BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC TRONG DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP
2.1.3. Tình hình dạy học phân môn Tập đọc ở trường Tiểu học Lê Đồng
Trong quá trình dạy phân môn Tập đọc, việc vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học mới của nhiều giáo viên còn phần nào hạn chế. Có nhiều giáo viên còn chú ý tập trung cho việc dạy đúng quy trình một tiết Tập đọc, tìm hiểu nội dung bài đọc và luyện đọc theo đúng quy trình. Cụ thể giáo viên chủ yếu dựa vào các câu hỏi của sách giáo khoa để vấn đáp học sinh, chưa phát huy được tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh. Giáo viên truyền thụ một cách máy móc, còn học sinh thì tiếp nhận tri thức một cách thụ động, mà vấn đề cốt lõi của đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là phát huy sức sáng tạo của giáo viên và khơi dậy mọi tiềm năng vốn có của học sinh. Như vậy việc nâng cao kiến thức và khả năng cảm thụ văn học cho học sinh chưa được giáo viên chú trọng.
Dạy Tập đọc lớp 5 - có một điều mà bất cứ giáo viên nào khi giảng dạy cũng phải thừa nhận rằng: Năng lực đọc của học sinh còn rất hạn chế. Đặc biệt là năng lực cảm thụ văn học. Đa số các em chưa thể cảm nhận và phát hiện những cái hay, cái độc đáo của bài văn, bài thơ. Thiết nghĩ đây là một vấn đề hết sức quan trọng giúp học sinh có năng lực viết văn, trau dồi vốn ngôn ngữ để giao tiếp và hơn thế nữa là giáo dục tâm hồn trong sáng cho các em. Song thực tế dạy học cho thấy vấn đề này còn nhiều hạn chế từ cả hai phía: người học và người dạy.
Xuất phát từ tình hình thực tế học sinh và yêu cầu về giáo dục toàn diện, chuẩn bị tiền đề cơ bản để học sinh Tiểu học tiếp tục tham gia học các lớp trên. Thì việc tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc trên là điều hết sức cần thiết.