. Còn thầy là người hiểu biết mọi lĩnh vực, nói và làm đều đúng, là đỉnh cao không thể vượt qua. Tiêu chuẩn để đánh giá trò là ghi nhớ, tái hiện đúng những điều thầy giảng theo sách giáo khoa.
Hạn chế của cách dạy này là:
- Học sinh học tập thụ động, tư duy không được vận hành để chủ động nắm lấy tri thức nên tri thức tiếp thu được không vững. Tính thụ động lâu dần thành thói quen sẽ hạn chế trình độ phát triển tư duy, phát triển nhận thức.
- Học sinh không được chuẩn bị đúng mức để hoạt động độc lập và sáng tạo, khó thích ứng với yêu cầu học tập cao hơn ở các lớp trên, càng khó thích ứng hơn với muôn màu muôn vẻ của cuộc sống sau này.
- Năng lực cá nhân của học sinh không có điều kiện bộc lộ và phát triển nên hứng thú học tập bị giảm sút, những thói hư, tật xấu dễ phát sinh.
Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết:
Cho đến nay, nhiều người vẫn coi học sinh Tiểu học là đối tượng chỉ nói theo, nghe theo, làm theo khuôn mẫu có sẵn. Quan niệm như vậy có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mọi hoạt động giáo dục ở cấp học này càng chú ý tập trung vào hoạt động dạy của giáo viên. Mọi cải tiến cũng chỉ nhằm cho hoạt động dạy và tích cực hóa sự tiếp nhận thông tin có sẵn của học sinh. Hoạt động học của học sinh chưa được coi trọng đúng mức, đặc biệt chưa quan tâm, đúng mức đến sự phát triển của từng cá nhân học sinh.
Vì vậy, trường Tiểu học cần rèn cho học sinh tính năng động, sáng tạo bằng cách sớm chuyển sang dạy học theo hướng tích cực hóa người học, cá thể hóa dạy học, làm cho học sinh có được những phẩm chất, năng lực cần thiết đáp ứng nhu
cầu của công cuộc đổi mới sâu sắc đang diễn ra trên đất nước ta - Một sự nghiệp cần có những người có năng lực, có bản lĩnh, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thích ứng được với đời sống xã hội đang từng ngày từng giờ thay đổi. Điều đó cũng phù hợp với xu thế giáo dục của khu vực và thế giới là dạy học phát huy năng lực, sở trường của người học, làm cho người học linh hoạt và sáng tạo tiếp thu tri thức, tạo tiền đề cho Việt Nam hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.